Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CHÂU ƠI! - Nguyễn Đông Thức. Kỳ 1

Anh yêu em. Chỉ vẻn vẹn có ba tiếng, vậy mà chưa bao giờ tôi nói được với Châu. Và sẽ không bao giờ. Vĩnh viễn không bao giờ. Dù đã hàng nghìn lần, và sẽ hàng nghìn lần. Tôi tự nói với mình điều đó.

Khi cúi mặt vốc nước ở một con suối giữa rừng để uống qua cơn khát, tôi lại nhìn thấy Châu: Mỉm cười, đằm thắm. Khi ngẩng đầu nhìn trời sao để xác định hướng đi, tôi cũng thấy Châu: Đôi mắt nhỏ sáng long lanh. Cả khi ngả người trên một nệm cỏ nhung êm, nhắm mắt, tôi vẫn thấy Châu.

- Châu thích làm một đồng cỏ thật xanh, xanh mượt và mát rượi.

- Để làm gì?

- Để con nít tha hồ chạy chơi trên đó.

- Còn tôi lại thích ngả lưng trên cỏ… Đừng đỏ mặt. Tôi thích điều đó đã từ lâu lắm. Nằm trên cỏ, ngửa mặt nhìn trời xanh. Lúc ấy mình sẽ thấy trời cao và rộng hơn. Cả những cây cỏ kề bên cũng vươn lên vượt hẳn mình.

- Để làm gì?

- Để thấy mình chẳng là gì cả.

- Đã có lúc Châu cũng nghĩ như anh. Nhưng bây giờ thì sao? Mình phải là một cái gì chứ?

- Châu muốn nói bây giờ mình sống phải có ích lợi gì đó cho người khác, phải không.

- Dạ.

- Điều đó thì Châu khỏi lo. Ở Thanh niên Xung phong lâu rồi, làm sao không hiểu được mình phải sống cho ai?

Bây giờ thì đã quá muộn để tôi có thể nói thật đủ ý nghĩ của mình lúc đó cho Châu nghe. Trong số những người mà mình muốn dành cuộc đời mình để hướng về, dầu sao cũng phải có một người riêng biệt. Một người mà mình muốn được kể và nghe những nỗi vui buồn của nhau, lo lắng và chăm sóc cho nhau từng phút. Một người cần thiết để vỗ về an ủi mỗi khi phiền muộn, một người để mình yêu và được yêu với hết cả tấm lòng. Đối với tôi, người ấy lúc ấy đã là Châu. Nhưng tôi không nói được. Và bây giờ thì quá muộn rồi!

Chuyện giữa tôi và Châu, bây giờ đã muộn, dù hai chúng tôi đều yêu nhau đủ để suốt đời không quên. Tôi vụng về như thể mới biết yêu lần đầu. Còn Châu, nhút nhát đến tội nghiệp. Điều đáng buồn nhất là cuối cùng chỉ tôi biết mình được yêu. Còn Châu, Châu đã ra đi mà không mang theo gì cả.

Tất cả là tại tôi hay tại Châu?

- Tại sao lúc được chuyển ngành qua làm công nhân ở nông trường Phạm Văn Cội, đang làm B trưởng anh lại bỏ về, rồi sau đó lại xin trở lại để bắt đầu cuộc đời của một đội viên có tì vết?

- Chắc Châu đã biết tên tôi có nghĩa là gió.

- Châu biết.

- Và không có gì tự do hơn gió cả. Nghĩa là tự tôi đã không thể ở yên một chỗ, chớ đừng nói ai có thể cầm giữ được. Khoan, hãy để tôi nói hết. Ai cũng vậy thì làm sao xây dựng được đất nước? Châu sắp nói thế, tôi biết. Tôi biết như thế là không đúng. Nhưng mỗi người một tính cách, biết làm sao? Nếu được công việc phù hợp thì dầu sao cũng có lợi hơn. Tôi có thể đi khắp nơi trên nước mình và cả thế giới nếu được, làm bất cứ chuyện gì dù vất vả nhất. Miễn là đừng giữ tôi ở một chỗ. Đó cũng là một trong những lý do tôi tình nguyện đi Thanh niên Xung phong từ những ngày đầu. Một lý do không hợp lý chút nào. Nhưng Châu cũng biết đâu phải ai vào Thanh niên Xung phong cũng từ một lý do hợp lý…

Lúc ấy tôi lại cũng không nói được hết ý nghĩ của mình. Chưa bao giờ tôi nói được hết ý nghĩ của mình với Châu. Rằng hầu như mỗi người chúng mình đến với Thanh niên Xung phong đều có một lý do, hay đúng hơn, một động cơ riêng. Dĩ nhiên vẫn có một số có động cơ đúng. Còn ngoài ra thì… thích đi khắp thế gian hoặc chán ghét hoặc muốn nhẹ gánh gia đình, muốn đổi đời, trốn lánh những quan hệ cũ, thất tình, biếng học ham vui, chấp hành sự phân công của tổ chức, bị lôi cuốn bởi những hào quang rực rỡ của cái buổi đầu ra quân đầy khí thế… Cả trăm lý do. Để rồi gặp những thực tế khắc nghiệt của một cuộc sống chung đụng hỗn tạp và nhiều thiếu thốn càng ngày càng hiện ra đầy đủ, một cuộc sống lao động nhọc nhằn với hai bàn tay và những công cụ thô sơ ngày này qua tháng nọ tưởng như liên miên không bao giờ dứt… Khi tất cả những thử thách đó đến với mỗi người, thì như mọi nhánh sông sớm muộn rồi cũng hòa nhập làm một trước khi ra biển, mọi lý do ban đầu đều phải thay đổi, để hoặc là anh quay lui hoặc là anh vượt qua tất cả để được tôi luyện thành một người vững chãi, dày dạn, tự tin, yêu lao động và yêu tổ quốc một cách trầm lặng, sâu sắc mà thiết tha, như yêu chính cuộc sống gian khổ của mình và đồng đội…

Lúc ấy tôi ở Thanh niên Xung phong đã ba năm, đủ để Châu tin điều tôi nói, như sẽ tin nếu tôi nói tiếp rằng tôi đã đủ tự hiểu để không bao giờ đào ngũ lần nữa. Chẳng những vậy, riêng tôi còn bắt đầu mơ được buộc hẳn cuộc đời với một người đang gần gũi bên mình. Nhưng tại sao tôi không nói tất cả những điều ấy ra, mà lại đi ngụy trang mình bằng bộ mặt tự do phóng đãng mà Châu rất ngại? Có một động cơ mà tôi chưa hề nói với ai là tôi muốn thay đổi hẳn đời mình, một cuộc đời tôi đã quá chán chường.

Tôi, con nhà máu mặt một thời, có học, nổi tiếng ăn chơi, híp pi và hiện sinh, dù đã ba năm ở đây mà phong cách vẫn còn mang ít nhiều dáng dấp ngày nào. Đồng đội nữ mến tôi nhưng vẫn e dè. Nhất là những cô vốn đang là học trò và được sinh ra như chỉ để chờ cách mạng đến, như Châu. Nhưng bao giờ Châu biết được tôi tự ngụy trang mình chỉ là để tự vệ, khi tôi cảm thấy tôi đã yêu Châu quá nhiều và sợ sệt không dám dấn thân vào cuộc tình này vì tự nhủ rằng làm sao Châu có thể yêu tôi? Và hơn nữa, lúc ấy chúng tôi đang ở chiến trường. Nhiều đồng đội đã ngã xuống. Không nên nói chuyện tình yêu ở nơi mà ranh giới giữa sống và chết chỉ là một bước mỏng manh.

Tại tôi đã đắn đo vụng về như thế hay tại Châu?

“Sao mình lại yêu anh ấy được nhỉ? Tại đôi mắt anh ấy sâu quá làm mình muốn chìm trong ấy, tại những lời nói anh luôn gợi cho mình nhiều suy nghĩ, hay tại anh có cái gì đó khác hẳn mọi người nơi đây? Nhưng tại sao mình lại yêu anh ấy? Đã bao nhiêu người nói bao nhiêu điều về anh ấy. Một quá khứ từng trải. Như mình thì bao giờ anh ấy để ý? Anh ấy thường đến nói chuyện với mình chắc chỉ để đỡ buồn thôi”.

Lại những dòng chữ trong cuốn nhật ký bìa xanh để lại tận đáy ba lô mà mỗi trang giờ đây tôi đã thuộc lòng. Sao gọi là từng trải được, Châu? Sao gọi là từng trải, khi đó là những ngày quanh quẩn trong những con đường tráng nhựa đan nhau như một mạng nhện kèm giữ chân người, với những người con gái ai cũng như ai, những son phấn, nước hoa, những vũ trường đèn xanh đỏ lờ mờ lạnh lẽo, những ly cốc trong vắt ném bỏ không thương tiếc khi đã mềm môi? Sao gọi là từng trải, khi đó chỉ là những trò vặt, như nhắm mắt rít một hơi thuốc có thể phân biệt được hương vị Winston, Dunhill, Craven A, Pall Mall hay 555, một đứa con gái đi qua có thể nói ngay cô em hôm nay được ướp bằng Soie de Mari, Chanel 15, Musuat hay Tabou? Những từng trải đó giờ chỉ làm anh hổ thẹn khi nghĩ lại đời mình và đời của những người cùng trang lứa lúc ấy đang nằm hầm phân biệt được từng loại bom, tiếng đạn. Những từng trải đó, chính chúng đã đang làm nặng gánh mặc cảm trong anh, mà cho đến bây giờ anh vẫn chưa xóa hẳn được, dù đã bước hẳn qua một cuộc đời khác. Và cũng chính chúng đã làm anh thấy sợ hãi khi biết anh đã yêu Châu. Bởi vì với cái quá khứ đó, liệu một cô Châu phó bí thư chi đoàn, chân chính, hồn nhiên, trong sạch, có thể bằng lòng cho anh đĩnh đạc bước vào đời mình không?

Châu ơi.

Châu hiểu gì về những tháng ngày đó của anh và những ngày tháng bây giờ mà lại kín đáo lạnh lùng đến vậy? Sao em không biết được rằng anh chỉ mới là người từng trải khi đã ở Thanh niên Xung phong được ba năm? Anh nghĩ chỉ đáng gọi là từng trải khi mình đã phân biệt được điều gì tốt và điều gì xấu, điều gì đúng và điều gì sai. Khi chân mình đã đi qua bao dặm đường lầy lội, gai góc, lởm chởm đá sắc và mịt mù bụi đỏ của quê hương. Khi mình đã thấy ngon lúc bưng chén cơm độn mì hạt ăn với “thịt cọp” ( ) sau một ngày cuốc đất, đẫm mồ hôi. Khi mình đã biết lạ lùng trước những người con gái mắt xanh môi đỏ, móng tay nhọn, quần áo cầu kỳ, suốt ngày chỉ biết lượn phố và chờ chực lãnh hàng nước ngoài gửi về. Khi mình đã nhìn thấy được cái đẹp trên những mái tóc lưa thưa vàng cháy, trên tấm áo manh quần bạc phếch vá chằng, trên màu da đen dòn mốc thếch có thể dùng móng tay vẽ lên được, trên những vết chai, vết sẹo, vết bầm vì đào kinh tải đạn, trên cả những “cục pin” ( ) đã xơ xác vẫn còn được giữ gìn nâng niu. Châu, và cả các bạn quanh em nữa, làm sao biết được chính từ đó anh mới là người từng trải? Các cô đều dành cho anh những đôi mắt thận trọng e dè khi thấy anh đến với những lời lẽ dịu dàng. Sao các cô không hiểu được rằng đó là do anh đã thực sự quý trọng các cô như thế nào, anh đã thực sự đổi được đời mình mà trong đó có phần giúp đỡ một cách vô tình nhưng hữu hiệu của các đồng đội nữ ra sao?

Châu ơi.

Làm sao anh còn có thể nói cho em biết anh đã yêu em từ khi nào, điều mà những người yêu thường thích thú hỏi nhau? Những cảm xúc đó đã đến từ trưa thấy em ngất xỉu giữa lòng con kinh đang sắp hình thành, từ một chiều thấy em đi về, một tay che chỗ áo rách nhưng vẫn để lộ mảng vai bị xước vì hòm đạn nặng, từ những đêm mình thức khuya cùng làm một tờ báo liếp phải lấy muội đèn thay mực tàu và lấy thuốc đỏ để tô màu cờ, từ một lần phát hiện thấy em đang đi lấy trộm quần áo của bọn anh phơi trên sào về chia cho tiểu đội vá giúp, từ một buổi em đứng nói chuyện với anh mà hai tay cứ giấu sau lưng không muốn anh thấy những nốt ghẻ ngứa vừa nổi lên trong một trận dịch toàn đại đội, hay từ cả một lần bị em cười nắc nẻ giữa bếp ăn, khi anh vừa từ hiện trường và khát khô cổ, thấy chén nước mắm của chị nuôi để sẵn mà tưởng chén nước trà…?

Có lẽ từ tất cả những kỷ niệm đó mà tình yêu đã dần dần đến lúc nào không hay. Có phải anh đã thực sự yêu Châu không, hay đây là “một chút mặt trời trong nước lạnh”, một thoáng đam mê, một thoáng phai tàn? Anh cứ tự hỏi là sau bao lần tìm kiếm, tưởng là bắt gặp rồi lại vuột mất, có phải tình yêu giờ đã đến với mình không? Khi anh cứ nghĩ đến em quá nhiều, muốn làm mọi chuyện trên đời để được thấy em vui, cứ thèm được một lần thì thầm bên tai em chỉ vẻn vẹn có ba tiếng mà từ hàng nghìn năm nay, nghìn nghìn người yêu nhau đã nói cùng nhau biết đến bao lần. Chỉ vẻn vẹn có ba tiếng, vậy mà chưa bao giờ anh nói được với Châu. Bởi vì Châu có yêu anh không? Điều đó làm sao anh biết được, để có thể tự tin mà bước đến cùng em? Còn tiếp

Nguyễn Đông Thức


Hình do tác giả cung cấp và tư liệu kho hình của LL.TNXP - TP.HCM.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á