|
Qua Soài Riêng - Ở rừng cao su Lai Khê
- Qua Soài Riêng.
- Ở rừng cao su Lai Khê.
Qua Soài Riêng
Khoảng cuối tháng 1/1979.
Chúng tôi theo nhiều chuyến xe vận tải quân sự xuất phát từ căn cứ Sư 7 ở đồn điền cao su Lai Khê ( huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương ) để vào Phnom Pênh. Điểm dừng duy nhất suốt lộ trình là ở xã An Thạnh . Có khi xe đến trạm xá tiền phương ở Trâm Vàng gần cầu Gò Dầu nhận thêm một ít vật tư doanh trại nhưng rồi cũng phải dừng chân ở xã này để nghỉ ngơi, cơm nước. Tại đây, chúng tôi mua thêm dưa hấu để dành ăn dọc đường và uống nước mía cho đã thèm. Ở Lai Khê phải đi bộ thật xa xuống thị trấn Bến Cát mới có bán nước mía.Hồi đó, nước mía ở An Thạnh uống rất ngon mặc dù nước đá là mặt hàng quý hiếm. Đến xế trưa thì tiếp tục lên đường, qua trạm kiểm soát quân sự lớn Mộc Bài là vào lãnh thổ Kampuchia. Lúc bấy giờ, chung quanh trạm này chỉ là đồng ruộng hoang vắng, buổi trưa nắng nhức mắt. Xa xa là những khoảnh rừng chồi.
Đường từ Mộc Bài vào Soài Riêng không bằng phẳng, là đường nhựa nhưng có rất nhiều hầm hố, nhiều đoạn giao thông hào cắt hết nửa mặt đường. Khơme đỏ đào, cứ một cái bên phải thì cái kế tiếp là ở bên trái, khoảng cách giữa hai cái hào phía trước và phía sau rất gần. Và cứ như thế suốt một đoạn đường dài nhiều cây số. Những hầm hào này tuy đã được lấp đất nhưng xe thì không thể chạy bình thường như trên đường thẳng tắp mà phải chạy rất chậm. Ở hai bên đường, trên mặt ruộng nứt nẻ vì đang mùa khô hạn, thấy nhiều cái bếp dã chiến nám đen, gần như bếp nào cũng còn một vài nhánh củi khô đã tắt. Có lẻ đây là những chỗ nấu cơm nước vội vàng của bộ đội trên đường tiến công vào Phom Pênh. Nói là bếp chứ thật ra đó chỉ là hai hay ba cục đất được kê lại để đặt nồi nấu cơm kiểu dã chiến, hoặc một cái lổ được đào trên mặt ruộng vừa vặn một nhát leng để nhúm lửa.
Hai bên đường gần như là không có nhà, không có dân. Xe chạy hồi lâu, mới thấy được vài cái nhà sàn bỏ hoang. Xe đang chạy , gặp phải đoạn đường phía trước bị hư hại nặng vì mìn hay đạn pháo thì phải quẹo một vòng xuống ruộng rồi mới trở lên mặt đường. Ngồi trên xe, thấy trên ruộng phía trước xa xa bụi bay lên mịt mù là biết có xe quân sự của Việt Nam đang di chuyển. Mà đường vào Soài Riêng thì có nhiều đoạn như vậy trong khi xe từ Việt Nam đêm ngày qua lại Kampuchia không dứt.
Nhớ lại mùa mưa năm 1978. Từ Ngã Ba Chớp có con đường nhựa dẫn ra tới bờ sông . Không biết đường nhựa đó có phải là quốc lộ 7 hay không và không biết con sông đó tên gì. Chỉ nghe các anh bộ đội nói nếu vượt sông rồi tiến công thêm một đoạn ngắn là tới ngoại vi thị xã Soài Riêng.Chúng tôi nhiều lần tải đạn thật xa trên con đường này rồi băng ngang qua đồng ruộng ngập nước để đến với các chốt của trung đoàn 209. Ban đêm đạn lửa từ phía bên kia sông xé đỏ trời. Ban ngày đạn đại liên ria dài theo bước chân của TNXP trên đường nhựa. Đó cũng là con đường mà TNXP tải thương, tải đạn nhiều nhất. Và cũng chính trên con đường này mà anh em B1C2 có sáng kiến dùng tre gai làm đòn gánh để tải đạn nhiều hơn và an toàn hơn. Tháng 10/1978, khi mới bổ sung vào B1C2, kiện tướng Đỗ Tràng Thanh đã lập thành tích mới : gánh thoải mái 2 quả cối 120 ly , có khi gánh được cả 2 trái đạn đại bác 75 ly./.
(sửa lại và bổ sung 21/8/2013)
Ở rừng cao su Lai Khê
Tháng 1/1979, Liên đội 303 theo các cánh quân của Sư đoàn 7 vào Phnom Penh. Chỉ riêng B1 C2 ở lại trong nước, di chuyển về căn cứ Sư 7 ở rừng cao su Lai Khê (huyện Bến Cát, lúc đó thuộc tỉnh Sông Bé ). Căn cứ này nằm dọc theo quốc lộ 13, bên kia quốc lộ là phi trường dã chiến với rất nhiều tấm vĩ sắt lót dài trên đường băng.
Ở đây anh em làm việc theo sự phân công của thiếu tá Châu . Lâu quá rồi, tôi không còn nhớ chú Châu phụ trách bộ phận nào cùa hậu cần sư đoàn. Chú Châu thiếu tá nhưng không khó tính, không khắt khe như chú Thụy thượng úy ở hậu cần của Trung đoàn 209. Ở đây, anh em làm đủ thứ việc : ra thị xã Thủ Dầu Một nhận hàng nhu yếu phẩm, bốc xếp gạo, đường, sắp xếp lại các kho hàng, đi theo xe tải chở hàng của quân nhu, quân giới vào Phnom Penh, tháo dỡ vật tư doanh trại ở trại an dưỡng thương bệnh binh.
Bây giờ rời Lai Khê đã mấy chục năm, tôi thấy thèm những buổi trưa hè, ngủ võng dưới tán rừng cao su mát rượi và nghe anh Phước ca vọng cổ, không phải anh nuôi cũng tên Phước hồi còn ở rừng Nhum. Hồi đó, không hiểu vì sao mà anh Phước rất nặng tình với rừng Nhum. Khi có ai nhắc tới cánh rừng xanh biên giới này thì thấy anh buồn lắm. Mỗi khi gặp mặt anh, chúng tôi thường đọc liền câu thơ của Tố Hữu: “Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi”. Anh Phước cao, lớn xương, đầu hớt cua, miệng rộng, giọng nói san sảng, tính tình lại hiền lành. Chưa thấy anh giận ai bao giờ.
Rời Lai Khê, tôi nhớ những giấc ngũ ngon, yên lành trong bóng đêm thanh bình có tiếng ru êm êm và nhịp nhàng của ve sầu. Mỗi ngày dàn nhạc ve hòa tấu tới bốn lần: sáng, trưa, chiều và tối. Anh em nhớ những bữa cơm đạm bạc nhưng lúc nào cũng đầy ắp rau xanh hương vị của quê hương, khác với những bữa cơm trong Chớp cũng nhiều rau xanh nhưng hương vị của đồng hoang đất khách
Rừng cao su được phân chia thành lô, đường ngang dọc thẳng tắp, không có cỏ hoang và có nhiều giếng nước. Giếng nào cũng sâu và nước thì lạnh ngắt. Có những buổi chiều mát trời, ngồi nhìn hoàng hôn rơi rồi màn đêm buông xuống. Quốc lộ 13 đi qua địa hình gò cao nhấp nhô buổi tối rất ít xe. Lâu lâu mới có một chiếc, đèn xe nhìn từ xa như những đốm sáng di chuyển lên xuống theo độ dốc của con đường. Thỉnh thỏang có vài chiếc xe chạy bằng than đá, bụi than cháy đỏ rơi dài trên đường nhìn từ xa như những đàn đom đóm nhỏ chớp sáng trong đêm.
Nhớ những chuyến đi công tác từ An Thạnh hay Trâm Vàng về, ghé qua Bến Cát uống nước mía bằng ly cối mới đã thèm. Nếp sống yên bình , công việc không có gì gấp gáp, ăn uống không thiếu, nhu yếu phẩm đầy đủ lại có thời gian rong chơi, uống cà phê, uống trà trong xóm công nhân cao su gần đó khiến cho một số anh em tự dễ dãi với bản thân mình. Nhưng khi có dịp vào công tác trong trại an dưỡng ở một cánh rừng cao su bên kia quốc lộ, không xa mấy căn cứ Lai Khê, thì anh em nhớ lại và cảm thấy ngán ngại nếu phải sống trở lại những ngày gian khổ ăn không đúng bữa, ngủ không tròn giấc, cận kề cái chết trên đất Kampuchia. Đây là nơi điều trị và nghỉ dưỡng của những thương bệnh binh từ chiến trường đưa về, vào đây là chỉ thấy toàn những cảnh đau thương, tàn phế mà bất cứ ai dù con tim sắt đá đến mấy cũng phải động lòng. Buổi chiều, rất nhiều anh em thương binh ra đứng ngồi dọc quốc lộ 13 hứng gió, nhìn xe cộ và người dân qua lại để được gần dân, gần gủi với cuộc sống đời thường./.
Nguyễn Văn Nghĩa ( 21/8/2013)
Ảnh minh họa - Sưu tầm từ Internet
|
|