Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG
       Thông tin sinh hoạt  
       Văn-Thơ-Kể chuyện  
       Hướng dẫn sử dụng  
       Liên lạc - Góp ý  

Nghe đâu đây khúc vọng ngày xưa (KỲ CUỐI) - TRUNG TRÍ - HỮU THÀNH

Rất nhiều người biết đến Đội Văn Công TNXP, đã một thời vang dội với lời ca tiếng hát; góp phần không nhỏ tô đẹp về truyền thống của TNXP TP. Nhưng ít người biết các thành viên của Văn Công trước đây đã cũng phải lao động “chân lấm, tay bùng”, năm mới thành lập Đội, vừa phải lao động trực tiếp, vừa phải luyện tập chuyên môn về âm nhạc, ca hát, . . . Đến được tới nơi có đơn vị TNXP đóng quân để biểu diễn phục vụ, các thành viên Đội Văn Công TNXP phải “hành quân xa”, cũng lâm vào hoàn cảnh đói khát, vất vả lắm. Xin trân trọng giới thiệu tiếp kỳ cuối (hết) và chân thành cám ơn các tác giả. Bài đăng và hình minh họa được thể hiện theo sách đã in. NBT.

 

Mời xem kỳ đăng trước: Nghe đâu đây khúc vọng ngày xưa (KỲ 1) - TRUNG TRÍ - HỮU THÀNH (2021-04-02)

2.

Nhớ lại những năm đầu thành lập, dù chỉ là văn nghệ quần chúng nghiệp dư, Đội Văn công TNXP cũng đã đi bất cứ nơi đâu có đơn vị TNXP đóng quân để biểu diễn phục vụ bằng cả trái tim cùng tình cảm yêu thương. Sân khấu, âm thanh, ánh sáng thời đó làm gì có. Không có điện thì “lấy núi đồi làm sân khấu, lấy lửa nhiệt tình làm ánh sáng”, các thành viên của văn công TNXP đã không quản ngại vùng xa, vùng sâu, núi cao, suối sâu, nhiều khi phải hành quân bộ, đói khát, có lúc trèo đèo, lội suối xuyên rừng để đến phục vụ các đơn vị TNXP và bộ đội, nhân dân địa phương nơi TNXP đóng quân. Lấy sân doanh trại làm sân khấu, vậy mà người xem vây quanh chật kín. Ca sĩ, diễn viên TNXP thời ấy thiếu thốn son phấn, mỹ phẩm, trang phục chủ đạo là đồng phục TNXP màu cỏ úa, thế nhưng trông họ rất đẹp, rất duyên dáng, được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả.

Đội văn công đến diễn ở đâu thì sống cùng tập thể với đơn vị TNXP ở đó, có gì ăn nấy. Mỗi chuyến đi biểu diễn phải mất từ 2 - 3 ngày trở lên, tùy nơi đến là vùng ven TP.HCM hay các tỉnh. Sang đất bạn Campuchia phục vụ các liên đội thuộc Tổng đội 3 Biên giới (thời chiến tranh biên giới Tây Nam) thì dài ngày hơn.

Trong một chuyến lưu diễn về Minh Hải (Cà Mau và Bạc Liêu hiện nay) để phục vụ đơn vị TNXP và cư dân địa phương. Nghe kể lại, khoảng 8 giờ tối, xe chở đội văn công dừng tại một cơ quan địa phương. Lúc này mọi người đều mệt vì đói do lộ trình xa, đường xấu, không được ăn cơm đúng cử. Sau khi xuống xe, một số thành viên nam của đội đi lòng vòng tham quan nơi mình sẽ tá túc qua đêm. Bất ngờ, vài anh phát hiện có mùi thơm cơm chín thoang thoảng đâu đây. Thế là có anh nọ xông vào bếp, thấy một nồi cơm trắng to đã cạn lửa, thơm lừng. Cứ tưởng hậu cần nấu nhiều như vậy là cho cả đội xơi, anh ta bới một chén cơm đầy ăn ngon lành, khoái chí. Đột nhiên, có ai đó la lên: “Đừng ăn, đừng ăn. Cơm đó không ăn được!”. Ảnh trả lời tỉnh queo: “Ăn được mà, cơm ngon!”. Chị nuôi giải thích: “Đó là cơm heo. Cơm đó nấu để nuôi heo. Cơm của khách để riêng đàng kia, tui sẽ dọn ra ngay!”.

Thời đó người miền Tây không ăn độn vì lúa gạo đầy đủ. Ngay cả nuôi heo bà con cũng nấu cơm trông rất “bắt mắt”, không giống nồi cháo heo, cơm heo “hầm bà lằng” như những vùng khác. Lời báo động của chị nuôi hơi trễ, vì anh ta đã xơi hết chén cơm với tốc độ “không thể nhanh hơn”. Quá đã!

Trong đợt phục vụ trên chiến trường biên giới Tây Nam, anh chị em đội văn công đã cùng tiếp bước các đơn vị trên tuyến đầu gian khó, nguy hiểm nhưng cũng đem lại nhiều cảm xúc và những ký ức không thể nào quên. Một trong số ấy diễn ra vào năm 1978. Lúc đó đội văn công tập kết tại một ngôi làng sát biên giới Tây Ninh – Campuchia. do chiến sự diễn ra ác liệt, cả Đội được lệnh “bám trụ” ngôi làng ấy. Gần nửa tháng sống ở đấy, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu nhờ vào cái giếng của làng. Đến khi nước giếng cạn dần, mọi người mới tá hỏa khi phát hiện dưới đáy giếng có một đống… xương người! Sau này mới biết đó là hài cốt đồng bào ta bị bọn lính Khmer Đỏ tràn qua giết hại, rồi ném xác xuống giếng.

3.

Hiện nay, tuy đã “lên chức” ông bà nội ngoại, giọng ca hơi bị “rè”, song lửa nhiệt tình của anh chị em Đội Văn công TNXP vẫn cháy. Họ vẫn vui vẻ hòa vào không khí thân mật trong những lần họp mặt truyền thống của các đơn vị Cựu TNXP. Họ vẫn say sưa ca vang những bài hát thuộc dòng nhạc “đỏ” lẫn nhạc “xanh” đã in đậm dấu ấn của một thời gian khó, lạc quan, yêu đời: Cô gái mở đường, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Khúc hát người đi khai hoang, Là thanh niên xung phong, Bài ca người xung kích thanh niên, Những bông hoa trên tuyến lửa, Những vết chai cho Tổ Quốc, Em ở nông trường em ra biên giới, Lời tỏ tình trên đảo Ông Đen, Tuyến kinh

Đội Văn Công TNXP, đó là một tập thể đáng yêu đã in sâu vào tâm trí của từng đội viên TNXP. Lời ca tiếng hát của họ vẫn còn vang vọng đâu đó trong tâm thức của những người một thời khoác áo xung phong, rất hào hùng và lãng mạn… Trong số những anh chị thành viên của Đội Văn công TNXP ngày xưa, sau khi chuyển ngành chỉ có vài người còn gắn bó với nghề, với nghiệp: Trần Văn Hưng, Ánh Hồng, Nguyễn Đức Trung, Lê Văn Lộc, Lã Văn Cường… còn lại đều rẽ sang hướng khác.

Thời gian đã, đang và vẫn sẽ mang mọi thứ vùi vào quá khứ, nhưng có những điều chẳng bao giờ bị vùi lấp bởi bụi thời gian. Đồng đội còn nhớ hoài, bởi không chỉ đó là tài năng, mà bởi các anh chị văn công ngày ấy với chúng ta - cùng chung màu áo xanh màu cỏ úa, cùng vượt qua bao gian khó, cùng chung lý tưởng – góp sức mình cho một đất nước mạnh giàu ở ngày mai… Hết.

N.T.T - L.H.T

Mời xem thêm các bài đã đăng:

Lược sử Đại Đội Phong Trào – Đội Văn Công Cựu TNXP Lực Lượng TNXP TPHCM (2014-03-28)

Danh sách Đại đội Phong Trào - Đội Văn Công cựu TNXP LL.TNXP TP.HCM (2014-03-28)

Tiếp thu ý kiến phê bình và cáo lỗi:

Tiếp nhận phê bình thẳng thắng của thành viên của Đội Văn công TNXP cho biết là trong vụ quá đói ăn nhầm “cơm heo” nêu trên là chuyến đi lưu diễn về Kiên giang, không phải là đi Minh Hải.

Tác giả xin nhận sai sót và tiếp thu ý kiến phê bình. Xin chân thành cáo lỗi. N.T.T - L.H.T

Ngày 04/04/2021- Nhón Biên Tập.

 


Hình minh họa đúng như trong sách “Một thời chân đất” đã in. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
NHÂN NGÀY MÙNG 10 THÁNG GIÊNG NHẮC VỀ VĂN HOÁ NAM BỘ - Sưu Tầm (2024-02-18)
MỘT SINH HOẠT NGÀY MÙNG 5 TẾT GIÁP THÌN – Trung Trí (2024-02-14)
ĐƯỜNG BIÊN GIỚI XUYÊN RỪNG NHUM – Nguyễn Văn Nghĩa (2023-12-01)
TƯỞNG NHỚ ĐỒNG CHÍ ÔNG VĂN CHIẾN (Cựu TNXP, nhà thơ Nam Thiên) – Trung Trí. (2023-09-30)
NHỮNG KỶ NIỆM VỚI ĐOÀN XUÂN HẢI & TÔI - TRUNG TRÍ. (2023-09-15)
MỘT BÀI THI TUYỂN KỲ LẠ ! – Sưu tầm (2023-05-22)
CHUYỆN THƠ VUI THƯ GIÃN CHỦ NHẬT - Trung Trí (2023-05-21)
ĐÓ LÀ SƠN NAM! - Trích Hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải (2023-05-02)
MỘT CUỘC HÀNH QUÂN CHỚP NHOÁNG VỀ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA – CAMPUCHIA – Trung Trí (2023-03-19)
THƠ TNXP: NHÀ EM TRÊN CAO NGUYÊN - ANH VẪN MƠ THẤY EM. (2023-03-09)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á