Trang chủ | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG | Thông tin chung
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Tư liệu phong trào  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CÔ VĂN THƯ LIÊN ĐỘI 303 - Nguyễn Hồng Đức.

Trụ sở mới của Lực lượng TNXP dời về bến Hàm Tử không bao lâu thì đến ngày 28/3/2009, kỷ niệm 33 năm ngày thành lập Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh. Người dẫn chương trình buổi họp mặt lần này là nữ MC Quỳnh Giang tinh thông nghề nghiệp của HTV 9. Gần như ánh mắt của mọi người đều không thoát ra khỏi sân khấu với màn hình laser và âm thanh của những bản nhạc; Gợi nhớ lại những năm tháng, nam nữ TNXP thành phố bảo vệ tổ quốc trên chiến trường biên giới phía Tây Nam.

Đêm họp mặt truyền thống thật ấm cúng. Mọi người dường như đang sống lại thời tuổi trẻ trong sáng của mình. Tôi thấy những người ngồi cạnh nhau cũng khó mà có những trao đổi riêng , họ như bị không khí trên sân khấu thôi miên bất động. Và tôi cũng không phải là một ngoại lệ vì đã có thời mình từng là đồng đội của những người từng sống và phục vụ chiến đấu như lời trong ca khúc Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ:
“ Vì tổ quốc ta ra đi, xây đời hạnh phúc cho mai sau”.
Đang miên man trong cái vui riêng của mình thì chợt có ai đó chạm nhẹ vào vai tôi. Thì ra đó là Thanh Quang, cô văn thư Liên đội 303 của chúng tôi. Thế là hồi ức năm xưa trở về . . .
Đã quá trưa, tôi dừng lại ở chốt pháo binh 105 ly của bộ đội nằm trên ngã tư gọi là Ngã Tư Nhà Thương .Ngày ấy, chuyện ăn uống giữa TNXP và bộ đội thật là dễ, dường như có một giao ước không thành văn, khi đến bữa ở đâu cũng có thể ăn được. Trên đường từ Bến Sỏi dẩn đến chốt pháo này, tôi thấy tập trung rất nhiều pháo hạng nặng 130 ly, pháo 175 ly đặt trên xe xích, pháo phòng không 37 ly kể cả loại 57 ly. Tất cả đều được ngụy trang cẩn thận, dường như chờ đợi một cái gì. Theo các nguồn tin kỹ thuật, Khơme đỏ đang huy động pháo binh phía để dội lửa qua bên này sông Vàm Cỏ Đông ngăn chận bộ đội Việt Nam tập trung lực lượng chuẩn bị cho một mũi tấn công quan trọng trong chiến dịch phản công mùa khô. Đang bữa ăn, một anh bộ đội nói với tôi: “Khác với lần anh ghé trước đây, lần này không khí có vẻ yên lặng và khẩn trương hơn”. Tôi trả lời: “Đánh lớn với Khơme đỏ là không thể tránh khỏi, không biết bao giờ sẽ xảy ra. Khó nhất là lập đầu cầu bên kia sông, rồi sẽ lại hy sinh”. Anh bộ đội nói tiếp: “Khoảng chục ngày nay, Khơme đỏ ra sức bắn phá dọc theo trục Bến Sõi đến Trãng Lớn”.
Thực tế là Khơme đỏ đã pháo kích tới tấp vào sâu trong lãnh thổ của tỉnh Tây Ninh như khu vực Chợ Mới, Tòa Thánh, Trụ sở Công an tỉnh. Bọn chúng còn trà trộn vào trong dân, giết người gây hoang mang ngay ở tuyến sau của bộ đội. Anh bộ đội lại tiếp tục câu chuyện: “Ngay cả bọn em đây cũng phải sơ tán mấy lần, nên anh có đi cũng phải cẩn thận. Đi nhanh lên. Đoạn đường từ đây tới Trãng Lớn không còn an tòan”.
Tôi liền nhanh chóng lên đường. Vừa ngay lúc đó, tiếng gầm rít của hàng loạt đạn pháo như muốn xé tan bầu trời. Chỉ phút chốc thôi, trước mặt tôi mấy trăm mét, khói bụi bốc lên mù mịt. Một căn nhà lá trúng đạn, bị tâng bổng lên cao nát vụn và rơi xuống đất như hoa giấy. Sau một đợt pháo, tất cả những gì trên mặt đất trong tầm tác xạ gần như bị xóa sạch. Các đợt pháo nối tiếp nhau ào ạt, dồn dập. Không khí chết chóc của chiến tranh bao trùm lên mọi vật. Trên đường, người ta đẩy xe chở đố đạc, con trẻ chạy về phía thị xã. Quang cảnh hổn độn, tang thương.

Tình cảnh của tôi lúc bấy giờ mới là nan giải, chạy về phía trước không xong mà thoái lui cũng không thể. Pháo Miên dập thành 2 hình cánh cung nhốt tôi ở giữa. Khói bụi mù trời lại do sợ hãi, tôi mất cả phương hướng. Bổng dưng tôi nhìn thấy, qua làn khói dày đặc, thấp thoáng bóng một nữ TNXP cách chỗ tôi nấp vài trăm mét, hai tay kéo 2 phụ nữ nhấp nhô ở mấy cái hố do đạn pháo Miên vừa để lại trên mặt đất. Tôi rất đổi kinh hoàng khi nhận ra nữ đội viên đó là Thanh Quang, văn thư kiêm trợ lý quân lực của Liên đội. Không hiểu cô ta học từ đâu cái kinh nghiệm: cứ nấp vào lỗ trống mà quả đạn pháo vừa nổ là an toàn. Nét đẹp của TNXP Thành phố Bác Hồ là “đem hạnh phúc sướng vui, đem thêm lửa ấm đến cho muôn người”. Cô không chỉ lo giữ gìn bản thân mình, mà còn cố gắng bảo toàn tín mạng của người dân bằng hành động cụ thể: kéo 2 phụ nữ vào hố để cùng tránh đạn với mình. Tôi cũng không sao tới gần Thanh Quang và 2 người phụ nữ kia được. Khá lâu khi đợt pháo vừa kết thúc, có một xe của bộ đội từ phía sau chạy lên rất nhanh ngang qua vị trí Thanh Quang đang tránh pháo. Cô ra hiệu cho xe dừng lại, chiếc xe thắng gấp trượt đi một khoảng rồi ngừng hẳn. Thanh Quang nhảy lên và xe chở cô văn thư của Liên đội di mất hút sau một một cua quẹo. Tôi không ngạc nhiên về chuyện ấy vì đó là lệnh của chú Ba Dũng, sư trưởng Sư 7: Tất cả phương tiện cơ giới di chuyển trên đường phải dừng lại đón nếu TNXP yêu cầu.
Tôi đi lên bắt chuyện với 2 phụ nữ khi nảy. Hai chị này cho biết chưa kịp hoàng hồn để bày tỏ lòng biết ơn với vị nữ ân nhân của mình thì Thanh Quang đã lên xe đi rồi. Nếu không có cô nữ TNXP trẻ trung ấy thì e rằng mạng sống của họ đã chẳng còn. Chắc chắn buổi tối hôm đó, khi trở về nhà đoàn tụ quanh bữa cơm muộn trong thời buổi chiến tranh, câu chuyện về cô nữ TNXP quên mình cứu sống dân lành sẽ truyền đến trái tim của từng người trong gia đình. Và từ trái tim đến trái tim, câu chuyện đẹp có thật này sẽ truyền hơi ấm tình thương đến nhiều người dân trên dải đất biên giới. Từ sau chuyến công tác đó ít lâu, cô được chuyển về tuyến sau và tôi cũng không còn gặp người nữ văn thư can đảm và giỏi thoát hiểm mưu sinh của năm nào. Cô ta thường được bố trí công tác đơn tuyến, từ Trãng Lớn đến các cụm chỉ huy của Liên đội đang bám theo các đại đội hoạt động sâu trong đất địch, đến Ban chỉ huy Tổng đội ở Kà Tum, Ban chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 4. Cô đến, ở và đi lặng lẽ hơn mọi người. Còn nhớ, rạng sáng 23/7/1978, trung đội 3 đại dội 3 của anh Ngô Đức Minh hy sinh trọn vẹn, chỉ còn chị Nguyễn Thị Lý là nữ đội viên sống sót, thương tích nặng nề. Suốt ngày hôm đó tại trạm phẩu của quân y sư đoàn, trợ lý quân lực Thanh Quang luôn bên cạnh chị Lý. Ngày hôm sau, cô cũng có mặt trên chuyến trực thăng chở người nữ thương binh của TNXP này về bệnh viện 115, ở lại chăm sóc chị suốt cả tuần rồi trở về đơn vị cũ tiếp tục nhiệm vụ trong lặng lẽ. Cô tấm sự : “Có lẻ đó là lần đi trực thăng duy nhất trong đời tôi”.
Hơn 30 năm sau, Thanh Quang lại xuất hiện ở đây, đang tranh thủ tiến sát gần sân khấu của lễ hội đêm nay để sống lại một thời hào hùng, bi tráng và không kém phần lãng mạn của lớp nam nữ thanh niên thế hệ thứ tư đã từng “ đi bất cứ nơi nào tổ quốc đang mong”.

Nguyễn Hồng Đức.

Nguồn sưu tầm từ FB: Nguyễn Văn Nghĩa.

 


Hình minh họa sưu tầm từ Facebook của Nguyễn Văn Nghĩa và Thanh Quang. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
ĐIỀU KHÁC BIỆT Ở LIÊN ĐỘI 312 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-11-05)
KỂ CHUYỆN VỀ LIÊN ĐỘI 311 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-10-30)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 309 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-29)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 308 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-28)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 307– Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-25)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 306 - Nguyễn Văn Nghĩa (2023-09-22)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 304 – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-20)
ĐIỀU ĐẠC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 303 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa & TRUNG TRÍ. (2023-09-19)
ĐIỀU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 302 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-18)
ĐIỂU KHÁC BIỆT CỦA LIÊN ĐỘI 301 THUỘC TỔNG ĐỘI 3 BIÊN GIỚI – Nguyễn Văn Nghĩa. (2023-09-17)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á