Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

ĐỐI MẶT - Tập 18 : Kẻ thù xưa nay thành đồng chí.

Già Điều TNXP và Trung úy Thụy bộ đội: “Trên chiến trường này ngày xưa chúng ta là kẻ thù của nhau, nếu tôi có gặp anh hoặc ngược lại thì chỉ có chỉa súng bắn vào nhau thôi, nhưng bây giờ chúng ta lại là đồng chí, cùng ngồi uống trà hút thuốc và cùng chung tay đánh giặc Pon Pốt. Trong cuộc sống, khó ai biết được nó sẽ diễn biến như thế nào, tương lai sẽ ra sao”.

Tập 18 : Kẻ thù xưa nay thành đồng chí.

Chỉ một ngày sau khi lên Rừng Nhum, Trung đội 1 đã đi bộ vào Ngã Ba Chóp phối thuộc cho Trung đoàn 209 đến gần cuối năm mới rút về. Vì thế, anh em quen gọi thân tình là Trung đội Chóp do Trung đội trưởng Huỳnh Ngọc Điều biệt danh Già Điều chỉ huy.

Già Điều, đó là biệt danh được anh em gọi tên một người già nhất trong Liên đội. Tuổi đời anh em trong Liên đội khi đa số tuổi 18-20. Cá biệt có người 16, 17 t, thì lão làng này đã ngoài 30 rồi, không chỉ già ở tuổi tác mà kinh nghiệm vốn sống đều già hơn hết thảy mọi người. Cả chục năm trước, từng là một tay súng có hạng trong đội chống tăng của lính Sư đoàn Dù chế độ cũ. Với biệt tài sử dụng súng phóng lựu M79, với khoản cách trăm mét có thể tác xạ chính xác điểm chạm nổ của quả đạn cách mục tiêu vài chục centimet. Riêng cái khoản bắn M72, là một súng rocket cầm tay gọn nhẹ, mà quân đội Mỹ trang bị cho bộ binh dùng để chống xe tăng, phá công sự và diệt ổ hỏa lực địch rất hiệu quả. Già Điều, không những có thể bắn chính xác mục tiêu trong khoản cách 50m, mà có lúc đánh trúng mục tiêu ở khoản xa hơn, nhất là tác xạ mục tiêu di động ban đêm cũng không làm khó gã này.

Tranh thủ thời gian những lúc rãnh rỗi không công tác, Già Điều làm công việc huấn luyện thêm về chiến thuật phòng ngự và sử dụng vụ khí cho anh em trong Trung đội để tăng khả năng chiến đấu, ngoài kỹ năng sử dụng súng tiểu liên AK 47 thì hôm nay là buổi tập huấn cách thức gài mìn định hướng. Ông nói: “Quả Claymore có hình một khối chữ nhật cong, khi nổ chất nổ dẻo C4 sẽ phóng 700 viên bi kim loại ra nhiều hướng với một góc 60 độ. Bất cứ vật thể nào nằm cách quả mìn khoảng 45m sẽ trúng thương vong. Càng ở gần mìn thì tỉ lệ thương vong càng lớn. Quả mìn do đó gần giống như hàng tá khẩu súng săn khai hỏa cùng một lúc”.

Già Điều vừa nói vừa thao tác mẫu cho mọi người học tập: “Mỗi buổi chiều, các nhóm gác ca đầu nhận mìn từ tôi hoặc đồng chí Nghĩa, mang ra hai chốt gát để cài đặt. Đầu tiên, có một chú ý rất quan trọng là phải xoay mặt lồi của trái Claymore hướng ra phía ngoài, tức là phía mình dự kiến địch có thể sẽ xâm nhập, ba chân mìn cắm xuống đất.
Sau khi mìn đặt xong, thì kéo dây dẫn điện từ chốt gác đến quả Mìn, để cho thật an toàn, trước khi kéo dây dẫn cần gở cả hai đầu đây điện ra khỏi Con Cóc (Cục cấp nguồn để làm phát hỏa kíp nổ điện của mìn), chú ý ngụy trang cho khéo để trinh sát địch không thể phát hiện nơi đặt quả mìn. Kế đến thận trọng nhẹ nhàng tra kíp nổ điện đã nối dây dẫn vào mìn.

Các chốt gác khi nào thấy có dấu hiệu bị địch tấn công, thì mới được tra dây dẫn vào Con Cóc và chỉ kích nổ mìn. Trong tình huống địch quân có quân số áp đảo và đang tấn công trong cự ly gần khoản dưới 50m, vì số lượng mìn cài đặt chỉ có vài quả, nên cần dùng hiệu quả nhất khi phòng thủ. Các ca cuối vào sáng hôm sau, bắt buộc phải ra kiểm tra địa điểm đặt mìn, gỡ các trái mìn này đem về giao lại cho ban chỉ huy Trung Đội kiểm tra và cất đi để chiều tối gài lại”.

Ông tiếp tục hỏi mọi người: “ Các đồng chí cho biết tại sao luôn phải ngụy trang thật khéo nơi đặt mìn và không để trái mìn ở vị trí đã gài cố định, mà phải gỡ và đặt lại mỗi ngày?”

Chờ không thấy ai có câu trả lời nên ông nói tiếp: “Đây là một phương pháp đề phòng trinh sát Khmer đỏ tương kế tựu kế dùng gậy ông đập lại lưng ông.
Kinh nghiệm chiến trường cho thấy, khi địch biết ta cài mìn Claymore ở đâu thì họ có thể lợi dụng ban đêm mò vào quay ngược mặt lồi của trái mìn vào phía của chúng ta. Nếu địch xâm nhập bị ta phát hiện, ta bấm mìn thì phía địch sẽ an toàn, còn phía ta sẽ lãnh đủ”.

Trong lúc mọi người đang tập huấn sử dụng mìn thì Trung úy Thụy ghé qua, để kiểm tra các buổi huấn luyện chiến đấu của Thanh niên xung phong, thấy có Chủ nhiệm hậu cần Trung Đoàn 209 đến chơi, Già Điều cho anh em nghỉ giải lao rồi kêu anh nuôi lấy trà Bắc cùng mấy phong kẹo đậu phộng ra tiếp khách.

Móc túi gói thuốc Sông cầu ra mời mọi người hút, Trung úy Thụy nói: “Tính qua coi đơn vị ta tập huấn chiến đấu có cần gì thì tôi sẽ hỗ trợ thêm”.
Dừng lại húp một ngụm trà nóng mới pha. Ở chiến trường làm gì có bình sứ và tách trà, thôi thì là cách pha trà kiểu chiến tranh vậy. Nước đun sôi cho vào bình tông, sau đó đặt ngược vào trong ca nhôm có để sẵn trà. Một lát sau ra trà, nghiêng từ từ bộ bình tông và ca nhôm để nước trà nóng chảy rỉ rả xuống các chén sắt tráng men thường dùng để ăn cơm của bộ đội.

Rít một hơi thuốc lá, ông nói tiếp: “Nghe nói ngày xưa anh Điều đi lính chế độ cũ, không biết ở đơn vị nào? Nhưng nhìn cách anh Huấn luyện vừa qua thật bất ngờ, anh hướng dẫn anh em sử dụng vũ khí rất chu đáo, không khác mấy với cán bộ huấn luyện chuyên nghiệp của bộ đội, đặc biệt là các loại vũ khí của quân đội Mỹ để lại, trong bộ đội chúng tôi nhiều người còn chưa sử dụng thành thạo. Anh Điều có thể giúp tôi chỉ thêm về cách sử dụng các loại vũ khí này cho một số đơn vị bộ đội được không ?”

Già Điều: “Báo cáo anh, hồi xưa tôi từng nằm trong đội chống tăng của lính Dù (nguỵ). Năm 1970, tụi tui đã đánh vào các căn cứ của quân Giải phóng đóng trên đất Campuchia và từng đụng độ với Sư đoàn 7 của chúng ta cũng trên khu vực Svay Rieng này”.

Trung úy Thụy: “Ồ vậy à ! thật là sự trùng hợp quá mức tưởng tượng. Lúc ấy tôi đang làm thủ kho gạo, khi bị tấn công bất ngờ phải rút lui, không kịp chuyển lương thực đi theo. Nên lúc đó cánh hậu cần thì đói meo chỉ có lính bộ binh còn no đủ. Chỉ sau khi cánh bộ binh phản công, đánh lui lính Dù về bên kia biên giới Việt Nam, thì mới có lương thực được tiếp tế từ nơi khác đến”.

Già Điều: “Trên chiến trường này, ngày xưa chúng ta là kẻ thù của nhau, nếu tôi có gặp anh hoặc ngược lại thì chỉ có chĩa súng bắn vào nhau thôi. Nhưng bây giờ chúng ta lại là đồng chí , cùng ngồi uống trà hút thuốc và cùng chung tay đánh giặc Pol Pốt. Trong cuộc sống khó ai biết được nó sẽ diễn biến như thế nào, tương lai sẽ ra sao”.

Trung úy Thụy: “ Quả là vậy anh à, thời chống Mỹ, Khmer đỏ trong một thời gian dài được bộ đội Việt Nam huấn luyện và giúp đỡ để họ đủ mạnh mà tự giải phóng đất nước của mình. Anh có biết hiện nay Chỉ huy mặt trận bên phía Khmer đỏ là ai không ?”

Già Điều: “Tôi nghe các thủ trưởng ở Sư bộ nói là lực lượng quân địch ở mặt trận Svay Rieng này là các Sư đoàn của Quân khu Miền Đông – Khmer đỏ, còn ai chỉ huy thì không được biết”.

Trung Úy Thụy: “Tướng Som Ring – Tư lệnh Quân khu Miền Đông- Campuchia này, ngày xưa từng là bạn của Thủ Trưởng Hai Quang- Tư lệnh phó Sư đoàn này. Họ đã học cùng nhau trong Trường đào tạo sỹ quan chỉ huy cao cấp và phối hợp chiến đấu nhiều năm bên nhau trên chiến trường Campuchia này. Nay do Chính phủ Pol Pot trở mặt đánh lại Việt Nam, từ bạn họ trờ thành kẻ thù”.

Già Điều: “ Có ai ngờ được thù xưa, tôi và anh nay lại là bạn chiến đấu; và bạn xưa giữa Tướng Xom Ring buộc phải đối mặt đánh nhau với Thủ trưởng Hai Quang hôm nay. Còn việc trao đổi cách sử dụng các vũ khí thì tôi rất sẵn sàng, anh cứ xếp lịch làm việc với các đơn vị, khi nào được thì cho tôi biết, tôi sẽ cố gắng biết gì thì sẽ trao đổi học hỏi với các đồng chí ấy”.

Già Điều hỏi tìếp: “À anh mới nhắc đến Thủ trưởng Hai Quang, tôi chưa được gặp nhưng có phải ông ấy là người Nam bộ và từng là sỹ quan Trung đoàn 141 phải không?”

Trung úy Thụy: “Vâng đúng rồi, nhưng sao anh lại hỏi như vậy? Không lẽ anh có quen biết hay bà con vối ổng hay sao ?”

Già điều: “Số là trong Trung đội tôi có một người tên là Thiệu khùng, cha ruột anh ta cũng thứ hai và tên Quang. Mọi người ở quê thường gọi là Hai Quang. Họ đã xa nhau từ khi cậu ấy còn rất bé, gia đình Hai Quang lên đường ra tập kết ở ngoài Bắc. Mới năm ngoái, một người quen cho biết ông ấy đã đi tìm lại người con của mình và có để lại địa chỉ liên lạc là sỹ quan Trung đoàn 141”. Còn tiếp.

FB Duy Linh


Ảnh do tác giả cung cấp. Những việc liên quan bản quyền, xin liên hệ FB Trương Duy Linh.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á