Mùa mưa biên giới, 35 năm về trước ( phần 1)
Đầu tháng 8/1978, Tổng đội 3 biên giới của Lực lượng TNXP chính thức được thành lập. Liên đội 5 được tăng cường thêm 100 cán bộ, đội viên từ Liên dội 4, đổi phiên hiệu thành Liên đội 303.
Với Ban Chỉ huy gồm Liên đội trưởng NguyễnVăn Sơn, các Liên đội phó Trang Thành Tâm, Lê Văn Thọ và Trịnh Văn Sáu. Chỉ huy trưởng 4 đại đội trực thuộc là : Nguyễn Hùng Dũng (đại đội 1), Nguyễn Thanh Dũng (Đại đội 2), Đặng Đức Thắng (đại đội 3), Nguyễn Ngọc Nhân (đại đội 4). Quân số Liên đội 303 lúc này gần 500 người. Tất cả 55 đội viên nữ được bố trí tập trung về Đại đội 4.
Xác định được tính ác liệt của cuộc chiến, Ban Chỉ huy Liên đội chủ động đề nghị sư đoàn huấn luyện TNXP các chiến thuật cơ bản, cách tháo gỡ mìn, kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí thông thường để trong tình huống cấn thiết, anh em có thể vừa tự bảo vệ được mình vừa phối hợp chiến đấu với bộ đội. Và như thế, Liên đội 303 Tổng đội 3 biên giới vững vàng vào chiến dịch mới. Các đại đội được phân công như sau :
- Đại đội 1 bố trí hai trung đội tiếp tục tải thương, tải đạn cho hai trung đoàn 141 và 165.
- Đại đội 2 bố trí trung đội 1 tiếp tục tải thương, tải đạn cho Trung đoàn 209.
- Đại đội 2 bố trí hai trung đội cỏn lại và tất cả lực lượng của Đại dội 3 gồm 3 trung đội tiếp tục phối thuộc với Tiểu đoàn 25 Công binh tiếp tục nhiệm vụ thông đường, chống lầy.
- Đại đội 4 tiếp tục phối thuộc với Phòng Hậu cần và Tiểu đoàn 29 vận tải làm nhiệm vụ bốc xếp đạn dược, lương thực - thực phẩm, vận chuyển thương binh tử sĩ về hậu cứ sư đoàn.
Sau chiến dịch tiến công Đông - Đông bắc thị xã Soài Riêng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị Quân đoàn 4 đứng lại trên đất Kampuchia, chuyển sang phòng ngự. Từ tháng 7/1978, mưa lớn kéo dài, ít có ngày nào tạnh ráo. Nước ngập trắng xóa từ đồng bằng biên giới tới đồng bằng phía Đông và bắc thị xã Soài Riêng. Mưa gây nhiều khó khăn cho ta trong củng cố công sự, thực hiện xuất kích và cả trong công tác vận tải.
Địa hình vùng Đông - Đông bắc Soài Riêng mà ta vừa chiếm giữ và củng cố thế trận có nhiều khó khăn cho sư đoàn khi đứng lại phòng ngự vào mùa mưa. Từng trung đoàn rà soát lại việc bố trí xây dựng các chốt và cụm chốt, rà soát lại việc hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị nhất là ở khu tiếp giáp. Mưa lớn kéo dài. Đường 241 nối liền Rừng Nhum với Kaokisom trở nên lầy lội, nhiều đoạn dài không thể di chuyển bằng xe cơ giới. Đồng ruộng ngập nước khiến cho tiến độ tải đạn, tải thương chậm lại, sức cơ động của TNXP không còn nhanh nhẹn như trong mùa khô. Thời điểm này, phần lớn các đại đội và trung đội đều được tăng cường quân số, điều chuyển đội viên và cán bộ chỉ huy. Về mặt tư tưởng, đại bộ phận TNXP xác định quyết tâm bám trụ tiếp lửa cho bộ đội diệt thù. Về mặt chăm lo đời sống thì các đại đội, trung đội phát huy tính chủ động cố gắng bảo vệ tốt sức khỏe cho đội viên bằng cách tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường nơi đóng quân đồng thời phải tăng cường cải hoạt tự túc. Mưa xuống, rau xanh nhiều hơn và tươi tốt hơn, cá đồng cũng nhiều hơn cộng với khẩu phần lương thực - thực phẩm do bộ đội cung cấp nên chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của TNXP được cải thiện, bảo đảm sức khỏe đội viên không bị giảm sút.
(còn tiếp) Nguyễn Văn Nghĩa
Ghi chú :Phần này trích trong tập “ Liên đội 303 TNXP bảo vễ biên giới tây nam và làm nghĩa vụ quốc tế” đã được Sở Thông tin Truyền thông thành phố HCM cấp phép xuất bản.
Ảnh minh họa sưu tầm từ Internet và tư liệu của LĐ 303
|