ĐỐI MẶT - Tập 17: Xốc lại tinh thần xung phong.
Cái chết của 24 Thanh niên xung phong trung đội 3 quá bất ngờ, đã làm xao động tinh thần rất nhiều đồng đội. Nhận định được tình hình này, vào tháng 8 đoàn cán bộ lãnh đạo Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố, do Chỉ huy trưởng Võ Viết Thanh đến thăm hỏi động viên và xốc lại tinh thần cho anh em đang đóng quân nơi tuyến đầu tổ quốc.
Tập 17: Xốc lại tinh thần xung phong.
Sau trận đánh lớn thắng lợi, bộ đội VN trong Quân đoàn 4 tinh thần phấn khởi lên rất cao. Nhưng ngược lại, cái chết của 24 Thanh niên xung phong Trung đội 3 quá bất ngờ, đã làm xao động tinh thần rất nhiều đồng đội của họ, nhất là những người còn rất trẻ và chưa từng trải qua chiến trận. Nhận định được tình hình này, vào tháng 8 đoàn cán bộ lãnh đạo Lực lượng do Chỉ huy trưởng Võ Viết Thanh (Bảy Thanh) đến thăm và xốc lại tinh thần cho anh em Thanh niên xung phong đang đóng quân nơi tuyến đầu tổ quốc. Xe jeep ngừng lại ở Ngã Ba Chóp, anh Bảy Thanh và các cán bộ chỉ huy khác đi bộ thêm một cây số là đến địa điểm đóng quân của Trung đội 1 đang đóng quân tại đây.
Để chia sẻ tâm tình ông nói : “ Chúng ta vừa trong tình đồng chí vừa trong tình thân như anh em một nhà, tôi mong anh em chúng tôi cố gắng chịu đựng gian khó, rèn luyện ý chí vượt qua khó khăn, cán bộ phải thể hiện tính tiền phong gương mẫu trong lời nói và việc làm mới thuyết phục được anh em trong đơn vị toàn tâm toàn ý phục vụ chiến đấu trên chiến trường”. Ông ngồi giữa, anh em vay quanh, bằng một giọng thân mật kể lại câu chuyện chiến đấu đầy gian khổ và hiểm nguy của chính bản thân mình đã trãi qua:
“Năm 1960, khi ấy là học sinh trung học tôi và một số đồng chí tham gia phong trào Đồng khởi ở Bến Tre. Trong một trận đánh đối đầu với địch, chúng tôi bị bao vây tại ấp 3, xã Hữu Định, trong đó, có nhiều anh em hy sinh. Tôi cùng một số anh em khác bị thương, bị bắt làm tù binh.
Chúng tôi không chỉ bị bọn chúng mắng chửi mà còn bị đánh đập rất nhiều, sau đó đem giam tại xà lim Ty Công an Bến Tre. Sau thời gian đánh đập, điều tra, bọn chúng đưa chúng tôi vào Khám Lá Bến Tre”.
Có một lần, Tỉnh trưởng Bến Tre (chế độ củ) -Phạm Ngọc Thảo vào thăm Khám Lá , ông kêu lính : “Các chú vào các phòng giam đưa tù nhân chính trị ra ngồi trước sân trại”.
Sau đó ông hỏi tên giám thị trại giam: “Những em đó có ở đây không? Tức nhóm học sinh mới 16, 17 tuổi mà đã cầm súng đi theo giải phóng quân bị bắt chung vào đây.”. (trong đó có tôi)
Tên giám thị bảo: “Dạ có”, rồi dẫn tôi lên đứng bên cạnh để Phạm Ngọc Thảo biết, ông chỉ nhìn như xoi mói vào từng người một, rồi đi ra mà không nói gì, buổi gặp gỡ đầu tiên của tôi với Đại tá Phạm Ngọc Thảo chỉ có vậy.
Lần thứ hai Phạm Ngọc Thảo đến thăm trại giam, cũng như lần trước, tôi được gọi lên đứng cạnh chỗ ông ấy ngồi để ông ấy hỏi chuyện.
Ông nhìn vào tôi và hỏi: “Em ở trong tù có khổ lắm không?”.
Lúc ấy, tôi cứ nghĩ ông ấy là Tỉnh trưởng địch nên trả lời theo kiểu nhát gừng, ngắn gọn là: “Khổ thì sao nào ?”.
Phạm Ngọc Thảo lại hỏi tiếp: “Em có chịu đựng nổi không?”.
Tôi trả lời: “Không chịu nổi cũng phải ráng chịu!”. Sau đó thì ông không hỏi nữa.
Sau một thời gian tôi ở tại trại giam này đến tháng 7 năm 1961, một chiếc xe đến, họ gọi tên tôi và bảo ra xe, đưa ra ngồi phía sau xe trong khi vẫn còng tay tôi. Tôi nghỉ thần trong bụng: «chắc sẽ bị đưa ra tòa án hoặc là bị đày đi Côn Đảo gì đó, tôi cũng chưa biết họ sẽ đưa tôi đi đâu ». Chiếc xe chở tôi từ trại giam chạy khoảng một đoạn thì rẽ vào dinh Tỉnh Trưởng. Tại đây, tôi lại được gặp mặt Phạm Ngọc Thảo một lần nữa.
Sau vài câu trò chuyện, Phạm Ngọc Thảo nói với tôi: “Hôm nay, qua trả tự do cho em. Nếu em muốn trở lại học văn hóa hay gặp khó khăn gì hãy đến gặp, qua sẽ giúp đỡ”.
Mãi đến sau này, tôi mới được biết, ông là người cán bộ cách mạng. Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một cán bộ tình báo của ta đã cài vào hoạt động bí mật trong lòng địch một thời gian dài và lập được nhiều chiến công oanh liệt.
Từ tháng 8 năm 1961, thoát khỏi nhà tù địch, nhận công tác ở xưởng sản xuất vũ khí của tỉnh, tuy trình độ văn hóa thấp, lại chưa biết nghề, song với nhiệt tình phục vụ và quyết tâm cao, tôi đã nỗ lực tìm tòi, học tập, miệt mài nghiên cứu cải tiến kỹ thuật dám nghĩ dám làm, sản xuất được nhiều loại mìn, lựu đạn, vừa dễ làm vừa đỡ tốn kém đạt hiệu quả diệt địch cao.
Vừa sản xuất vừa chiến đấu, luôn luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực tiến công, lập được nhiều chiến công cho đất nước, ngày 5 tháng 9 năm 1970, tôi được Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Truyền thống của người Việt chúng ta là vậy đó các đồng chí, khi đất nước lâm nguy thì mọi người đều hăng hái xung phong ra chiến trường, chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Sự hy sinh anh dũng của đồng bào chiến sỹ chống Pháp, chống Mỹ trước kia và 24 đồng đội chúng ta hôm nay được Tổ Quốc và Nhân Dân ghi công. Họ đã ngã xuống cho chúng ta được sống hôm nay.
Vậy anh em chúng ta cần phải biến đau thương này thành hành động cụ thể, trong việc tiếp tục cùng với các đơn vị bộ đội chiến đấu đánh tan ý đồ xâm lấn biên cương của bọn Pol Pot, bảo vệ sự bình yên cho dân chúng, giữ vững từng tất đất Quê hương.
Những ngày tiếp theo, tinh thần đa số anh em đã dần lấy lại sự tự tin trước đây. Rút kinh nghiệm từ trận bị tập kích tại Kokixom, các đơn vị Thanh niên xung phong được trang bị súng ống, vũ khí đầy đủ hơn. Chỉ sau một thời gian ngắn, mỗi người được cấp một khẩu AK với đủ cơ số đạn, lựu đạn M.67, lựu đạn Liên Xô, mìn định hướng Claymor của Mỹ, đặc biệt là súng chống tăng M.72. Súng này rất nhẹ, một người bình thường có thể mang vác 7 hoặc 8 cây súng loại này từ trạm quân giới Trung đoàn ra chốt, tuy có hơi cồng kềnh nhưng không cảm thấy nặng nhọc như gánh đạn cối hoặc đạn đại liên 12ly8.
Trung đội trưởng Huỳnh Ngọc Điều chịu trách nhiệm hướng dẩn anh em, kỹ thuật sử dụng an toàn súng chống tăng, lựu đạn và mìn định hướng.
Khu vực đóng quân của Trung đoàn 209 và Thanh niên xung phong ở phía dưới gió, khi Khmer đỏ phản công ở ngoài chốt thì anh em nghe rất rõ tiếng máy xe tăng, thiết giáp của địch gầm rú. Vì vậy, được trang bị loại súng này anh em thấy vững tâm hơn nếu có gặp chúng. Trung đoàn cấp thêm trung liên RBD với nồi đạn lớn lắp phía dưới, nhưng Già Điều nói súng đó khá nặng, khó cơ động nên thôi. Trang bị mạnh như thế nhưng chưa sử dụng lần nào. Vì chủ yếu là để phòng vệ và cũng vì chưa lần nào trực tiếp đối đầu với Khmer đỏ.
Trung đội B1-C1 do B trưởng Nguyễn Hùng Dũng phụ trách có đúng 41 người, phục vụ chiến đấu cho Trung Đoàn 141 nên anh em đặt tên là B41, trùng với tên gọi của súng B41 trang bị cho bộ đội để chống tăng, thiết giáp và công sự của địch.
B41 được phân công tham gia phục vụ trong trận đánh chiếm mục tiêu chùa Hận. Đây là một gò đất rất lớn, chung quanh là đồng ruộng. Trên cái gò này là cả một rừng cây thốt nốt già dày đặc, tạo thế phòng thủ rất kiên cố cho lực lượng Khmer đỏ đang án ngữ tại đây. Từ đồng ruộng bên ngoài, nếu đi vào chùa Hận thì bắt buộc phải đi qua một con đường đất duy nhất. Đây là yếu tố hoàn toàn bất lợi, cho lực lượng bên ngoài nếu muốn tấn công vào bên trong cái rừng thốt nốt rậm rạp này.
Trước trận đánh, Hai Quang đã cho họp các đơn vị phân công nhiệm vụ: “Theo kế hoạch tác chiến, thì đây là một trong nhiều mục tiêu phải thanh toán nhằm bảo đảm an toàn cho hành lang chiến dịch Đông – Đông Bắc thị xã Svay Rieng. Do vậy tôi yêu cầu trước ngày tấn công, các đồng chí là Đại đội trưởng xe tăng T54, Tiểu đoàn trưởng C25 công binh cùng C trưởng Trang Thành Tâm và B trưởng Nguyễn Hùng Dũng của TNXP, sẽ được trinh sát dẫn đường bí mật xâm nhập khu vực để khảo sát thực tế con đường độc đạo này”.
Đại đội trưởng xe tăng nói với Hùng Dũng: “Tôi cần các đồng chí xác định những đoạn đường mà Thanh niên xung phong và công binh phải hoàn thành chống lầy, để khi vào trận xe tăng chúng tôi nhanh chóng tấn công phá hũy công sự địch và không bị lún lầy”.
Trung đoàn trưởng 141 chen vào: “Ngoài ra anh em Thanh niên xung phong còn phải tải đạn và tải thương cho một cánh quân của Trung đoàn 141 tham gia trận đánh này. Do vậy các đồng chí cần bố trí người cho thích hợp”.
Vài ngày sau Quân ta tiến công đánh chiếm mục tiêu, địch ra sức trấn giữ quyết liệt bất phân thắng bại. Hỏa lực mạnh của Khmer đỏ núp sau các bức tường thiên nhiên của rừng thốt nốt thả sức khạc đạn vào bộ đôi Việt Nam, phòng tuyến cực kỳ vững chắc khó xuyên thủng.
Tham gia trận đánh dữ dội này anh em B41 không kể ngày hay đêm làm đường chống lầy, đã giúp cho lực lượng xe tăng vượt lên phía trước, dùng đại pháo đột phá xé tan một mảng phòng tuyến quân địch, tạo thuận lợi cho bộ binh tiến lên chiếm lĩnh trận địa. Sau hai ngày giao tranh ác liệt bộ đội đã chiếm được chùa Hận, đánh tan lược lượng Khmer đỏ cố thủ tại đây.
Đến tháng 9, nhiều đội viên trong Liên đội 303 phấn khởi đón nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 ngay tại chiến trường trên đất Campuchia. Sự kiện này xác nhận vai trò, công lao của Thanh niên xung phong trong thắng lợi của hai chiến dịch tiếng công mùa khô và phòng ngự mùa mưa trên vùng Đông- Đông Bắc Soài Riêng. Cũng trong tháng này, được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 và Ban Chỉ huy Liên đội, từng đại đội sắp xếp cho cán bộ, đội viên về phép sau hơn ba tháng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Nhiều chuyến đò máy ở bến đò Long Giang, cách Rừng Nhum gần chục cây số rộn ràng tiển đưa các đoàn quân qua sông Vàm Cỏ Đông, cập bến Cẩm Giang sát quốc lộ 22, nơi đây có xe đò đậu sẳn chở anh chị em về thăm gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh. Còn tiếp.
FB Duy Linh
Ảnh do tác giả cung cấp. Những việc liên quan bản quyền, xin liên hệ FB Trương Duy Linh.
|