Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

ĐỐI MẶT - Tập 14 : Trên nông trường ra biên giới có khi đi không trở lại.

Liên đội với 500 quân gồm: có 4 đại đội, mỗi đại đội có 3 trung đội. Trước đây chuyên làm các công việc đào kinh đắp đập, trồng trọt trên các công nông trường và xây dựng nhà cho dân các vùng kinh tế mới, nay chuyển qua phục vụ chiến đấu mà cụ thể là phối thuộc với các đơn vị bộ đội, thực hiện nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, thông đường, chống lầy – đưa pháo vào trận địa, bốc xếp đạn dược – lương thực thực phẩm, vận chuyển thương binh, tử sỉ về trạm phẩu hậu cứ Sư đoàn.

Tập 14 : Trên nông trường ra biên giới có khi đi không trở lại

Giữa tháng 6, Việt được điều về công tác tổng hợp cho văn phòng Lực lượng TNXP; bàn giao Đại đội lại cho Sáu Già coi sóc, sau đó đơn vị được điều lên phục vụ chiến đấu tại mặt trận Bến Cầu – Tây Ninh.
Liên đội đã đỗ quân tại Ngã ba đường đắp Thầy Tư, cạnh bìa Rừng Nhum thuộc Xã Long Phước, Huyện biên giới Bến Cầu, Tỉnh Tây Ninh, cách cột mốc biên giới khoảng 500m. Rừng Nhum! Tên rừng được gọi theo tên cây Nhum- một loài cây mây lớn, ngày nay chỉ còn gặp ở trong sâu- giữa ruột rừng, còn chạy hơn mười cây số vòng quanh bìa rừng chỉ thấy những cụm cây chồi to cỡ bắp chân và những dây gùi, gắm, thỉnh thoảng mới thấy vài cây trâm, cầy, liễu… nhưng hoàn toàn vắng bóng những cây cổ thụ lớn cao, quắc thước của rừng già như ở Chàng Riệc hay Lò Gò - Xa Mát.

Sau khi đơn vị trú quân ổn định tại Rùng Nhum, Liên đội trưởng Lộc –cùng Ban chỉ huy Liên đội lên Sư Đoàn bộ để họp. Hai Hoàng –Tư lệnh phó Sư Đoàn chủ trì cuộc họp, ông nói :

" Thừa lịnh thủ trưởng Sư Đoàn, chúng tôi hoan nghinh các đồng chí Thanh niên xung phong thành phố được cử đến phối thuộc với bộ đội chúng tôi để chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam này.
Như các đồng chí biết đó, hiện nay bọn Pol Pot đã điều 13 trong số 17 sư đoàn chủ lực và một số trung đoàn địa phương liên tục tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, có nơi vào sâu tới 15–20 km.

Trên tuyến biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh này, chúng đang điều các đơn vị của các Sư đoàn 703, 340, 221 tấn công trên toàn tuyến từ huyện Bến Cầu đến huyện Bến Sỏi; Với mục tiêu là đánh chiếm thị xã Tây Ninh và tiếp theo là uy hiếp thành phố Hồ Chí Minh.
Sư đoàn 7 chúng ta là một trong các đơn vị chủ lực của quân đoàn 4 có nhiệm vụ tạo dựng phòng tuyến bảo vệ chống địch từ xa.

“Các đồng chí cho biết Liên đội Thanh niên xung phong tổ chức ra sao và quân số bao nhiêu để chúng ta bàn việc phân công nhiệm vụ ?”

Liên đội trưởng- Lộc báo cáo : "Thưa đồng chí, Liên đội hiện có 500 quân gồm có 4 đại đội, mỗi đại đội có 3 trung đội. Các anh em lên đây đều là người tình nguyện và chúng tôi trước đây chuyên làm các công việc đào kinh đắp đập, trồng trọt trên các công nông trường và xây dựng nhà cho dân các vùng kinh tế mới, chỉ có vài người là lính chế độ củ có kinh qua chiến trường, còn lại đa số là sinh viên học sinh, người lao động nên chưa biết gì về súng đạn cả".

Hai Hoàng: "Hiện nay chúng tôi cần các đồng chí phục vụ chiến đấu mà cụ thể là phối thuộc với các đơn vị bộ đội, thực hiện nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, thông đường, chống lầy – đưa pháo vào trận địa, bốc xếp đạn dược – lương thực- thực phẩm, vận chuyển thương binh, tử sỉ về trạm phẩu hậu cứ Sư đoàn. Trong công tác các đồng chí sẽ được các đơn vị bộ đội huấn luyện chiến đấu.

Theo chỉ đạo của thủ trưởng Sư đoàn, trước mắt sẽ bố trí như sau:

- Đại đội 1, bố trí hai Trung đội phối hợp cùng bộ đội C20 vận tải của hai trung đoàn 141 và 165 làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn.

- Đại đội 2, bố trí một Trung đội phối hợp cùng bộ đội C20 Trung đoàn 209 làm nhiệm vụ tải thương, tải đạn .

- Đại đội 2, bố trí hai Trung đội còn lại và tất cả lực lượng của Đại đội 3 gồm 3 Trung đội, tiếp tục phối thuộc với Tiểu đoàn 25 Công binh, làm nhiệm vụ thông đường, chống lầy.

- Đại đội 4, phối thuộc với Phòng Hậu cần và Tiểu đoàn 29 vận tải làm nhiệm vụ bốc xếp đạn dược, lương thực - thực phẩm, vận chuyển thương binh tử sĩ về hậu cứ sư đoàn.

Mùa mưa kéo dài ít có ngày nào tạnh ráo, cộng thêm thời tiết lũ lụt trầm trọng năm nay làm cho nước ngập trắng xóa từ vùng biên giới Việt Nam tới phía Đông Bắc thị xã Svay Rieng- Campuchia.
Mưa nhiều gây khó khăn trong xây dựng công sự phòng thủ, cũng như khi xuất kích truy lùng địch, trong công tác vận tải tiếp vận lương thực đạn dược cho bộ đội.
Địa hình vùng Đông bắc Svay Rieng có nhiều khó khăn cho Sư đoàn 7 khi phòng ngự vào mùa mưa.
Để có thể bám trụ vững vàng , từng Trung đoàn rà soát lại việc bố trí xây dựng các chốt, cụm chốt, rà soát lại việc hiệp đồng tác chiến, nhất là ở khu tiếp giáp giữa các đơn vị .
Mưa lớn kéo dài. Đường 241 nối liền Rừng Nhum với Kokixom trở nên lầy lội, nhiều đoạn dài không thể di chuyển bằng xe cơ giới được.

Đồng ruộng ngập nước khiến cho công việc tải đạn, tải thương chậm lại, sức cơ động của Thanh niên xung phong không còn nhanh nhẹn như trong mùa khô.
Thời điểm này, phần lớn các đại đội, trung đội đều được tăng cường quân số, điều chuyển đội viên, cán bộ chỉ huy.
Nhiều người quyết tâm bám trụ tiếp lửa cho bộ đội bảo vệ biên cương tổ quốc. Để cải thiện đời sống nơi vùng biên giới này thì các đơn vị Thanh niêng xung phong phát huy tính chủ động, tìm kiếm thêm thực phẩm bằng việc tăng cường cải hoạt tự túc.
Rau xanh được trồng nhiều, nhờ trời mưa nhiều nên đỡ phải tưới và rau xanh lên tươi tốt. Các kinh rạch đồng ruộng ở đây có nhiều cá đồng, góp thêm vào khẩu phần trong mỗi bữa ăn hàng ngày, bảo đảm sức khỏe đội viên hoàn thành nhiệm vụ công tác. Chỉ có một điều không thích là đĩa ở đây cũng rất nhiều, loại đĩa Trâu to và dai nhách. Nếu khi đi công tác, phải lội qua vũng nước hay kinh rạch, thì về phải cởi đồ ra kiểm tra thật kỹ. Nếu không, có thể bị chúng chui vào chỗ kính như nách, hán mà hút cho no máu; Khi phát hiện ra thì chúng to phình như quả trứng gà rồi..

Bộ đội tiến công vào sâu hơn, thì trên đường chi viện hậu cần càng dài thêm. Khoảng cách từ hậu cứ các trung đoàn đến các chốt và các cụm chốt ngày càng xa hơn. Các đơn vị Thanh niên xung phong phải gia tăng cường độ hoạt động trong tình thế hoàn toàn bất lợi về thời tiết. Có đoạn đường dài 10km, mà gần 150 người phải tập trung xuyên suốt 40 ngày san lắp, chèn nhiều lớp cây mới bảo đảm được cho xe chạy thông suốt.

Trong cuộc họp giao ban thường kỳ với Sư Đoàn, Liên đội trưởng Lộc báo cáo: "Báo cáo các đồng chí, có một khúc đường đất thấp dài gần 1km, ở khúc đầu còn sử dụng được sau không thể chống lầy do lớp bùn nhão quá dày, nhiều nơi sâu tới nửa bánh xe tải. Nếu phải đi bộ, đeo một cây tiểu liên và lội sình qua khúc đường này mất không dưới một giờ đồng hồ. Không có bất cứ một chiếc xe nào qua được, cho dù đó là xe bánh xích có khả năng di chuyển dễ dàng trên mặt ruộng ngập nước. Và đó chính là trở ngại lớn nhất, khó khăn lớn nhất, cho công tác tiếp vận trong khi hàng ngày ba Trung đoàn tác chiến sử dụng rất nhiều lương thực và đạn dược".

Hai Hoàng: “Bộ Tư lệnh mặt trận đã quyết định lập cầu hàng không để tiếp vận cho chúng ta, tôi muốn các đồng chỉ chuẩn bị môt đơn vị làm nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa tiếp liệu này bất kể ngày đêm. Mỗi ngày có nhiều trực thăng vận tải đáp xuống Ngã Ba Tà I không theo một biểu thời gian cố định nào. Đó là loại máy bay trực thăng hai chong chóng CH- 47 của chế độ cũ để lại, mà bộ đội thường gọi là Sâu Rộm, sơn màu xám đen phía sau có cửa rộng để vận chuyển hàng hóa lên xuống. Thời tiết khô ráo, mới có chuyến bay bởi lẻ đơn giản không thể bốc xếp gạo khi trời đang mưa và trực thăng thì không thể dừng lâu trên bãi đáp dã chiến là mặt ruộng để đợi cho mưa tạnh. Trước mắt, chúng tôi cần các đồng chí cắt cử một đại đôi đóng quân tại Ngã ba Tà I, túc trực làm việc này, các đơn vị còn lại tập trung cho việc chống lầy tái lập tuyến đường bộ”.

Thông thường trực thăng phải tắt máy, đợi bốc xếp hàng hóa xong mới khởi động máy trở lại, như vậy tốn nhiên liệu rất nhiều. Nhưng anh chị em đã làm được thành tích nổi bật. Nhờ bố trí lao động đúng vị trí,với sức lực của từng người trong dây chuyền vận chuyển hàng hóa, từ trực thăng đến xe vận tải không có khâu nào thừa, nên tiến độ giải phóng hàng hóa nhanh chóng, trực thăng không cần phải tắt máy, đã tiết kiệm được một lượng nhiên liệu lớn.
Ở chiến trường Soài Riêng, bộ đội sử dụng nhiên liệu và đạn được theo chỉ tiêu, việc tiết kiệm được nhiên liệu cho không quân xuyên suốt quá trình thực hiện cầu không vận là rất có ý nghĩa.

Điều quan trọng nhất là, cầu không vận diễn ra trong an toàn và thắng lợi mặc dù bãi đáp ở Ngã Ba Tà I và khu vực đồn trú của Thanh niên xung phong không tránh khỏi con mắt theo dõi của trinh sát và hoàn toàn nằm trong tầm tác xạ các loại đại pháo của Khmer đỏ.
Không một chiếc trực thăng nào bị trúng đạn, không một cán bộ chiến sĩ hay đội viên nào bị thương vong hay tai nạn và không có một thứ hàng hóa nào bị thất thoát.

Giữa mùa mưa năm 1978, đồng bằng Nam bộ ngập lụt. Gạo cung cấp cho chiến trường giảm nhiều, thay vào phần thiếu hụt đó bột mì Liên Xô và mì sợi được chế biến từ loại bột mì này được bổ sung thay thế.
Các đơn vị được cung cấp thêm một loại mỡ trắng của Liên Xô, chứa trong thùng lớn giống như thùng phuy xăng và bột trứng gà màu vàng của Trung quốc chứa trong thùng cây lớn như thùng đạn súng cối 82 ly bên trong có bọc giấy nhôm chống ẩm. Bột mì nhồi làm bánh canh, nước lèo nấu với bột ngọt và cá tươi – có ở đây, nhiều nhất là cá Lóc bông và cá Rô đồng. Hôm nào, bên quân nhu có hạ thịt bò. thì nồi nước lèo của Thanh niên xung phong được bổ sung xương bò cho thêm phần đậm đà. Dĩ nhiên là anh em cũng được chia phần thịt bò, anh nuôi để dành làm món ăn khác ngon hơn. Có lúc quân nhu cung cấp khô cá chuồn, mà không còn gạo để nấu cơm nên đành phải ăn với mì sợi luộc chín. Rất khó ăn nhưng cũng phải ăn để có đủ sức đi tải đạn, tải thương. Có những ngày mưa lớn kéo dài, anh nuôi không thể đi cải hoạt được nên sáng tạo ra món bột mì trộn với bột trứng và đường làm món bánh nướng, hay bột mì trộn với bột trứng pha thêm chút muối rồi đem hấp làm chả. Lúc đầu ăn thấy được, ăn nhiều lần đâm ngán. Ở chiến trương này nhiều giang khổ hiếm nguy, nhưng cũng lắm cái vui tươi làm cho mọi ngươi yên tâm công tác. Còn tiếp.

FB Duy Linh


Ảnh do tác giả cung cấp. Những việc liên quan bản quyền, xin liên hệ FB Trương Duy Linh.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á