Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

ĐỐI MẶT - Tập 11 : Cứu cha thoát vòng lao lý.

Họa vô đơn chí, Việt “Cận” vừa qua chuyện đơn vị đói kém, rồi con trai lâm trọng bệnh, tiếp theo cha già bị người ta hảm hại phải vào vòng lao lý. Phải lên đường về quê giải cứu cho cha.

Tập 11 : Cứu cha thoát vòng lao lý

Quê Việt là một thị xã ở Miền Trung cách Sài Gòn gần 1000km, phương tiện đi lại chủ yếu là xe lữa hoặc xe đò. Sáng sớm, chạy ra bến xe khách đi Miền Trung, Việt thấy người mua vé quá đông nhưng mỗi ngày lại chỉ có vài chuyến xe, nên lượng khách xếp hàng chờ từ mấy ngày qua vẫn còn nhiều, e rằng mình sẽ phải chờ vài ngày.
Thấy không ổn bèn chạy ra Ga xe lửa xem sao?, ở đây tình hình chẳng khả quan hơn bao nhiêu, thời buổi này nhu cầu đi lại thì nhiều nhưng phượng tiện đi lại ít, nhiên liệu cho xe lại khan hiếm nên lúc nào các bến xe và nhà ga cũng nghẹt khách.
Khách xếp làm hai hàng dẫn vào hai cửa bán vé, một cho thường dân và một cho cán bộ nhân viên có giấy nghỉ phép, nhưng cả hai hàng đều rất đông người. Hỏi thăm những người đã xếp hàng phía trước, thì ra họ đã chờ một đến hai ngày rồi nhưng vẫn chưa có vé.

Việt suy nghĩ : “Không thể được vì thời gian nghỉ phép của mình không còn nhiều, chờ mua vé - đi đường- giải quyết công việc ở quê – rồi lại tiếp tục chờ mua vé- quay trở lại Sài Gòn. Cứ mỗi lần như vậy mất vài ngày thì cho có được gấp đôi thời gian cũng chưa chắc đã làm được. Nhưng nếu không về thì Ba sẽ ra sao? Cả nhà đang mong đợi tất cả vào mình, việc nước việc nhà làm sao giải quyết ổn thỏa đây ?’

Thấy có một quầy vé bên trên có ghi Quầy vé ưu tiên, Việt Cận đến hỏi cô bán vé : “ Cô ơi để mua vé quầy này cần phải có giấy tờ gì”.
Cô bán vé ngước nhìn lên thấy Việt, lúc này anh đang mặc đồng phục Thanh niên xung phong, cô trả lời :
“ Đây là quầy vé ưu tiên cho cán bộ, bộ đội ở vùng biên giới hải đảo đi công tác và cán bộ đi công tác khẩn cấp, anh về đơn vị lấy giấy giới thiệu và công văn gửi cho Ga Sài Gòn, Trưởng Ga sẽ xem xét giải quyết vé ưu tiên đi ngay trong ngày”.

Trở về văn phòng Lực lượng Thanh niên xung phong, Việt đã được cấp giấy giới thiệu và công văn, nhờ đó anh đã có được cặp vé khứ hồi đi trong ngày.

Về đến quê nhà, Việt mua sắm một số vật dụng cá nhân, làm một ít đồ ăn mà anh biết Ba thích rồi đi đến trại giam .
Hôm đó là ngày cuối tuần nên Việt được vào thăm nuôi . Gặp lại Việt, Ba rất mừng nhưng hai mắt ông ấy lại rươm rướm nước mắt, chỉ cách xa một thời gian thôi nhưng Ba đã già đi nhiều, tóc đã bạc trắng cả đầu chẳng còn tìm thấy một sợi nào màu đen cả, trên trán xuất hiện thêm nhiều nép nhăn làm tăng vẽ suy tư trầm ngâm, khác hẳn tính cách của Ba trước đây luôn lạc quan và vui tươi .

Việt dìu Ba ngồi xuống ghế , mở các gói quà thăm nuôi ra để cán bộ quản giáo kiểm tra từng món, sau đó họ để cho hai cha con hàn huyên tâm sự.

Ba Việt hỏi trước : “ Sao ba thấy con lúc này gầy đi nhiều và lại đen đúa đi nữa, lúc này con đóng quân ở đâu và sống ra sao ?”

Việt nhìn Ba và từ tốn trả lời : “ Con đang đóng quân tại huyện Củ Chi ở thành phố, tụi con đang gia cố cho một công trình thủy lợi đưa nước ngọt vào tưới cho các cánh đồng trồng lúa ở đây”.

Ba Việt : “ Đúng là xã hội đảo lộn hết rồi, con là một người trí thức được đào tạo bài bản về hành chính. Nếu không có giải phóng sớm thì cuối năm nay con đã lấy được tấm bằng Thạc sỹ rồi, ngờ đâu bây giờ họ lại dùng trí thức cho làm lao động chân tay, đi đào kinh đắp đập.
Trong khi đó đưa những người ít học nhưng có công kháng chiến lên làm cán bộ quản lý. Hôm trước, nghe một ông Trưởng phòng Giao thông vận tải Thị xã đọc diễn văn chào mừng một công trình giao thông mới hoàn thành, cầm giấy đọc từng chữ một y như học sinh lớp hai trả bài trên lớp, trình độ như vậy thì làm sao biết gì về giao thông về thi công kỹ thuật để mà quản lý, tụi bên dưới nói gì thì chỉ biết gật gật mà thôi”.

Việt nói : “Ba à, xã hội bây giờ còn nhiều rối ren bất cập lắm, nhưng Ba cũng không nên để tâm nhiều làm gì cho mệt, riêng trường hợp của Ba, con chưa hiểu vì sao họ bắt ba vào đây”

Ba Việt : “ Ba không phải diện sỹ quan hay công chức chế độ củ phải đi học tập cải tạo, không phải cường hào ác bá gây tội ác với dân chúng, cũng chẳng là tư sản mại bản hay là người phá rối trật tự trị an gì cả. Nhưng khi họ đưa ba vào đây là nói mời vào trao đổi về chính sách cải tạo văn hóa công thương nghiệp mà thôi, nhưng sau đó thì giử ở lại và không cho về nhà” .

Việt hỏi : “Họ có nói lý do tạm giử và tạm giử trong bao lâu không ?”

Ba Việt : “Chính thức thì họ không có nói điều đó, nhưng khi về phòng giam thì qua các phạm nhân khác nghe đồn là họ nói ba là không chịu hiến rạp hát, cho họ nên họ xếp ba vào loại chống lại chính sách cải tạo của nhà nước. Sau đó Ba đã ghi cho họ tờ đơn xin hiến rạp hát nhưng họ vẫn chưa chịu”.
Ngừng một lát ông nói tiếp : “ Ba đã hỏi họ. Vậy thì các ông muốn gì ở tôi ?”
Họ trả lời : “ Ông không thuộc diện tư sản bị nhà nước trưng thu tài sản, chúng tôi chỉ thực hiện trưng mua tức là ông bán lại rạp hát cho chúng tôi”.
Ba lại nói: “ Hai năm nay tôi cũng đã giao cho nhà nước khai thác rồi, lúc trước làm hợp đồng cho thuê rồi mới chuyển qua hợp đồng hợp tác, tôi đã chấp hành theo chính sách của nhà nước nay nếu các ông cần mua thì thì tôi sẳn sang bán, nhưng các ông định trả tiền cho tôi như thế nào ?”
Nghe đến đây Việt chen vào hỏi Ba : “ Nếu họ chịu mua mà Ba cũng đồng ý bán thì đâu còn lý do để Ba tiếp tục bị giử ở đây, Hay là nguyên nhân khác ?”
Ba Việt : “Đúng vậy, một rạp hát có diện tích đất trên 1000m2, phần xây dựng 700m2 lại nằm ngay trung tâm Thị Xã, mà chỉ trả tiền hơn một triệu ngàn đồng, tương đương khoản 3 cây vàng 24, số tiền này chỉ mua được một căn nhà nhỏ cấp 4 vùng ngoại ô mà thôi.
Trong khi đó trước đây Ba phải bỏ ra khoản 500 cây vàng để mua đất và xây cái rạp hát này. Đấy chỉ là cái cớ mà thôi vì sau đó Ba được biết là mình đang bị một người quen củ tên Mai hảm hại”.

Việt hỏi :“ Mai Gara phải không Ba ”

Ba Việt : "Ừ hắn là một tay chỉ điểm, ngày xưa dưới thời của Cậu Cẩn thì hắn từng làm chỉ điểm cho bọn mật vụ chuyên đi bắt bớ các thương gia có máu mặt trong thị xã để đòi tiền bảo lãnh hoặc các người bị vu oan là tham gia các đảng phái chống đối Ngô Tổng Thống,
Sau khi chế độ Nhà Ngô bị lật đổ, hắn bị nhiều người tố cáo phải bỏ trốn khỏi Thị Xã. Khi giải phóng vào hắn nhờ một người thân làm trong Ủy ban quân quản xác nhận là cơ sở nội thành hoạt động bí mật, nhờ đó hắn tiếp tục làm chỉ điểm.
Mới đây được lên chức phó ban cải tạo công thương nghiệp Thị Xã, hắn có thể đã cho rằng Ba là người tố cáo hắn năm xưa nên rắp tâm trả thù, vu khống Ba là tư sản trước đây từng tham gia các tổ chức chống Cộng, do vậy Ba bị làm khó dễ như vậy".

Việt nói : “ Theo con trước mắt Ba cần phải ra khỏi đây, chứ ở lâu e sẽ không tốt cho sức khỏe, dù ghì thì Ba cũng đã có tuổi rồi và người ta thường nói “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, Tiền bạc và tài sản thì quý thật đó, nhưng Ba cũng thường nói với con là dù ghì nó cũng vẫn là vật ngoại thân khi chết đi thì cũng chẳng có gì mang theo được, còn việc Ba bị vu khống, con sẽ tìm cách giải quyết. Ý ba thấy thế nào ?"

Ba Việt : “Ba nghe con nói thì thấy con Ba đã thật sự trưởng thành rồi. Ba tin con và giao con tùy cơ ứng biến làm sao có kết quả ổn là được".

Sáng hôm sau Việt ghé văn phòng Ban cải tạo công thương nghiệp thị xã, tiếp anh là một cậu nhân viên trực tại đây, sau khi tự giới thiệu thì anh được mời vào phòng bên trong gặp người phó ban.

Việt tự giới thiệu : "Chào anh, tôi là Lê Việt, C trưởng Thanh niên xung phong thành phố, vừa nói anh vừa rút trong túi áo ra giấy tờ đưa cho người phó ban xem".

Sau khi xem giấy tờ của Việt và hỏi : "Anh đến cơ quan chúng tôi liên hệ việc gì ?".

Việt nói : "Ba tôi là ông Lê Vũ, chủ rạp hát của thị xã, trước nay thì ba tôi vẫn hợp tác với cơ quan văn hóa của thị xã để khai thác rạp này, nhưng mới đây không biết vì sao lại bị tạm giử".

Người phó ban nói : "Ông Vũ không chịu chấp hành chủ trương cải tạo công thương nghiệp , không chịu ký vào biên bản trương mua rạp hát, nên chúng tôi phải mời ông đi học lớp cải tạo để thông hiểu về chính sách của nhà nước mà tự giác thực hiện cho đúng".

Việt đối đáp lại : "Theo tôi biết , chính sách chung của nhà nước thì ba tôi không nằm trong diện phải bị giam giử hay phải đi học cải tạo. Nếu thị xã muốn quản lý cái rạp hát ấy thì tôi là con trai trưởng, sẽ thay mặt ông ấy ký vào biên bản bàn giao rạp cho các ông, tôi chỉ yêu cầu ông cần thả ngay Ba tôi ra khỏi nhà giam ngay".

Người phó ban lại nói tiếp : "Ngoài việc cái rạp thì có người làm đơn tố cáo ông ấy trong thời chế độ củ là tư sản mại bản tiếp tay cho bọn phản động hà hiếp dân lành".

Việt nói lại : "Muốn quy tội người ta thì phải có chứng cứ rỏ ràng, không thể nghe các lời tố cáo vu vơ không bằng không chứng mà được, hơn nữa việc này không thuộc phạm vi trách nhiệm của ban cải tạo công thương nghiệp Thị Xã, khi chưa có bản án của Toà án thì ông không có quyền kết tội và giam giữ ông ấy".

Tuy bắt người vô cớ, nhưng lão Mai vẫn khăn khăn từ chối việc trả tự do cho Ba, Việt thấy không thuyết phục được họ nên anh tạm phải ra về tìm cách khác.

Lúc này mặt trời đã đứng bóng, sáng giờ chưa ăn gì nên bụng nó sôi ùng ục, đi tản bộ về hướng chợ, anh nhớ hình như lúc trước ở đây thường có một gánh Cao Lầu bán dạo rất ngon.
Lâu lắm rồi kể từ ngày rời quê vào Sài Gòn học, anh mới có dịp thưởng thức lại món Cao Lầu gánh này, chỉ là một món ăn dân dã hè phố nhưng nó lại có nhiều hương vị quê hương dậm đà đối với những người đi xa xứ như anh .

Với những sợi mì gổ to đậm mùi nước tro củi Lao, bên trên là những miếng thịt Xá Xiếu thơm lừng ăn cùng rau sống Trà Quế cùng với một chút nước chan đặc biệt, đã tạo nên một hương vị thật độc đáo, một cảm nhận quê hương tuyệt diệu.

Vừa đi vừa suy tưởng món ăn quê nhà, thì anh nghe như có ai đó đang gọi tên mình "Việt. Việt … có phải em đó không".

Xoay người lại Việt nhìn thấy một người đàn ông mặc đồ bộ đội, đeo quân hàm đại úy trạc khoản ngoài ba mươi, nhưng tóc đã bạc đi nữa muối nữa tiêu. Thấy thì quen quen nhưng không biết đã gặp ở đâu rồi.
Thị Xã này không lớn lắm nên thường thì mọi người đều biết nhau, nhưng đã nhiều năm nay Việt đã vào Sài Gòn đi học, tiếp sau đó đi Thanh niên xung phong, do vậy trong một lúc chưa thể nhớ ra người này là ai ?.

Việt chào : "Chào anh, trông quen lắm nhưng tôi đi xa nhiều năm nay có chuyện mới về lại quê nên chưa nhận ra được . Thật xin lỗi".

Người lạ nói "Anh Long đây ! Long mà ngày xưa có một thời ở trong nhà em, anh phụ giúp chú Tư đứng bán ở tiệm sách đây mà" .

Việt : "À nhớ ra rồi, vậy chứ gần chục năm rồi, nhờ anh nhắc em mới nhận ra được ".

Hai anh em kéo nhau ngồi xuống ăn mỗi người một tô Cao Lầu gánh, sau đó họ kéo vào một quán Café gần đó, vừa uống vừa hàn huyên tâm sự .

Việt nhớ lại chuyện xưa, nói: "Sau vụ bắt bớ học sinh trường Bồ Đề, cảnh sát ập đến nhà em lục soát tìm bắt anh, nhưng không được. Từ đó không ai biết anh đã đi đâu ?".

Long kể lại : "Nhờ núp dưới vỏ bọc là người bán hàng cho gia đình em, nên anh mới hoạt động được một thời gian, nhưng khi tổ chức trong học sinh trường Bồ Đề bị bắt, chú tư có báo cho anh biết tin này, nhờ vậy anh đã thoát thân 15 phút trước khi họ đến xét nhà em".

Việt nói : "Hồi đó Ba em cũng đã nghe nói là anh có người chú ruột làm Huyện ủy viên bên giải phóng, nhưng ổng nói gia đình ai cũng có người tham gia hai bên cả, anh là người chịu khó và thông minh, làm việc rất tốt, miễn là không làm gì ảnh hưởng đến gia đình em thì không sao".

Long hỏi ; " À chú Tư ba em bây giờ ra sao rồi, có khỏe không ?".

Việt thuật lại chuyện Ba mình bị lão Mai hảm hại, đang bị giam giử trong trại giam của Thị Xã.

Long suy nghỉ và nói: "Được rồi, bây giờ anh có việc phải đi rồi, Sáng mai cũng ở đây chúng ta sẽ gặp nhau đi ăn sáng, sau đó sẽ đến chỗ Ban cải tạo để anh xem sự việc ra sao".

Sáng hôm sau, Long cùng Việt lại đến ban cải tạo Thị Xã, Lão Mai đã đi công tác và người tiếp chuyện là Tư Năng, một người bạn chiến đấu ngày xưa với Long.

Long nói với Tư Năng : "Cậu biết đó ngày xưa mình đã hoạt động bí mật trong nội thị này, tổ chức bị địch phát hiện vây bắt, nhờ có chú tư Lê Vũ giúp mà mình mới thoát thân được, ai đã vu khống cho chú Tư theo địch là không đúng đâu.
Mình là đại úy, hiện nay đang cộng tác bên Tỉnh Đội, mình có thể làm giấy ngay đây để bảo lãnh cho chú Tư, cậu xem và giúp mình được không".

Tư Năng : "Cậu cứ về đi, để tôi cho mấy em đêm hồ sơ của Lê Vũ ra xem lại và hẹn chiều nay trở lại, nếu thấy ổn thì sẽ giải quyết luôn".

Đầu giờ chiều theo lời hẹn Long và Việt đến văn phòng ban cải tại thì gặp lại Lão Mai, Việt nói : "Sáng nay cháu đã gặp anh Tư Năng có hẹn sẽ giải quyết việc của ba cháu, nhờ chú lục giúp hồ sơ của ba cháu để trình cho anh Tư xem xét và ra quyết định".

Lão Mai : "Tụi tui chỉ tạm giừ ổng thôi không có quyết định giấy tờ gì cả, nay thả ra thì cậu cứ qua bên trại giam, nói cho họ biết là họ tự động thả ra".

Long xen vào : "Đồng chí là cán bộ của dân, nên phải làm sao thực hiện cho đúng chính sách của nhà nước, chúng ta đi giải phóng là để đất nước thống nhất, dân chúng được tự do và xã hội được công bằng, không vì động cơ cá nhân mà gây thêm khó khăn cho người dân".

Lão Mai : " Đồng chí không cần phải dạy tôi ba cái lý luận chính trị đó! tôi biết việc tôi làm và tôi chỉ có thể giải quyết như vậy mà thôi".

Long biết là không thể thuyết phục kẻ cố chấp này nên đi vào bên trong gặp Tư Năng- Trưởng ban để giải quyết công việc tiếp tục.

Chiều hôm đó Việt đã đón Ba ra ngoài. Lòng nhẹ nhàng hơn khi mình đã vượt qua một thử thách lớn tưởng chừng như đã bế tắc khi gặp đòn thù của lão Mai.

Qua chuyện này đã giúp Ba Việt hiểu và thương con trai mình hơn, ngược lại Việt thêm nhận rõ hơn công lao của Ba, Má đã có công sinh thành, nhiều năm khó nhọc lo cho mình ăn học thành tài, trong khi đó mình chưa làm gì nhiều cho Ba Má cả .
Khi quyết định đi Thanh niên xung phong Việt đã xóa đi kỳ vọng của Ba về mình. Mong sao qua lần này sẽ giúp anh giải toả được khoản cách còn lại ấy với ông ấy. Còn tiếp.

FB Duy Linh


Ảnh do tác giả cung cấp. Những việc liên quan bản quyền, xin liên hệ FB Trương Duy Linh.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á