|
Chuyện Đời Trần Hoài Hận . . .
Hắn lắc lắc ly café, tay búng mẫu thuốc dở ra xa điệu nghệ, hắn bực bội thẫn thờ, đau khổ, hắn giận những người tạo ra hắn trên cõi đời, oán thù cái gọi là Số Mệnh. Ừ! Cái Số Mệnh nghiệt ngã đã vận vào hắn từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, cho tận giờ này hắn vẫn bị cái Số đen đủi đeo bám. Tao thù mày, tao hận mày Số Mệnh ơi!
Hắn định hình không đúng lúc, ba mẹ hắn quen nhau trong vũ trường ở xứ Đà lạt mộng mơ, nghe nói ông bà nội, ngoại đều là dân giàu có với nhau – dỉ nhiên rồi, nên mới có chuyện đàm đúm, nhảy nhót - Hừ ! tình một đêm, hậu quả là hắn có mặt trên cõi đời nầy. Sợ xấu hổ với mọi người nên chỉ một phát lệnh của ông ngoại, má con hắn là dân thành phố Sài Gòn chính hiệu. Một căn biệt thự to đùng, một thằng bé bi bô tối ngày quẩn quanh với bà vú, má hắn thâu đêm suốt sáng với bạn bè, hắn lớn lên với nỗi cô đơn phá bĩnh … Ông bà ngoại hắn lần lượt về với Tổ tiên, má hắn nghiễm nhiên tiếp quản cơ ngơi làm ăn của ông bà, hắn dần … quên má hắn (chứ sáng sớm bà đã đi khuya lắm mới về, về với mùi bia rượu nồng nặc, bước đi không vững) hắn được cung cấp tiền bạc thoải mái, bước vào cuộc sống đế vương, hắn như ông hoàng trong tay mấy em đẹp như tiên, có lần hắn dụi đầu vào ngực một cô gái và một giây ước muốn : ‘‘Phải chi đây là má hắn!” 17 tuổi hắn vướng vào ‘‘Cô Ba’’. Miền Nam được giải phóng đồng nghĩa với cái cuộc đời của hắn cũng giải phóng một cách ngoạn mục: Má hắn bị cho là tư sản, tịch thu tất tần tật, từ một tiểu thư xuống thành bà bán hàng rong, bà vú ôm hắn khóc nói lời từ giã đi về Kinh tế mới lập nghiệp; còn hắn á ! vài năm sau bị triệu vô một nơi gọi là Trường Thanh Niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới, sinh nhật lần 20 của hắn là ở trong Trại, Má hắn vật vã khóc lóc, hắn chạnh lòng khi lần đầu tiên hắn thấy bà quan tâm đến Con Mình !
Đầu năm 1977 Trường nhận thêm quân cho Đại đội A. M. lúc ấy là Đội phó Hậu cần, trong đơn vị có một học viên rất khó gần, có cái tên ấn tượng Trần Hoài Hận, tướng anh cao ráo nên đồ phát ra áo thì ổn còn quần ngắn củn cởn. M. đang ngồi ở BCH thì anh đến hỏi “Thưa cán bộ! tôi xin cấp quần khác’’. ‘‘Anh thông cảm, cở anh không có”, cô trả lời anh .Anh nhìn cô rồi ướm cái quần vào ‘‘chớ vầy sao mặc !’’. Quả thật lai quần qua đầu gối độ gang tay! Anh chợt nhìn ra sào phơi đồ hất hàm “tôi thấy cái đó tiệp với cái nầy đó cán bộ!” . “cái đó” là cái mền màu nâu đen cô mang từ nhà lên, (nhìn ánh mắt và lời nói cô phán đóan: đang thử xem cô gái nầy đối phó ra sao ! tốt thôi!). Cô nói ‘‘được rồi anh cứ về đi tôi sẻ có cách giải quyết’’. Thật tình lúc ấy cô cũng bối rối lắm, nhưng lại nghĩ trong công tác đặc biệt nầy không được nói suông mà phải bằng cả tấm lòng (anh Tư Đạt nguyên là Liên đội trưởng Liên đội Xuyên Mộc hay nói ‘‘Phải đối xử với học viên bằng cả tình thương và trách nhiệm, xem họ như người nhà của mình’’, chính anh là “thần tượng người Cách Mạng’’ của cô). Nhìn cái mền rồi ngó cái quần, vậy là phải làm thôi …
Qua ngày sau, khi kẻng tối họp bắt đầu, cô đang cùng hậu cần chuẩn bị thức ăn cho bửa mai thì chợt thấy A trưởng 5 chạy xuống “Chị ới! Hận nó … khóc đòi gặp chị”. Cô hết hồn lập tức chạy xuống Đội, anh em ra ngòai hết, trong sam nghe tiếng nức nở của Hận, cô cũng ớn lạnh nhưng phải vào thôi , nén … run hỏi: ‘‘Anh muốn gặp tôi à!”. Anh ngồi quay mặt vô vách, đôi vai rung theo tiếng khóc, không nhìn cô mà đưa cái quần mà 2 ống đả nối thêm 2 đoạn vải mền, nói ‘ ‘ Tại sao chị làm vậy?, tôi không cần!’’. Nhẹ nhàng cô đến bên anh đặt tay lên vai vỗ nhẹ rồi khẽ nói ‘‘Có gì đâu !” – (Sau hôm anh lên xin đổi đồ, sáng ra chờ cả đội đi công tác cô đả cắt một khúc mền và . . . và xuống sam của anh, lén lấy cái quần và nối vô, đó là lần đầu tiên cô làm quen với kim chỉ, hậu quả là hai đầu ngón tay bị đít kim đâm vô chảy máu, mồ hôi mồ kê đầm đìa, đó giờ là ‘’tiểu thư’’ mà ! có làm gì động móng tay đâu).
Cùng Hận ngồi trên khúc gỗ to dưới nhà bếp để mai xẻ ra làm củi, Hận bộc bạch: ‘‘ Từ nhỏ không biết ba, má nói xưa hai người gặp nhau ở sàn nhảy, vì con nhà danh giá nên khi biết má có thai ông bà ngọai bắt má anh bỏ xứ Đà Lạt vào Sài gòn, sanh xong mướn vú nuôi, cái tên Trần Hòai Hận là vậy: hận hoài! Má tiếp quản cơ ngơi sau khi ông bà mất, má chìu chuộng anh muốn gì cũng được, bắt đầu bỏ học ăn chơi trác táng 17 tuổi vướng vào ma túy, tiền bạc cứ thỏa sức mà xài. Giải phóng, nhà bị gán là tư bản, bị tịch thu hãng, xưỡng, má khóc ngất khi thấy Hận bị bắt đi cải tạo. Bất cần đời lâu rồi, coi Trời bằng vung nên khi lên Trường xem ‘‘cán bộ’’ là đồ nít ranh; không ngờ con nít ranh lại làm Hận cảm động. Xưa cần gì quăng tiền là có, nhưng cái cần thiết là tình thương thì … khó quá (má giao Hận cho vú, suốt ngày má lao vào công việc kiếm tiền, ngoại giao, tối về nực nồng mùi rượu, Hận ít khi nào được bà gần gũi, Hận cô đơn lắm, thèm lắm vòng tay của má!)
… Từ đó, anh thay đổi hẳn không còn ù lỳ, hay sanh sự, khía cạnh mà trở thành người năng nổ vui vẻ hẳn lên và điều làm mọi người ngạc nhiên là trong công tác, tuần nào cũng được biểu dương, anh đàn rất hay, tối tối anh thường ra trước sam nghêu ngao hát; sinh họat tối thứ bảy thế nào cũng “Chị ơi! Hát đi tui đàn” cái gì cũng Chị ơi! chị ới!
Còn cô mừng lắm, mà lạ là sao lúc nào cũng nghĩ đến Hận!
Tại Trường Thanh niên Xây Dựng Cuộc Sống Mới phân hiệu Xuyên Mộc trong buổi lễ Ra trường cho những học viên qua thời gian lao động cải tạo tốt nhận Giấy Tốt Nghiệp, ai có nguyện vọng sẻ chuyển qua gia nhập Tnxp và Hận đại diện lên phát biểu cảm tưởng …
‘‘Má ơi! Con hết hư rồi” là câu nói cuối khi tân TNXP Trần Hòai Hận nói vào micro và nhìn xuống sân khấu: má anh ngồi đó, nước mắt đầm đìa, cả Trường xúc động!
Một năm sau Hận là cán bộ khung của đơn vị tiền trạm chuyên nhận quân mới lên, anh và cô có những gắn bó thật đẹp, chiều thứ bảy cả hai hay ra chợ Bà Tô chỉ để ăn tô hủ tíu mà đi gần 4 cây số, đất trời Xuyên Mộc như nở hoa, bụi đỏ như vui hẳn lên dưới bước chân của Hận và cô Đội Phó Hậu cần.
Sau đó cô chuyển ngành về xí nghiệp, lúc chia tay Hận nói ‘‘Sao không ở lại!” cô lãng tránh ‘‘Chúc anh công tác tốt”. (Lúc đó nếu anh nói thêm là ‘‘Sao không ở lại để cùng anh !” ; có lẻ … Thôi! không có duyên vậy!).
Giả từ màu áo xanh thân thương về môi trường mới, để lại nơi ấy một người con trai với trái tim nhút nhát, tất cả chỉ còn là kỷ niệm.
Vài năm sau lập gia đình cũng là dân TNXP làm chung xí nghiệp, cuộc sống êm đềm trôi , thỉnh thoảng có nhớ về nơi chốn ấy, người ấy … rồi thôi!
Năm 1985, tại công viên Văn Lang có một phụ nử chưa tới 30 đang đứng … (chồng bệnh ngặt nghèo, con … cấp cứu, đồng lương công nhân còm cỏi đâu trang trải được gánh nặng oằn vai khi tiền thuốc men cho hai người thân yêu càng ngày càng lớn, bán tất cả những gì có được, thậm chí những giọt máu quý báu cũng đổi thành tiền cứu chồng lo con, vậy mà… gia đình hai bên cũng khó khăn , thôi thì …). Một người đàn ông trờ tới đi chiếc xe gắn máy : “Đi không em? 50 nhé!” người phụ nử “dạ!” rồi tự dưng òa khóc ngất ! người đàn ông hết hồn : ‘‘ Ủa! sao vậy, gì vậy chị !?” Ngẹn ngào trong nước mắt “ Nói thiệt với ông, chồng bệnh, con cấp cứu nên,nên …” và cô ngồi thụp xuống ôm lấy mặt, “Đây! Chị lấy cái này về lo đi , nếu tôi ở trường hợp chồng chị, sau này biết được chắc chắn tôi tự vận chết luôn! chị về liền đi!” người đàn ông ấy dúi vào tay cô một xấp tiền và hối cô về ngay, còn mình nổ máy xe chạy mất. Ngở ngàng quá đổi, cô bừng tỉnh cầm món tiền “trên trời rơi xuống” thật chặt và chạy, chạy mà nước mắt cứ tuôn (có kịp cám ơn người đàn ông đó đâu!) . Một tuần sau, chồng cô mất !
Hơn hai mươi năm sau . . .
Hai mẹ con sống trong căn nhà không có đàn ông, không sao ! Người phụ nữ năm nào ở công viên Văn Lang giờ vui cùng đứa con gái, với công tác xã hội; bà cứ tìm về những đồng đội có hoàn cảnh . . . khổ hơn bà, chỉ để làm chút gì đó thôi. Địa phương bà sống có thành lập Hội Cựu TNXP, bà tham gia máu lửa như hồi còn trẻ. Hôm nọ bà tình cờ gặp lại anh Chánh, xưa là Đội trưởng , liên lạc rất nhiều anh chị em cũ ; biết bà làm công việc thiện nguyện , anh cũng kết nối cùng chung tay với những mãnh đời bất hạnh …
Một bửa anh nói có một chuyện nhờ bà, trong số đồng đội cũ có một người anh rất quý, rất thương, nhưng cũng rất bực (?) Số là vầy:
Năm 1978 anh đang là Đại Đội trưởng đóng ở Củ Chi, nhận quân số bổ sung trong đó có một người “đặc biệt” tên Hân, trầm tính, ban đầu hơi khó gần sau này là tay công tác xuất sắc của đội, cùng tham gia biên giới Campuchia, sau này xuất ngũ, lạc mất nhau thời gian khá dài vừa tìm được độ ba năm nay thôi. Hân trở về cuộc sống đời thường nghe đâu công ăn việc làm thuận buồm xuôi gió, hiện là một đại gia thứ dữ, ăn chơi thứ thiệt ; điều anh lo, anh bực là anh không muốn cuộc sống của người ấy cứ trôi trôi theo những cuộc chơi vô bổ, vô vị ; anh muốn bà giúp … và Trời xui đất khiến thế nào mà bà đâm hứng chí: ‘‘Anh để em, yên chí!” (cái máu nhiệt huyết của một cán bộ Trường nổi dậy đây).
Trong lần họp mặt cùng một số đồng đội cũ.
Trước mặt bà là một người đàn ông với dáng vẻ bậm trợn, hàm râu quay nón, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ bà giật mình bởi ánh mắt của người đàn ông anh Chánh giới thiệu tên Hân . Ánh mắt này quen quá, bà cố nhớ hoài mà vẫn không ra, chịu !
Cùng là dân Tnxp nên dễ dàng hòa đồng, cởi mở. Anh Hân mời tất cả dự tiệc chiêu đãi mừng hợp đồng thành công tại một địa điểm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển … Lần ấy, bà tá hỏa khi ‘‘dấn thân thực tế” vào thế giới của Hân, những điệu nhạc như muốn ép tim, những quay cuồng điên đảo của những thân hình bốc lữa, những vuốt ve mơn trớn của những cô gái tuổi chỉ bằng con, cháu của bà. Bà đâm giận anh Chánh! Bà không quen với những nơi như thế! Nói sao nhỉ ! đại để là nơi dành cho những người nhiều tiền lắm của, dành cho những cô gái thật đẹp và và À! Mà bà hùng hồn tuyên bố sẽ cứ để cho bà kia mà. Hân cười khẩy nói : ‘‘Tiền tôi làm ra, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu, chị có biết tôi từng vác gạo thuê đến nỗi hộc máu mồm. Tiền!, cực khổ tạo ra nó thì phải hưởng thụ chứ, phải không ?” Bà quê quê ngó lơ chổ khác thầm nhủ : ‘‘Ừ ! thì cứ hãy đợi đấy!, đợi đấy!”.
Lúc này bà và Hân hơi thân thân nhau rồi! bà hay cùng Hân ở những quán café sân vườn dễ thương, bà thường nhắc khéo tới những đồng đội có cuộc sống khốn khó, (có anh bị tâm thần ngờ nghệch, nhưng cứ nghĩ mình vẫn còn là Thanh Niên Xung Phong … : anh Nguyễn Quang Đắc sau khi tham gia biên giới Tây Nam về thì thời gian sau phát bệnh, anh cứ ngồi góc đường dùng hai cục gạch làm bếp trên ấy anh đặt cái xẻng và đốt giấy bảo là nấu thuốc trị ghẻ ngứa cho đồng đội, chiếc xe cà tàng của anh chất đầy đồ người ta vất đi như dép đứt, búp bê gãy tay thậm chí xương heo, anh nói đó là cua là cá anh bắt về để đem xuống hậu cần cải thiện …; Thấy thương đứt ruột; có những đôi vợ chồng bị bệnh ngặt nghèo v.v..); lạ là từ khi gặp bà, Hân ít đi bar, nhậu nhẹt (Hân đâu biết bà tự thấy có trách nhiệm gì đó với một người cần phải Trở Về, thế thôi, bà thường cùng Hân tới một ngôi nhà của một đồng đội “Đặc Biệt” Chị Nguyễn thị Lý – người nữ duy nhất còn sống sót của Trung đội 3, Liênđội 303 bị bọn Ponpot tàn sát dã man tại Kokixom năm 1978, khi Tổng 3 biên giới làm nghĩa vụ Quốc tế giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng - để nghe chị kể về những ký ức kinh hoàng, những đau đớn khi nhìn đồng đội bị lũ quỷ xâm hại (chị bị tụi khốn nạn dày xéo, hành hạ sau đó nhét trái nổ vào chổ kín…) những di chứng năm nào cứ ám ảnh chị, và để tìm sự thanh thản, chị cùng một số nhà hảo tâm chung tay nấu cháo dinh dưởng cho các bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ có một ngày duy nhất Chủ nhật thôi! Và Hân, ngoài sự mở lòng còn mời thêm các “chiến hữu” đến để Thấy , Nghe và : ‘‘Tụi mình bớt đi Bar, bớt đi nhảy đầm, bớt … nhậu! và để để đức cho con cái …” Bà nghe bộc bạch đó mà ứa nước mắt ! Cám ơn những tấm lòng. Anh Chánh khen bà hay, bà giỏi; bà xua tay bảo rằng không là chữ Duyên thì không có chuyện lạ xảy ra . Thực lòng bà vui lắm, mừng lắm. Bà cám ơn Trời Phật đã xoay chuyển cho tình thương nối những tình thương. À! Bà còn ‘’dụ’’ Hân đi Chùa, mua dĩa kinh thuyết pháp về phát cho anh chị em … Cứ thứ bảy Hân cùng bà và một số “chiến hữu” mang gạo, tiền đến những nơi cần đến. Nụ cười của họ bà thấy Đẹp lạ lùng …
Con gái bà nói lúc này bà vui hơn, trẻ trung yêu đời và “hình như Má có bồ” làm bà đỏ mặt (qua bên kia dốc cuộc đời rồi, cái cảm giác của ngày xưa trái tim rung rinh với chồng bà … hơi hơi nóng !) bà vui kể cho con nghe chuyện người đàn ông ấy, nó cười cười nói cho nó gặp. Sau này nó cứ Chú Hân tất tần tật.
Con gái điện thoại bảo bà ra quán café quen thuộc có chuyện gấp, bà ngạc nhiên quá đổi, đến nơi bà thấy Hân và con gái chờ sẵn. Thấy bà, nó vội chào rồi nhoẻn miệng cười : ‘‘Má ơi! chú Hân cần Má giúp một chuyện, con có chuyện phải đi, chào Má và chú !” .
“Em ! chúng ta đến với nhau nhé!” Hân rành rọt, bà bất ngờ, lắp bắp : ‘‘Anh, anh cho em thời gian !” Tiếng người đàn ông dứt khoát : ‘‘Không! Anh chờ em hơn ba mươi năm rồi” và hạ gục bà luôn : ‘‘Anh là Trần Hoài Hận đây ! và anh là người đàn ông năm nào ở công viên Văn Lang đây!, lúc ấy anh về phép cái bản năng đã đòi hỏi và đi đến nơi ấy, ông Trời cũng tuyệt vời, xui khiến cho em òa khóc để anh kịp nhận ra em, anh không dám ra mặt – trời tối quá - hơn nữa, anh sợ em mặc cảm; em biết không ? anh núp sau gốc cây nhìn theo dáng em lầm lũi chạy đi, sao em khổ thế ? Em biết không? Ông Trời cũng đã khiến chúng ta gặp nhau trong những hoàn cảnh trớ trêu, bây giờ anh phải giữ chặt em, không cho em lạc anh nữa đâu! Em biết không ? hở “cô cán bộ dễ thương!” Bà choáng váng ngó trân đôi mắt … Trần Hoài Hận.
Biết nói sao nhỉ ?
Nước mắt bà tuôn như mưa .
Bà nằm liền mấy ngày, không tiếp ai, chả nói gì với con, sao đời bà gặp chuyện oái oăm này nhỉ ? Cuối cùng bà quyết định trả lời với Hân, À! Không với Hận chứ .
Và câu trả lời của bà đã làm người đàn ông ấy tê tái, hắn cay đắng, cuộc đời hắn chả lẽ phải mang mối hận cho đến chết, mà hắn hận ai ? Ông Trời hay hai người đã tạo ra hắn ? hắn chẳng rõ !
Mọi người ơi! giúp hắn với ! hắn phải làm sao ?
Quên ! câu trả lời của bà như thế này: “Cám ơn Định mệnh đã cho ta gặp nhau trong cuộc đời này; nhưng xin lỗi anh, tình yêu với chồng vẫn vẹn nguyên trong em; với tình Bạn, không ai thay thế được anh, anh nhé !” .
Hắn kêu tiếp ly café thứ . . . tư ! .
Cẩm Hồng
Ảnh minh họa sưu tầm từ internet và tư liệu cựu TNXP.
|
|