|
Kỷ niệm Trung đội Chóp
Nguyễn Văn Nghĩa (27/4/2010), ghi lại theo lời kể của Trung đội trưởng Hùynh Ngọc Điều (0904.973.749)
Lời NBT Website: Trong quá trình công tác TNXP, có nhiều ký ức đẹp. Liên Đội 303BG có nhiều ký ức được Đ\c Nguyễn Văn Nghĩa ghi chép lại. Xin lần lượt giới thiệu (nhiều kỳ) để cùng xem và nhớ lại những kỷ niệm một thời TNXP.
Chỉ một ngày sau khi lên Rừng Nhum, trung đội của tôi đã đi bộ vào Ngã Ba Chóp và phục vụ chiến đấu xuyên suốt cho Trung đoàn 209 trên địa bàn này đến gần cuối năm mới rút về nội địa. Vì thế anh em quen gọi thân tình là Trung đội Chóp.
1- Mỗi chuyến đi vận tải đạn dược hay vũ khí ra chốt, bên trung đoàn luôn thông báo là chuyến về có tải thương hay cáng tử sĩ hay không. Nếu lượt về có tải thương hay cáng tử sĩ thì tôi dứt khóat phải dẩn đầu chuyến công tác đó. Sự có mặt của tôi cùng với anh em trên đường ra chốt và nhất là trên đường tải thương tải tử sĩ từ ngòai chốt về hậu cứ có tác dụng trấn an tinh thần. Anh em đều chưa từng tận mắt thấy cảnh chiến trường, chưa từng chứng kiến cảnh tang thương chết chóc và cũng chưa bao giờ cận kề với liệt sĩ. Vai trò đầu tàu chỉ huy của tôi trong những trường hợp như thế giúp anh em đội viên TNXP không hoang mang, giảm bớt lo sợ để chu toàn nhiệm vụ trên giao. Sau này khi anh em thích nghi dần, lòng can đảm được củng cố, thì tôi chỉ còn tham gia những chuyến công tác mà lượt về có cáng tử sĩ.
2-Tôi nhớ chuyến tải đạn đầu tiên là vào ban đêm khi anh em đang chuẩn bị đi ngũ. Lệnh trung đòan đưa xuống lập tức được thi hành ngay. Tôi chỉ huy một tiểu đội tải bộ rất nhiều loại đạn, ban đầu là đi đường đất, rồi đường nhựa và đường ruộng ngập nước. Khoảng gần hai tiếng đồng hồ mới đến nơi giao đạn bên này bờ của một con sông ( không biết là lớn hay nhỏ ) có trồng rất nhiều thốt nốt. Từ bờ bên kia, Khmer đỏ bắn qua rất mạnh. Nằm núp phía sau những gốc thốt nốt lớn, anh em thấy đạn lửa đan dày phía trên đầu mình ở tầm rất thấp, nghe rõ tiếng đạn rít chíu chíu bên tai không ngừng. Khoảng chừng một lát thì yên tỉnh. Chúng tôi rút nhanh chóng ra khỏi trận địa ngay trong bóng đêm tối om và trong im lặng hòan tòan. Nếu đường về bị Khmer đỏ phục kích thì không biết chúng tôi phải đối phó bằng cách nào? Qua chuyến công tác này, tôi rút kinh nghiệm thấy tải đạn hay tải thương mà đi tay không thì hết sức nguy hiểm. Tôi đề xuất trung đoàn trang bị vũ khí cho anh em TNXP. Có vũ khí, anh em vừa tự bảo vệ được mình vừa giữ gìn an toàn vũ khí đạn được, thuơng binh tử sĩ trên đường vận chuyển. Hơn nửa, chúng tôi có vũ khí thì tăng thêm được hỏa lực cho bộ đội khi xảy ra đụng độ ở điểm giao nhận đạn dược , thương binh hay tử sĩ. 3-Trung liên RBD tốc độ bắn nhanh, xài rất nhiều đạn. Số lượng đạn đem theo cũng phải nhiều lắm mới đủ. Súng đã nặng, thêm hai nồi đạn hàng trăm viên càng thêm nặng. Do đó súng này không thích hợp với tính chất gọn nhẹ của đội viên TNXP cơ động bằng đôi chân trên đoạn đường dài nhiều cây số, chuyến đi trên người phải mang vác vũ khí đạn dược của bộ đội, chuyến về cáng trên vai tử sĩ hay thương binh. Vì vậy súng tiểu liên AK với lựu đạn là tốt nhất. Tôi cũng không đồng ý trang bị súng cối 60 ly dù là để tăng cường khả năng phòng thủ tại chổ nơi trung đội đóng quân. Đó không phải là súng cá nhân mà là súng cộng đồng ( một xạ thủ, một phụ xạ thủ, nhiều người vác đạn đi theo mới đủ đạn bắn). Chúng tôi chỉ có 3 tiểu đội, nếu để dành một tiểu đội phục vụ cho súng cối thì trung đội chỉ còn 2 tiểu đội, không đủ lực lượng để làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho trung đoàn. Thực tế đã cho thấy có nhiều chuyến công tác - ban ngày có, ban đêm có - phải huy động cả trung đội ra chốt hai đến ba lần mới xong nhiệm vụ của ngày hôm đó.
3-Trung đội có hai chốt canh, buổi tối cứ hai giờ đổi gác một lần. Buổi chiều, mìn định hướng được gài ở phía trước hai chốt canh này, mặt lồi của trái Claymore phải hướng ra phía ngoài, tức là phía mình dự kiến từ đó Khơme đỏ có thể sẽ xâm nhập. Nhưng sáng hôm sau, bắt buộc phải ra kiểm tra địa điểm đặt mìn, gỡ trái mìn này đem đi cất để tối hôm sau gài lại. Tại sao không để luôn trái mìn ở vị trí đã gài mà phải gỡ? Đây là một phương pháp đề phòng trinh sát Khơme đỏ tương kế tựu kế dùng gậy ông đập lại lưng ông. Kinh nghiệm chiến trường cho thấy có khi địch lợi dụng ban đêm quay ngược mặt lồi của trái mìn vào phía của chúng ta. Nếu địch xâm nhập bị ta phát hiện, ta bấm mìn thì phía địch sẽ an toàn, còn phía ta sẽ lãnh đủ. Góc sát thương của trái mìn Claymore rộng tới 90 độ.
4-Tôi nhớ lúc còn ở Liên đội cơ động 3, liên đội trưởng Nguyễn Văn Hoa hay hát bài “ Hò kéo pháo” khi tham gia sinh hoạt văn nghệ với anh em. Bài hát có câu “ Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi”. Nói là kéo pháo ( phải có dây mới kéo được ) nhưng thật ra ở trong Chớp chúng tôi dùng tay không đẩy pháo qua đồng ruộng ngập nước đúng thời gian và đúng vị trí như trong kế họach tác chiến của trung đoàn. Tôi nhớ có lần chỉ huy đưa một khẩu đại bác 130 ly vào giữa khuya. Phải huy động gần hết lực lượng của trung đội. Anh em phải dùng sức mạnh cơ bắp của những cánh tay thanh niên họp sức nhấc hai cái càng phía sau của đại pháo lên khỏi mặt đất cho thăng bằng rồi đẩy pháo về phía trước. Cứ như thế mà tiến tới, khi nào mệt thì nghĩ một lát rối tiếp tục đẩy pháo về phía trước. Những anh em không tham gia đẩy pháo thì mỗi người vác duy nhất một trái đạn, mỗi trái nặng ít nhất 20 ký. Toàn bộ quá trình kéo pháo ở mặt trận đồng bằng Ngã Ba Chóp diển ra trong im lặng - không có hò như trong bài hát- mới bảo đảm được yếu tố bất ngờ của cách đánh này. Chính vì vậy mà anh em tốn sức nhiều hơn và mau mệt hơn. Bù lại, mổi lần đưa pháo vào trận địa ban đêm thì được quân nhu của trung đòan bồi dưỡng mỗi người một thanh lương khô.
5- Đạn cối và những hộp đạn nhọn được bảo quản trong thùng cây. Mỗi khi tải đạn ra chốt, anh em đều phải tháo gỡ các thùng này để lấy đạn ra. Tùy theo loại đạn mà anh em có cách cột dây thích hợp để treo gọn gàng lên đòn bằng tre gai rồi gánh đi, kể cả đạn ĐKZ 75 ly. Người nào khỏe mạnh lắm mới gánh nổi 2 trái đạn này. Riêng đạn cối 120 ly nặng 19 ký mỗi trái, mỗi người chỉ vác được một trái duy nhất. Đạn tiểu liên AK, trung liên RBD và thượng liên K.53 ( súng này vừa có chân để đặt cao bắn máy bay vừa có bàn đế thấp với hai bánh xe để bắn ngang tiêu diệt bộ binh ) và đại liên 12,8 ly được xếp trong hộp nhỏ bằng kim lọai. Mổi người chỉ gánh được 2 hộp. Thực tế ở trung đội 1 không hề có chuyện tải đạn mà để nguyên thùng cây trên lưng. Nếu làm như vậy thì không vận chuyển được nhiều đạn, tốc độ di chuyển chậm vì khối lượng hàng hóa mang trên vai vừa nặng vừa cồng kềnh; người mang vác phải đưa một cánh tay lên choàng qua thùng đạn và phải nghĩ nhiều lần vì mau mỏi tay.
6-Khi còn phụ trách trung đội, đại đội trưởng Nguyễn Thanh Dũng đề ra khẩu hiệu hành động của B1 là “ Ngày không giờ, tuần không thứ, nhiệm vụ nào cũng hòan thành”. Như vậy, ngoài yếu tố tư tưởng thì phải hết sức coi trọng vấn đề bảo đảm sức khỏe cho anh em. Đồng ruộng trong Chóp vào mùa mưa, nguồn rau xanh và cá đồng rất phong phú và có sẳn ở mọi nơi. Các anh nuôi và từng tiểu đội ( nếu không đi công tác ) được lịnh phải tăng cường cải họat để nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong bửa ăn hàng ngày của anh em. Lúc chị Hùynh Thị Kim Quý là đại đội phó hậu cần tôi có nhờ chị mua cả chục con gà nhỏ bên Việt Nam để đem vô nuôi trong Chóp. Chị còn dặn tôi bên Miên mưa nhiều và dầm dề hơn nên nhớ cho gà ăn ớt để phòng bịnh. Tôi cho làm chuồng gà từ gỗ của những thùng đựng đạn. Ban ngày anh nuôi thả ra cho gà đi kiếm ăn trên ruộng trong vườn, ban đêm lùa vô và nốt lại. Nói theo bây giờ là nuôi gà thả vườn. Gà rất mau lớn, thịt lại chắc. Đây là nguồn thực phẩm tươi độc đáo mà không đơn vị nào có được vừa để bồi dưỡng cho anh em vừa để chiêu đãi cán bộ cấp trên về làm việc với trung đội./.
Nguyễn Văn Nghĩa (27/4/2010)
Sơ đồ Ngã Ba Chóp, Tỉnh Soài Riêng - Cam Pu Chia là tỉnh giáp ranh Tỉnh Tây Ninh - Việt Nam
|
|