|
Trở lại rừng Nhum
Rời Tà Oan, đơn vị về lại rừng Nhum vào khoảng gần cuối tháng 11 đầu tháng 12/1978. Địa điểm đóng quân chắc có lẽ là hậu cứ của trung đoàn 209. Các chiến dịch của bộ đội ta trong những tháng mùa mưa đã đẩy lùi chiến tranh ra khỏi biên giới hàng chục cây số.
Nhờ vậy, chung quanh rừng Nhum, dân cư thưa vắng nhưng cuộc sống thanh bình đã trở lại với vùng biên giới. Không còn tiếng gầm rít của đại pháo, không còn tiếng mìn nổ trong đường rừng như hồi tháng 6, tháng 7. Hồi đó bìa rừng sát đường lộ đất ( chớ không như bây giờ, đường đất thành đường nhựa, rừng đã lui nhiều vào phía trong). Anh em thoải mái vào rừng kiếm thêm rau xanh. Tôi nhớ trong rừng lúc bấy giờ hố bom rất nhiều, hố này cách hố kia đều như bàn cờ. Sau mùa mưa, những hố bom này đều ngập nước. Có nhiều cây lớn, gốc một hai người ôm không xuể. Tôi gặp được một cây, dưới gốc có một bọng lớn , chui vào ngồi trong đó tránh mưa chắc chắn là không bị ướt. Buổi chiểu, nếu đứng ngoài bìa rừng thì thấy rất rõ sương trắng đang tuôn ra giống như có vị thần nào từ trong rừng sâu thổi sương ra ngoài.
Về lại rừng Nhum, có một kỷ niệm nhỏ. Lúc đó, anh Phạm Văn Phước, cở tuổi bố già Điều, làm anh nuôi. Một buổi sáng, anh vào rừng kiếm thêm rau xanh cho 2 bữa cơm trong ngày. Tới trưa anh em đợi hoài mà không thấy anh về , liền đổ xô vào rừng tìm kiếm. Anh em vừa len lỏi trong cây rừng vừa đồng thanh kêu lớn “Phước ơi, Phước”. Một hồi lâu không nghe thấy tiếng anh Phước trả lời. Tôi xin phép bên bộ đội cho phép bắn AK từng viên một, bắn nhiều lần để anh này nghe mà biết đường trở ra. Cách làm này đem lại kết quả tốt. Một lát sau , anh Phước từ trong rừng đi ra ngoài, khóc òa như trẻ nhỏ, mặt mày xanh lét như không còn hồn vía. Khi bình tỉnh lại, anh cho biết như có ai xúi giục mình vào rừng, đi hoài mà không biết đi đâu. Quá hoảng sợ, khi nghe anh em kêu và tiếng súng bắn thì mới biết là anh em đang kiếm mình.
Trở lại rừng Nhum, gần xóm làng, gần dân nên tinh thần thoải mái hơn. Gần như đã thành lệ, cơm chiều xong, anh em thả bộ ra nhà dân có khi ăn kẹo đậu phộng, có khi ăn vài miếng đường tán, rồi uống nước trà, hút thuốc đến tối mới về mà không cần mang theo súng. Đồng ruộng xanh tươi, những rẩy khoai mì cuốn theo chiều gió. Người dân yên tâm vào rừng kiếm củi, chặt nhánh cây Nhum ( gần giống tàu cau nhưng ngắn hơn và cứng hơn ) làm chổi đem bán và giăng bẩy bắt thú. Tôi nhớ có một đêm anh em đang ngũ thì bổng nhiên có rất nhiều tiếng la hét vang trời, tiếng đánh thùng thiếc inh ỏi, mở mắt ra thấy ở xóm nhà dân cả một vùng lửa sáng. Cả đơn vị đều lo lắng nhưng không hề nghe được một tiếng súng nào. Hỏi ra mới biết là có một con heo rừng sập hầm đang có gắng thoát ra. Người dân phải làm như vậy khiến con thú hốt hoảng không dám chui ra khỏi hầm. Sáng ra, thấy hai người dân gánh con heo rừng đã chết đem ra chợ bán, cặp chân trước và cặp chân sau bị treo ngược trên một cái đòn tre lớn và dài.
Tôi vẫn nhớ lời kể của một lão nông cố cựu ngoài bìa rừng Nhum. Nhà của ông gần nơi anh em TNXP đóng quân. Ông cho rằng chuốc cây nhum làm đũa rất có ích cho cuộc sống của người dân ở rừng. Theo kinh nghiệm dân gian, nếu chấm đôi đủa vào thức ăn mà thấy sủi bọt thì dứt khoát là thức ăn đã bị nhiễm độc. Ông còn cho tôi vài khúc dây rừng phòng ngừa rắn và nói rằng hễ đặt dây này chỗ nào thì chung quanh đó rắn không dám tới. Bây giờ không thể nhớ nổi hình dáng dây rừng và lá đó như thế nào.
Người dân ngoài khu vực biên giới càng cảm nhận rõ hơn nét yên bình trong cuộc sống thường ngày. Xã Long Thuận xa biên giới, dân cư đông đúc, sinh hoạt mua bán đông vui, ruộng rẩy xanh tươi. Có những cánh đồng nếp trổ bông thấy mê. Mấy lần ra đình Long Thuận vận chuyển bột mì hoặc gạo về cho trung đội, anh em đều được thưởng thức khi thì chè đậu, khi thì chè trôi nước. Mà cũng đâu có quán xá gì. Người bán đặt thau chè bên đường, anh em xúm lại ngồi ăn, chừng nào đã thèm thì thôi, trả tiền thì bằng bột mì, có khi trả bằng gạo. Từ ngôi đình này, vác lương thực về rừng Nhum mất ít gì cũng hai giờ đi bộ.
Hồi đó gần đình Long Thuận có bến đò qua sông Vàm Cỏ Đông. Khoảng tháng 10/1978, có đợt về phép tập trung. Phần lớn anh chị em Liên đội 303 đều qua bến sông này. Phía bến bên kia là xã Cẩm Giang có cái chợ nhỏ và một trường học. B1C2 đã từng ngủ ở trường học này để sáng hôm sau lên xe đò về nhà sau nhiều tháng dài phục vụ chiến đấu trên đất Kampuchia./.
Nguyễn Văn Nghĩa (09/8/2013) Bài viết trích trong tập truyện Trung đội Chớp
Ảnh vui minh họa - Sưu tầm từ internet
|
|