|
KÝ ỨC C1 ÁO XANH (Kỳ 2): ĐI XUYÊN MỘC BÀ RỊA - TRẦN VIỆT SƠN.
Ở Trường huấn luyện khoảng vài tuần, thì chúng tôi được lệnh chính thức lên đường đi Xuyên mộc. Theo sự phân công, B2 C1 sẽ lên trước tiền trạm với sự chỉ huy của anh Mười Thanh. Chung tôi lên xe mà trong lòng lúc đó cứ rộn rã nôn nao, hành trang đem theo ngoài quần áo cá nhân, còn có cả võng dù, cuốc xẻng, dao rựa, thuốc chống sốt rét … Chuẩn bị bước vào một trận địa mới mà những thanh niên thành phố như chúng tôi có lẽ chưa bao giờ tưởng tượng ra. Dọc đường đi, anh Mười Thanh luôn động viên và bắt nhịp những bài ca tập thể như Saigon quật khởi, Giải phóng quân, Bão nổi lên rồi … Cho chúng tôi quên nỗi lo lắng và mệt nhọc, thế mà có thằng cũng khóc vì đây là lần đầu xa gia đình, trong đó có tôi !
Đến nơi, ôi Trời ơi, một vùng cỏ tranh với bông trắng xóa cao ngút đầu, xa xa là cánh rừng bạt ngàn gió thổi lồng lộng. “Giờ làm gì và đi đâu đây anh Mười”, Chúng tôi hỏi lúc vừa xuống xe. Anh Mười cười không nói gì, anh dẩn chúng tôi đi bộ xuyên đám cỏ tranh vào một khu đất trống trải kề bên một dòng suối khô queo, sau khi phân công cho từng tiểu đội, anh còn dặn dò “cấm đi tầm bậy, rừng còn cọp nhiều lắm đó nghe !” . Nghe xong, tất cả răm rắp nghe theo, tự nhiên có một đứa ngồi xuống không chịu đi, thì ra do sợ cọp nên đã tiểu trong quần, cả đám cười rần vang cả khu rừng.
Trong một tuần mọi việc cũng xong, làm lán trại cho B1 và B nữ sẽ lên sau, đào 1 giếng nước dưới trũng sâu, cắt tranh làm thành con đường vào lán trại. Nhưng rồi không như hẹn trước, chả thấy ai lên, xà bông giặt đồ hết, đồ mặc thì hôi hám vì những cơn mưa kéo dài đồ không khô kịp. Thế là cả đám ra đi lao động mà ở trần quần tà lỏn, cỏ tranh cứa vào ngứa và rát vô cùng. Một ngày rồi 2 ngày, có đứa ỷ y sexy 100% ra hiện trường. Đến bửa nọ, đang làm thì có tiếng xe ngừng, anh Mười đứng lên xem rồi la thất thanh “chết cha, quân lên, chạy vô mặc quần mấy đứa ơi !” .
Khi B nữ xuống xe, người đầu tiên chạy vào đó là Vy Ù, thì ra cô ấy mắc tiểu quá, khi cô ấy đi xuống giếng rửa tay thì anh Mười nói vói theo “ xăn ống quần lên coi chừng vắt đó”, cô ấy cười và nói “ nhằm nhò gì mấy cái con đó, em đè lên người còn tắt thở huống chi là mấy cái con nhăng nhít !”. Một lúc sau cô ấy lên và còn nhoẻn miệng cười “nước giếng mát quá”. Chợt cô ấy tái xanh mặt mày rồi nhảy tưng tưng “chết em, chết em”, chúng tôi bu lại “sao vậy, mắc kinh phong hả ?”, may sao, có chị Ba Diệu là y tá vừa đi tới vừa cười khúc khích “chị hiểu rồi, Vy vào đây với chị, mấy thằng nam tránh ra, thằng nào tò mò chị nói anh Mười cho hít đất”. Thì ra, khi xuống giếng, cô ấy đã bị 1 con vắt chui vào tới chổ đó, hèn chi !
CHỊ SÁU LÒ XO
Trong B nữ, có một chị tên là Lý thị Thành , anh em đã quen gọi là chị Sáu Thành. Chị này có những điểm đặc biệt mà không có đội viên nữ nào có, đẹp nè, điệu nè, giọng nói thì dể thương nè … Có ai như chị ấy không, đi TNXP mà cứ như đi dã ngoại hay đi du lịch, hết giờ lao động là tắm sạch sẽ bằng những loại xà bông xịn, thay đồ ngủ như ở nhà, guốc dép thì đủ loại, đi lao động thì phải mang dép râu theo qui định nhưng đôi khi lén mang dép thường, chưa tính tối ngủ lại mang dép khác. Trước khi đi lao động, chị bỏ ra hơn 15 phút để thoa kem, trét tí son phấn, xức dầu thơm ! Điều đặc biệt mà C 1 chúng tôi không thể nào quên là mái tóc, chị đem theo mấy cuộn tóc bằng nhựa, tối khi đi ngủ là cuộn tóc lên, sáng lại xỏa ra, có khi gấp quá chị mang cả cuốn tóc ra hiện trường, vì thế tóc chị lúc nào cũng xoăn tít như những cái lò xo, từ đó biệt hiệu Sáu lò xo ra đời. Chị không giận mà lại vui, biệt danh ấy theo chị đến tận bây giờ, dù đã hơn 60, chị vẫn như thế, đẹp điệu và mái tóc lò xo !
TIỂU GIA ĐÌNH
Theo sự lãnh đạo của anh Bảy Dũng và anh Mười Thanh, tất cả C 1 đều là anh em là một gia đình. Tuy vậy, vẫn có những đồng chí do hợp ý nhau nên thích tâm sự riêng trong những ngày cuối tuần (chủ nhật được nghỉ lao động nên thường có từng nhóm đi ra khu kinh tế mới Thạnh Sơn để uống café hoặc ăn một cái gì đó, sẵn đó tâm sự nói chuyện riêng). Trong tiểu đội nữ, có 3 chị em ruột cùng đi TNXP là Trần Thị Kim Hạnh – Trần Thị Kim Phước – Trần Thị Kim Lan, cứ sáng chủ nhật là thích đi vào rừng chơi và kiếm nơi nào mát là ngồi ca hát vui đùa. Đã hát là phải có đàn, có bửa họ gọi Phùng hữu Thế đi chung (vì trong C1 anh là người đàn hay nhất) và có một chị hát rất hay đòi đi theo là Nguyễn Thị Tịnh (chị này về sau là văn công Lực Lượng TNXP). Tôi lại có sở thích là vào rừng tìm hoa lan, nên có lần tình cờ gặp nên cũng vào tham gia. Đặc biệt là Trần văn Khá, vì thích Kim Lan nên cũng đòi đi theo, nhưng ngại tỏ tình nên nhờ một người có mái tóc dài đẹp nhất C1 là Kim Giang đi cùng nói giúp. Thế là chúng tôi 8 người hàng tuần kéo nhau vào rừng tìm hoa lan, hái trái rừng và ca hát vui đùa. Một bữa nọ, chị Kim Hanh bổng gợi ý “mấy đứa mình kết nghĩa đi, gian khổ có nhau sướng vui cùng hưởng, chịu không nào ?”. Cả nhóm đồng ý ngay, theo ngày tháng năm sinh mà phân ngôi thứ. Kim Hạnh là chị cả, kế đến là Hai thế, Ba Tịnh, thứ Tư là tôi, rồi Năm Phước, Sáu Giang, Bảy Khá, cuối cùng là Út Lan. Biết chuyện, anh Bảy Dũng kêu cả đám lên la một mách vì đó là biểu hiên tiểu tư sản bè phái cục bộ, nhưng vẫn không lay chuyển vì chúng tôi vẫn động viên nhau lao động tốt và chấp hành nghiêm chỉnh mọi nội qui, riết rồi các anh cũng bỏ qua không bàn tới nữa. Bây giờ, tiểu gia đình chúng tôi chỉ còn Hai Thế, Ba Tịnh, tôi Tư sơn, Sáu Giang và vợ chồng Bảy Khá Út Lan, chị Cả Hạnh đã mất vì bạo bệnh, còn Năm Phước đã định cư ở Mỹ. Dù thời gian hoàn cảnh có thay đổi, nhưng chúng tôi vẫn thường liên lạc chia xẻ buồn vui và giúp đỡ với nhau như thời còn trong C1 TNXP.
ỦI ĐỒ BẰNG ĐẦU !
Tôi nhớ hoài đến bây giờ lời anh Bảy Dũng “các đồng chí ở trong lán trại thì quần áo sao cũng được, miễn là đàng hoàng kín đáo, nhưng cuối tuần đi ra dân chơi thì phải mặc đồng phục nghiêm chỉnh, ngay ngắn thẳng thớm”. Trời ạ, nghiêm chỉnh thì dễ, nhưng ngay ngắn thẳng thớm thì làm sao được đây, bàn ủi không điện cũng không, bàn ủi than chỉ có một cái của chị Sáu lò xo không lẽ dùng chung cho cả đại đội chắc một tuần là hư ngay. Thế là anh em mạnh ai nấy làm mỗi người một kiểu, người thì đồ phơi khô rồi thì đem vào trải lên giường ngồi vuốt cho thẳng, người thì lúc giặt thì giũ cho ngay ngắn … Rồi đến 1 ngày nọ, có anh chợt thấysau khi xếp ngay quần áo khô để dưới gối nằm, sáng hôm sau tự nhiên thẳng thớm thậm chí có li hẳn hoi. Sau 1 thời gian nghiên cứu kỷ lưởng, thử tới thử lui, anh mạnh dạn phổ biến kinh nghiệm này với anh em, rõ ràng hiệu quả. Thế là cụm từ ỦI ĐỒ BẰNG ĐẦU ra đời !
ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI
Thường trong gia đình, đa số chúng ta đều thích ông ngoại hơn ông nội, chỉ vì ông nội thường khó tánh hơn ông ngoại. Trong C1 chúng tôi lúc đó, anh Bảy Dũng khó chịu cực kỳ, hở chút là la là kiểm điểm. Có lần tôi đã bị nhắc nhở trước đơn vị vì cái tội kêu bạn bè bằng mày tao, anh chỉ cho phép chúng tôi gọi nhau là đồng chí. Cái khó của anh biểu hiện rõ nhất là lúc trước khi đi lao động, anh kiểm từng cái búa cái rựa, cái nào sút cán cái nào lục không bén, đứa nào lười mài dụng cụ hoặc cán bị lung lay là bị ngay máu nóng của anh hành hạ. Khi tập dợt đội ngũ, anh đi đến từng đứa sửa động tác từ nghiêm nghĩ đến dậm chân 1, 2 – 1, 2 . Có lần, tôi bị sửa tới sửa lui đổ mồ hôi hột vì trong tư thế nghiêm mà tôi liên tục cọ quậy. Nhưng có lẽ nhờ anh khó mà về sau, dịp lễ 2/9 năm 1975 , C1 được chọn đại diện TNXP để về thành phố diểu hành mừng ngày Quốc Khánh đầu tiên sau ngày giải phóng. Cũng có người bị anh la hoài nên bực bội rồi nói lén “bộ là ông nội tui sao cứ nhè tui mà sửa mà la hoài”, biệt hiệu Ông Nội đặt cho anh Bảy Dũng có lẽ xuất hiện từ đó !
Anh Mười Thanh thì lại vui tánh, khá lớn tuổi (hơn chúng tôi 5 đến 7 tuổi). Anh là người hướng dẫn anh em nhiều bài hát cách mạng thật hay, riêng anh (mãi đến bây giờ) bài hát độc đáo là “Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng”, hát vẫn hay với giọng Huế đã lai Nam bộ. Ra lao động anh luôn là người đi trước, dạy chúng tôi tận tình từng kỹ năng đốn cây, đốn tre, cột lạt mây, dựng nhà … Riêng tôi, vì thấy tôi bị bệnh suyển nên anh chính người dạy tôi chẻ mây làm lạt cột tranh lợp nhà. Anh có tính quan sát kỹ lưỡng, đặt từng người vào vị trí thích hợp để có được thành quả tốt nhất, đứa nào khỏe thì đốn cây, khéo léo thì đốn tre, tỉ mỉ thì cột lạt, yếu thì ngồi đan tranh … Riêng các bạn nữ thì thích anh lắm, dù lúc đầu hơi mắc cở với đề nghị của anh, mỗi tháng cứ đến ngày ấy (cấm cờ) của phụ nữ, là anh không cho lao động nặng, chỉ ở lại lán trại trồng rau dọn dẹp. Sự quan tâm chân thành ấy làm anh em thương và có người đã buột miệng nói “nhìn anh Mười giống Ông Ngoại tui ở dưới quê”, thế là từ dạo ấy anh Mười Thanh được anh em gọi một biệt danh trìu mến: Ông Ngoại !
Nhưng dù gọi là ông nội ông ngoại hay anh Bảy anh Mười, chúng tôi vẫn mến yêu và nể phục. Ngày đầu bước vào môi trường TNXP, nếu không có các anh cầm tay chỉ việc , có lẽ những thanh niên thành phố như chúng tôi đã ít nhiều bở ngỡ và xa lạ .
TRẦN VIỆT SƠN.
Mời xem thêm các bài:
KÝ ỨC C1 ÁO XANH (Kỳ 1): THẰNG ĐÓ LÀ VIỆT CỘNG! - TRẦN VIỆT SƠN.
KÝ ỨC C1 ÁO XANH (Kỳ 3 – Hết): NHỮNG BIỆT HIỆU VUI - TRẦN VIỆT SƠN.
Hình minh họa sưu tầm từ Facebook của Trần Việt Sơn và kho ảnh của Nhóm biên tập. Xin cám ơn các tác giả.
|
|