Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

GIÃ TỪ CHIẾN TRƯỜNG CAMPUCHIA.

       Từ sau giải phóng Phnom Penh, các đơn vị của Liên đội 303 TNXP  không chỉ phục vụ vận tải hậu cần mà còn trực tiếp tham gia tác chiến như  bộ đội trên nhiều mặt trận ở những vùng rừng núi rộng lớn, hiểm trở của hai tỉnh Kompong Speu và Kompong Chnăng. Tính từ giữa tháng 6/1978 đến tháng 10/1979, anh em xa nhà, xa người thân, bám chiến trường đã qua một mùa mưa, một mùa khô và tiếp tục thêm mùa mưa thứ hai :

                “Rừng thay lá bao mùa rồi

                 Đoàn quân chiến đấu xa làng quê

                 Mẹ ơi hãy yên lòng

                 Dù bao gian nan ngày tháng

              …. Ngày đêm vững bước trong hàng quân”

                                   Trích bài hát Hãy yên lòng mẹ ơi- Lư Nhất Vũ

       Anh em  đã vượt qua không biết bao nhiêu gian khổ, đối mặt không biết bao nhiêu hiểm nguy, chịu đựng những cú sốc tinh thần mà trước đó không ai có thể nghĩ tới. Nhưng trên hết vẫn là tinh thần gánh vác trước sau như một, sẳn sàng xông lên phía trước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao bất kể ngày đêm hay mưa nắng:

               “ Chúng con đi

                  Hòa theo ước vọng

                  Chan chứa mặn nồng

                  Tình non nước

                  Chẳng bao giờ phai

                  Tình quê hương

                  Thiết tha đời con”

                                   Trích bài hát Hãy yên lòng mẹ ơi- Lư Nhất Vũ

            Cuối tháng 9 qua tháng 10/1979, mưa Campuchia mù mịt, rừng núi trở nên âm u, giá lạnh. Nhưng tin tức từ cấp trên khiến anh em hết sức  ấm lòng và vui mừng không sao kể xiết. TNXP được lệnh về nước. Không bao lâu nữa, anh em sẽ trả lại súng đạn cho bộ đội, giả từ những ngày dài đêm thâu nơi rừng sâu hoang vắng, giả từ hầm hào chiến đấu và chốt bảo vệ giao thông ở các chiến trường xa xôi U ran, U đông, Amleng. Dù mỗi người có hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng lúc này mọi người ai ai cũng trào dâng nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Tâm tư lớn nhất của anh em lúc bấy giờ là được trở về bình an sum họp với gia đình, gặp lại bà con thân thuộc và bạn bè.

         Ngày về cận kề nhưng TNXP vẫn hết lòng vì nhiệm vụ vì thời điểm này tòan bộ Sư 7 vào đợt tác chiến mới. Trung đoàn 165 tiến công phía tây Amleng, truy quét khu vực bắc suối Sầm Rông. Trung đoàn 141 hành quân lên phía bắc Amleng, truy quét khu vực núi Uran và thung lũng Tha Ma Băng. Trung đoàn 209 truy quét khu vực núi Kim Ri và đường 124. Và  đội viên Nguyễn Văn Giàu hy sinh trên đường chiến dịch, chỉ một ngày trước khi về nước. Anh là liệt sĩ thứ 32 và là liệt sĩ cuối cùng của Liên đội 303 :

                      «  Tiếng quân reo

                         Hòa theo ước vọng

                          Son sắt nguyện thề

                         Vì quê hương

                         Hiếng dâng đời con

                         Vì tổ quốc mến yêu Việt Nam »

                                         Trích bài hát Hãy yên lòng mẹ ơi- Lư Nhất Vũ

         Và khi từ rừng núi xa xôi, anh em về tập trung tại khu nhà lầu ngang  phi trường Pochentong thì mọi người ai cũng biết ngày về nước đã tới rồi. Sáng sớm ngày 2/10, gần như toàn bộ Liên đội 303 đều có mặt trên 20 xe vận tải quân sự của Cục Hậu cần Quân đoàn 4 xuất phát về quê hương. Đ/c Cục trưởng Hậu cần phát lệnh hành quân. Lúc này, chưa ai nghĩ  về nước rồi sẽ làm gì, chỉ mong xe chạy nhanh, nhanh hơn và nhanh hơn nữa. Đội viên Nguyễn Văn Học ở B2 C2 cho biết : «Cuối tháng 9/1979, chúng tôi đang làm nhiệm vụ bảo vệ kho đạn trong một vườn xoài lớn ở Kompong Chnăng thì được lệnh rút quân.Chúng tôi được phép mang theo vũ khí đề phòng bị Khơme đỏ phục kích dọc đường, đến biên giới thì trả lại cho bộ đội. Lúc đó anh Xuân Dũng là B trưởng. Trên đường về, anh em trên xe bàn nhau là về tới Sàigòn rủ nhau ăn uống một bữa cho đã thèm, không phải một bữa mà nhiều bữa, bù lại những ngày quá sức kham khổ trong rừng núi Campuchia. »

      Đoàn xe hành quân liên tục, không dừng dọc đường. Vì vậy, các đại đội đều chuẩn bị sẳn cơm vắt, nước uống để anh em ăn ngay trên xe. Liên đội phó Trịnh Văn Sáu, thành viên duy nhất trong Ban Chỉ huy Liên đội có mặt trong ngày hồi hương, nhớ lại :

       « Phần lớn các đơn vị tập trung về Phnom Penh chỉ một ngày trước khi về nước. Đoàn xe lần lượt đi qua các tỉnh Kandal, Preyveng, Soài Riêng; ưu tiên qua phà Neak Luong, tiếp tục hành trình dài đến Mộc Bài, vượt qua biên giới rồi trực chỉ thành phố Hồ Chí Minh. Trên đường về , tất cả anh em TNXP và bộ đội đều phải 3 lần chấp hành lệnh  kiểm tra quân trang cá nhân tại cửa khẩu Mộc Bài, thị xã Soài Riêng và cầu Sài gòn. Trước ngày về một tuần, Ban Chỉ huy  Liên đội nhận được lệnh từ Sở Chỉ huy Sư 7 là quán triệt trong toàn Liên đội là nêu cao tinh thần kỹ luật, thực hiện tốt 9 điều quy định trong vùng giải phóng Kampuchia và chấp hành nghiêm lệnh rút quân .»

            Ngày về nước diễn ra an toàn, đúng điều lệnh hành quân và không xảy ra bất cứ một sự vi phạm kỹ luật nào. Anh em sum họp đủ đầy nhưng không quên những đồng đội đã vị quốc vong thân nơi xứ lạ quê người. Phải chi các anh chị em này cùng có mặt trên đường về quê hương, trêu chọc, đùa giỡn với anh em mình để quên đi nổi mệt đường xa. Điều an tâmlớn nhất cho những người còn sống là tất cả nam nữ  TNXP 303 hy sinh trong suốt 500 ngày đêm trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới tây nam và làm nghĩa vụ quốc tế trước sau đều về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố mang tên Bác. Hàng năm, đến tháng 7,  đồng đội đến thăm, gợi nhớ kỷ niệm xưa; nấm mồ của các anh chị em  nghi ngút khói hương.

         Theo Wikipedia, U đông (Udong) là kinh đô xưa của Kampuchia vào thời kỳ 1618-1866 và với thời gian trở thành một huyện của tỉnh Kompong Speu nẳm gần quốc lộ 5, cách thủ đô Phnom Penh gần 40 km. Trước khi lên đường về nước, C3 được giao nhiệm vụ chốt chặn, ngăn chận mọi sự xâm nhập phá hoại trục giao thông xuyên rừng chung quanh khu vực U đông. Giao liên Nguyễn Hữu Thành nhớ lại :

          « Lúc đó tiểu đội chúng tôi đóng chốt  trên một vị trí cũ của Khơme đỏ , lán trại ở bìa rừng gần như còn nguyên. Nhưng anh em không vào ở trong đó mà căng võng nghĩ ngơi gần mặt đường. Đến đây, tôi lại nhớ anh nuôi Võ Văn Dũng. Ngày nào cũng vậy, người anh nuôi này luôn chu toàn công việc hậu cần, không ngại đi ra xa nơi đóng chốt hái rau rừng về cải thiện bữa cơm của anh em. Được lệnh về nước, tôi rất mừng. Gánh nặng chiến trường như được trút xuống hoàn toàn. Tâm trạng của tôi lúc đó, cũng như tâm trạng chung của tất cả anh em trong đơn vị là ai ai cũng nóng lòng muốn xe chạy cho mau về Sàigòn, vì về tới Sài gòn coi như là về tới nhà của mình. 

         Qua tháng 9/1979, nhiệm vụ của Liên đội 303 được mở rộng. C4 trong đó có một bộ phận của Liên đội 308 mới sáp nhập  phối thuộc với Sư 9. Địa bàn hoạt động vẫn là vùng rừng rậm của tỉnh Kompong Chăng. C trưởng Nguyễn Ngọc Nhân kể lại :

          « Tôi không nhớ rõ ngày về nước nhưng chắc chắn  C4 là đơn vị về sau cùng. Ngày đó, khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi gần 80 người xuất phát từ trạm xá của Sư 9 tại Kompong Chnăng trên 2 xe vận tải quân sự, tới 6 giờ chiều thì đến địa điểm tập trung quân tại Tp Hồ Chí Minh. Trưởng Phòng Hậu cần Sư 9 đồng ý với đề nghị của tôi là tiếp tục trang bị tiểu liên cho anh em  đề phòng chạm trán với Khmer đỏ trên hành trình dài mấy trăm cây số bên đất Kampuchia. Trước đó, từ sáng sớm, anh em hậu cần đã nấu sẳn cơm, thức ăn và nước uống đem theo để ăn bữa trưa ngay trên xe vì xe chạy liên tục, không dừng lại bất cứ nơi nào. Sau khi qua biên giới Việt Nam thì  2 xe chở anh em chúng tôi mới dừng lại nghĩ ngơi tại một trạm của quân đội. »

          Liên đội 303 là đơn vị về nước sau cùng trong tổng số 14 liên đội của Tổng đội 3 Biên giới. Ngày về diễn ra lặng lẽ, không họp báo, không mít tinh, không lễ  tiễn đưa; diễn ra y như một cuộc chuyển quân. Từ tháng 10 của mùa mưa năm 1979, trên chiến trường xứ chùa tháp, chỉ còn kontop Việt Nam, kontop Sàigòn thì đã hồi hương. Anh em giã từ vũ khí, trở về với cuốc xẻng; giã từ hầm hào chiến đấu, trở về với bờ bao, kinh tưới, với những nông lâm trường đang chờ đợi sức trẻ khai phá.

       « Mặt trời lên nhìn rạng rỡ quê hương

          Tuổi thanh xuân còn bước tiếp xây đời vui

          Thành phố ơi ta gởi lời ước hẹn

         … Thương làm sao nhớ làm sao

          Chiến khu xưa nay là miền đất mới

          Em tập đánh vần, hoa nở chim ca

          Theo bước ta đất mừng lên xanh mượt

          Mãi reo vang đất mở nông trường

          Những công trình vẫy gọi tương lai »

                               Trích bài  Khúc hát người đi khai hoang- Lư Nhất Vũ.

                                    Nguyễn Văn Nghĩa - Những ngày cuối tháng 9/2015.


Ảnh minh hoạ thuộc tư liệu riêng của BLL Cựu TNXP LĐ303 và tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á