Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

Đường vào Phnom Penh - Trên sóng nước biển hồ Tonlé Sáp.

Trên sóng nước biển hồ Tonlé Sáp - Thủ đô Phnom Penh được giải phóng vài tháng thì một vài đơn vị của Liên đội 308 được sáp nhập vào Liên đội 303. Bài viết sau đây được ghi lại theo lời kể của anh Lâm Kiến Dân, Trung  đội trưởng B2C1  Liên đội 308 TNXP  (0903.702.055 ).

 

Đường vào Phom Penh:

              Khoảng tháng 2/1979,  đường từ Mộc Bài  vào Phom Penh hòan toàn yên tĩnh, không hề có một tiếng súng kháng cự nào của Khơme đỏ, không hề có một tiếng mìn và cũng không hề có xác xe quân sự nào bị bắn cháy trên đường. Các đoàn xe chở quân,  lương thực và đạn dược vũ khí thản nhiên chạy trên đường mà không có không quân yểm trợ. Lộ trình di chuyển không  gặp phải bất cứ một mô đất nào cản đường hay một chướng ngại vật nào trên mặt đường. Hai bên đường gần như không có nhà. Những nơi có nhà thì phần lớn là bỏ hoang, chỉ rải rác vài ba cái và đã có người dân về ở. Nhà nào có người ở  là ở đó có tiếng cười nói, có trẻ con đùa nghịch trong vũng bùn trước sân. Cuộc sống bình yên đang bắt đầu trở lại trên đất nước Chùa Tháp.

               Lúc này đang là mùa nắng, ruộng khô nứt đất, ao vũng gần như cạn nước. Suốt đường đi và ngay cả khi vào Phom Penh cũng vậy, thỉnh thoảng có nhiều đoàn  người rất dài, mặc toàn đồ đen,  đi bộ mang theo trên người đủ thứ vật dụng cần thiết cho cuộc sống nông thôn. Dễ nhận thấy nhất trong những đòan bộ hành lầm lũi này là phụ nữ, trẻ em và người già đang trên dường trở về quê cũ.  Họ đi trong im lặng, không một tiếng nói, không một tiếng cười, gương mặt mệt mỏi, khắc khổ và lo lắng. Những người dân này có lẻ chỉ mong sao mau về tới mái nhà sàn xưa yêu dấu với biết bao kỷ niệm thân thương của gia đình.       

             Tại bến phà Neak Luông, công nhân người Việt điều khiển hai chiếc phà qua sông do ngành giao thông Việt Nam tăng viện. Chuyến nào cũng đấy ắp xe quân sự  và bộ đội Việt Nam. Hai bên bến phà chỉ toàn những xe quân sự  của Việt Nam xếp hàng chờ tới phiên mình xuống phà. Nếu để ý một chút thì thấy bộ đội trên đất Kampuchia đã mặc quân phục kiểu mới, không còn đội nón cối hay mũ mềm của quân đội nhân dân Việt Nam mà là nón kết mà kiểu dáng có khác một chút với nón của Khơme đỏ. Ở bến phà này, không có cảnh xe đến sau chen lên để được xuống trước, trừ những chiếc xe cứu thương.

          Từ căn cứ sư đoàn 7 ở Lai Khê ( huyện Bến Cát tỉnh Sông Bé ), tôi có vài chuyến công tác vào Phom Penh. Có lần tôi theo một chuyến  xe chở hòm, mìn, kíp mìn. Xe đến An Thạnh thì tạm dừng để chúng tôi và bộ đội nghĩ ngơi, ăn cơm và uống nước mía đến trưa thì từ từ  bò vào đất Miên,  đến tối mới tới Phom Penh. Trên xe chở hòm mà nắp để riêng, đêm xuống trời mát, chúng tôi mỗi người chọn một cái, leo vào nằm dài trong đó với ba lô gối đầu, ngũ ngon lành cho tới khi xe dừng lại ngay trạm kiểm soát tại cầu Monivong trước khi vào địa phận thủ đô Phom Penh.

          Sau đó không lâu, cả trung đội cũng từ căn cứ Lai Khê theo xe chở gạo và vũ khí, đạn dược vào thủ đô Phom Penh. Mỗi người được anh nuôi trao cho một phần cơm vắt, ở giữa có miếng khô cá chuồn rất mặn và mỗi tiểu đội đều có vài ba can nhựa lọai 4 lít chứa nước chín để uống suốt đoạn đường dài. Đến An Thạnh, chúng tôi mua thêm dưa hấu để ăn giải khát dọc đường. Lộ trình vào Phom Penh, xe chạy chậm, không ngừng dọc đường và ban đêm thì mở đèn./.     Nguyễn Văn Nghĩa

Trên sóng nước biển hồ Tonlé Sáp:

        Thủ đô Phnom Penh được giải phóng vài tháng thì một vài đơn vị của Liên đội 308 được sáp nhập vào Liên đội 303. Bài viết sau đây được ghi lại theo lời kể của anh Lâm Kiến Dân, Trung  đội trưởng B2C1  Liên đội 308 TNXP  (0903.702.055 ).

            Biển Hồ, sau này chúng tôi mới biết đó là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Cá ở đây là nguồn thực phẩm tươi ngon nhiều không sao kể xiết. Bộ đội làm chủ được Biển Hồ có nghĩa là gánh nặng hậu cần đã được nhẹ đi nhiều phần.Vì vậy, TNXP được giao thêm nhiệm vụ mới: chiếm giữ các cù lao để làm căn cứ bảo vệ tàu đánh cá của Quân đoàn 4. Giữa mênh mông sông nước Biển Hồ là những cù lao xanh mướt cây lá. Bộ đội Việt Nam, TNXP và bộ đội cách mạng Campuchia đổ bộ truy kích địch và lần lượt chiếm giữ một số cù lao trọng yếu để làm căn cứ bảo vệ các tàu đánh cá này.

          Tháng 4/1979, từ tàu hải quân, bộ đội Sư đoàn 341 và TNXP, bộ đội cách mạng Campuchia đổ bộ lên một đảo lớn trên Biển Hồ. Ban ngày, nước cạn, bãi đất pha cát chứ không phải bãi sình. Chúng tôi với đầy đủ trang bị chiến đấu lên bờ dễ dàng  và không gặp phải một sự chống trả nào. Theo kế hoạch tác chiến, chúng tôi chia nhau chiếm giữ nhiều vị trí có ưu thế và triển khai sẳn sàng đánh địch. Sự im lặng trên chiến trường thường là điều đáng phải cảnh giác. Hơn nữa, địa hình trên đảo lại thuận lợi cho các chiến thuật cố thủ. Có rất nhiều lớp cây, lớn có nhỏ có với đủ loại dây leo chằn chịt, trên mặt đất đây đó là những thửa ruộng bỏ hoang đầy có dại, những miếng vườn tạp rậm rạp che khuất tầm nhìn. Sau khi ổn dịnh xong các khu vực phòng thủ, bộ đội Sư đoàn 341 mở các đợt truy kích bình định nhằm loại trừ thật sự mọi kháng cự và chống trảcủa Khơme đỏ. Và có làm chủ hòan toàn đảo này thì mới bảo vệ được các tàu đánh cá trên phạm vi rộng lớn.

             Một ngày của tháng Tư, bộ đội Việt nam, TNXP và bộ đội cách mạng Campuchia phối hợp truy quét vào một khu vực trên đảo này mà trước đó  Khơme đỏ đã dày công tạo địa hình thuận lợi cho một cuộc chiến đấu lâu dài. Có nhiều chiến hào và hầm chiến đấu nối liền với nhau theo những rặng thốt nốt, những hàng dừa, lẩn khuất trong những vườn cây ăn trái và quanh co trên những cánh đồng lúa xanh tươi. Bộ đội tấn công mở đột phá khẩu, đánh thẳng vào vành đai phòng thủ của Khơme đỏ. Cánh quân đi sau gồm bộ đội, TNXP và bộ đội Campuchia tảo thanh các ổ kháng cự còn sót, ngăn chận địch đánh bọc hậu vào các đơn vị phía trước. Nhóm chúng tôi gồm 3 người, 2 người trang bị AK nằm bắn yểm trợ cho xạ thủ B.40 ngồi bắn vào một công sự chiến đấu phía dưới một gốc xoài có nhiều giàn dây bí, dây mướp che ngụy trang tiệp màu với khung cảnh chung quanh. Xạ thủ B.40 vừa tác xạ xong, tôi xông dậy vừa bắn vừa xung phong chiếm lĩnh công sự này thì bị trúng đạn. Rất may mắn là đầu đạn  không xuyên phá ra phía sau lưng, bị cản lại nhờ bao xe tôi mang phía trước, phá vở băng đạn và nhiều viên đạn. Vùng bụng của tôi bị những mảnh kim khí này cắt nát bấy. Khi tôi bị trọng thương thì cuộc chiến đấu kéo dài đã một giờ.Tôi liền được đưa xuống tàu chở về phẩu tiền phương ở cảng Kompong Chnang. Sáng hôm sau, xe cứu thương chuyển  tôi về Phom Penh và tại đây có sẳn máy bay quân sự của Liên Xô bốc tôi về phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi nằm điều trị 8 tháng ở Viện Quân y 175 . Khi tôi ra viện thì toàn bộ TNXP đã rút về nước mừng công trước đó 2 tháng./.       

                                                                          Nguyễn Văn Nghĩa (14/6/2010)

 


Ảnh minh họa - Sưu tầm từ Internet



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á