|
ĐỐI MẶT - Tập 21 : Chiếc cầu bí mật đưa quân ra chiến trường
Bộ đội: “Tôi cần các đồng chí thanh niên xunh phong cử hai trung đội cùng dân quân huyện Bến Cầu, đắp lại các đoạn đường bị hư hại chạy qua xã Long Thuận. Một Trung đội còn lại, thì mỗi ngày vào rừng Nhum lựa các cây thẳng to cở bắp chân, dài khoản 4 mét đốn hạ và vận chuyển tập trung về khu vực bị ngập nước. Chúng tôi sẽ cử một tiểu đội công binh cùng phối hợp, làm một chiếc cầu ngầm dưới mặt nước tại khu vực này”.
Tập 21 : Chiếc cầu bí mật đưa quân ra chiến trường
Cuối mùa mưa, nước ngập nhiều, hầu như các các tuyến đường ra mặt trận đều bị lầy lội, làm cho việc vận chuyển tiếp liệu vũ khí và lương thực cho các đơn vị bộ đôi Việt Nam ở tuyến trước mỗi ngày một khó khăn thêm. Lợi dụng tình hình này, các Sư đoàn quân Khmer đỏ sau một thời gian bổ sung quân số, giờ đây tiếp tục tung ra các mũi tiến công quyết liệt, nhằm đẩy lùi phòng tuyến của bộ đội về sát biên giới Việt Nam. Thực hiện chiến thuật bao vây, cắt đứt các đường tiếp viện của các đơn vị Quân đoàn 4 VN, quân Khmer đỏ đã tập trung tấn công và chiếm được Bến phà Bến Sỏi, vào sâu 10 km trong nội địa Tỉnh Tây Ninh, cắt đứt đường tiếp vận từ hướng huyện Bến Sỏi.
Một lực lượng Khmer đỏ khác, tấn công chiếm giữ khu vực ngã ba Chi Phu, cắt đứt đường số 1 nối với cửa khẩu Mộc Bài huyện Bến Cầu. Chỉ còn một con đường nối từ lộ 241 về rừng Nhum là chưa bị phong tỏa mà thôi. Nhưng nhiều đoạn bị hư hại lầy lội, nhiều chỗ nước ngập hơn mặt lộ gần cả mét nước, nên chỉ có thể lội bộ qua đây mà thôi, các loại xe cơ giới, xe tăng không thể qua đây được .
Để bảo toàn lực lượng, các đơn vị Thanh niên Xung phong của Liên đội 303 ở tuyến trước, được rút về trú quân tại Trảng Lớn huyện Bến Sỏi. Riêng Đại đội 2 được rút về đóng quân tại Cẩm Giang, với nhiệm vụ cùng dân quân tại đây phục hồi các đoạn đường bị lầy lội từ Cẩm Giang đi Rừng Nhum. Có một đoạn đường hơn trăm mét nước ngập và chảy xoáy nhiều không thể đắp đất chống lầy được. Trung Úy Cảnh- Đại đội trưởng C22 Công binh, sau khi nghiên cứu địa hình liền mời Già Điều qua hội ý, ông nói: “Tôi cần các đồng chí cử hai trung đội, cùng dân quân huyện Bến Cầu đắp lại các đoạn đường bị hư hại chạy qua xã Long Thuận. Một Trung đội còn lại thì mỗi ngày vào rừng Nhum lựa các cây thẳng to cở bắp chân, dài khoản 4 mét đốn hạ và vận chuyển tập trung về khu vực bị ngập nước. Chúng tôi sẽ cử một tiểu đội công binh cùng phối hợp, làm một chiếc cầu ngầm dưới mặt nước tại khu vực này”.
Chuyện đốn cây làm nhà là sở trường của Thanh niên xung phong. Tuy nhiên, Già Điều biết rõ rừng Nhum này là vùng biên giới, nên các phe tham chiến trong chiến tranh Việt Nam trước đây đã gài lại đây rất nhiều loại mìn cóc rất nhạy. Mìn cóc là loại mìn chống bộ binh được chôn dưới đất, nhưng ở phía đáy của mìn có một lượng thuốc nổ đẩy. Khi nạn nhân không biết mà đạp lên, kích hoạt vào ngòi nổ của mìn, liều nổ dưới đáy mìn sẽ gây nổ, đẩy quả mìn lên trên cách mặt đất khoảng 0,8 đến 1,2 m. Ở vị trí này mìn mới nổ và hiệu quả sát thương tiêu diệt mục tiêu là cao nhất. Đã được chôn dưới đất qua nhiều năm rồi, nhưng chúng vẫn còn rất nguy hiểm. Do vậy để an toàn cho anh em vào rừng Nhum đốn cây, Già Điều phải cử một tổ gồm những người có kinh nghiệm theo bộ đội công binh đi trước dò mình, mở ra các khu vực an toàn cho đốn hạ cây.
Dựa theo các cọc tiêu được công binh phóng tuyến, các hàng cọc trụ lần lược được đóng cắm sâu xuống nền đất ngập nước. Không có máy móc mà chỉ bằng đôi tay và sức trẻ, anh em đã nảy sinh sáng kiến cưa các khúc cây lớn có đường kính 50- 60 cm ra thành các súc gỗ, đóng vào hai đoạn cây gỗ tròn đường kính 5cm dài 1,5m hai bên, để thành các chày vồ dùng cho việc đóng cừ rất thích hợp. Sau khi xốc các cột trụ xuyên qua lớp đất mềm dưới làn nước ngập, mọi người dùng dây xích sắt quấn chặt chung quang cột để tạo độ bám dính, tra cây dài vào xích và nhiều người dùng sức nặng thân mình vừa ấn vừa xoay cột, làm cho nó lún sau vào tầng đất cứng bên dưới, khi không xuống được nữa thì dùng chày vồ gỗ đóng tiếp cho đến khi đạt độ sâu quy định .
Các trụ cầu ngầm được đóng nghiêng một góc 15 độ, hai đầu cột chụm vào nhau và được đóng đinh giữ lại. Sau đó dùng dây mây rừng bện cột chặt lại, tạo ra một đoạn chữ X phần trên đầu dùng để gác các đoạn cây nằm ngan của mặt cầu. Đối xứng phía bên kia đường khoản cách 3m một trụ cầu tương tự cũng được làm. Các hàng trụ cầu san sát xen kẻ nhau cách khoản 5-10 cm. Phía trên mặt cầu được lát bằng các cây gỗ dài 4m gát trên các cặp trụ cầu, cố định vào nhau bằng các đoạn dây thép cùng dây mây rừng. Bên trên mặt cầu theo chiều dọc được nẹp hai bên bằng các đoạn cây dài cố định mặt cầu.
Sau khi một đoạn cầu chừng 30m đầu tiên được hoàn thành. Già Điều suy nghỉ và trao đổi với Trung úy Cảnh: “Đây là con đường độc đạo quan trọng, do vậy cần nên thử xem nó có khả năng chịu tải khi các đoàn xe tăng, xe cơ giới nặng đi qua được hay không ?”
Trung úy Cảnh trả lời: “Được rồi, tôi sẽ dùng các xe máy ủi hạng nặng chạy thử qua đây xem độ lún và độ chịu lực của cầu ra sao. Nếu thấy không ổn thì sẽ chuyển qua phương án B”.
Một vài chỗ do đất quá mềm nên có hiện tượng bị lún, liền được gia cố nhiều hàng trụ chịu lực thêm mé ngoài. Trên mặt cầu theo chiều dọc được lót hai bên các hàng ri sắt lỗ tròn, để tăng độ chịu lực và kết dính mặt cầu khi các đoàn xe đi qua. Sau ba tuần làm việc khẩn trương các đoạn cầu ngầm đã được làm xong. Nhìn bình thường không ai có thể biết được, dưới khoản nước ngập rộng gần trăm mét này lại có một cây cầu dã chiến ngầm phía bên dưới.
Vào một buổi tối, khoản chừng 8 giờ tối Linh đang chuẩn bị đi ngủ sớm để lát nữa sẽ gát ca giữa. Bỗng Y tá Tốt dẫn theo một anh bộ đội đi vào, Tốt nói: “Anh Linh ơi, nhờ anh qua coi bên chốt bộ đội công binh có một người bị rắn cắn hồi trưa. Tôi đã cho thuốc uống và xữ lý ban đầu rồi nhưng bây giờ đột nhiên trở nặng".
Linh kêu Y tá Tốt lấy túi thuốc cấp cứu cùng mình đi ngay. Một anh chàng tuổi khoản chừng 20 đang nằm trên chiếc chỏng tre người hâm hấp nóng, cánh tay đã sưng to gần bằng bắp đùi làm các mảng da căng lên nứt nẻ nhiều chỗ, vùng vết cắn trở màu đen và có dấu hiệu hoại tử, mí mắt vẫn còn phản xạ nhưng rất yếu. Linh hỏi: “Có biết bị rắn gì cắn hay không , và bị cắn vào lúc nào ?"
Anh bộ đội dẫn đường trả lời: "Trưa nay, chúng tôi đi phát hoang mé rừng bên kia thì hắn bị một con rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào tay. Tôi đã đập chết con rắn này rồi còn để ở đàng kia kìa. Y tá Đại đội bên tôi ở xa, do vậy tôi có nhờ Y tá Tốt qua coi và cho thuốc uống rồi, nhưng lúc nãy nó rên la nhiều thấy không ổn".
Linh quay qua Y tá Tốt hỏi : “ Cậu đã xữ lý như thế nào và cho dùng thuốc gì rồi”
Tốt kể lại : “ Lúc trưa tôi đặt Ra rô phía trên cánh tay và đùng dao rạch chữ thập trên chỗ vết cắn, xong dùng lọ giác thủy tinh hút bớt nọc cùng máu độc ra ngoài, cho uống thuốc chống nọc rắn".
Linh ngạc nhiên hỏi: “Chúng ta làm gì có thuốc chống độc nộc rắn ở đây mà dùng?”
Tốt trả lời: “Không có huyết thanh chống độc, nhưng tôi có mấy gói thuốc cổ truyền, giải độc nọc rắn của một thầy rắn bản địa ở đây cho. Họ nói rừng này rắn nhiều lắm. Nếu bị rắn lục cắn thì cho uống các gói màu xanh lục, còn rắn hổ cắn thì dùng gói màu xám”.
Linh nói: “ Không ổn rồi, nọc rắn này cực độc và đã có một số dấu hiệu nguy hiểm, chỗ vết cắn có dấu hiệu hoại tử. Mạch nhanh và không ổn định, phản xạ mắt kém đang chuyển dần qua giai đoạn hôn mê. Trước mắt, chúng ta cho tim bắp một mũi thuốc trợ tim, cho uống thuốc giảm đau và nhanh chóng chuyển ngay về trạm xá Trâm Vàng của Sư đoàn hoặc một bệnh viện lớn. Nơi có các điều kiện xữ lý và huyết thanh chống độc rắn. Cần phải chuyển đi ngay bây giờ, chứ để quá chậm đến sáng mai e sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cần chú ý bỏ qua không ghé vào những trạm xá nhỏ và khi đi nhớ mang theo xác con rắn đã cắn đồng chí này, để các bác sỹ xác định nhanh loại huyết thanh chống độc thích ứng”. Anh em công binh đã cắt cử 8 người thay phiên nhau cán người bị rắn cắn đi ngay về bệnh xá Trâm Vàng.
Tháng 12 trời đã qua mùa mưa. Nhưng nước vẫn còn ngập tràn trên vùng biên giới. Một buổi tối trời, đại đội của Già Điều được lệnh trực chiến. Hai trung đội mang theo cuốc xẻng và dụng cụ chống lầy ra khu đường mới được sửa xong. Một trung đội còn lại di chuyển về hướng cầu ngầm. Một lát sau, nhiều tiếng động cơ và tiếng xích xe tăng vọng lại từ hướng thị trấn An Thạnh. Đi đầu khoản vài chục chiếc T54, tiếp đến là từng đoàn quân xa chở bộ đội và quân dụng nối đuôi nhau lặng lẽ đi qua con đường này ra hướng lộ 241. Từng chiếc xe đi qua, khi có chỗ nào bị sạt lún liền được gia cố lại ngay để không làm gián đoạn cuộc chuyển quân. Đến đoạn nước ngập mênh mông, các bác tài không thể phân biệt được đâu là mặt cầu đâu là vũng lầy, để vượt qua cầu ngầm an toàn các xe chạy chầm chậm theo hướng dẫn của các đội viên Thanh niên xung phong, đứng hai bên cầu tay phất cờ trắng làm hiệu, các xe cứ việc nhắm ngay giữa hàng mà đi qua. Do tính chất bí mật của cuộc chuyển quân này, nên các xe chỉ được mở đèn gầm mà di chuyển theo các cọc tiêu ám hiệu cắm hai bên vệ đường. Nhờ đường này vừa được bí mật phục hồi, chỉ sau hơn hai giờ đồng hồ, đoàn quân tăng viện đã đến điểm tập kết tại ngã Ba Tà I an toàn. Còn tiếp.
FB Duy Linh
Ảnh do tác giả cung cấp. Những việc liên quan bản quyền, xin liên hệ FB Trương Duy Linh.
|
|