UỐNG NƯỚC…NHỚ HOÀI - VUI MỘT CHÚT Với TNXP – Đình Dũng Những câu chuyện đời thường, rất chân thật và thật kỷ niệm trong những ngày thiếu thốn trong Tuyển Tập Tổng đội 9, gồm nhiều bài viết ngắn, xem bất kỳ bài nào cũng được. Nên tựa đề bài đăng trên trang Web, không đánh số thứ tự. Tuy nhiên, người đọc có thể căn cứ theo số thứ tự của bài viết bên dưới để theo dõi tính liên tục. NBT.
28. UỐNG NƯỚC…NHỚ HOÀI
Sài Gòn đã bắt đầu se lạnh, mà nghĩ cũng ngộ kỳ vậy ta, cứ ngồi co ro một mình với ly cafe và điếu thuốc là mình lại nhớ về những kỷ niệm ngày xưa. Những tháng cuối năm luôn đem đến cho mình một cái gì đó rất khó để nói... Những khoảnh khắc đáng yêu của một thời tuổi trẻ, của một trời lo âu khi lần đầu tiên trải nghiệm với sông nước, với rừng và với... những người bạn mới quen. Tôi nhớ về cái lạnh của mùa đông đầu tiên khi còn là những chàng trai mới chập chững bước vào cuộc đời TNXP. Tôi nhớ đến những lúc cùng nhau ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, cùng chia sẻ từng điếu thuốc lá, thuốc lào. Tôi vẫn nhớ lúc cùng ngủ chung để chống lại cái lạnh của rừng để rồi ngày mai anh em lại cãi nhau ỏm tỏi.
Thời gian đầu, khi mới gia nhập TNXP, thật sự là ai cũng rất bỡ ngỡ. Tất cả những gì mà anh em đem theo bên mình chỉ là sự háo hức, muốn được khám phá để thỏa mãn bản thân hay vì một lý do nào đó... Lúc này các bạn già của mình giống như tờ giấy trắng, chẳng biết làm gì, mọi thứ đều chấp nhận theo sự sắp xếp của tổ chức. Mình vẫn nhớ hoài, khi nhận được lệnh vào rừng để đi thực địa, chuẩn bị cho công việc sắp tới, mới thấy anh em mình nôn nóng đến lạ lùng...(Lần đầu tiên trong đời được vào rừng, ai mà không khoái...), chắc là suốt đêm không ngủ, thành thử mới sáng sớm đã thấy mọi người đều có mặt... đúng là lính mới... Rồi cũng xong, anh em nào có tên thì lên đường đi theo chỉ huy để được hướng dẫn, chứ để vài bữa nữa khi bắt đầu vào công việc thì khỏi phải chờ, cứ thế mà ra tới hiện trường...
Cứ đi, rồi lại đi, tính theo thời gian cũng cỡ hơn một giờ đồng hồ mà sao không thấy chỉ huy dẫn vào rừng. Từ đầu đến cuối chỉ đi theo đường mòn (là đường xe bò đi chở hàng...), hỏi thì ổng nói mình đi vòng quanh khu vực để biết được chỗ nào cần làm và làm như thế nào? Chỉ có vậy thôi... lại tiếp tục cho đến khi quay về thì bắt đầu có chuyện... Hồi sáng trời mát mẻ, lại là lính mới nên háo hức đi đâu có thấy mệt, giờ mới thấm, lúc này em nào cũng kiếm nước để uống... nhưng hỡi ơi... không có một ai đem theo (anh em nào cũng không nghe ai dặn, cần phải đem thứ gì, vì là lính mới nên sai đâu thì đánh đó thôi...).
Nắng bắt đầu gắt, người thì rã rời, nước lại không có... Ở rừng thì biết tìm nước chỗ nào? Cứ thế mà lê bước đi về chứ giờ trách ai... Cuối cùng cũng được "trời cứu", một vũng nước đã hiện ra trước mắt, rãnh thì đúng hơn, nhờ có bánh xe bò chở hàng nặng đi riết làm nó lún sâu, chứa đầy nước ở trong đó... Thiệt tình mới đầu không có ai dám uống vì sợ (hồi ở nhà, mẹ có dặn dò, đừng uống tầm bậy, coi chừng bị chói nước...), nghĩ tới nghĩ lui, thôi thì khát quá làm đại...(Không uống chắc chết khát...), mà cái nước nhìn thấy trong veo, chắc ok... lúc uống vô, sao mà nó chua chua, tanh tanh... Vậy mà cũng đỡ hơn không có... Trời đất cũng thương TNXP nên mấy bữa sau, hổng thấy bịnh hoạn gì ráo...
Chỉ có mấy chi tiết nhỏ nhưng nó mang theo rất nhiều những kỷ niệm ngày xưa, thật sự nếu anh em mình không được trải qua những khó khăn gian khổ, chưa chắc mình đã hiểu... Được học và được tôi luyện ở môi trường này chính là phong cách sống của TNXP sau này... "sống sao cũng được, đơn giản thế mà vui"... Chỉ cần vậy thôi và nó cũng đã được kiểm chứng qua những buổi họp mặt, dã ngoại. Còn rất nhiều điều để phải nhớ, chắc chắn những kỷ niệm ngày xưa này sẽ đi theo mình đến cuối con đường. Chỉ mong thế thôi... Chúc bình an đến với mọi người chúng ta..
29. VUI MỘT CHÚT VỚI TNXP
Tất cả những bài viết về TNXP đều được nói về các nhiệm vụ, về gian khổ... Điều này cũng một phần đúng nhưng vẫn chưa nói hết những tính cách rất riêng và đáng yêu của mấy người bạn mà bao lâu nay, mình rất muốn được chia sẻ. Bây giờ mới có dịp để nói... và chắc chắn đây cũng là những bí mật mà hầu hết các bạn già đều muốn giữ lại cho riêng mình...
+ Tính đồng đội rất cao:
Họ sẵn sàng đem những sản phẩm của mình sau khi đã nghiệm thu, đưa cho đồng đội để bù vào số lượng mà bạn mình chưa đạt được chỉ tiêu (gỗ, mía, tre...), vậy mới là anh em.
+ Không màng đến tiền bạc:
Khi đi ra ngoài khu vực đóng quân, họ không bao giờ mang theo nhiều tiền mặt vì dễ mất mát.
+ Uy tín :
Tất cả mọi hoạt động giao dịch với người dân, khi kết thúc họ chỉ cần ký tên vào sổ, hoặc một câu nói là ok, vì uy tín trong dân của họ rất cao.
+ Ngoại giao rộng:
Tất cả những quán xá gần khu vực đóng quân, họ đều thân quen theo đúng câu "tình quân dân như cá với nước".
+ Sống rất nhân văn:
Họ sẵn sàng đem hết tất cả quân tư trang hay dụng cụ lao động hoặc những gì mà họ có, nhường lại cho người dân chỉ để đổi lấy những nụ cười rạng rỡ của đôi bên.
Chỉ vài điều thú vị này, mọi người đã thấy những người bạn già TNXP có tính cách rất đáng yêu vô cùng. Vì vậy cho dù có như thế nào, họ vẫn luôn là những người bạn, người đồng đội thân thương... Còn rất nhiều điều thú vị khác, khi nào có dịp mình sẽ cố gắng ghi lại cho anh em đọc đỡ buồn.
Đình Dũng
Mời xem bài đăng kỳ trước: Tuyển Tập 01 “KÝ ỨC MÀU XANH” - Lê Đình Dũng.
NOEL CỦA TNXP - KỶ NIỆM BAN ĐẦU- Lê Đình Dũng. (2021-03-25)
TẾT ĐẦU TIÊN - ĂN MÍA - ĂN MĂNG - Lê Đình Dũng (2021-03-28)
THỢ RỪNG TNXP - ĐỘI TRƯỞNG SIÊU ĐẶC BIỆT- Lê Đình Dũng. (2021-03-30)
LÒ LUYỆN THÉP - TNXP VÀ THỦY ĐIỆN TRỊ AN - Lê Đình Dũng. (2021-03-31)
ĂN GÌ CŨNG XONG - TNXP…CƯỜI CHÚT CHƠI – Đình Dũng. (2021-04-05)
ĐỒNG ĐỘI - Quang Tàu & DIỄN KỊCH NHƯ TNXP – Đình Dũng (2021-04-05)
NHỚ… & CHỈ TẠI TỜ GIẤY BÁO & CHO XIN THÊM TÍ NƯỚC… – Đình Dũng (2021-04-06)
TNXP VÀ …DẾ & VUI BUỒN ĐỜI TNXP – Đình Dũng (2021-04-07)
DANH SÁCH ĐEN & TNXP LÀM THƠ – Đình Dũng (2021-04-08)
ĐI PHÉP SƯỚNG HAY KHỔ & ĐI TÌM CẢM GIÁC MẠNH – Đình Dũng. (2021-04-08)
TIẾNG KẺNG HUYỀN THOẠI & TNXP VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN DÂN TỘC – Đình Dũng. (2021-04-09)
TÙY CƠ ỨNG BIẾN – KÝ ỨC MÀU XANH - Đình Dũng (2021-07-05)
Hình minh họa sưu tầm trên internet. Xin cám ơn các tác giả.
|