|
Chuyện chiến trường của nữ C trưởng
* Ghi lại theo lời kể của Nguyên Đại đội trưởng Lê Thị Lãng (0906.815.652)
Tháng 7/1978. Bên kia biên giới, mưa lớn và nhiều hơn. Phần lớn các đơn vị TNXP, trong đó có đại đội 4, đều tập trung chống lầy trên con đường yểm trợ hậu cần duy nhất cho các trung đoàn tác chiến ở mặt trận Soài Riêng. Nhưng có những đọan lún lầy không thể cơ động bằng xe cơ giới. Vì vậy mới có cầu không vận bằng trực thăng.
Cầu không vận này không chỉ tiếp tế gạo mà còn chở TNXP đi tải đạn chi viện cho bộ đội đang chiến đấu ở ngoài chốt. Trước lúc lên trực thăng đi làm nhiệm vụ, chính trị viên D 29 yêu cầu phải có cán bộ của ban chỉ huy đại đội đi theo. Tôi là đại đội trưởng tình nguyện đi chuyến đầu tiên cùng một tiểu đội nam. Cả đại đội đều ủng hộ nhưng đ/c chính trị viên lại tỏ ra băn khoăn chính đáng vì nếu có xảy ra giao tranh giữa TNXP và Khơme đỏ thì người nữ phải hứng chịu rủi ro và tổn thương nặng nề hơn. Lúc bấy giờ, tinh thần TNXP là “ đi bất cứ nơi nào tổ quốc đang mong”, chúng tôi dường như không hề biết sợ, hể nghe phổ biến đi công tác ở nơi xa xôi, hiểm trở là hăng hái, sẳn sàng. Đ/c chính trị viên cảm thấy thuyết phục trước sự đồng lòng và quyết tâm cao của cả đơn vị, chỉ đạo 3 anh bộ đội đi theo là phải bảo vệ tuyệt đối an tòan cho chúng tôi.
Sau đó, xe của bộ đội chở TNXP đến bãi đáp trực thăng mà không ai biết trước là ở địa điểm nào. Trực thăng đến bốc tôi và một tiểu đội nam đổ xuống một vị trí khác mà cũng không ai biết là ở đâu. Khi bay đến đúng địa điểm trong kế họach tác chiến, trực thăng đáp xuống. Tại đó đã có xe tải đậu sẳn. Chúng tôi mới biết đó là một trạm quân giới. Bánh trực thăng vừa chạm đất, lập tức cánh cửa lớn bên hông liền mở bung ra. Gió từ cánh quạt máy bay thổi mạnh, chúng tôi nhảy xuống hết thì trực thăng bay đi. Nhiệm vụ đựơc thực hiện ngay lập tức. Bằng các thao tác nhanh gọn và di chuyển nhịp nhàng, TNXP chất đầy các thùng gỗ sơn màu cỏ úa và màu xanh lá cây đậm chứa đầy đạn từ trạm quân giới qua xe tải trong thời gian ngắn nhất. Có những thùng đạn vừa sức người, có những thùng đạn nặng phải hai người mới khiêng nổi. Xe tải chạy đi, chúng tôi ngồi nghĩ. Khi xe tải quay về, chúng tôi lại tiếp tục công việc với tinh thần khẩn trương nhằm giải phóng kho đạn nhanh lúc nào tốt lúc đó, nhất thiết là phải hòan tất trước khi xế chiều. Xong, trực thăng đến chở TNXP về điểm xuất phát. Những chuyến trực thăng vận sau này diển ra tương tự như thế và mỗi lần giải phóng kho đạn đều kéo dài từ sáng đến quá trưa. Có điều là các vị trí đón TNXP và vị trí trạm quân giới để chuyển đạn qua xe tải đều thay đổi sau mỗi chuyến không vận. Tôi không nhớ chiến dịch trực thăng vận này kéo dài mấy tuần nhưng chúng tôi tự hào là đã góp phần xứng đáng chuyển kịp thời khối lượng đạn dược to lớn đến các chốt tiền tiêu. Tinh thần TNXP lúc đó đúng như lời bài hát mà chúng tôi nghe được qua radio của bộ đội: “ Ta vì nước, đời ta vì dân. Ôi tổ quốc mến yêu ơi đã có chúng tôi”.
Đại đội 4 lúc đầu chỉ tiếp lương tải đạn, sau được giao phó thêm nhiệm vụ tải thương từ các chốt về quân y tiền phương theo yêu cấp bách của chiến trường. Đến giữa tháng 7, nhiều đợt tấn công rồi phản công dồn dập, nhiều trận đánh dữ dội đã diển ra trên tòan tuyến hành lang chiến lược mà bộ đội ta đã thiết lập ở chiến trường Tây Nam. Lúc này thời tiết diễn biến ngày càng xấu. Mưa dầm kéo dài nhiều ngày, đồng ruộng ngập nước lênh láng, đường sá đã trơn trợt sình lầy càng trở nên trơn trợt sình lầy nhiều hơn. Có những cung đường TNXP phải tập trung nhiều đại đội chống lầy liên tục hàng mấy chục ngày. Công tác vận chuyển thương binh đo đó không thể thực hiện bằng đường bộ.
Bộ Tư lịnh mặt trận quyết định mở cầu hàng không. TNXP ra chốt, rồi vừa chạy bộ vừa cáng thương binh trên võng về trạm phẩu của trung đoàn để trực thăng bốc cấp tốc về hậu cứ sư đoàn hoặc các quân y viện trong nước. Lúc bấy giờ, tôi là nữ đại đội trưởng tác chiến duy nhất của liên đội. Tôi quán triệt cấp dưới tải đạn đã nhanh, đã tốt thì tải thương phải nhanh hơn, tốt hơn. Cán bộ chỉ huy phải gương mẫu đi đầu. Từ trung tuần tháng 7, ngày nào cũng có thương binh, tử sĩ từ các chốt được kịp thời đưa lên trực thăng chuyển về tuyến sau. Câu chuyện đã lâu nhưng tôi nhớ cầu không vận chở thương binh về tuyến sau kéo dài đúng một tuần và kết thúc một ngày trước khi trung đội 3 C3 bị tấn kích.
Cũng như các đại đội khác, đại đội 4 được phân chia thành một số đơn vị nhỏ họat động gắn liền với kế họach tác chiến của bộ đội. Tôi phụ trách một đơn vị nam TNXP làm nhiệm vụ tải thương cho các chốt chiến đấu ở giữa vị trí đóng quân của trung đội 3 C3 ở Kaokisom và địa điểm bố phòng của trung đội 2 C1 ở Chớp. Đơn vị nhỏ của tôi trên thực tế đã tiến sâu vào đất Kampuchia hơn 25km. Ngày 22/7/1978, khi trung đội 3 hy sinh gần như trọn vẹn thì con đường huyết mạch nối liền Rừng Nhum với Chớp bị cắt đứt. Không ai biết được tin tức của ai. Nhiều ngày sau đó, hai đội viên nam từ nơi đóng quân của đại đội gần biên giới Việt Nam đi vào gần tới Chớp thì chúng tôi gặp được nhau. Trong hành trang của hai anh em này có một cái giỏ có rất nhiều rau rừng mà anh em đã hái dọc đường đi. Thế là một bửa cơm được nấu liền ngay sau đó. Đây là bửa cơm ngon lành nhất vì đã nhiều ngày chúng tôi chỉ ăn toàn đồ khô, rất thèm rau tươi. Không chỉ riêng tôi rất mừng mà tất cả anh em đều thấy ấm lòng như được trở về với gia đình lớn của mình. Lúc này, tôi nhớ lời bài hát mà bất cứ TNXP nào cũng thuộc lòng “ Tình đồng chí ấm áp như mùa xuân”./.
Nguyễn Văn Nghĩa (17- 20/5/2010)
Nguyên Đại đội trưởng Lê Thị Lãng (người đẩu tiên bìa bên trái) - Ảnh minh họa tư liệu của Liên Đội 303 .
|
|