Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

ĐỐI MẶT - Tập 24 : Mùa mưa trên chiến trường Kampong Chnang

Căn cứ Amleng là một căn cứ của Khơme đỏ, nằm trong vùng rừng núi hiểm trở của tỉnh Kampong Chnang, cách Phnom Penh 100 km về hướng tây nam. Đây là một vùng rộng lớn với địa hình đa dạng bao gồm rừng già, núi cao để cất giấu nhiều kho dự trử quốc phòng chiến lược .

Tập 24 : Mùa mưa trên chiến trường Kampong Chnang

Căn cứ Amleng là một căn cứ của Khmer đỏ nằm trong vùng rừng núi hiểm trở của tỉnh Kampong Chnang, cách Phnom Penh 100km về hướng Tây Nam. Đây là một vùng rộng lớn với địa hình đa dạng bao gồm rừng già, núi cao để cất giấu nhiều kho dự trữ quốc phòng chiến lược: về súng ống đạn dược, xe tăng xe quân sự, lương thực cùng nhiều trang bị quân dụng khác. Nơi được chọn cho Bộ chỉ huy quân sự của Pol Pot từ Phnom Penh rút chạy về, để củng cố bổ sung quân, phản công tái chiếm Phnom Penh và các vùng đất đã mất.

Đến cuối tháng 3 đầu tháng 4, sau khi đánh tan lực lượng còn lại của Pol Pot: các Sư đoàn 703, 340, 221 từ tuyến phòng thủ Svay Rieng chạy về đã tập trung lại và dự định tái chiếm thị xã Kampong Speu. Để bảo vệ thành phố Phnom Penh và các thị xã quanh khu vực, Quân đoàn 4 VN được tăng cường thêm Sư đoàn 5 của Quân khu 7 đã tổ chức tấn công căn cứ này. Lực lượng tấn công của quân Việt Nam quá hùng mạnh, buộc quân Khmer đỏ phải rút chạy khỏi căn cứ Amleng, bỏ lại toàn bộ các kho tàng mà họ đã dày công chuẩn bị chu đáo trước cuộc chiến.

Sau khi chiếm được căn cứ Amleng, Thiếu tướng Hoàng Cầm lệnh cho các cánh quân phải nhanh chóng vận chuyển toàn bộ số lượng chiến lợi phẩm này ra khỏi căn cứ về thị xã Kompong Chnang ngay. Vì nơi đây là một căn cứ ở trong vùng rừng núi hẻo lánh, các đơn vị địch tuy tan rã nhưng chưa bị tiêu diệt hoàn toàn nên có thể được tập hợp và phản kích tái chiếm lại các kho vũ khí này.
Các Đại đội Thanh niên xung phong được lệnh rời Pnom Penh di chuyển đến phi trường Kompong Chnang để tham gia chiến dịch vận chuyển của Quân đoàn.
Trên đường hành quân lên phía Tây, ba xe chở Đại đội 3 đột ngột được một tóp bộ đội trinh sát VN ngăn lại cho biết đường đã bị tắt. Do phía trước địch quân đang vây đánh một bộ phận của Lữ đoàn 71 pháo cao xạ.
Già Điều và Thiệu Khùng bò lên phía trước quan sát và kết luận phải tăng viện giúp bộ đội phá vòng vây ngay.

Khoảng 80 người đều hạ quyết tâm, Sáu Già bố trí cho đội hình đuợc dàn ra làm ba mũi tấn công vào phòng tuyến địch, súng nổ cấp tập và dữ dội trong suốt 2 giờ. Khmer đỏ bị đánh bất ngờ nên rút lui khỏi trận địa. Anh em Thanh niên xung phong thấy rõ nhiều lính Khmer đỏ cầm khăn rằng nhảy ra khòi hầm trú ẩn, chạy tuốt vào rừng sâu. Đây cũng là lần đầu tiên Liên đội của Sáu Già chủ động tổ chức tác chiến độc lập để đánh địch giải vây cho bộ đội. Sau khi thông đường, họ tiếp tục lên xe vào địa điểm tập kết .

Theo chân Trung đoàn 38 hành quân vào căn cứ Amleng, Đại đội của Thắng nhận nhiệm vụ tải đạn cho bộ đội. Mỗi người mang vác 25kg đạn, cùng với bộ đội luồn sâu vào vùng rừng già của dãy núi Ourang. Đi được một tuần, thì bộ đội phát hiện một hệ thống kho tàng lớn do Khmer đỏ xây dựng trong dãy núi này. Một kho đạn súng hạng nặng, anh em được giao 10 quả đạn pháo hạng nặng hoặc 10 trái hỏa tiển H12 cần phải tải mỗi ngày.

Do phải dùng sức người mang vác nặng và vượt đường núi quanh co trong mùa mưa, khoảng cách từ nơi bốc xếp tới bãi tập kết quá xa nên trong vài ngày đầu số lượng đạn tải chưa được nhiều.
Nhưng tình cờ một đội viên phát hiện ra một kho đạn khác, mà đường vận chuyển ngắn hơn rất nhiều nên chỉ tiêu trong ngày của cả Đại đội được hoàn thành chỉ trong buổi sáng. Bốc xếp mười mấy ngày trời mà vẫn chưa giải phóng hết khối lượng đạn khổng lồ tại 2 kho này.

Khi Bộ tư lịnh Quân đoàn quyết định tất cả lực lượng bộ đội và Thanh niên xung phong phải rút ra. Vì phát hiện ý đồ phản kích của Khmer đỏ chiếm lại căn cứ này, một số lượng vũ khí đạn được nhiều vô kể phải bỏ lại. Bộ đội cho cài lại chất nổ, sau khi mọi người rút ra, kho đạn đã phát nổ và bốc cháy liên tục trong nhiều ngày. Ở xa người ta vẫn thấy được nhiều cụm khói đen ngòm cuồn cuộn bốc lên trời xanh, tiếng nổ vang xa đến vài chục cây số.

Các khu rừng quanh Amleng đều là rừng già, có những cây cổ thụ mà cả chục người om mới hết vòng chân gốc. Nếu mưa nho nhỏ, nhiều khi chỉ nghe tiếng rì rào trên táng lá mà không thấy nước rơi xuống và chiều chiều cứ khoản chừng gần 4 giờ 30 thì tiếng chim kêu rồi tới vượn hú, rân rân cả một khu rừng từ góc này qua góc khác nghe rất lạ tai. Sau đó ánh nắng vụt tắt đi, rất nhanh để lộ những khoản tối om vô tận, đến độ bạn không thể nhìn thấy bất cứ cái gì kể cả hai bàn tay đang xoè ra trước mặt.

Trong rừng, ban đêm không được đốt lửa vì sẽ lộ mục tiêu cho địch tập kích kể cả dùng đèn pin. Để có thể đi lại vào ban đêm, mọi người lợi dụng khả năng có thể phát ra ánh sáng của những chiếc lá mục lâu ngày trong rừng già này, rải thành những vệt sáng làm tín hiệu giúp nhận biết đường đi trong đêm tối.

Đường trong rừng rất khó di chuyển bằng xe cơ giới, nhiều chỗ rất hẹp và có nhiều đoạn bị cản trở bởi các con suối tự nhiên có thể lún lầy bất cứ lúc nào. Con đường đất đỏ mé ngoài bìa rừng nhiều đoạn đã bị hư hại do tự nhiên hoặc do tàn quân Pol Pot phá hủy nên không thể di chuyển nhanh được.

Khoản đường khá dài từ Amleng chạy về đến phi trường Kompong Chnang. Nếu chạy thẳng một mạch, thì một chiếc xe tải không thể nào quay hai vòng trong một ngày được. Trong khi khối lượng đạn dược vũ khí cần vận tải ra khỏi căn cứ là rất lớn và phải hoàn tất trong một khoản thời gian ngắn nhất để tránh bị địch quân phản công tái chiếm trở lại.

Hai Quang đã đề nghị Quân đoàn cho tổ chức một kho trung chuyển, tại một nơi được bảo vệ an toàn bên ngoài khu vực rừng núi căn cứ Amleng. Như vậy, mỗi xe có thể quay nhiều vòng vận chuyển trong ngày và tổ chức vận tải 24/24 giờ bất kể ngày hay đêm. Khi có xe đến thì mọi người nhanh chóng giải phóng hàng nhanh để quay đầu xe, loại nào ra loại đó. Các loại pháo 105 ly, 85 ly, 76 ly của Trung Quốc sản xuất, hàng trăm khẩu được để trong một bãi rộng phía Bắc, được phủ vải bạt và các nhánh cây ngụy trang. Phía Nam là khu vực các kho đạn pháo lớn nhỏ, các thùng đạn pháo được chất xếp ngay ngắn trên các palet gỗ theo từng chủng loại.

Thích nhất là kho súng bộ binh, vô vàng các loại súng ngắn từ loại cổ điển đến hiện đại, từ súng trường đến các loại súng ngắn. Linh chọn một cây súng ngắn do Canada sản xuất để dùng khi hành quân xa vì khẩu súng này khá nhỏ với băng đạn 10 viên, nhưng rất nhẹ và gọn trong lòng bàn tay, có thể sử dụng đạn K59 thay thế vẫn dùng được.

Thông thường mỗi xe vận chuyển đều có một hoặc vài bộ đội hoặc Thanh niên xung phong đi theo bảo vệ. Một tóp gồm 2 xe từ trong căn cứ Amleng trên đường đất xuyên rừng chạy về kho trung chuyển, giữa trưa nắng bị phục kích. Cabin của chiếc xe thứ nhì bị trúng đạn rất nhiều. Phần sau xe này chở đầy gạo bị trúng nguyên một trái đạn phóng lựu M79. Đạn nổ văng ra nhiều mảnh xung quanh làm cho Y tá Luận ngồi trên các bao gạo bị hất văng xuống đất. Trên xe có 4 người thì một bộ đội hy sinh, hai người khác bị thương, Luận bị nhiều mảnh đạn phá nát bàn chân phải.

Đáng quan ngại nhất ở chiến trường là phần lớn các đơn vị đều tác chiến trong rừng rậm. Nên rất khó bảo đảm yếu tố thời gian trong nhiệm vụ chuyển thương từ các chốt về trạm phẩu Trung đoàn, rồi từ đấy chuyển về quân y Sư đoàn.
Rất may là Luận bị tập kích trên đường lộ, được đồng đội đi trên các xe khác tiếp ứng giải vây nhanh chóng. Nên anh đã được đưa kip thời đưa về trạm quân y ở Phnom Penh bằng cơ giới và sau đó chuyển về Bệnh viện 115 ở Thành phố Hồ Chí Minh điều trị.

Sau chiến dịch Amleng, các đơn vị Thanh niên xung phong được bố trí cùng bộ đội công binh bảo vệ các tuyến đường từ Udong vào Amleng. Riêng Trung đội của Già Điều và Thiệu Khùng lên tàu sắt của hải quân theo sông Mékong chở đạn lên Biển Hồ thuộc địa phận tỉnh Pursat, phần nhiều là đạn pháo 155ly, 105 ly, DK 75 và đạn cối các loại. Gần như là suốt tuyến đường sông này, Khmer đỏ ở trên bờ bắn xuống dữ dội. Đoàn tàu sắt tiếp viện gồm 10 chiếc với hỏa lực mạnh giáng trả thích đáng. Ngồi trên tàu chỉ thấy hai bên bờ sông là một màu xanh trùng điệp của cây lá. Xa xa vài căn nhà bỏ hoang, không thể thấy được bóng dáng con người. Khoảng cách từ tàu đến bờ khá xa, ngoài tầm đạn súng tiểu liên. Vì thế hai bên đấu với nhau bằng súng lớn như đại liên 12,8ly, pháo 30 ly gắn trên mũi tàu .
Thanh niên xung phong chỉ ngồi nhìn hải quân và bộ binh trên tàu bắn nhau với Khmer đỏ trên bờ. Sau khi về đến tỉnh Pursat, khối lượng đạn rất lớn này được nhập kho và phân phối cho các đơn vị tác chiến.

Tại tỉnh Pursat, Già Điều phân công cho các tiểu đội nhận công việc bảo vệ kho đạn của bộ đội và cả những bãi đạn của Khmer đỏ bỏ lại trên đường tháo chạy. Đây là những kho đạn dã chiến được ngụy trang dưới những tán cây lớn rậm rạp. Với nhiều loại đạn được sắp xếp gọn gàng trong nhiều thùng gỗ, kê trên những tấm palet có vải bạt che phủ chống mưa nắng. Khi có yêu cầu của các đơn vị tác chiến đang trên đường truy kích địch cần tiếp đạn, thì từ các kho bãi này Thanh niên xung phong phục vụ rất nhanh. Anh em còn tham gia cùng với bộ đội chốt chặn tàn quân Khmer đỏ.

Một buổi tối đơn vị bị địch tập kích suốt cả giờ đồng hồ chưa dứt. Thanh thấy hết đạn nên bò từ hố cá nhân của mình đến chỗ chứa đạn cách đó chừng 200m, lấy đạn xong bò một đoạn ngắn, cảm thấy chậm quá nên đứng dậy vác đạn chạy cho mau.
Một viên đạn nhọn xuyên qua vai phải làm cho Thanh quỵ tại chỗ, may mắn cũng gần đến công sự nên được Thiệu Khùng bò ra kéo Thanh vào băng bó lại. Già Điều tổ chức cho đơn vị giáng trả kiên quyết, giữ vững được chốt và không có thêm ai bị thương nữa cho đến khi được bộ đội đóng quân gần đó đến ứng cứu.
Anh em cõng Thanh chạy về phẩu dã chiến cách đó vài trăm mét, do mất máu nhiều nên Thanh ngất đi, không biết gì nữa. Đến sáng có trực thăng bay ngang, dưới đất liên lạc yêu cầu đáp xuống rước thương binh về cấp cứu. Đó là một chiếc UH-1. Càng trực thăng chưa chạm đất, tiếng động cơ quá lớn và gió từ cánh quạt quá mạnh.

Người dân thấy lạ kéo đến xem rất đông, bộ đội phải thiết lập một hàng rào bảo vệ với khoảng cách an tòan cần thiết. Thế là Thanh được trực thăng đưa thẳng về trạm phẩu của Quân đoàn 4 ở Phnom Penh, điều trị ở đó 4 ngày. Sau đó, trực thăng CH-47 đưa Thanh và nhiều thương binh khác về phi trường Tân Sơn Nhất rồi có xe cứu thương chở về Bệnh viện 115.
Sau ba tháng chữa trị, Thanh về nghỉ ở trại an dưỡng của Quân đoàn 4, trong căn cứ Sóng Thần. Còn tiếp.

FB Duy Linh


Ảnh do tác giả cung cấp. Những việc liên quan bản quyền, xin liên hệ FB Trương Duy Linh.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á