Cầu không vận trên chiến trường Soài Riêng - Campuchia.
Ghi lại theo lời kể của:
- anh Trịnh Văn Sáu , Liên đội phó hậu cần (0982.712.221)
- chị Phạm Thị Lan, (012.6870.8390)
Mùa mưa năm 1978, tất cả 3 trung đoàn 304, 308 và 209 của sư đoàn 7 đều tiến sâu vào địa phận tỉnh Soài Riêng. Trục chính để triển khai các đợt tấn công mở rộng hành lang an toàn cho vùng biên giới là con đường đất nối liền Rừng Nhum của huyện Bến Cầu với Ngã Ba Chớp trên đất Miên dài gần 40 km. Đây là con đường tiếp vận duy nhất cho các đơn vị ở tuyến đầu và do đó không thể bị cắt đứt trong bất kỳ tình huống nào. Không kể những trận đột kích và xâm nhập gài mìn chống cơ giới của Khơme đỏ trên lộ trình huyết mạch này, những cơn mưa lớn kéo dài cũng gây nhiều trở ngại và trì trệ cho công tác chi viện ra phía trước. TNXP phải đốn cây chất thành nhiều lớp chống lầy một đoạn dài gần 10 km từ Rừng Nhum tới Ngã Ba Tà I. Nhưng có một khúc đường đất thấp dài gần 1km ở lúc đầu còn sử dụng được sau không thể chống lầy do lớp bùn nhão qúa dày, nhiều nơi sâu tới nửa bánh xe tải. Nếu phải đi bộ , đeo một cây tiểu liên và lội sình qua khúc đường này mất không dưới một giờ đồng hồ. Không có bất cứ một chiếc xe nào qua được, cho dù đó là xe bánh xích có khả năng di chuyển dễ dàng trên mặt ruộng ngập nước. Và đó chính là trở ngại lớn nhất, khó khăn lớn nhất cho công tác tiếp vận trong khi hàng ngày ba trung đoàn tác chiến sử dụng rất nhiều lương thực và đạn dược.
Vì thế Bộ Tư lệnh mặt trận đã quyết định lập cầu hàng không. Mỗi ngày có nhiều trực thăng vận tải đáp xuống Ngã Ba Tà I không theo một biểu thời gian cố định nào. Đó là loại CH- 47 tiếp quản từ các căn cứ không quân của chế độ cũ mà bộ đội thường gọi là “ Sâu Rợm”, sơn màu xám đen có hai chóng chóng lớn, phía sau có cửa rộng để vận chuyển hàng hóa lên xuống. Phải trời nắng mới có chuyến bay bởi lẻ đơn giản không thể bốc xếp gạo khi trời đang mưa và trực thăng thì không thể dừng lâu trên bãi đáp dã chiến là mặt ruộng để đợi cho mưa tạnh. Lúc đó tôi là đội viên tiểu đội nữ thuộc đại đội 4. Đại đội trưởng Lê Thị Lãng phân công tiểu đội nữ và một tiểu đội nam trực chiến ngay tại bãi đáp và chỉ đạo hễ trực thăng đáp xuống là phải dồn sức tập trung bốc gạo và đạn dược lên xe vận tải trong thời gian ngắn nhất.
Thông thường trực thăng phải tắt máy, đợi bốc xếp hàng hóa xong mới khởi động máy trở lại, như vậy tốn nhiên liệu rất nhiều. Nhưng anh chị em TNXP chúng tôi đã làm được thành tích nổi bật. Nhờ bố trí lao động đúng vị trí và sức lực của từng người và dây chuyền vận chuyển hàng hóa từ trực thăng đến xe vận tải không có khâu nào thừa nên tiến độ giải phóng hàng hóa nhanh hơn bình thường, trực thăng không cần phải tắt máy. Nhờ vậy tiết kiệm được cho bộ đội một lượng nhiên liệu lớn. Ở chiến trường Soài Riêng, bộ đội ta sử dụng nhiên liệu và đạn được theo chỉ tiêu thì TNXP tiết kiệm được nhiên liệu cho không quân xuyên suốt quá trình thực hiện cầu không vận là rất có ý nghĩa.
Điều quan trọng nhất là cầu không vận diển ra trong an toàn và thắng lợi mặc dù bãi đáp ở Ngã Ba Tà I và khu vực đồn trú của TNXP không tránh khỏi con mắt theo dõi của trinh sát và hoàn toàn nằm trong tầm tác xạ các loại đại pháo của Khơme đỏ. Không một chiếc trực thăng nào bị trúng đạn , không một cán bộ chiến sĩ hay đội viên TNXP nào bị thương vong hay tai nạn và không có một thứ hàng hóa nào bị thất thoát.
Cầu hàng không kéo dài xuyên suốt ba ngày trong tháng 7 và chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng khối lượng bốc xếp của bản thân tôi lên tới 9 tấn gạo. Điều này đã được ghi nhận trong báo cáo tổng kết công tác phục vụ chiến đấu của liên đội 303 trên chiến trường phía Tây Nam./.
Nguyễn Văn Nghĩa (19-20/5/2010)
Một số hình ảnh minh họa từ Internet.
|