|
KÝ ỨC KHÔNG THỂ NÀO QUÊN VỀ LS VÕ THỊ NGỌC MAI - ĐỒNG NGHĨA.
Ba mươi sáu năm trước, ngày 28/9/1976, người nữ học sinh hay hát, người chị cả trong gia đình, Chị Võ Thị Ngọc Mai, mới 17 tuổi, đã theo tiếng gọi của tổ chức Đoàn, tình nguyện tham gia vào Lực Lượng TNXP Thành phố, cùng các bạn trẻ tích cực tham gia phong trào “TNXP khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh”.
Những ngày đầu tiên trong màu áo TNXP tại Nông trường Lê Minh Xuân, từ một học sinh chưa từng biết cầm cuốc, cầm len, Chị đã cùng đồng đội tham gia đào kênh, tháo nước phèn, chống úng, đắp đường,biến vùng đất sình lầy, từng phủ đầy cỏ năng dày đặc trở thành một cánh đồng thơm 80 ha, góp phần cùng các đơn vị khác mang lại giá trị kinh tế cao cho Lực lượng TNXP và thành phố.
Đầu tháng 6/1978, 3 tháng trước ngày hoàn thành 02 năm nghĩa vụ TNXP, Chị đi phép về thăm gia đình và cũng để thưa với cha mẹ rằng mình đã tình nguyện tham gia đi phục vụ chiến đấu để góp phần bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Ngày 14/6/1978, Chị đã cùng 500 đồng đội của Liên đội 5 – Tổng đội 7 (sau này là Liên đội 303) đổ quân xuống Ngã ba đường đắp Thầy Tư, cạnh bìa rừng Nhum (cách cột mốc biên giới 500m), thuộc xã biên giới Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, bắt đầu giai đoạn phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Là hướng tấn công quan trọng, với đặc điểm địa hình vùng trũng, lầy lội, theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7, Liên đội 5 đã tổ chức từng Trung đội trực tiếp phối thuộc với các đơn vị bộ đội theo nhiều cánh, thực hiện nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, thông đường, chống lầy – đưa pháo vào trận địa, bốc xếp đạn dược – lương thực thực phẩm, vận chuyển thương binh, tử sỉ về trạm phẩu hậu cứ Sư đoàn.
Chị Võ Thị Ngọc Mai nằm trong Tiểu đội nữ của Trung đội 3 – Đại đội 3, phối thuộc với Tiểu đoàn 25 Công binh, làm nhiệm vụ thông đường, chống lầy, đảm bảo tuyến đường giao thông cho bộ đội từ Rừng Nhum sang đến Koky Som trên đất Campuchia. Mặc dù chỉ có hơn 10km đường, nhưng vì là đoạn đường lún nặng, đơn vị phải thường xuyên san lấp, chèn cây nhiều lớp, tạo lực đàn hồi để đảm bảo thông đường, nên phải hơn 40 ngày bám đường, đoạn đường này mới ổn định, đảm bảo cho xe bộ đội thông suốt.
Chiều ngày 21/7/1978, do yêu cầu phải bám sát theo bộ đội đang vận động tấn công quân Khmer đỏ, Trung đội 3 đã di chuyển lên chốt chặn gần Ngã ba Koky Som để chống lầy, giữ an toàn cho tuyến đường huyết mạch của mặt trận.
Chính tại nơi đây, đã xảy ra một sự kiện rất đau buồn, để lại trong lòng từng cán bộ đội viên TNXP của Liên đội 5 cũng như của toàn Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh một dấu ấn sâu sắc, mãi mãi không thể nào quên.
Rạng sáng ngày 22/7/1978, 01 Tiểu đoàn đặc công của Khmer đỏ đã luồn sâu vào phía sau mặt trận, trên đường đi chúng đã chạm trán và tấn công vào Trung đội 3. Do kinh nghiệm chiến đấu còn non nớt, chưa được trang bị đầy đủ vũ khí, phần bị tập kích bất ngờ, nên mặc dù chống trả quyết liệt để chờ bộ đội chi viện; nhưng khi Sư đoàn 7 điều quân đến bao vây, tấn công đến gần 16 giờ chiều mới kết thúc cuộc chiến, tiêu diệt toàn bộ quân địch gồm 96 tên thì 24 đồng chí (Chị Võ Thị Ngọc Mai là 01 trong 07 chị nữ) đã anh dũng hy sinh, chỉ còn 02 người sống sót và bị thương nặng là chị Nguyễn Thị Lý và anh Nguyễn Văn Tuấn.
Chị Mai và 23 đồng chí hy sinh trong ngày 22/7/1978 đều được Tổ quốc Ghi công, được Đảng và Nhà nước công nhận là Liệt sĩ; Hài cốt của Chị nay đã được đưa về an táng trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, mộ chí ở vị trí ngay phía sau tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Đối với chúng tôi, những cựu TNXP từng được tham gia phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chúng tôi luôn xem sự hy sinh anh dũng của Chị Mai cùng 23 đồng chí thuộc Liên đội 303 là một Tượng đài để mình phải mãi mãi nhìn và khắc cốt ghi tâm.
Chúng tôi thật lòng mong muốn trong thời gian tới, tổ chức cựu TNXP sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục chăm lo cho các gia đình Liệt sĩ, Thương binh cũng như các cựu TNXP còn gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc sống; Được như vậy, anh em chúng tôi mới cảm thấy an lòng, mới yên tâm gặp nhau và cùng nói với nhau “Đồng đội TNXP, một thời và mãi mãi”.
ĐỒNG NGHĨA
Mộ chí của 24 Liệt sĩ hy sinh ngày 22/7/1978 tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.
|
|