Trợ Thủ Tin Cậy Của Sư Đòan 7
Cuối năm 1978, đơn vị chúng tôi đang dưỡng quân tại rừng cao su Trảng Lớn (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) thì bị Khơme đỏ pháo kích. Tuy không có ai thương vong nhưng tinh thần anh em cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi đại đội 3 là đơn vị đã từng bị hy sinh gần như nguyên một trung đội trong vòng chưa tới hai tiếng đồng hồi đầu mùa mưa. Chúng tôi được quán triệt về nhiệm vụ trong chiến dịch tổng phản công mùa khô 1979 mà mục tiêu là giải phóng Phnôm Pênh chỉ trong 10 ngày; được học lại một số chiến thuật cơ bản và trở về Rừng Nhum đợi lệnh xuất phát.
Ngày 30/12, cấp trên chỉ đạo đại đội 3 thành lâp một đơn vị mới gồm 30 anh em tuyển chọn từ các tiểu đội để phối thuộc với tiểu đoàn 25 Công binh gấp rút triển khai vượt biên giới. Chúng tôi đi trên 3 xe tải quân sự có thiết giáp mở đường nhưng không thể thẳng tiến vào đất K vì các đơn vị bộ đội ở phía trước gặp phải sức chống trả ác liệt của Khmer đỏ trên một bờ đê dài và lớn thuộc địa phận tỉnh Soài Riêng. Bộ binh, pháo binh, xe tăng và không quân dồn hết hỏa lực đánh phá tan tành tuyến cố thủ này của Khơme đỏ. Chúng tôi thấy rất rỏ nhiều máy bay A 37 trút bom liên tục. Phải 4 ngày sau chúng tôi mới tiếp tục hành quân. Đến phà Neak Luong thì trên bến kẹt cứng bởi rất nhiều xe quân sự bị Khơme đỏ bỏ lại trên đường tháo chạy. Tại đây chúng tôi mở một kho muối rất lớn của Khơme đỏ. Rất đông người dân Khơme vui mừng đến nhận phần muối ăn được cấp phát. Họ lấy khăn kàma đựng muối rồi cuốn lại giống như ruột tượng đựng gạo của người Việt Nam. Chúng tôi phải ở đây thêm nhiều ngày để giải tỏa bãi xe này. Phà của công binh ưu tiên cho xe của các đơn vị trực tiếp tác chiến và khi được tăng viện thêm phà từ Việt Nam thì chúng tôi mới qua được sông Mékong. Đường từ phà Neak Luong vào Phnôm Pênh dài gần trăm cây số hoàn tòan yên tĩnh, không hề có một tiếng súng kháng cự nào của Khmer đỏ, không hề có một tiếng mìn nổ và cũng không thấy có xác xe quân sự nào bị bắn cháy trên đường. Ngày 10/1, chúng tôi đến Phnôm Pênh, sớm nhất trong các đơn vị TNXP của Liên đội 303.
Khác Sài gòn lúc mới giải phóng, thủ đô Phnôm Pênh được tiếp quản trong tình trạng gần như không có người dân thường. Nhà cửa không người, đường phố vắng tanh. Thỉnh thoảng xe quân sự chạy qua rồi trả lại sự im lặng đến lạnh người cho thành phố mà cách đấy chỉ vài năm người dân còn buôn bán tấp nập và thịnh vượng. Có thể nói thành phố này là một căn cứ hậu cần chiến lược của Khơme đỏ với cách bố trí hệ thống kho bãi dộc nhất vô nhị mà có lẻ nếu không thấy tận mắt thì không ai tin. Trong nội thành, gần như mỗi nhà dân là một cái kho. Có những khu phố toàn là nhà chứa đường. Có những khu phố tòan là nhà chứa gạo. Mỗi đường phố là một cái kho lớn và chỉ chứa duy nhất một mặt hàng. Có thể kể ra khu phố vải, khu phố dược phẩm, khu phố bơ (loại thùng lớn 20 ký của Đức, sơn màu vàng có hình cô gái chòang khăn trắng), khu phố hạt cà phê, khu phố dây kéo, khu phố hộp quẹt ga hiệu Bic, khu phố viết Bíc, khu phố chén kiểu, đĩa kiểu... Có thể nói nhu cầu đời sống cần mặt hàng gì thì có khu phố chứa mặt hàng đó Trung đội đầu tiên của đại đội 3 vào Phnôm Pênh có nhiệm vụ phát hiện đựơc nhà nào chứa mặt hàng gì thì dán giấy lên cửa ghi rõ tên mặt hàng đó phòng khi cần thiết phải sử dụng thì có ngay, không mất thời gian tìm kiếm.
Ở Phnôm Pênh, tuy hàng ngày không có tiếng súng nổ nhưng vẩn phải nâng cao cảnh giác, đề phòng những trận tập kích của Khơme đỏ. Khoảng cuối tháng 1/1979, hai trung đội còn lại của đại đội 3 tiếp tục vào Phnôm Pênh. Bộ Tư lệnh Sư đoàn quyết định giao thêm nhiệm vụ cho TNXP gìn giữ một số mục tiêu trọng yếu ở vùng ven đô. Đó là kho đạn với nhiều dãy nhà chất đầy những thùng đạn ghi ký hiệu Trung quốc mới tinh đuợc sắp xếp theo từng loại đạn, ngăn nắp và trật tự. Đó là kho xăng có hàng rào bảo vệ chắc chắn, có hàng rào vành đai và cách xa khu dân cư. Ở đây không có hệ thống bồn sơn màu trắng bạc với cầu thang uốn vòng từ dưới đất lên trên nắp bồn, với trạm bơm như thường thấy ở các kho xăng dân sự mà là nhiều dãy nhà chứa hàng ngàn thùng phuy nhiên liệu lọai 200lít/thùng. Khi nào bên bộ đội ra lệnh thì TNXP mới xuất, đối với xăng dầu thì đơn vị tính là thùng phuy. Chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ bảo vệ kho bom ngang trường đại học Phnôm Pênh. Đây là một nhà xưởng được sử dụng để chứa bom, có nhiều lớp hàng rào kẻm gai chắc chắn. Lúc chúng tôi đến, trong kho này còn 10 trái bom lớn và dài màu xám bạc còn để nguyên trong khung cây. Đại đội được phân tán thành nhiều tiểu đội để bảo vệ từng mục tiêu, tự đảm trách việc hậu cần. Điều đáng mừng là trong suốt thời gian TNXP đảm nhận nhiệm vụ, các kho tàng quân sự đều được bảo vệ an toàn. Không có một vụ cháy nổ nào do bất cẩn, không có một tai nạn nào và đặc biệt là không có bất cứ một cuộc tấn công phá hoại nào của Khơme đỏ.
Đến khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4, tất cả các đơn vị TNXP của đại đội 3 được rút khỏi các mục tiêu bảo vệ trong thành phố, trở về phối thuộc với các trung đoàn tác chiến và tham gia chiến dịch lớn tấn công AmLeng, Đây là một căn cứ của Khơme đỏ nằm trong vùng rừng núi hiểm trở của tỉnh Kampong Chnang, cách Phnôm Pênh 100 km về hướng tây nam. /.
(viết theo lời kể của C trưởng C 3 Đặng Đức Thắng)
Nguyễn Văn Nghĩa 07/6/2010 – 11/8/2015
Mời xem thêm cùng một tác giả: (Nhấp chuột vào tựa bài muốn xem)
- KỂ CHUYỆN KOKIXOM (CAMPUCHIA)
- Giao liên trên biên giới tây nam
- LIÊN ĐỘI 303 - MÙA KHÔ 1979 Ở CAMPUCHIA
- Ở làng mạc xa xôi của tỉnh Pursat
Ảnh minh hoạ sưu tầm từ Internet .
|