|
CHUYỆN VUI CÓ THẬT 100% - KHUYẾN MÃI GIẤY !
Sau 1 thời gian phục vụ chiến đấu ngoài mặt trận, đơn vị 303 rút về tuyến sau nghỉ ngơi. Mấy chục năm rồi, cũng chẳng nhớ rõ ngày tháng. Nơi đóng quân nghỉ dưỡng là 1 cánh rừng cao su tên gọi là Trảng Lớn. Chẳng có doanh trại mọi người đều nằm trên võng che tấm nylon tránh mưa. Mấy tháng lăn lóc ngoài mặt trận giờ về ở như vậy cũng là hạnh phúc. Tại đây, tôi gặp lại anh em thuộc đơn vị gốc CĐ5 của mình, số anh em này sau khi đi chiến dịch X2 (Lúc đó gọi là đi đánh tư sản) được bổ sung ra biên giới.
Ăn ở là chuyện nhỏ, nhưng ăn thì phải xả ra cái này mới phức tạp. Hằng trăm người xả ra, nên chỉ vài ngày mùi hôi thối nồng nặc. Nhóm bạn chúng tôi đi ra mé rừng gần nhà dân kiếm chổ xả bầu tâm sự. Phát hiên mấy cái cầu tủm, anh em len lén vào thả cho cá ăn. Là thanh niên thành phố chuyện đi cầu tủm thật là mới mẻ. Một thằng đi, 5 thằng đứng hò hét vì lần đầu tiên chứng kiến cảnh cá bay lên đớp. Tự nhiên có 1 chị đứng bên kia kêu: - Bên nhà tui củng có cầu nè mấy anh qua bớt bên này, tui cho giấy lau. Quá mắc cở nhưng cố quay lưng lại tôi nói lớn: - Chị vào nhà đi lát tui qua. Xong việc, trở về kể lại cho anh em trong đơn vị nghe, phát hiện thú vị của mình. Thế là mấy nhà có cầu tủm họ tranh nhau khuyến mãi giấy lau. Chắc lâu lắm rồi bọn cá này mới chén được no nê như thế. Chủ mấy ao cá tra vui ra mặt, họ đang mơ tưởng trúng đậm mẻ cá này. Thế nhưng chừng 2 tuần sau, hởi ơi cá chết nổi trắng ao. Mấy chủ ao cá thở dài than trách, không biết mấy chú thanh niên xung phong ăn gì mà cá tui chết sạch, nước ao đen thui. Thằng thì bảo chắc cá đói lâu ngày nay ăn nhiều quá sình bụng chết. . . Đồng chí Y tá trầm tư suy nghỉ: - Chắc tại hôm qua anh em mình uống thuốc ngừa sốt rét. - Thì ra là thế. Thế là tiếp tục công việc bới bới đất xong việc lại lấp lá cây lên ngụy trang kaka.. Phạm Kỳ Lâm – Liên đội 303.
Phụ chú: Những năm 1977- 1979, giấy viết hay giấy báo nói chung là giấy thiếu thốn nghiêm trọng. TNXP đi phục vụ chiến đấu lâu ngày, xa thành phố, hầu như không còn giấy sử dụng. Không có giấy đễ vấn thuốc rê. Nói chi đến giấy bỏ đi cho việc đi cầu, bỏ cái thứ đau bụng ra bên ngoài, sau đó thì phải dùng lá cây rừng mà chùi. Đi đến cái cầu tủm, mà được cho giấy lau là không gì bằng. Sự thiếu thốn đến cái giấy lau chùi nó có giá trị đến thế.
Cầu tủm trong truyện là cầu tiêu cá tra, cá vồ. Hiện nay, các cầu này chỉ còn thấy rất ít ở vùng nông thôn, nhà vườn.
|
|