Ngã Ba Trâu Chết: ngày ấy- bây giờ
Mùa mưa năm 1978.
Con đường từ bìa rừng Nhum tới Ngã Ba Trâu Chết dài gần 5 cây số, cắt ngang bờ đê phòng thủ biên giới, gồm 3 phần: một đoạn đường đất, tiếp theo là một đoạn đường có lót cây rừng do anh chị em Liên đội 303 chống lầy và đi tiếp một đoạn đường đất nữa thì đụng một con đường đất khác bên Kampuchia. Ngay ngã ba này có một trạm kiểm soát quân sự. Rất nhiểu anh chị em ở Liên đội 303 qua lại biên giới từ phía rừng Nhum để phục vụ chiến đấu trên đất Kampuchia đều biết khu vực này hồi đó được gọi là Ngã Ba Trâu Chết. Nhưng cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao có địa danh này.
Mùa mưa năm 2010.
Tôi trở lại Ngã Ba Trâu Chết nhân dịp theo đoàn làm phim của Truyền hình Việt Nam phỏng vấn anh Lê Đình Lộc , cựu Liên đội trưởng 303 - Tổng đội phó Tổng đội 3 Biên giới. Cùng đi có chị Võ Thị Bạch Tuyết, cựu Tổng đội trưởng Tổng đội 7 TNXP Thành đoàn và các anh trong BCH Liên đội 303 .
Đoàn làm phim đã thực hiện phỏng vấn cựu Liên đội trưởng Lê Đình Lộc ngay địa điểm được chọn để xây dựng đền tưởng niệm các liệt sĩ TNXP đã hy sinh trên chiến trường biên giới Tây Nam. Tại đây các anh chị cựu TNXP đã hướng tấm lòng và tình cảm của mình đến những liệt sĩ TNXP đã vì nước quên thân để người dân biên giới được sống trong yên vui và thanh bình.
Con đường đất vẫn còn đó, nhưng rộng hơn và không còn sình lầy, hoang tàn như hơn 30 năm về trước. Hai bên đường là những miếng rẩy khoai mì xanh tươi, những liếp mía reo vui trong gió lành, những thửa ruộng trải dài mạ non và đây đó có nhiều đàn trâu đang gặm cỏ. Khu vực Ngã Ba Trâu Chết ngày xưa nay đã có cột mốc biên giới. /.
(Nguyễn Văn Nghĩa- 10/6/2013)
Hướng tấm lòng và tình cảm đến những đồng đội liệt sĩ - Ảnh tư liệu của tác giả.
|