|
Truyền thống Liên đội 303 TNXP Biên Giới
Liên đội 303 BG làm nhiệm vụ phục biên giới phía Tây –Nam và làm nghĩa quốc tế trên đất Kampuchia, trên một địa bàn rộng và hiểm trở, các đại đội trực thuộc, thậm chí đến trung đội, tiểu đội phải làm nhiệm vụ và đóng quân phân tán cách xa nhau. Nhiệm vụ phục vụ chiến trường nặng nề kết hợp với nhiệm vụ chiến đấu chống quân Khmer đỏ. Đơn vị phải liên tục cáng thương chuyển đạn lên chốt an toàn cho bộ đội, họ phải hành quân dưới tầm đạn. Trung đội 1 thuộc đại đội 2 với 12 Thanh niên xung phong trên đường tải đạn chỉ có đòn gánh trong tay cũng bắt được hai tên giặc và thu hai súng…(Sơ thảo lịch sử TNXP)
Liên đội 303 thuộc Tổng đội 3 biên giới chọn ngày thành lập là 14.6.1978, ngày mà Liên đội 5 thuộc Tổng đội 7 (đơn vị tiền thân), từ Nông trường Lê Minh Xuân TPHCM chính thức lên đường ra biên giới làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu với quân số trên 500 người và được biên chế thành 4 đại đội, đóng quân tại Rừng Nhum thuộc xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, sau đó chuyển quân về xã Ta Ei trên đất bạn Kampuchia. Liên đội được phân công phối hợp với Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 để làm nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, làm đường chống lầy, bốc xếp đạn dược, lương thực thực phẩm, khâm liệm, chôn cất liệt sỹ…Sau một tháng ở chiến trường, Liên đội 303 đã ổn định, công tác phục vụ chiến đấu đi vào nề nếp.
Tiền thân xa xưa hơn, của Liên đội 303 thuộc Tổng đội 3 biên giới là Liên đội Cơ động 12, được chính thức thành lập vào ngày 27.3.1977, có quân số ban đầu gần 600 người, đa số là thanh niên quận Phú Nhuận, đóng quân tại kênh C Nông trường Lê Minh Xuân với nhiệm vụ khai hoang, đào kênh cấp 4, lên líp trồng thơm và cơ động tham gia các công trình thủy lợi Trần Quang Cơ, tuyến kênh tưới Tam Tân… Đến tháng 9.1977, Liên đội được bổ sung thêm 300 người từ Liên đội Cơ động 3 và từ huyện Hóc Môn chuyển sang. Đến tháng 5.1978, Liên đội Cơ động 12 được thay đổi phiên hiệu thành Liên đội 5 thuộc Tổng đội 7, sau đó được tiếp tục tăng cường hơn 200 đội viên của Liên đội Cơ động 10 để chuẩn bị tham gia phục vụ chiến đấu ở biên giới Tây Nam.
Đầu tháng 8.1978, Liên đội 5 thuộc Tổng đội 7 được thay đổi phiên hiệu thành Liên đội 303 thuộc Tổng đội 3 biên giới. Đến cuối tháng 10.1979, Liên đội 303 đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và nhiệm vụ quốc tế cao cả và trở về nước. Sau đó Liên đội 303 giải thể, quân số được bố trí bổ sung về các đơn vị sản xuất của Công trường Nhị Xuân.
Tổng kết quá trình phục vụ chiến đấu, Liên đội 303 sau 17 tháng trên chiến trường biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã có 33 TNXP hy sinh được Nhà nước công nhận liệt sỹ, 07 người được hưởng chế độ thương binh theo quy định của Nhà nước.
Suốt quá trình phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam, nhiều tập thể, cá nhân của Liên đội đã được khen thưởng các danh hiệu cao quý, gồm: 1 Huân chương chiến công Hạng II, 2 Huân chương chiến công hạng III, 1 Huy chương Tuổi trẻ Anh hùng bảo vệ Tổ quốc của Trung ương Đoàn, 2 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu khác.
Trịnh Sáu - Trung Trí
(theo tư liệu của Liên đội 303 BG và LLTNXP TPHCM)
Đội viên TNXP đang công tác phục vụ biên giới - Ảnh: tư liệu LLTNXP TPHCM.
|
|