TÔN KÍNH TƯỞNG NHỚ VỀ ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT
Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 2022), Nhà nước đã tổ chức lễ lớn tại Vũng Liêm – Vĩnh Long. Nơi có khu tưởng niệm Cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt. Xin trân trọng giới thiệu trích đoạn các bài viết đã sưu tầm trên Facebook của Nguyễn Văn Nghĩa cùng bạn đọc (được đăng rải rác, nay gôm lại). Với sự kính trọng, xin thắp những nén hương kính dâng lên hương hồn đồng chí Võ Văn Kiệt với tất cả tấm lòng tri ân. NBT.
KHÔNG AI CHỌN CỬA ĐỂ SINH RA
Ngay sau khi giải phóng miền Nam, năm 1977, ông ( Võ Văn Kiệt ) phát biểu một thông điệp với thanh niên Sài Gòn đầy ấn tượng, mà sau này, khi ông nằm xuống nhiều người còn nhắc lại.
Ông nói :…
- Thế hệ trẻ đang lớn lên ở thành phố ta ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau,chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau. Không ai chọn cửa để sinh ra. Đối với mỗi người tuổi trẻ đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là người chủ tương lại của thành phố. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và rất thanh thản trong tâm hồn.Không phân biệt đối xử trên con đường đi tới .
Trích sách Chân Dung Bằng Chữ, tác giả Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương.
“ TÔI TRÂN TRỌNG NHỮNG NGƯỜI CÓ CHỦ KIẾN “
Ông Võ Văn Kiệt luôn có bản lĩnh riêng :
“ Tôi thích và trân trọng những người có chủ kiến, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những việc mình làm; luôn tìm tòi , sáng tạo vươn lên.Tôi không chịu những người thiếu trung thực, không thích những người luôn thụ động,không dám chịu trách nhiệm , nói hay , làm dở và những người tự say sưa với mình.
Nguồn: sách Chân dung bằng chữ, Trần Thanh Phương & Phan Thu Hương, Nhà Xuất bản Văn hóa Văn Nghệ 2011.
THỰC TÂM, THỰC HỌC, THỰC TÀI
Ngay sau khi giải phóng miền Nam, năm 1977, ông ( Võ Văn Kiệt ) phát biểu một thông điệp với thanh niên Sài Gòn đầy ấn tượng, mà sau này, khi ông nằm xuống nhiều người còn nhắc lại.
Ông nói :…
- (…) Xã hội phải đối xử công bằng với tất cả lớp người trẻ đi lên với xã hội này, ai ai cũng có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Vì lợi ích của toàn xã hội, chúng ta lấy THỰC TÂM, THỰC HỌC, THỰC TÀI làm tiêu chuẩn, không để quá khứ này ràng buộc tương lai mà hạn chế chí tiến thủ và hoài bão cống hiến của mỗi người trẻ tuổi."
Trích sách Chân Dung Bằng Chữ, tác giả Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương, Nhà Xuất bản Văn hóa Văn Nghệ 2011.
KINH VÕ VĂN KIỆT
Kinh T5 dài 48 km, bắt nguồn từ xã Lạc Qưới giáp kênh Vĩnh Tế (An Giang) đến Hòn Đất (Kiên Giang) đã đi vào lịch sử khi góp phần thay đổi cả Tứ giác Long Xuyên rộng lớn ngập úng nước phèn thành vùng đất nước ngọt trù phú mênh mông, điện sáng lúa vàng .
Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người có công lớn với sự hình thành của dòng kinh đặc biệt ấy. Nhớ ơn Thủ tướng, người dân vùng Tứ giác Long Xuyên đã tôn kính gọi tên kinh T5 là "kinh ông Kiệt".
Cùng với tên Kinh Võ Văn Kiệt, UBND tỉnh An Giang cũng đã xây dựng công viên và bia lưu niệm tại đầu kinh T5 giáp với kinh Vĩnh Tế.
Nội dung văn bia như sau:
NHỚ ƠN THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT
“Người nhờ đất để sống, đất nhờ người có tên, người nhờ người dẫn lối. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta.
Nơi đây, ngày 25-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên đường khảo sát hướng thoát lũ ra biển Tây, đã lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân, trên dưới đồng lòng, hướng lớn tìm thấy. Ngay sau khi khai thông dòng kinh, nhân dân đã gọi là “Kinh Ông Kiệt”. Tại kỳ họp lần thứ 14 năm 2009, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã chính thức đặt tên “Kinh Võ Văn Kiệt”.
Con kinh này là trục chính trong hệ thống các công trình thủy lợi thoát lũ ra biển Tây, hạn chế ngập lụt đầu nguồn sông Cửu Long, đưa nước ngọt phù sa tưới tiêu, rửa phèn khai mở vùng Tứ giác Long Xuyên, đã đưa sản lượng lúa tăng gắp bội, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn trong vùng, ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam bộ. Nhân dân gọi đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”.
Kinh Võ Văn Kiệt nối tiếp kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc!”.
Ý NGUYỆN CUỐI CÙNG CỦA CHÚ SÁU DÂN-VÕ VĂN KIỆT:
- được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung .
***
Ý nguyện cuối cùng của ông vẫn không thực hiện được.
Bốn mươi năm sau ngày vợ mất, ông vẫn hy vọng tìm được mộ vợ con. Rất nhiều lần ông cùng con gái Hiếu Dân đi dọc bờ sông SàiGòn , đoạn Bến Dược để tìm. Hai bên bờ sông cây rừng che kín, ít có người ở.Nhiều nấm mộ vô danh. Ông đi tìm lúc tóc còn xanh đến khi tóc đã bạc trắng. Hy vọng tìm được mộ vợ con ngày càng xa vời theo năm tháng...
Sau ngày ông mất, gia đình tìm thấy một lá thư trong cuốn sổ cá nhân của ông gởi Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ Vĩnh Long.
Xin trích một đoạn :
“Trước đây , tôi có ý định khi qua đời, tôi được nằm tại quê nhà-sanh ở đâu về nằm xuống ở đó. Nhưng tôi có một hoàn cảnh riêng khá đặc biệt, người vợ quá cố của tôi và hai con tôi nằm xuống tại một đoạn sông Sài Gòn không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (năm 1966). Những nỗi đau không nguôi sau gần 30 năm và từ đó tôi có một nguyện vọng: khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng với những lời hẹn ước ban đầu. Đó cũng là truyền thống thủy chung của dân tộc.Vậy là đúng đạo lý của con người bình thường. Nếu có một thế giới nào ở phía bên kia thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi. Còn không- chắc là không, thì tâm hồn tôi cũng được thanh thản.”
Phụ chú thêm của Trung Trí: Sau khi người mất, lễ tang được tổ chức tại TP.HCM. Mộ Đồng Chí VÕ VĂN KIỆT hiện nằm chung trong khu mộ ở Nghĩa trang Thành Phố (P.Linh Trung, quận Thủ Đức - TPHCM). Trong nghĩa trang này còn có các mộ: Mộ phần cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Đại tướng Mai Chí Thọ, cố NSND Bảy Nam và nhiều người . . . . không thể nhớ và không biết hết.
Trung Trí sưu tầm.
Nguồn Facebook của Nguyễn Văn Nghĩa
Mời xem thêm Đồng chí Võ Văn Kiệt với Thanh niên Xung phong TPHCM - Linh Phụng
Mời xem thêm phim trên Youtube của HTV9 (dài 58p26gi).
(179) HTV TỌA ĐÀM: ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN KIỆT - NHÀ LÃNH ĐẠO DẤN THÂN VÀ KIẾN TẠO - YouTube
Hình minh hoạ sưu tầm trên Internet. Xin cám ơn các tác giả.
|