Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU.

Đang thi đua dứt điểm công trình thì tôi ngã bịnh. Chức kiện tướng của tôi chắc bay mất không gì cứu vãn. Tôi tức muốn điên, trằn trọc không ngủ khi nghĩ rằng không có danh hiệu đó mình khó lòng được đề bạt cao hơn. Vân mà biết tôi mất ngủ như thế chắc chắn đồng chí ấy sẽ khóc. Nếu Vân là người yêu tôi thì đời tôi đỡ khô khan biết mấy. Nhưng tôi là thằng ích kỷ. Sợ yêu thì phải cưới. Cưới nhau phải có con. Thanh niên xung phong như tôi biết bao giờ mới có một chỗ ổn định trong thành phố. Nhưng chả lẽ người như tôi lại bày tỏ với các đồng chí mình cái động cơ đi Thanh niên xung phong không mấy hay ho của mình. Trong đầu óc u ám những đám mây mù tính toán, đôi khi cũng lóe lên những lằn chớp vị tha, nhưng ánh sáng họa hoằn ấy không giữ được lâu.

Phải nói tôi có nhiều sức khỏe hơn đồng đội, nhưng mưa gió thất thường không chịu nhường bước cho sức khỏe của tôi.

- Nằm bịnh xá mặc sức mà mơ mộng hả?

Tôi giật mình. Dũng đang nhe cái răng vàng cười với tôi.

- Ở đó mà mơ. Chán muốn chết – tôi tung chăn, ngồi dậy – Vô đây kể chuỵên “đánh đấm” nghe chơi.

Dũng dựng xà beng  vào góc lán, đến ngồi xuống mép giường:

- A tụi mình gặp chỗ đá ong, thằng nào cũng kêu. Tao về lấy nước uống cho tụi nó đây.

- Ủa, tao thấy Vân vừa xách nước ra hiện trường mà.

- Ăn thua gì.

- Nè mà uống ít thôi. Nốc vào đầy bụng là hết làm đó. Năng suất thế nào? – Tôi nhớ đến nỗi khao khát đạt danh hiệu kiện tướng của mình.

- Vẫn tăng đều đều – Dũng trả lời, không thèm để ý đến cái giọng rầu rĩ của tôi. – Thằng Minh đen có lẽ sẽ giật cái kiện tướng số một của đợt thi đua này.

- Thằng Minh đen à? – Lẽ ra phải mừng vì thành tích của đồng chí, tôi lại tiu nghỉu như một chiếc là héo. – Chắc tụi nó hết chờ tao.

- Tại sao lại chờ mày?

Tôi cười chua chát:

- Mày cũng là thằng dễ quên. Không ai nhớ tao đang là kiện tướng số một của liên đội cả.

Dũng cười ha hả:

- Tưởng gì… Mày có là trời họ cũng  không chờ. Đứa nào làm được thì cứ phong kiện tướng.

Tôi ngồi hẳn dậy. Sự bực bội làm tôi mất bình tĩnh:

- Được rồi, tao sẽ không cho thằng nào vượt qua tao cả. Ngày mai tao sẽ ra hiện trường.

Đang lúc đó, Vân bước vào. Nếu cơn giận của tôi là ngọn lửa sắp cháy lên thì sự xuất hiện  của Vân là gáo nước lạnh làm nó tắt ngấm.

- Ai cho đồng chí vào đây nói chuyện với bịnh nhân trong giờ làm việc? Vừa kéo tay Dũng, Vân vừa nói như gắt. Dũng giật tay ra, chạy tới góc lán lấy cái xà beng, nói:

- Nói chút xíu. Sứt mẻ gì đâu mà lo, đồng chí y tá.

Dũng đi rồi. Tôi nằm xuống giường. Cơn giận làm tôi run rẩy. Đôi mắt đen, tròn như hai hạt nhãn ngọt ngào đang nhìn tôi thương hại. Tôi không cần ai thương hại tôi cả. Tôi mạnh khỏe. Tôi có thể đạt được bất cứ năng suất nào tôi muốn, bất cứ danh hiệu nào cao nhất dành cho những người lao động nơi đây. Với những thành tích như thế, người ta không thể không chú ý đến tôi. Tôi sẽ được đề bạt làm đại đội trưởng, rồi liên đội trưởng mấy hồi. Vân sẽ phải tuân lệnh của tôi, sẽ mở tròn đôi mắt đen ngạc nhiên trước những lời nói tốt đẹp của tôi, chứ không nhìn tôi ban ơn như đang nhìn đó. Đúng, con mắt con gái không phải sinh ra để nhìn ngắm mà để vui buồn, hờn giận, an ủi, thương yêu.

- Đồng chí không nghe tôi, bịnh nặng làm sao? – Cái giọng bình thường ngọt ngào của Vân nghe sao đắng ngắt. Lẽ ra, nên nằm im, nhận lỗi cho rồi. Nhưng, nghĩ kỹ, tôi thấy mình chẳng có  lỗi gì.

- Làm sao đồng chí biết? – Tôi gân cỗ cãi lại – Đồng chí không phải bác sĩ, không thể định bịnh.

- Tôi chữa bao nhiêu người rồi – Vân vừa nói vừa sờ đầu tôi. Bàn tay mềm mấ, nhưng tôi vẫn hất tay Vân ra:

- Thôi đi, đồng chí đừng cho tôi là con nít. Chỉ có đôi mắt, đồng chí không thể biết rõ bịnh của tôi. Tôi chỉ cảm xoàng.

- Không, đồng chí bịnh nặng – Vân nói gần như hét lên. Đôi mắt mở to, như có đóm lửa lung linh trong đó. Tôi tưởng sau tiếng kêu ấy là những giọt nước mắt. Nhưng không. Đốm lửa trong mắt vẫn lung linh. Và nó chỉ tắt khi hai hàng lông mi công sụp xuống. Dường như tôi cũng nhắm mắt lại một lúc, như Vân, để khỏi phải nói thêm một điều gì nữa. Một lát, Vân mở bừng mắt ra: - Tôi không phải là bác sĩ, nhưng ở đây, tôi chưa  đoán bịnh sai. Đồng chí hãy nghe tôi.

- Không. Tôi không được là kiện tướng, đồng chí chịu trách nhiệm.

- Được rồi…

Vân đứng dậy rót nước, đưa cho tôi:

- Anh uống thuốc đi…

Không trả lời Vân, tôi nhắm mắt lại. Tôi nghe tiếng chân Vân xa dần. Bàn chân xinh đẹp, trắng hồng, đi chân đất lâu ngày đã bắt đầu có nhiều vết nứt…

*  *  *

Sau khi khỏi bịnh, tôi vẫn không hết giận Vân.

Nhìn vào mắt người khác nói chuỵên là thái độ thẳng thắn, nhưng không hiểu sao tôi lại sợ sự thẳng thắn đó. Mỗi lần tôi nhìn vào mắt Vân tôi có cảm tưởng như đôi mắt ấy phản chéo méo mó khuôn mặt tôi – đúng hơn những ý nghĩ của tôi – làm chúng trở nên xấu xí. Ai lại muốn người khác thấy cái xấu nằm trong kín đáo bên trong những ô vuông ý nghĩ của mình. Hôm tôi được phép ra khỏi cái bịnh xá nghèo nàn của Vân, tôi đã không muốn chào Vân, chứ đừng nói cảm ơn cái con người vừa dịu dàng như  lụa, lại vừa cứng rắn như đá ong – con người đã săn sóc tôi còn hơn một thầy thuốc chính hiệu lo cho một bịnh nhân. Vân còn dúi vào tay tui một lô những thuốc và thuốc:

- Khi nào thấy đau, cứ uống tạm vài viên.

- Bây giờ tôi không đau bụng nữa, mà đau đầu – Tôi nói chậm rãi, cố ý nhấn mạnh ba chữ sau.

- Hả? Đau đầu à?

- Đúng, đau đầu vì phải nhớ quá nhiều lời nhặn của “bác sĩ” Vân bỗng cười lớn:

- Anh còn phải được nhắc nhiều… Vân ngừng lại một lúc rồi nói nhanh: - không phải những lời khuyên của bác sĩ, mà là của bạn bè, đồng đội. Tôi bỏ gói thuốc vào cái túi áo Thanh niên xung phong mà thấy nặng như một thỏi sắt đè lên ngực.

- Tôi không cần ai khuyên cả. Tôi có đủ trí khôn để biểt mình phải làm gì.

Lần này Vân nhìn tôi, không cười, nhưng đôi mắt đen tròn lại ánh lên một nụ cười chế diễu.

- Coi chừng, người ta có thể hư hỏng về tính tự phụ của mình.

Tôi không ngờ Vân lại lên giọng thầy đời như thế. Bổn phận của một y tá là cho thuốc, chứ không phải cho những lời khuyên về đạo đức. Một cơn giận đen đúa làm mắt tôi tối sầm, nhưng may lắm, tôi đang đừng giữa sân đầy nắng, nên tôi không ngã. Tôi cũng không kịp lựa một câu nói nào thật đau để trả đũa Vân trước khi Vân quay trở vào chỗ bàn làm việc bằng tre, nhưng khá ngăn nắp, gọn gàng của mình bên trong bậnh xá.

Có lẽ trong liên đội không ai “trí thức” hơn tôi. Thanh Bình – Liên đội trưởng – cũng chỉ học hết lớp chín phổ thông. Trong khi tôi đã hai năm đại học. Nhưng, tôi cũng muốn chứng tỏ cho mọi người biết là tôi khiêm tốn, không muốn khoe chi cái “trí thức” của mình. Đồng thời tôi lại muốn mọi người phải tự mình hiểu lấy, không cần tôi phải nói. Trên đầu giường của tôi lúc nào cũng có những quyển sách ngoại ngữ dày cộm. Tôi có mang theo một cái gói nhỏ, nhưng tôi giấu trong ba lô. Tôi dùng những cuốn sách dày cộm gối đầu để mọi người khỏi nói tôi khoe khoang. Ngoài những giờ lao động ở hiện trường, tôi dùng thời gian rỗi chúi mũi vào những trang sách. Tôi nghĩ đồng đội tôi, hầu hết đều học dưới cấp ba, phải ngỡ ngàng và tụ cảm thấy hãng diện vì tôi, vì trong đội ngũ của mình lại có một người trí thức (!). Nhưng không phải lúc nào ý muốn của tôi cũng được thỏa mãn. Có lần tôi đã bị Đức-sún phê:

- Đồng chí Thọ lao động tốt, nhưng ít hòa đồng với tập thể. Tôi thấy đồng chí chỉ biết đến những quyển sách của mình, mà không cần biết tới anh em.

Niềm tự ái của tôi bị một cú nóc-ao, ngã nhào, làm tôi xây xẩm. Tôi giận, nhưng không biết nói thế nào để vừa che giấu mình, vừa khỏi mất cảm tỉnh của Đức. Tôi im lặng mà trong bụng cồn cào một nỗi ấm ức không yên.

Con kinh “lửa” của chúng tôi bắt đầu bò vào những vùng đá ong hiểm hóc. Sức khỏe của tôi bắt đầu giảm sút. Lá cờ đỏ trong chiến dịch thi đua đứt điểm công trình có cơ bay khỏi vùng đất của tiểu đội xuất sắc mà tôi là A trưởng. Làm sao lại có thể để tiểu đội mình về sau những tiểu đội của Minh Đen, Đức sún – những người mà ban đêm tôi phải dạy họ những bài tình cộng trừ, bách phân, tỉ lệ. Không, phải chi Vân đừng bắt tôi nằm bịnh xá mấy ngày. Mấy ngày vắng mặt tôi, tiểu đội không làm ăn gì được. Tôi nghĩ thế, và ý tưởng này làm tôi muốn điên lên, khi nhìn lá cờ đỏ xuất sắc còn bay phần phật trong vùng thi công của tiểu đội mình, nhưng ngày mai, liệu lá cờ ấy có còn được cắm ở đó không, hay bay ở vùng đất thi công của tiểu đội Đức sún, Minh đen?...

Tiếng còi nghỉ giải lao.

Tôi ngồi lên cán cuốc chim nhìn xuống lòng kinh hãy còn nham nhở những bậc thang chưa xén độ lài. Tôi nghĩ đến những bậc thang tôi phải leo hết trong ba năm niên hạn của mình. Tiểu đội trưởng. Tôi phải đạt được những chức vụ này để khi chuyển ngành tôi được xem như một cán bộ hẳn hoi.

- Thọ ơi, có đồng chí y tìm mày kìa – Tiếng Dũng gọi từ chỗ lều phóng thanh.

Tôi ngoái cổ lại. Vân đang đi tới. Nụ cười như một lằn ánh sáng đọng giữa đôi môi đỏ tươi. Đôi mắt cũng cười.

- Sao đồng chí lại ngồi giữa nắng thế này? – Lại cái giọng trách móc ấy.

Vân quỳ xuống bên cạnh tôi:

- Hình như anh vẫn còn giận tôi?

- Việc gì tôi phải giận đồng chí.

- Tôi nghe nhiều người nói tại tôi mà A một của đồng chí bị thua các A  khác.

- Tôi không biết – Vừa trả lời Vân, tôi vừa ném một hòn đất xuống lòng kinh. Vân đứng dậy:

- Anh không thích nói chuyện thì thôi. Tôi quay nhìn Vân. Đôi mắt đen rơm rớm. Sao mà dễ khóc đến thế? Nhưng tôi không phải là loại người dễ xúc động trước những giọt nước mắt đàn bà. Tôi nói:

- Tôi đang bận thi công.

Vân bỏ đi như chạy. Một niềm khoái cảm kỳ lạ  ngăn nổi trào lên trong tôi như một cuộn sống ngầm, làm tôi xấu hổ, khi tôi  biết rằng Vân đang khóc. Vân đang khổ, Vân đang ân hận… vì tôi.

Suốt buổi chiều thi công hôm đó, tôi bị niềm khoái cảm này chi phối, quên mệt. Dừng tay là tôi la lên:

- Dũng, Thành, Tùng… nhanh lên. Mình không có quyền thua cuộc.

Đáp lại tiếng kêu của tôi là những tiếng thở, tiếng cuốc chim và vào đá ong tóe lửc, cả những tiếng chửi thề, không biết vì đá ong sừng sỏ hay vì lời thúc giục dai dẳng của tôi.

Tiếng còi chấm dứt một ngày làm việc không làm tôi vui. Nó vang lên như một tiếng kêu đau vọng qua lớp sương mù buồn bã của tâm hồn tôi. Phần đất của tiểu đội tôi vẫn chưa rõ hình dáng con kinh. Ngày mai phải dứt điểm công trình. Lẽ nào tiểu đội xuất sắc của tôi lại là tiểu đội về chót của đợt thi đua. Tôi nhảy lên mô đất cao, nhìn suốt chiều dài lòng kinh như nhìn hình ảnh nỗi lo sợ sâu hút của mình. Phần đất của Đức sún, Minh đen, A hai, A ba, A bốn và của các đại đội khác đã hoàn thành cơ bản. Ngày mai họ chỉ còn xén độ lài, gia công mỹ thuật là xong. Còn phần đất của tôi… Một niềm thất vọng mênh mông tràn ngập nỗi mệt mỏi thể xác làmtôi muốn khuỵu xuống. Bên cạnh tôi bảy đồng chí trong tiểu đội, có lẽ cũng đang thất vọng như tôi. Họ không nói gì. Họ đang chờ tôi. Tôi biết các đồng chí, các đội viên rất tin tưởng và yêu mến người A trưởng của họ. Nếu không, họ đã bỏ về ngay sau khi nghe tiếng còi chấm dứt một ngày làm việc.

Tôi quay về phía các đồng chí của mình, la lớn:

- Về ăn cơm. Tối nay bọn mình sẽ đánh đêm.

- Tôi phản đối – Thành nhảy đến gần tôi – Anh em không còn đủ sức.

- Nhưng chúng ta không thể thua cuộc – Tôi chụp lấy bả vai Thành lắc mạnh. Thành thất tay tôi ra:

- Đây là thi đua chứ không phải đánh bạc.

Không hiểu sao tôi lại bật cười trước sự so sánh kỳ lạ của Thành, nhưng tôi quá mệt, tôi không muốn tranh luận nữa. Tôi nói:

- Ý kiến tập thể thế nào? Ai đồng ý đánh thêm giơ tay lên? Ngoại trừ Thành, tất cả đều giơ tay lên…

*  *  *

Hình như thời gian không còn trôi nữa. Ý niệm về thời gian trở nên mơ hồ dưới nhịp điệu đã bắt đầu rời rạc đánh vào lòng đất. Chúng tôi đang ở bậc thang cuối cùng. Như vậy, hi vọng phần đất của chúng tôi sẽ cơ bản hoàn thành như các tiểu đội khác trước khi trời sáng.

Nhưng lúc này mọi câu hỏi dữ dội xuất hiện trong đầu làm tôi kinh hoàng:

- Ngày mai trong những người này còn đủ sức thi công dứt điểm công trình mà nhận cờ xuất sắc?

Tôi muốn ngã người nằm trên đất ứơt sương đêm, nhìn những ngôi sao nhấp nháy, rồi thiếp ngủ một giấc dài đền sáng…

- Thọ ơi, mệt quá – Tiếng Tùng như đánh thức tôi ra khỏi giấc mơ nhỏ bé của mình.

- Gắng lên. Chúng ta không thể thua cuộc.

- Không, chúng ta thi đua, chứ không phải đánh cuộc – lại cái ý tưởng ban chiều của Thành, nhưng lần này tôi không cười được, vì sau câu nói của Tùng là một quyết định chắc như nắm đấm:

- Tao về.

Tôi kéo tay Tùng lại:

- Mày đừng làm anh em dao động.

- Mày bỏ cuộc?

- Không tao dành sức để chiến đấu lâu dài.

Câu nói của Tùng làm tôi bàng hoàng. Tôi bỏ tay Tùng ra, ngồi xuống cái bậc thang chờ xén độ lài, mặc cho Tùng bỏ đi.

Bỗng tôi nghe tiếng Vân gọi tôi: “Anh Thọ, anh Thọ ơi!” Tôi đứng dậy, Vân ào đến như một cơn lốc, suýt ngã vào tôi. Khoảng cách giữa chúng tôi gần đến nỗi tôi nghe hơi thở của Vân phà vào mặt tôi âm ấm. Và cái giọng nói trách móc ấy:

- Tại sao anh lại cho đánh đêm thế này?

- Đồng chí quyền gì hỏi tôi câu đó?

- Tôi không có quyền, nhưng luật thi đua không cho phép đánh đêm.

- Không cần biết – Vừa mệt vừa giận, tôi chỉ muốn nạt cho Vân bỏ đi.

Nhưng Vân không chịu thua:

- Tôi cấm anh – Vân hét lên.

- Đồng chí là một y tá không hơn không kém.

- Chính vì thế cái nhìn chuyên môn cho tôi biết tình trạng sức khỏe của anh em đang suy sụp.

- Chúng tôi đủ sức.

Vân cười nhạt: - Sức khỏe của các đồng chí là để làm cách mạng lâu dài chứ không phải tát cạn một đêm, một ngày, thậm chí một năm như đồng chí nghĩ.

Tôi lại bàng hoàng trước câu nói của Vân như lúc nãy bàng hoàng trước câu nói của Tùng. Thâý tôi không trả lời, Vân nói tiếp:

- Tôi nghĩ anh cũng như biết anh em đang kiệt sức. Thế mà anh lại tự ý quyết định đánh đêm thế này. Hơn nữa thi đua như vậy là ăn gian. Anh đang đánh một canh bạc – ít ra – anh cũng tham gia cuộc thi đua này với tâm trạng một người đánh bạc, quyết ăn thua vì mức độ vị kỷ của mình. Anh hiểu không? Anh Thọ?

Dưới ánh trăng khuôn mặt Vân sáng lên, đôi mắt giận dữ nhìn tôi. Tôi cảm thấy tôi bị bóc trần ra trong cơn giận ấy. Bất ngờ, tôi nhận ra, Vân đang khóc. Tại sao tôi không được hôn lên cái khuôn mặt bỗng chốc ràn rụa nước mắt ấy? Tại sao Vân lại tàn nhẫn với tôi, rồi lại khóc vì chính những câu nói của mình? Tôi không hiểu. Tôi ở trong tâm trạng một người hoang mang. Vân bỗng cầm tay tôi:

- Anh Thọ. Em xin lỗi.

- Không, Vân không có lỗi. Chính tôi… Lẽ ra tôi phải bảo vệ sức khỏe của anh em và tôn trọng nội qui thi đua. Tôi bước xuống một bậc thang nói với các đồng chí của mình:

- Thôi, ngừng tay, anh em. Ngày mai làm tiếp.

Tôi không biết nói gì thêm với các đội viên của mình. Tôi quay nhìn Vân như muốn tìm một sự cảm thông và tha thứ. Hồi lâu, Vân nói, mà không nhìn tôi như mọi khi:

- Tôi chỉ sợ tiểu đội anh kiệt sức, ngày mai không làm nổi, mà ngày mai lại là ngày dứt điểm toàn bộ công trình… Vân ngập ngừng, rồi bất thần nhìn thẳng vào mắt tôi… “Em… em cũng lo cho sức khỏe của anh”. Vân nấc lên. Dưới ánh trăng hai giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt đen như hai giọt sương.

- Thọ ơi – Tiếng Dũng gọi tôi – nhớ cầm cái xà beng và bình nước về dùm tao. Tao dìu thằng Cà-Ri về trước. Nó mệt quá rồi. Vân cầm lấy tay tôi lắc mạnh, như muốn đánh thức ở tôi một điều gì:

- Anh thấy không, đồng đội của chúng ta tốt quá, nhiệt tình qúa. Họ sẵn sàng hy sinh. Nhưng chúng ta phải biết giữ nhiệt tình ấy như người ta giữ lửa để chiến đấu lâu dài.

Tôi cúi đầu như người phạm tội:

- Anh biết. Em tha lỗi cho anh.

- Không, anh không có lỗi với em. Sau chiến dịch đồng chí sẽ kiểm điểm trước  Ban chỉ huy Liên đội.

- Tôi ngẩng lên, nhìn vào mắt Vân:

- Ừ… anh hiểu.

Nụ cười trong đôi mắt đẹp của Vân vừa nghiêm khắc, vừa cảm thông và tha thứ lung linh như hai đốm lửa nhỏ, nhưng ánh sáng ấy đủ sức soi vào những mảng tối sâu thẳm nhất của lòng tôi, sẽ theo tôi trên suốt những chặng đường còn lại…

Trần Ngọc Châu - Ba Gia tháng 10.1981


Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm từ kho ảnh TNXP. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)
GHI CHÉP VỀ MỘT CHIẾN DỊCH TRÊN BIÊN GIỚI TÂY NAM - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-15)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á