THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH.
Chú Hai Thể phóng chiếc xích lô đạp vùn vụt vào ngõ hẻm, vừa đạp chú vừa hô thật lớn “tránh ra! tránh ra”. Mấy đứa con nít đang chơi đá cầu hoảng hốt tạt ra hai bên. Những cặp mắt ngây thơ tròn xoe dấu hỏi. Có lẽ chúng đoán ra có điều gì bất thường đang xảy ra trong gia đình của chú. Vì có bao giờ chúng thấy chú Hai đạp xe trở về nhà nghỉ sớm như vậy đâu! Hơn nữa, mỗi lần sắp tới cua quẹo vô hẻm là bao giờ chú cũng đạp xe một cách khoan thai hoặc có khi chú xuống xe đẩy bộ, nếu như trong hẻm đông người và chưa bao giờ chú tiếc với chúng một nụ cười. Vậy mà bây giờ có mấy đứa hiếu kỳ bỏ dở cuộc chơi lẽo đẽo chạy sau xe mà chú vẫn phóng luôn một mạch, không hề ngoái đầu nhìn lại làm tụi nó tiu nghỉu quay trở ra nhập lại với đồng bọn. Mà chuyện gì làm chúng tụi nó tiu nghỉu quay trở ra nhập lại với đồng bọn.
Mà chuỵên gì làm chú nôn nóng đến như vậy, ở trong cái hẻm cạn xợt với mấy mươi nóc nhà này ít ai dấu giếm nhau điều gì được lâu; chắc rồi cha mẹ chúng cũng biết và chúng cũng được nghe chuỵên. Biết vậy nên bọn trẻ bắt đầu chơi tiếp.
Nhấn thắng nghe một tiếng két lạnh người, rồi ngồi nguyên trên xe, chú Hai gọi với vào nhà:
- Má con Thảo! Má con Thảo đâu rồi? Thím Hai Thể chạy ra, hai ống quần còn xắn ngang gối. Cửa chưa kịp mở đã nghe tiếng Thím rối rít:
- Gì đó, gì đó ông?
Chú Hai dìm cơn giận vào ba tiếng cụt ngủn:
- Mở cửa đã!
Mở toang cửa chỉ bằng một tay, tay kia chặn ngang ngực, thím Hai trách:
- Trời ơi! Ông làm tôi hết hồn.
Chú Hai lẳng lặng đẩy xe vô nhà không hề nhìn vợ lấy một giây. Người vợ lỏn lẻn theo sau, lòng không khỏi thắc mắc về thái độ kỳ quặc bữa nay của chồng. Nhưng ăn ở với nhau đã năm mặt con, thím dư biết chú Hai đang giận nên không dám đon đả, thím hạ thấp giọng hỏi chồng:
- Sao hôm nay mình về sớm vậy, ba con Thảo?
Không trả lời, chú Hai ngồi phệch xuống ghế quăng cái nón đánh xạch một cací rồi thở ra một hơi thật mạnh:
- Dẹp luôn cái giọng của bà đi!
Tự nhiên lại được nghe cái giọng xẳng, mặn như muối rồi nhìn cái khuôn mặt cau có, quằm quặm của chồng, thím Hai thấy tức, thím tự nhủ “cứ cho ăn thua đủ luôn” thím bảo:
- Ơ hay! Cái gì mới sáng sớm chưa bảnh mắt mà ông lại muốn dằn mâm xén chén với tui?
Chú Hai quay lại nhìn vợ, trợn tròng trợn trạc:
- Cái gì hả? Cái thằng rễ… quí của bà chớ gì nữa…
Rõ ràng chú muốn kéo dài chữ “rễ” lê thê để cố tình chọc tức thím… Thím Hai nhủ thầm trong bụng: thằng nhỏ lại có chuỵên lôi thôi với cái ông “quân tử già háp” này nữa rồi! Nhưng dù sao cũng cần phải chận trước, thím bảo:
- Ông nói sao mà nghe nó chối tai quá! Con là con chung. Rễ cũng là rễ chung. Một mình tui đẻ rồi gả nó luôn được à?
Thấy chú Hai làm thinh có dáng suy nghĩ, thím tiếp luôn:
- Đồng ý là gả con phải chọn rễ. Mà đàng này con người ta lại biết mần ăn khá giả “Phú quí sinh lễ nghĩ”. Họ có tiền, họ bỏ ra cưới con mình rồi trả lại cho ông à?
Không thèm nghe nhưng đợi vợ nói hết câu rồi chú Hai mới lườm thím, giọng như ngâm trong nước lạnh:
- Được rồi! Bà khỏi quảng cáo về cái đám ấy nữa. Đến lượt tui chớ. Hôm rày tôi chỉ nghe lời bà suýt chút nữa xui con gái tui vô tổ quỉ bà chưa vừa lòng sao?
Nghe danh từ không lấy gì làm đẹp đẽ mà chú Hai gán cho “con người ta” thím Hai tức muốn sôi gan nhưng cũng phải ráng chịu nhục ngồi nghe.
Sáng sớm hôm nay cũng như mọi hôm, chú Hai rời khỏi quán cà phê quen ở đầu hẻm, định bụng quanh về chợ Vườn Chuối kiếm một mối đưa về chợ Bến Thành, nơi bãi đậu xe thường xuyên của chú. Vừa quẹo qua ngã tư Nguyễn Đình Chiểu thì có người ngoắc và gọi xe chú lại: Ê! Xích lô!. Nghe cái giọng hách dịch chưa đủ bực nhưng khi quay lại thấy thằng con trai hăm ba hăm bốn tuổi, hỉ mũi chưa sạch mà tóc tai bù xù, chú định đạp xe chạy luôn. Nhưng rồi chú nghĩ ở cái thành phố này bây giờ mà còn sót lại cái mửng như vậy cũng không phải là ít nên chú nhịn bụng quay đầu xe lại. Vừa đáp xe vô lề là chú nhận ra ngay mặt thằng no quen quen. Mặc xác! Chú hất hàm ngụ ý hỏi nó đi đâu nhưng thằng nọ điềm nhiênm nhảy phóc lên xe ngồi chễm chệ. Như ai khác thì đã cho là “trúng mánh” nhưng đối với chú thì không. Chú nói với nó bằng giọng từ tốn:
- Nè chú em, chú đi tới đâu lận? Giá cả đâu đó xong xuôi rồi lên xe tôi chở cho.
Nó lừ mắt nhìn chú:
- Đi đi! Khỏi lôi thôi gì hết, ông ‘chặt’ bao nhiêu cũng được.
Trời ơi! Bốn năm chục tuổi đầu chú còn chưa dám nói với ai một lời nặng, tiếng nhẹ nào, sợ người ta đánh giá “xích lô thế này, xích lô thế kia”. Còn nó mặt búng ra sữa thế kia mà dmá mở miệng nói với chú bằng cái giọng “trời gầm”. Chú nổi nóng:
- Thôi mời chú xuống xe! Tui không chở!
Nó trợn mắt:
- À! Bây giờ ‘má’ định mần ăn theo kiểu mấy ngày Tết nữa phải không?
Vừa nói nó vừa đưa tay móc bóp lấy ra tờ giấy hai chục chìa trước mặt chú:
- Nè! Cầm cái nầy. Vừa tính tiền xe vừa “cúng tổ” luôn.
Giận quá, chú Hai thộp cổ thẳng con trai hỗn láo thoi cho nó một cái. Nó hoảng vía bỏ chạy quăng cả dép lẫn bóp lẫn tiền, miệng kêu thất thanh:
- Bớ bà con! Thằng xích lô giựt bóp đánh tui!
Trời vừa hừng sáng, ngã tư ít người qua. Vả lại thấy chú Hai vẫn diềm tĩnh đứng nguyên tại chỗ, ai cũng cho là nó vu oan giá họa cho chú nên họ phớt tỉnh hết. Chú Hai lẳng lặng gom đồ nó bỏ lại, lên xe đạp tiếp, định đến trạm cảnh sát nào gần nhất sẽ giao lại. Đi được một đỗi chú mới nhớ sực lại cái mặt thằng nọ quen quen. Chú dừng xe, lục bóp nó mở ra coi. Bụng chú run lên khi tìm thấy trong bóp cài hình thằng nọ hớt tóc ngắn. Chú quày quả đạp xe lộn về nhà.
Coi bộ kể xong cũng hả hơi đôi chút nên chú Hai Thể quay lại nhìn vợ đang ngồi thộn ra trên đi-văng nói như diễu:
- Đâu, bà mau mau đi lấy giùm cái hình của ‘thẳng’ đem ra đây tui đọ coi giống hông! Để rồi bà biểu cái đầu tui già rồi lụt như dao phay cùn thì tội lắm.
Thím Hai uể oải đứng dậy, lần tay vô thắt lưng lấy xâu chìa khóa mở cái tủ độc nhất kê giữa nhà, lấy ra một gói giấy vuông nho nhỏ. Kể ra thì thím cũng cẩn thận, sau hai lượt giấy gói thìm mới bóc được tấm hình. Hai vợ chồng chân đầu lại, hết nhìn hai tấm hình rồi lại nhìn nhu. Thím Hai thấy cổ họng nghẹn cứng còn chú Hai thở phào ra như trút được gánh nặng. Không ai nói với ai lấy nữa lời. Mãi một lúc sau chú Hai mới đủng đỉnh đứng dậy vớ lấy cái nón bảo vợ:
- Má con Thảo gói hết giùm tôi ba cái thứ này lại. Tìm cách mà trả lại cho ‘thằng’. Kể ra đó cũng là cái cách mình trả lời luôn với người ta là hổng gả con gái. Vậy thôi! Tui đi à nghe… bà!
Nói xong, chú mở cửa đẩy xe ra đạp thẳng để thím Hai ngồi lại một mình bẽ bàng như từ trên trời rớt xuống.
Người ta bảo chứa con gái lớn ở trong nhà như chứa quả bom nổ chậm mà không biết nổ ngày giờ nào cũng phải. Ý là nó chưa nổ mà bụng dạ thím Hai đã nghe bàng hoàng. Nhà nghèo nghe có người mối mai đi hỏi con mình thì chú thím cũng mừng dù chưa biết câu chuỵên sẽ tiến thối ra sao. Ai dè đâu lại có chuỵên dị hợm như vậy. Cũng may mà con gái thím chưa chưa biết gì hết chứ nếu không nó còn tủi thân biết chừng nào!
Chú Hai ở bệnh viện về nhà vừa đúng một tuần là gia đình chú bắt đầu kiệt quệ. Con heo nuôi mới tròn trèm bốn chục ký đã phải bán để trang trải các khoản thiếu hụt. Thời gian chú nằm bệnh, nhà không có lấy một đồng vô. Cũng may mà tiền sở phí ở nhà thương bao cấp hết chứ không thì còn biết kho khăn tới đâu. Vậy mà mấy hôm thím Hai lại bắt đầu cắng đắng. Nào là tại do chú “sĩ diện hão” chứ nếu không là đã gả con Thảo vô chỗ nhà khá giả, biết làm ăn. Nào là tại chú cấm cản đủ cách chớ để thím mà ra đứng bán ở chợ trời thì đâu đến nỗi. Nào là bây giờ thằng nọ đã nhận lỗi vô phép với chú, nó bảo có khả năng cho gia đình chú thím vay một vài ngàn xây xài trong lúc túng thiếu mà khỏi phải trả. Nghe tới đó là chú phùng mang trợn mắt đuổi thím Hai đi chỗ khác. Bây giờ chỉ còn cách cuối cùng là chú viết thư cho con gái. Nếu nó xoay xở được thì tốt còn không nó về chơi lúc này nhà cũng đỡ buồn bực. Chú Hai lần lại cái bàn kê sát vách trên có cái khay bằng gỗ đen mun dùng để đựng cái bình hút thuốc lào, còn cả mấy cái đóm dài sọc mà mấy tuần nay nghe lời bác sĩ dặn chú cũng không dám rớ. Chú kéo cái hộc tủ lấy giấy, bút rồi ngồi vào bàn viết “… Mười mấy năm ba sống với cái nghề tay làm hàm nhai, chưa hề nhờ vả ai một đồng xu cắc bạc nào. Vậy mà má con…”
Thư gửi đi cả tuần lễ, vả lại từ đây tới Duyên Hải đâu có xa xôi gì mấy mà vẫn chưa thấy con gái gửi thư hoặc về thăm nên chú Hai đã bắt đầu thấy lo. Ngồi ngóng mãi không biết làm gì, chú đứng dậy bưng cái khai đựng bình hút thuốc lào bắc ghế cất lên đầu tủ. Bỗng có tiếng gõ cửa, chú Hai giựt mình quay ra. Anh con trai lạ mặt cuối đầu chào:
- Dạ thưa bác. Dạ, xin lỗi bác đây có phải là nhà cô Thảo ở nông trường quận 3, Duyên Hải không ạ?
Chú Hai bước xuống ghế điềm đạm:
- Chào cháu. Nhà con Thảo đây cháu ạ. Mời cháu vô nhà uống nước.
Anh con trai để cái giỏ xách dưới chân bàn rồi tự giới thiệu:
- Dạ thưa bác, cháu là Lâm bạn của Thảo. Nhân tiện được về phép cháu ghé qua nông trường thăm cô ấy. Vì bận công tác chưa về sớm được, cô ấy gửi cháu mang thư và quà cho gia đình.
Chú Hai đỡ lời:
- Bác cũng xin cảm ơn cháu.
Rồi đợi cho con trai sắp xong mấy món quà lên bàn, chú Hai mới lên tiếng hỏi:
- Cháu ở đâu về phép, lại có thì giờ rảnh rỗi mà đi thăm con bác?
Anh con trai tự nhiên:
- Dạ cháu là Thanh niên xung phong đóng quân ở Kiên Giang. Hôm Tết anh em về cháu ở lại giữ doanh trại. Bây giờ tới lựơt cháu.
Rồi như sực nhớ ra điều gì, anh ta tiếp:
- Bác hỏi cháu mới nhớ, hôm về phép cháu có mua hai lít mật ong, nghe bác bịnh, cháu đem sang biếu bác một lít, bác đừng từ chối cháu buồn.
Chú Hai không nỡ từ chối. Hai người trò chuỵên thêm lát nữa. Anh con trai từ giã ra về sau khi hứa là “khi nào” cô Thảo về sẽ xin phép ghé lại chơi lần nữa trước khi trở lên đơn vị. Anh ta về lâu rồi mà chú Hai cứ nắc nỏm khen thầm. Con nhà ai cao ráo àm tử tế quá! Nhưng một lần thôi sao. Muốn tới mầy lần mà giờ nào chú cũng tiếp. Giá mà có được thằng rễ như vậy chú đành bụng biết mấy. Vừa lúc đó thím Hai đi chợ về tới. Nhìn hai ly nước là thím đoán ra chồng mình mới vừa tiếp khách. Đặt cái giỏ xách xuống, thím hỏi:
- Ai vậy ông?
- Bạn con Thảo.
- Ủa, còn con nhỏ đâu rồi?
Chú Hai không trả lời mà cho tay vào túi lấy bức thư và một xấp tiền đưa cho vợ. Đọc thư xong thím Hai mới đưa mắt quan sát mấy món quà, ý chừng muốn kiểm tra lại có đủ như con gái của thím đã ghi trong thư không, rồi thím phát hiện:
- Ủa, cái chai gì đây?
- Chai mật. Bạn con Thảo nghe tôi bệnh mang lại biếu đó.
- Mèng ơi! Con nhà ai mà quí hoá quá vậy ông?
Chú Hai dẫy nẫy:
- Con ai làm sao tôi biết được!
- Hứ, vậy mà hồi nãy ông không hỏi!
Chú Hai làm thinh. Được nước thím Hai hỏi tới:
- Vậy chớ nó làm việc ở đâu?
- Nó đi Thanh niên xung phong ba, bốn năm gì đó.
Thím Hai thở khì một cái:
- Thanh niên xung phong còn nước mẹ gì mà hỏi.
Chú Hai quay lại:
- Bà nói sao?
Đến lượt thím Hai làm thinh. Muốn trả lời cho xuôi tai chú thì phải khui ra cái vụ làm ăn “bí mật” của thím. Mà hễ khui ra cho chú biết thì chú sẽ làm dữ nên thím đành phải chống chế:
- Thì tui biểu tụi nó kể như lính tráng ở xa ở xuôi thì mong gì.
* * *
Hôm nay thì nhà chú Hai có vẻ tươm tất hơn mọi hôm. Mấy lọ hoa giấy chưng trong ba ngày Tết hôm nay được đem ra chưng lại. Mấy đứa con nít hàng xóm nghe mấy đứa con chú Hai bảo hôm nay ở nhà ba má nó có khách. Tụi nó còn nói kháo nhau rằng thím Hai không được vui vì người đó là Thanh niên xung phong mà từ nào giờ thì thím không ưa Thanh niên xung phong. Nhưng chiều ý chồng, vả lại thím cũng muốn “trả đũa” vụ tấm hình nên đòi phải gặp “tạng mặt” anh con trai mà chỉ có mình vừa bụng. Dè đâu coi mòi con gái của thím cũng ‘chịu’ thằng kia nên mấy đứa nhỏ bảo thím buồn cũng phải. Nếu như hôm nay “thằng đó” mà sấn tới ngỏ ý này nọ thì thím phải dùng kế hoãn binh, phải đòi cho kỳ được nó xuất ngũ, chuyển ngành xong thím mới gả con gái. Trong thời gian đó biết đâu chừng sẽ có ‘đám’ khác tới hỏi và thím sẽ ra sức thuyết phục chú, nhất là thím biết con gái thím đẹp người đẹp nết ít ai bì được kia mà.
Đứa con trai thứ ba đứng chờ sẵn ở đầu hẻm vừa chạy vừa thở hổn hển vô nhà báo “Anh ấy tới, chị Thảo về” là thím Hai vọi lẫn ra nhà sau còn chú Hai vừa bình phục, xúng xính trong bộ áo pi-da-ma mới tinh bước ra cửa đón.
Sau một hồi chào hỏi, mời ngồi, anh con trai mới hỏi thăm “bác gái”. Chú Hai chưa kịp gọi vợ thì cô Thảo đã nhanh chân chạy ra sau mời mẹ ra. Vừa thoáng thấy bóng thím Hai, anh con trai vội đứng dậy chấp tay:
- Dạ, chào bác.
Nhưng vừa thấy mặt anh ta thím Hai ‘ủa’ một tiếng rồi đứng sững luôn ngay tại cánh cửa ngăn với nhà sau. Mặt thím đỏ bừng không biết vì mừng hay giận. Cô Thảo cứ tưởng mẹ… mắc cỡ nên cứ từ phía sau đẩy ra. Thím miễn cưỡng lại ngồi trên đi-văng. Anh con trai cũng rất đỗi ngạc nhiên trước thái độ của thím. Còn chú Hai lúc đó ngồi trầm ngâm không thấy gì hết. Mà chú không để ý cũng phải. Vì chú đâu có hay trước đây thím đã lén chú ra đứng bán chợ trời mà anh con trai đang ngồi trước mặt thím lại chính là ‘gã’ Thanh niên xung phong đã ‘mời’ thím trở về nhà. Đã vậy thôi đâu ‘gã’ còn hăm he là còn gặp thím ở khu vực đó lần nữa ‘gã’ sẽ không nể nang gì mà sẽ tịch thu hết đồ đạc mua bán của thím.
Đợi vợ và anh con trai chào hỏi xong xuôi, chú Hai mới vô đề:
- Lâm à!
- Dạ.
- Hôm nọ bác có hỏi thăm qua con Thảo nhà bác, nó cũng có “báo cáo” với bác về chuỵên hai đưa quen nhau…
Không đợi chồng nói hết câu, thím Hai ngắt lời:
- Thì ông cứ nói thẳng đi chứ còn dài dòng gì nữa.
Chú Hai lườm vợ rồi tiếp:
- Riêng cái ý của bác gái thì lại muốn đợi đến bao giờ cháu chuyển ngành, xuất ngũ hẵng hay. Còn bác thì tùy ở cháu với con Thảo tính sao cũng được. Thím Hai tiếp lời:
- Bác trai nóí vậy cũng phải hả cháu? Vả lại bác thấy Thanh niên xung phong khó khăn quá bác cũng ngại.
Anh con trai hơi ngạc nhiên:
- Dạ, ý bác nói sao cháu không hiểu/
- À thì bác muốn nói ví dụ như chuỵên Thanh niên xung phong xua đuổi người ta… làm ăn ở ngoài chợ trời chẳng hạn.
Thím Hai cố tình nhấn mạnh hai tiếng “làm ăn” với ngụ ý riêng của mình. Nhưng không để anh con trai trả lời. Chú Hai gắt:
- Ai bảo với bà là đứng ngoài chợ trời làm ăn?
Hơi ngờ ngợ mấy giây, anh con trai chợt hiểu. Thấy anh ta chăm chú nhìn mình, thím Hai nóng cả mặt. Thím có vẻ ngượng nghịu. Bây giờ thím mới thấy hối hận, rủi’nó’ mà nhớ ra hôm ở chợ trời chắc ‘nó’ sẽ khinh khi con gái thím. Anh con trai không biết có dụng tâm dụng ý gì không mà lại giải thích:
- Dạ, đúng ra tụi cháu không xua đuổi gì mấy người lớn tuổi đâu. Tụi cháu chỉ khuyên bà con nên tìm phương cách khác làm ăn. Hoặc sản xuất hoặc xin vào khu vực Nhà nước.
Một lần nữa thím Hai lại bộp chộp:
- Nhưng chữ nghĩa kém cỏi như bác…
Anh con trai quay qua cô gái nãy giờ ngồi im nghe và nói với cả hai người:
- Chuỵên ấy anh đã bàn với em. Nếu như bác thích và thu xếp được công việc gia đình thì cháu đã có xin giữ hờ một chân “bảo mẫu” trong bệnh viện Nhi đồng cho bác rồi.
Trời ơi! Cài thằng sao mà chu đáo quá. Thím ‘thích’ quá đi chớ. Thím Hai mừng muốn rớt nước mắt. Giọng thím như muốn phân bua:
- Từ hồi nào đến giờ bác cũng muốn đi làm lắm chứ. Nhưng ngặt bác trai ổng bảo ổng dư sức lo. Rồi đùng một cái ổng bịnh, cháu thấy đó, cả nhà hụt chân chạy xấc bấc xang bang.
Chú Hai nãy giờ ngồi gật gù im lặng, bấy giờ chú mới xen vào:
- Chuỵên của ‘bả’ xong rồi còn chuỵên hai đứa bây giờ thì sao?
Cô Thảo nhanh nhẩu trả lời thay cả hai:
- Dạ, tụi con ngoéo tay rồi. Đợi chừng nào ba lành bệnh hẵng hay.
Khi “hai đứa” xin phép dắt nhau đi sở thú chơi, chú Hai cũng tà tà ‘thả’ ra quán cà phê. Ngồi lại một mình, thím Hai ngẫm nghĩ. Ai có dè chọn rễ mà dễ ợt vậy đâu. Bỗng thím lắng tay nghe nhà hàng xóm ai đó hát câu ru con:
“Ầu ơ… Trai khôn tìm vợ chợ đông.
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân… ờ…”
Thím Hai mỉm cười đứng dậy bước ra sau bếp chuẩn bị làm cơm trưa đãi “khách”.
Phan Tiến Trình - Tháng 02.1981
Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm từ kho ảnh TNXP. Xin chân thành cám ơn các tác giả.
|