Hát trên miền biên giới – Phần 1
Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc đã lâu lắm rồi. Nhưng tình cảm anh em TNXP dành cho những ca khúc của các tác giả vẫn còn trong lòng người, như mới nguyên trong những ngày tháng hào hùng trên biên giới. Phong trào văn nghệ của Liên đội 303, trong nhiệm vụ phục vụ chiến đấu; luôn tất bật với chuyện cán thương, tải đạn, chống lầy, . . . ; lúc ấy hát ca thế nào, bài gì ? Xin mời đọc bài viết. NBT
Phần 1
Nói đến TNXP mà không nói đến phong trào văn nghệ là một thiếu sót trầm trọng. Những buổi tối cuối tuần trên công trình thủy lợi thường có sinh hoạt văn nghệ toàn liên đội gồm những tiết mục đóng góp từ các đại đội. Sau đó là ăn chè, thường là chè khoai, chè đậu. Sáng thứ hai đầu tuần, trước khi chào cờ từng đại đội tập hợp kiểm tra quân số xong là vỗ tay bắt nhịp các hành khúc quen thuộc của TNXP .
Nhưng khi lên biên giới, phần lớn các đơn vị đều hoạt động xa và độc lập nên phong trào văn nghệ lắng xuống. Nếu anh em nào có buồn thì tự mình hát vài câu cho đỡ buồn, có khi chế lại ca từ những bài hát khác để trêu ghẹo vui với nhau. Như bài hát Guantanamera của Cuba có lời như sau : " Một lòng trung kiên con xin hứa với nước non. Trái tim con đời đời bên mẹ hiền" thì đội viên Nguyễn Gia Cường – còn gọi là Cường mập hay Cường Bắc kỳ- sửa lại: " Một lòng trung kiên con xin hứa với bác Ba. Trái tim còn đời đời bên chị Hà". Hà là nữ đội viên bồ ruột của một nam đội viên tên Thuận mà anh em đặt cho biệt danh là Thuận Chilê. Mỗi khi gặp Hà hay Thuận, hay cả hai thì Cường mập hát liền hai câu này và sau đó là mọi người cùng cười.
Ở mặt trận, cả ban ngày và ban đêm anh em luôn tất bật với chuyện tải thương, tải đạn; thời gian rảnh rổi rất ít thì tập trung đi tát cá, hái thêm rau trái cho bữa cơm thêm ngon. Ở mặt trận buổi tối, không ai dám tập hợp anh em chung quanh đống lửa rồi ca hát vang trời như ở Củ Chi hay Lê Minh Xuân. Phong trào văn nghệ lắng xuống cũng do không có nhiều ca khúc mới phản ánh tâm tư tình cảm TNXP trong nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Ở chiến trường biên giới mưa rừng triền miền, làm đường chống lấy, tải thương, tải đạn, kéo pháo vào trận địa đêm ngày thì không thể hát mãi bài ca khai hoang, đào kinh làm thủy lợi, xây dựng vùnh kinh tế mới.
Thực tế khách quan của chiến trường biên giới đòi hỏi phải có nhiều ca khúc hát về nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Chiến trường tây nam không thơ mộng như "chim kêu ven rừng suối gọi, hoa mai vàng run lá ngụy trang" nhưng hình tượng nam nữ TNXP chịu thương chịu khó dầm mình trong mưa gió biên thùy hay đẫm sương lạnh rừng đêm khơi nguồn cảm hứng cho thơ ca. Trong bối cảnh ấy, anh Lê Văn Lộc lúc bấy giờ là trợ lý phong trào của Liên đội 303, đã cố gắng sáng tác nhiều bài hát mới đáp ứng nhu cầu ca hát của nam nữ TNXP trên tuyến đầu:
" Chiều nay trên đường về từ chiến trường
Có anh TNXP đi tải đạn đi cáng thương
Bồng đạn nặng trên vai anh
Đè trên lưng anh
Sau tháng ngày thánh vết chai…..
Từng đêm mưa tuôn, anh cáng thương đi nhanh
Từng đêm mưa trơn , anh vẫn đi không ngừng
Từng đêm nay đã thành những vết chai"
( trích bài Những vết chai cho tổ quốc )
( còn tiếp). ( Nguyễn Văn Nghĩa )
Ảnh minh hoạ của tác giả cung cấp.
|