Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH.

Ông Tư, đứng chống cuốc, hai chân hơi đang ra nhìn lên trời. Trên không, con chim cắt đang lượng lờ cái đầu nghiêng ngó, lắc lư như muốn chia xẻ sự đắc thắng đang dồn cả vào khuôn mặt của ông. Xa xa, ngọn gió đồng man mác một mùi quen thuộc, quen như cái mảnh đất mà gia đình ông đã đổ mồ hôi, xót con mắt mới có được để làm kết sinh nhai. Khổ đau tuy nhiều nhưng tham vọng chưa hề làm đục con mắt. Ông Tư chỉ muốn đủ ăn, đủ sống để nuôi con. Trước đây cả nhà ông làm quần quật suốt ngày mà cái đói vẫn bào xót gan ruột. Thân ông thuở nhỏ phải ở mướn. Cái nghề chăn trâu cắt cỏ chỉ nuôi nổi ông ngày hia bữa cơm và mỗi năm vỏn vẹn hai thùng lúa. Gần mười năm làm bạn với cái liềm mà nó chỉ giúp cho gia đình chủ giàu thêm chứ  không hái ra cho ông được một giây hạnh phúc nào. Bao lần nó cắt tay ông chảy máu mà không chịu cắt luôn giùm nỗi cơ cực của đời ông.

Ngày nay mỗi lần tay liềm đưa ra ông mới có được cái cảm xúc dạt dào, biết mình đang gặt vào từng miếng sống. Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai. Cảnh cùng khổ tưởng lún sâu xuống bùn không ngóc đâu lên nổi lại có cơ hội để ông tạo dựng cơ nghiệp. Bây giờ mảnh đất ở Ninh Thạnh Lợi này như đã cấy sâu vào tình cảm của ông. Dầu có bịt mắt lại ông cũng nói trùng xanh vách vị trí của từng cây cà, cây ớt trong vườn, từng chỗ nông sâu trên ruộng, thằng Tây qua cho đến thằng Mỹ tới ông nhiều lần ôm nóp theo du kích vô bưng rồi lại trở về với nó. Trăm cay ngàn đắng đã nhuộm lên mái tóc của ông cái màu muối tiêu của tuổi về chiều. Cái tuổi đu từng trải để hiểu cuộc đời. Vậy mà… ông gạt mạnh tay làm cái cuốc lăn quay xuống ruộng.

Rắc rối đã theo chân thằng TNXP đầu tiên đến thằng thứ mấy trăm không rõ, đã neo nỗi lo lắng vào lòng ông Tư. Vang váng trước mắt cuộc sống bình thản của ông bỗng dưng chao ngược. Ngồi trong nhà ngó ra chợt thấy con chim trao trảo đang đậu, mắt láo liên như có ý dòm ngó quày chuối xiêm đang độ chín bói, tự nhiên đâm bực, ông Tư quẳng mạnh điếu thuốc hút, bước ra sân lượm cục đá chọi mạnh. Con chim hoảng hốt bay vụt, miệng kêu thất thanh “…trả, trả…”. Ông quay vào lầm bầm “Trả à? Trả… ông nội mày!”. Con chim bay đâu mất nhưng nỗi bực dọc của ông cứ ì ra đó. Sẵn thấy bà Tư đang ngồi têm trầu trên bộ ván gõ, ông dốc luôn bầu tâm sự:

- Lính tráng gì rần rần rộ rộ mà trong tay chỉ toàn leng với cuốc. Rõ ràng nếu không muốn dòm ngó miếng ăn trong tay mình thì tới đây dựng lều, dựng trại làm gì…?

Cứ y như mỗi đợt Thanh niên xung phong chuyến quân ngang qua là đã có mặt ông Tư đứng dựa mái hiên nhìn theo, không chút thiện cảm. Nỗi lo mất của đối với ông như một cái túi cột chặt miệng không cho long độ lượng, hiếu khách hàng ngày chớm ra bên ngoài. Bà Tư có cảm tưởng cái trán nhăn nhó của một người ưa quạu quọ nào đó  đã thay vào cái vầng trán rộng, phẳng, toát ra vẻ điềm đạm của ông. Bà mỉm cười dễ dãi:

- Tụi này đâu có vẻ ngang tàng như đám lính ngụy Sư đoàn 9 hồi tổ chức. Đứa đeo kiếng dày cộm, đứa nói giọng trơ trẹ khó nghe mà mặt mũi cũng hiền hậu, dễ coi…

Chưa nghe vợ nói hết câu, ông Tư đã lắc mạnh đầu, văng ra từng tiếng một:

- Được…! Được…! Hiền thì bà cứ rước về nuôi hết cho vừa lòng!

Nhưng nếu có vừa lòng thì ông Tư cũng nín thinh, Bà còn lạ gì tánh ông. Được nước thì ông làm tới, nhưng khi chịu hết nổi, bà phản ứng là ông đấu dịu ngay. Ông bảo:

- Kêu thằng Úy ra đây giùm tui. Tui nhắc lại là cấm không cho nó ra chơi với tụi kia nghe không!

Bà háy ông:

- Sắp nhỏ ở đây miết, tối ngày ra vô không có gì giải trí. Ở nhà ru rú để ông dạy cho nó uống rượu à? Ở đó vui, nó tới chơi. Sao lại cấm?

Bà nói đúng. Xóm giềng ở đây cách nhau khá xa. Muốn qua lại phải đi bộ hoặc chèo xuồng cả cây số. Tội nghiệp! Từ khi có lệnh cấm của ông, thằng Út cứ chiều lại ra đứng nhìn anh em Thanh niên xung phong múa hát. Lâu lâu nó lại nhảy cãng lên một mình. Đến lượt ông làm thinh, ông thở nhẹ một hơi rồi bỏ ra vườn tưới cây.

Đúng như nhận xét của bà Tư. Tụi này có vẻ hiền. Thằng nào gặp ông cũng niềm nở chào hỏi. Một lần thấy thằng Út con ông cứ quấn quít trái banh treo lủng lẳng trên vai, một thằng cười rồi bảo hôm nào sẽ đem lại cho một trái banh cũ làm thằng nhỏ thích chí chạy kiếm hai chị nó đang  núp sau cửa nhà nhìn ra, khoe ầm ĩ. Thấy ở đây chưa kịp mở trường học, một thằng khác lại hỏi con ông chuỵên học hành rồi dặn tối tối cứ qua nó sẽ dạy cho đánh vần và hát. Bà Tư nghĩ thầm trong bụng. Chắc nó ngại nhà mình có con gái lớn nên không dám qua bên này.

Tưởng đâu xuôi chèo mát mái vì ông Tư có lần tự nhận mình đã nghĩ quấy cho “mấy thằng kia”. Nhưng đùng một cái tình cảm đang diễn biến tốt đẹp thì bỗng nhiên đổi chiều. Sáng hôm đó, đơn vị Thanh niên xung phong cử đại diện sang nhà ông Tư xin phóng tuyến kinh ngang qua ruộng ông. Anh ta chỉ mới hỏi chớ chưa phóng mà ông nghe muốn nổ đom đóm mắt. Đâu có được! – Ông, lắc đầu, cái lắc đầu như đã chuẩn bị sẵn từ lâu, rồi gằn giọng như người ta vỗ từng cây đinh một vào tường:

- Một … tấc… đất… cũng không được đâu cậu ạ! Chim trời cá nước thà mất lòng trước được lòng sau.

Sẵn dịp ông nhắn luôn:

- Sắp tới mùa nước dẫy. Gia đình ‘qua’ ở đây chỉ sống nhờ con tôm, con tép. Cậu nhớ dặn đừng cho anh em lội xuống ruộng ‘qua’ mà bắt…

- Dạ… cháu cũng biết…

Anh Thanh niên xung phong định nói thêm một thôi nhưng chẳng biết vì không muốn nghe hay sao mà ông Tư lại quay lưng ngoảnh mặt ra cửa. Bí quá anh đành phải kiếu từ. Thấy “người khách” chưa đá động gì tới ly nước, ông Tư định giơ tay mời lần nữa nhưng nghĩ sao lại thôi. Mặc kệ. Ruộng mình, mình giữ. Thằng nào làm ngang thì ông cũng dám liều mạng lắm.

Đã vậy thôi đâu! Mấy hôm sau thằng Út đi học về. Không biết ai mớm cho thế nào mà cứ tỉ ti nhờ bà Tư khuyên ông này nọ. Ông nghe lóm được nó nói tình nói lý mới lạ làm sao. Nhưng ý của ông đã quyết. Ông gọi bà ra bảo:

- Thằng Út mà còn nói lằng nhằng với bà là tui cấm qua bên ấy chơi luôn.

Thằng Út nghe được mặt mày tiu ngĩu và hết dám hó hé. Còn bà Tư không biết nghĩ sao cũng chẳng bàn ra, bàn vô gì nữa. Vậy là mọi sự phó mặc cho ông.

Tư bữa đó, người ta thấy ở ông Tư có nhiều điều là lạ. Ông đi thăm ruộng vào mùa nắng và mang theo cuốc mặc dù chưa tới màu gieo cấy. Ông sợ mình “cô thân độc mã” thì Thanh niên xung phong tụi nó không… ớn.

Nhưng không! Tụi nó thật mà ông chưa biết. Cứ theo dõi công trình đào kinh một thời gian thì rõ. Đất hoang anh em Thanh niên xung phong hè nhau làm  ào ạt nhưng khi tới phần đất của ông Tư thì tự nhiên lại… đùa nhau ra. Người này xô đẩy người kia, cuối cùng không ai có gan làm. Thấy anh em Thanh niên xung phong bỏ đi nơi khác ‘đánh’ tiếp, ông Tư hơi mừng. Nhưng chẳng lẽ tụi nó lại chịu bỏ ngang xương như vậy? Rõ ràng mình từ chối nhưng nó vẫn phóng tim qua đất mình kia mà! Thôi được tụi mày muốn làm gì ông rồi sẽ biết.

Trong khi đó ở doanh trại Thanh niên xung phong, Ban Chỉ huy Liên đội triệu tập “bộ tham mưu” lại hội ý. Bàn đã hết cách, cuối cùng bỗng đồng chí Hòa, trợ lý chính trị, “tay mưu sĩ số một” giơ tay xin phát biểu. Sau một hồi bàn tính cả bọn lăn quay ra cười. Thế là buổi chiều hôm sau. Đại đội 4, đơn vị cừ khôi nhất Liên đội nhận được “mật lệnh”. Đơn vị chọn ra năm mươi quân thuộc loại… thiện chiến. Kỳ nầy cả dàn Ban chỉ huy đại đội sẽ cùng trực tiếp… cầm quân. Về phần Liên đội thì có đồng chí Liên đội trưởng và “mưu sĩ” Hòa theo lược trận. Mọi chuỵên được tiến hành êm ái theo kế hoạch đã vạch sẵn.

Trong lúc nghĩ dưỡng sức và dũa lại leng, xẻng thì đồng chí Đại đội trưởng vốn xuất thân từ đơn vị “cơ động” từng tham gia chiến dịch kinh tưới Tam Tần và cũng từng “đánh đêm” đứng ra kể lại thành tích của đơn vị cũ và động viên làm anh em rất ư phấn khởi. Đúng 9 giờ, toán “trinh sát” ra đi, đêm tối như mực, “người ngậm thẻ, ngựa không đeo lạc”, tưởng như nghe được tiếng muỗi vo ve. Vậy mà vừa sấn tới họ đã… thua chạy, vì ông Tư… chờ sẵn tự bao giờ. Ông vừa nghe tiếng bì bõm đã gật gù đắc ý đứng dậy… hươi một đường… phảng. Đội quân xung kích chỉ còn có nước chạy vắt giò lên cổ. Lần đầu tiên “mãnh hổ” chẳng những không “nan” mà lại “địch quần hồ” một cách dễ dàng như trở bàn tay làm ông Tư quên luôn cả chửi mắng, quên luôn ý định thộp cổ và nhìn mặt vài thằng để sau… hết chối. Tạm gọi là bị… thất trận nhưng bù lại đơn vị được dịp cười no nê.

Kế hoạch bị bể. Dĩ nhiên nhiều ‘đau’ nhất là ‘mưu sĩ’ Hòa. Theo anh làm đêm, ông Tư sẽ không biết, đến khi ông hay được thì chuỵên đã lỡ rồi chẳng lẽ ông bắt lấp lại. Ông có vặn vẹo thì trả lời là đã thông báo nhưng anh em không rõ nên cứ làm, lại bận họp không cử người đi kiểm tra được. và đánh đêm vì sợ không hoàn thành chỉ tiêu. “Sợ không hoàn thành chỉ tiêu mà đánh đêm” thì ông Tư cũng khó mà tin được.

“Tụi nó bị một mẻ chắc ớn luôn rồi”. Nghe ông nói, bà Tư không hiểu trời trăng gì hết, ngạc nhiên trố mắt nhìn làm ông bật cười. Từ hôm đó kể như mọi chuỵên được gác lại khi ông Tư đem cái phảng ra thoa mỡ bò bóng loáng rồi máng luôn lên vách. Nhưng ông không rảnh rỗi đầu óc được lâu. Hết nỗi lo này đến nỗi lo khác: thắng Út bịnh. Ban đầu ngỡ thằng bé chỉ cảm sơ nên ông để mặc cho bà lo, lâu lâu ông lại rờ trán nó rồi xách nón qua hàng xóm… lai rai. Nhưng một hôm khi trời vừa chập choạng như đang xô vào đôi chân cũng đang chập choạng của ông thì bà Tư hớt hơ hớt hải chạy ra. Thằng nhỏ mê man từ xế. Thằng bé nằm đó như một sự thật đau lòng mà không thể trách cứ được ai. Ông Tư chỉ biết trách thầm mình. Cùng một lúc trái tim ông như bị ai se và đôi mắt từ từ mờ đục. Mấy phút sau ông mới chợt tỉnh để hối bà đi rước thầy về… cúng. Đói ăn rau, đau uống thuốc nhưng nông nỗi như vậy, ông còn biết chạy chữa cách nào.

Chờ mãi mấy ngày không thấy thằng Uý sang, tưởng nó lười học, “thầy giáo” Chín, anh em quen gọi vậy vì anh là trợ lý bổ túc văn hóa, sang tìm. Anh khuyên ông bà Tư đem thằng Út sang đơn vị nhờ bác sĩ khám và điều trị.

Bịnh thương hàn làm thằng bé gầy sọp nhưng bây giờ thì nó đã khỏi hẳn, đi được ra ngoài phơi nắng, tay mân mê cành bông bụp mà mấy ngày trước đây như cũng xác xơ vì buồn lây nỗi buồn của gia đình ông Tư. Trong khi đó ông lâu lâu lại chắc lưỡi. Cũng may! Nếu không, ăn nhằm ba cái đồ cúng thì còn gì thằng nhỏ.

Ngoài trời nắng lên màu vàng óng và ngọn gió vẫn man mác một mùi quen thuộc. Quay sang nhìn thấy thằng Út đang nắn nói viết thư  cảm ơn, ông Tư bỗng thấy cay cay nơi mắt.

Phan Tiến Trình - Viết để nhớ chuyến công tác tháng 05.1978 tại Liên đội Dũng Chí – Ninh Thạnh Lợi – Cà Mau.


Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên Internet và kho ảnh TNXP. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)
GHI CHÉP VỀ MỘT CHIẾN DỊCH TRÊN BIÊN GIỚI TÂY NAM - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-15)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á