Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU.

Tặng Tổ Bộ Môn Phụ Sản – Bệnh Viện Phụ Sản Tp. Hồ Chí Minh. Riêng tặng BS. Thúy, BS. Cẩm và đồng đội Trần Mạnh Hùng.

“Đắc Nông là chốn ngồn ngộn mây, chập chập rừng”. Thanh Thảo mang hình ảnh đó theo suốt dọc đường. Quả thật, càng đến gần Đắc Nông càng thấy hình ảnh ấy đậm nét. Cô được phân công đi tuyên truyền kiến thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình ở hai đơn vị TN XP đóng trên địa bàn Đắc Nông, Đắc Min.

Giờ đây, cô đã đứng trên đồi cao Đắc Nông, lòng ngập tràn cảm xúc mới mẻ. Cô phóng tầm mắt ra bốn phía thật thỏa thích. Đồi nối tiếp đồi, màu xanh thẫm nối tiếp màu xanh thẫm của rừng cây. Kìa, bóng những đám mây đang dắt díu bồng bế nhau chầm chậm qua những ngọn đồi, mê mải. Cô với tay, tưởng như chạm được vòm trời ngăn ngắt xanh. Những sợi nắng sóng sánh, ấm áp, đậu khắp trên người cô, thích thú.

- Hú… ú… ú…

Cô chụm hai tay làm loa, hú to rồi nghiêng đầu lắng nghe; bên kia đồi, trong rừng cây, ai đó cũng nghịch ngợm trêu đùa hú vọng lại. Cô lững thững thả những bước chân chắc xuống sườn đồi. Nơi đây cũng có người ở, lại là những chàng trai cô gái ở thành phố xa tít mù khơi? Cô lắc lắc đầu, có điều gì khiến cô chưa hiểu hết được.

Cô đến nơi này bằng một ngày đường “đầy” sự cố, mệt nhọc, nhưng ngập tràn tiếng cười. Xe bị “đứt” láp, ngay ngã ba Đức Liễu. Đi bộ non chục cây số. Cô chưa hề tin mình có thể đi xa như thế. Những anh TNXP lạc quan yêu đời làm ngắn đoạn đường dài.

- Chắc xỉu quá! Một anh giả vờ than.

- Trong điều kiện này chỉ có hô hấp nhân tạo thôi! Thanh Thảo thật thà trả lời như vậy.

- A, nếu chị hô hấp thì tôi xỉu ngay đây.

- Á!

Những tiếng cười cứ vỡ ra trong suốt. Có chiếc “din”, đoàn người ngoái lại và đưa tay vẫy rối rít. Chiếc xe thắng gấp, bụi đỏ cuốn mù.

- Cái gì thế? Anh tài xế thò đầu từ hộp buồng lái hỏi gắt.

- Quá giang đến Bù Đăng! Một anh trong đoàn hét lên.

- “Nên đi”. Bác tài mặc chiếc áo màu lá rừng bạc phếch, có lẽ là bộ đội, đáp gọn. Lục tục bám, đeo, kéo, đẩy, lọt cả vào thùng xe. Trong thùng xe, già, trẻ, gái, trai đều được nhảy “Tiếng chày trên sóc Bam Bo” một mẻ.

- Á!

Khối người dồn lên trước.

- Á!

Khối người dạt về sau. Bác tài vẫn ngồi nhảy tưng trước vô-lăng, phóng bạt mạng. Đến Bù Đăng, bụi bặm, mệt nhọc trôi theo những lon nước tê buốt. Trời còn ương ương màu mỡ gà, cúi xuống ngửng lên đã sập tối. Cơm nước xong, dạo một vòng. Thị trấn nhỏ như lòng bàn tay, hiu hắt. Nhóm của Thanh Thảo đang loay hoay, mấy anh TNXP rủ đi uống cà-phê, cốt kiếm chỗ ngồi lì luôn ở đó. Một anh bày trò chơi: chia hai phe, một bên viết vào mảnh giấy bắt đầu bằng chữ nếu, bên kia bắt đầu bằng chữ thì. Khi bốc thăm, có những câu ăn ý nhau thật ngộ nghĩnh:

- Nếu anh hôn em.

- Thì nghe cái bốp.

- Nếu xe không đến đón.

- Thì ngủ ở ngoài hiên.

Tiếng cười như phá. Cuối cùng cũng phải kéo nhau ra hiên thật, quán đóng cửa. Ngồi chen nhau, tìm hơi ấm.

- Khách sạn “đờ la hiên”.

- Khách sạn vòm trời!

- “Dòm” trời!

Quả thật, lúc ấy mọi người đều nhìn lên bầu trời, im lặng. Ánh trăng và sương mù khoác lên thị trấn tấm áo the màu trắng đục, những căn nhà mờ ảo, đìu hiu.

Thanh Thảo vừa bước thong thả xuống đồi, vừa ôn lại ngày lên đây như vậy. Chốc chốc cô lại mỉm cười một mình. Lạ thật, trong thiếu thốn vất vả họ vẫn lạc quan đến thế. Mới ở đơn vị này một ngày, cô đã cảm thấy có điều gì là lạ, chả vậy mà chiều nay cô lén bỏ nhóm lên đây một mình để tha hồ thả giòng suy nghĩ vẩn vơ. Chậc, cái anh chàng kỹ sư nông nghiệp ấy…

Anh chàng hình như chờ sẵn, đã xắn quần quá đầu gối từ lúc nào, đón lấy cặp thùng trên tay cô, bước xuống mép hồ nước trơn lùi, xách hai thùng nước mang tận đến buồng tắm cho cô.

- Đừng ngại, TNXP vốn chiều phụ nữ, đặc biệt là… con gái. Chà, ở chốn khỉ ho cò gáy này phần đông toàn đực rựa, gặp bông hồng lên thiệt quí… hơn vàng.

Thế mà lúc ấy Thảo lại cười toe. Khỉ thật! Có bóng ai thoang thoáng dưới chân đồi. Hình như anh ấy, Thảo vội quay ngoắt mặt đi, nhìn ra xa, mà sao lòng gợn chút bâng khuâng.

*

Đêm nay trời trong, không vẩn chút bụi sương mù nên ánh trăng vằng vặc tỏa xuống mặt hồ. Phan Quang Đức ngồi như in ở hành lang cạnh bờ hồ. Anh ngồi im phăng phắc đã lâu lắm rồi, chỉ có cánh tay chốc chốc đưa lên, lập tức trên môi lóe đốm sáng đỏ. Dáng anh dong dỏng, gương mặt xương thanh thanh, nhìn xéo ngang, anh vẽ trên mặt hồ sáng những đường nét đậm đen mảnh khảnh. Anh ngẫm nghĩ, cuộc đời anh sinh ra như chỉ chờ cô ấy đến. Và cô ấy đã đến thật. Anh đã chờ cô năm năm, mười năm, hay lâu hơn. Thời gian chỉ còn là khái niệm. Anh chỉ biết đã chờ cô ấy lâu lắm rồi, tóc lấm tấm bạc, áo TNXP đã rách mấy mùa. Anh chờ để lố qua phân nửa đơn vị “băm” rồi còn gì. Lúc gặp cô, tiếp xúc vài lần, anh đã muốn bật thốt ra từ cõi lòng: Em đã đến với anh đấy ư?

Anh ngồi như in ở hành lang và bên cạnh anh là chiếc ghế bỏ trống. Chỉ lát nữa thôi em sẽ ra đây, ngồi xuống chiếc ghế ấy cạnh anh, như một định mệnh. Lúc ấy anh sẽ nói thật nhiều cho thỏa lòng mình. Em biết anh chờ em ở đây ư? Em đi tìm anh qua bao dốc cao, trũng sâu? Ngày mai em đi khỏi nơi đây rồi (!) – Lòng anh bỗng quặn lên nỗi đau – có lẽ nào em rời khỏi đây một cách lạnh lùng, có lẽ nào anh để em ra đi khỏi cuộc đời anh? Không! Em không đi đâu nữa, hãy ở mãi trong trái tim anh – vĩnh cửu – Để mỗi mùa xuân đến anh không còn cô đơn, chúng ta không còn cô đơn.

Bên cạnh anh là chiếc ghế bỏ trống, vẫn trống. Cái lát nữa ấy cứ trôi qua, trôi qua…

Giá như có ông tiên. Ông tiên trong truyện cổ tích mà anh vẫn nghe, thuở nhỏ. Anh bỗng nhắm mắt lại, mơ có ông tiên. Ông tiên thương thằng TNXP chung tình ban cho 3 điều ước. Ước gì? Ước gì? Ước gì em hiện ra bây giờ ngồi cạnh anh. Ước gì em nhắm nghiền mắt lại. Và ước gì anh được hôn em.

Ánh trăng vằng vặc thò qua khe cửa sổ chiếc đũa trắng dài. Chiếc đũa ấy như đánh thức làm Thanh Thảo không sao ngủ được. Mùa trăng ở quê nhà đẹp lắm, cô tắm ánh trăng thỏa thuê. Lúc bé, gối đầu trên đùi ngoại nghe giọng người lớn thầm thì to nhỏ bí mật thật thích, ánh trăng đổ trên tóc ngoại trắng xóa, tràn xuống mặt cô. Lớn chút, cô hứng ánh trăng bằng hai bàn tay. Lớn chút nữa, ngửa cổ ánh trăng đổ lên cổ, lên bộ ngực căng tròn.

Thanh Thảo vùng dậy, cô rón rén bước ra cửa nhè nhẹ, mấy đứa trong nhóm đã ngủ say. Cô đi về phía hành lang cạnh bờ hồ. Chao ơi, ai làm đổ ánh trăng tung tóe trên mặt hồ thế này (!). Bỗng cô giật nẩy, có ai ngồi ở góc. Cô định thối lui nhưng muộn mất rồi. Tiếng chuông đồng ấm, nhẹ, đã vang lên ngân nga:

- Thảo, lại đây ngồi chơi!

Câu nói mời mọc có sức cuốn hút lạ lùng khiến cô không sao cưỡng lại được. Cô bước đến, nhè nhẹ ngồi xuống mép ghế, quay lưng lại phía anh.

- Trăng đẹp quá!

- Đẹp thật!

- Ngày mai Thảo về rồi?

- Mai Thảo đi Đắc Min.

- Buồn nhỉ!

Buồn thật, nỗi buồn nhè nhẹ len lén đi vào tâm hồn làm tê dại cõi lòng.

- Sáng, sao anh không nghe Thảo báo cáo về “kế hoạch hóa gia đình”?

- Mai mốt Thảo dạy anh sau cũng được.

Thảo dấu mặt đi. Gió thổi từ bên kia đồi, qua rừng cây xào xạc, rồi tỏa xuống mặt hồ mang hơi lạnh hắt lên. Thảo rùng mình.

- Thảo mặc áo này!

Cô chưa kịp phản ứng thì người đã ấm hẳn. Anh choàng cho cô chiếc áo và hai tay để yên mãi trên vai. Có gì nồng ấm đậu nhẹ trên mái tóc, cô nhắm nghiền mắt lại, khe khẽ ngước mặt lên và cô hiểu hạnh phúc, tình yêu là trái chín mòng mọng trên cao.

*        *

Bác sĩ chuyên khoa cấp một Trần Thị Thanh Thảo nhận ca trực vào lúc mười sáu giờ kém năm. Cô bước những bước dài đến phòng sanh. Ở đây cô sẽ được nghe báo về tình hình bệnh nhân, hội chẩn những trường hợp khó.

Bác sĩ Nhân vừa thấy Tháo bước vào phòng, sau cặp kiếng cận dầy, đôi mắt anh sáng lên:

- May quá, em đến kịp lúc, anh đang rối ruột gan đây, bệnh nhân Hoàng Thị Thu Hương 30 tuổi, “box” số 3, sanh con so, giục sanh đã 4 giờ mà không tiến triển, anh nghĩ… bất xứng đầu chậu chắc… phải mổ.

Cô vội vã cùng Nhân đến giường bệnh nhân. Trên chiếc nhỏ, thiếu nữ có khuôn mặt tròn, mặc chiếc váy xanh, trên ngực và cổ tay trang sức lóng lánh, mùi nước hoa đắt tiền bay thoang thoảng. Thanh Thảo xem xét thận trọng, tỉ mỉ.

Cơn co tử cung tốt, cổ tử cung mở bốn phân đã một giờ, đầu thai nhi có bướu huyết thanh to.

Gương mặt của Thảo hơi sắc lại, nghiêm nghị, cô nhìn vào khoảng không trước mặt đăm đăm. Phải mổ thôi (!). Ý nghĩ ấy làm những giọt mồ hôi từ sợi tóc mai rịn ra long lanh.

- Chuẩn bị mổ!

Câu nói tưởng chừng như ngắn gọn ấy mà sao Thảo nói thật khó khăn, giọng của đứa trẻ bập bẹ. Cô trở về phòng, một chút yên tĩnh giúp cô khỏe khoắn hơn. Đồng nghiệp cô thường ví chuẩn bị phẫu thuật như người chiến sĩ chuẩn bị giờ xung trận.

- Đã chuẩn bị xong, thưa bác sĩ!

Giọng cô hộ lý vọng vào. Thanh Thảo đến phòng mổ bằng những bước dài đều đặn. Vẫn còn thời gian thả dòng suy nghĩ rất nhanh…

Ánh trăng rơi trên mặt hồ vỡ tân hàng trăm nghìn mảnh vụn…

Cô kéo nhanh tấm khẩu trong che kín mặt chỉ còn ánh mắt long lanh. Trên bàn mổ, bệnh nhân đã ngủ sâu. Hãy ngủ yên người mẹ trẻ một thoáng là xong ngay thôi mà. Cô nhủ thầm.

Thanh Thảo cảm nhận thời gian bằng giác quan, bàn tay cô cử động theo nhịp thời gian, chính xác từng giây một.

Thằng cu tí được lấy ra từ bụng mẹ bật tiếng khóc oa oa. Những ánh mắt lóe sáng lên, mỗi đuôi mắt hằn rõ dấu chân chim. Tiếng khóc chào đời của đứa bé là nỗi reo vui. Thảo nghe nói đã hàng trăm lần, vậy mà mỗi lần nó mang âm sắc riêng, rộn rã cuốn hút đến lạ lùng.

Cô đi ngang qua phòng chờ đợi, hàng chục cặp mắt đổ dồn về cô, những khuôn mặt người chồng, người mẹ căng ra đầy ưu tư lo lắng. Cô chưa bao giờ nhìn thẳng, lâu vào những đôi mắt: Đôi mắt thiết tha, chịu đựng, nhẫn nại pha một ít van lơn…

Trong góc phòng, một bà cụ gầy đét đang run rẩy lầm thầm cầu kinh. Lòng Thảo se lại! Ôi! Nhưng bà mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con lớn lên bằng bao nỗi gian nan… Bây giờ mẹ lại ngồi đây, co ro ở một góc phòng, cầu cho con mình được bình an…

Cô đi sát bức tường lửng của hành lang, phóng ánh mắt xuống sân. Trời đã tối hẳn, tán cây nhìn từ trên cao xuống nom như cái đầu tóc bờm xờm, ánh đèn nê-ông tạt một bên nên mái tóc ấy đã chớm bạc. Cô lại nhớ đến đêm trăng, lạ lùng, diệu kỳ và bí ẩn. Tại sao lại là anh ấy chứ không phải là ai khác nhỉ?

“Cám ơn cuộc đời đã có em. Anh thấy cây như xanh hơn, đất ba dan đỏ hơn, và anh yêu chúng đến nồng nàn. Nhờ tình yêu mà chúng lớn nhanh…”.

Cô đã thuộc những cánh thư của anh ấy đến thế kia ư? Những cánh thư mang niềm vui ấm áp ngọt ngào.

Cô trở về phòng thả người trên ghế, có nghĩ về những khuôn mặt sinh viên. Từng đứa có những nét, có tật riêng thật đáng yêu làm sao. Nhỏ Hải, gương mặt tròn đến là thơ ngây. Cái gì cũng sao? Sao hở chị? Nhỏ Hà, gương mặt thanh, nhỏ nhắn, nhõng nhẽo một cây, giọng nói đến là nhão nhẹt. Cái gì cũng eo ơi, khiế… ếp! Vậy mà anh ấy lại hiện ra, xua nhanh những khuôn mặt thân thương ấy, quỉ thật (!). Cô áp tay lên má, lên mắt, lên bờ môi… ở đấy vẫn còn những cảm giác choáng ngợp, say say.

“Trời Đắc Nông mênh mông lãng đãng sương mù: là chiếc áo của em. Rừng xanh thăm thẳm: là mái tóc. Đất: là đôi môi đỏ thắm màu son…”.

Ghê nhỉ, Thanh Thảo bấm sâu những hạt răng trắng vào đôi môi để khỏi bật ra tiếng cười.

Thanh Thảo ngã lưng trên chiếc nệm trắng tinh, kéo tấm mền trùm kín đầu lại. Cô nhấm nháp “thời gian bình yên”, thời gian mong mỏi của bác sĩ trực: Không có tiếng gõ cửa, không có giọng báo như báo bão. Ánh trăng lại nhảy múa. Tình yêu là như thế: là nỗi nhớ mong vời vợi, là niềm xao xuyến bâng khuâng, là thế giới thu nhỏ lại chỉ còn hai người yêu nhau, là nhấp chút men nồng làm ngây ngất, là… là những nụ hôn cháy bỏng. Người Thảo thoắt nóng râm ran.

- Cộc! cộc, cộc!

- Phòng cấp cứu mời bác sĩ gấp!

- Tôi xuống ngay.

Bệnh nhân là một thiếu phụ trung niên, đầu tóc rũ rượi, từng bệt tóc kết dính lại bởi mồ hôi, chị mặc chiếc áo vải may bằng hai loại vải có hai màu khác nhau, đã cũ mèm. Gương mặt chị trắng xanh, thô, nhăn nhún. Thoảng tanh mùi cá. Chị thở như nấc, cả lồng ngực chuyển động khó nhọc. 

- Đặt đầu cao lên, cho thở oxy!

Thanh Thảo một tay bắt mạch, một tay đặt ống nghe lên ngực bệnh nhân.

Mạch một trăm lẻ bốn lần một phút, huyết áp hai mươi lăm trên mười sáu, nhịp thở hai mươi tám lần một phút, thai bảy tháng chưa chuyển dạ, phổi nhiều “ran” nổ. Thảo ngước mắt lên.

- Hỏi người nhà có tiền căn bệnh phổi không?

Cô lại cúi xuống, chăm chú.

- Có điều trị lao tại bệnh viện Hồng Bàng năm 76, thưa bác sĩ!

- Diaphyllin pha ra một ống tiêm tĩnh mạch chậm!

- Valium!

- Ouabain!

- Truyền dịch giữ “vein”!

- Chuyển ngay lên phòng hồi sức!

Trong phòng hồi sức, Thanh Thảo nhìn đồng hồ: 22g40. Bệnh nhân thở bằng máy có hai vòng cao su trắng như hai cái râu con bạch tuộc khổng lồ, ngo ngoe. Từ máy đo nhịp tim phát ra tiếng tít tít, máy hút nhớt xè xè. Tất cả hòa thành âm thanh rối loạn.

- Đo C.V.P.!

- Đặt ống thông tiểu!

- Lasix!

- Serpacil!

Những cánh bướm trắng vây quanh bệnh nhân, chập chờn bay đi, rồi lại đậu lại trong im lặng. Thiếu phụ cong người theo nhịp thở. Da của chị, nước da xanh tái như có ai pha vào ấy màu mực tím loãng.

- Truyền đông miên!

- Huyết áp, mạch, nước tiểu!

- Mười hai trên bảy, một trăm hai mươi lần phút, nước tiểu vàng trong gần ba trăm mi-li lít.

- Ngưng truyền đông miên!

- Áp ngực tĩnh mạch trung ương?

- Mười chín cen-ti-mét H20.

- Thêm hai ống Lasix!

Tiếp tục, tiếp tục như thế. Hai giờ sáng. Người thiếu phụ vẫn nằm thiếp, mê man, hơi thở khó nhọc. Thanh Thảo nhìn trân trân người thiếu phụ mà kỳ thực chẳng thấy gì. Cô gái 29 tuổi lúc này chững chạc hẳn lên.

- Huyết áp, mạch, nước tiểu?

- Huyết áp, mạch, nước tiểu?

Câu hỏi của cô mỗi lúc như thảng thốt. Câu trả lời xấu dần đi.

- Mạch 96 một phút, không đều, nước tiểu ngưng chảy!

- Sao?

- Không có giọt nước tiểu nào nữa!

Thảo buông người ngồi gục xuống bàn, cơ thể mệt mỏi rã rời, cô nói hắt ra từ lòng bàn tay:

- Cho xe mời bác sĩ Sự hội chẩn!

Bác sĩ Sự bước vào phòng lúc hai giờ bốn mươi tám phút. Dáng ông cao to, mái tóc đã điểm bạc, ông bước những bước khoan thai đến trước bệnh nhân và đứng bất động ở đấy hồi lâu. Vẫn những bước chân nhẹ nhàng đến chiếc bàn con, dở xấp hồ sơ điều trị bệnh nhân, ngồi xuống chăm chú đọc. Thanh Thảo ngồi đối diện, đặt hai bàn tay khoanh tròn trên bàn như cô học trò bé bỏng. Ông xoay vai, chậm chạp với tay cầm cây viết và nhìn vào đấy săm soi. Trong phòng, vẫn chỉ là tiếng máy vang. Bất chợt ông thốt ra, giọng trầm từng tiếng một:

- Sẽ tốt đẹp, sẽ hạnh phúc biết dường nào, nếu như mọi việc lập lại sớm hơn, có khi chỉ cần sớm hơn bằng thời gian đủ hút điếu thuốc, uống ly cà phê.

Ông im bặt, suy tư. Thảo hình dung thấy rõ tim mình trong lồng ngực. Ông lại cất giọng thong thả, trầm, pha chút gì cay cay:

- Hình như chỉ có chúng ta, những người thầy thuốc – ừm, mới lo sức khỏe cho họ, lo đến phát hoảng lên. Còn họ, khe khẽ lắc đầu – chẳng lo lắng gì nên họ mới liều lĩnh đến thế.

Mắt ông rời cây viết, nhìn cô “học trò nhỏ” bằng ánh mắt của người cha:

- Báo cho người nhà của bệnh nhân biết tình trạng rất nặng.

Người Thảo lạnh toát, bủn rủn, cô không sao rời nổi chiếc ghế. Ông khẽ thở dài, quay lại nói với cô nữ hộ sinh.

- Thêm hai ông Lasix, và mời người nhà bệnh nhân!

Người chồng bước vào phòng khúm núm. Gương mặt anh ta đầy những vết rỗ. Da chai sạm vì nắng, gió. Thanh Thảo đứng dậy nhường chỗ cho người chồng ấy. Anh ta ngồi xuống hết sức nhẹ nhàng, từ từ. Chốc chốc lại dựng cột sống lưng thẳng ngay đơ, hai bàn tay để trên hai đầu gối. Tấm lưng anh to bè, chiếc áo bạc phếch có mụn vá to tướng đậu trên vai.

- Anh có mấy con?

Người bác sĩ già hỏi, mắt lại nhìn vào cây viết săm soi. Cục yết hầu người chồng chuyển dịch thật khó khăn.

- Dạ… thưa… đứa này nữa là đứa thứ sáu.

- Ừm, anh làm gì?

- Dạ… thưa đạp xích lô.

- Lúc trước chị đã dứt bệnh phổi chưa?

- Dạ, không rõ.

- Gần đây có bệnh gì khác không?

- Hai ngày trước bị chó táp vào chân, hình như có bện thận.

- Sao không đưa chị ấy vào đây ngay?

Giọng bác sĩ gay gắt, mắt rời cây viết nhìn xoáy vào người đối diện mình, người chồng lộ vẻ hốt hoảng:

- Dạ… tôi... tôi đi từ sớm đến tối khuya…

Gương mặt người bác sĩ dịu đi, ông hướng ánh mắt vào khoảng không vô tận, lẩm bẩm:

- Tình trạng chị ấy nặng lắm, tuy nhiên chúng tôi sẽ cố, cố hết sức mình.

Hai sợi gân trên cổ người chồng bạnh ra, nổi to, hốc cổ lõm sâu xuống. Cục yết hầu nhọn từ từ chuyển dịch lên trên, hai hốc mắt đỏ ngầu, ráo hoảnh, lăn ra hai giọt nước trong.

Thanh Thảo tránh đi, như chạy khỏi phòng. Cô vừa bước nhanh vừa đặt bàn tay trên bức tường vôi trắng toát tựa đứa bé thường đặt tay lên đấy chạy u – u… Giá như có anh. Giá như có anh! Cô chạy đến ngã vào ngực anh, nhận lấy bàn tay vỗ về nhè nhẹ trên vai… Ai xé ruột cô ra. Cô chợt đứng chựng, úp vội mặt vào hai lòng bàn tay, toàn thân cô run bần bật, lúc ấy tiếng khóc mới vỡ ra được ra, tức tưởi.

Ngoài kia, con tắc kè sao cứ chép miệng vang vang.

* * *

Tích tắc, tích tắc…

Cái đồng hồ tròn đặt bàn buông ra những tiếng đều đều thật buồn chán. Đêm khuya, vậy mà trong phòng ánh đèn nê-ông còn sáng trắng. Ở nhà, Thanh Thảo trẻ hẳn ra, mái tóc uốn cao khoe chiếc cổ trắng ngần và làm gương mặt tròn trĩnh dễ thương, chiếc mũi cao thêm thanh tú. Cô nằm mở mắt trên trần nhà. Nỗi trống vắng cấu xé lòng cô. Tất cả bởi lá thư này đây, cô lại mở nó ra, đọc nó đã đến chục lần.

“… Khi anh vừa viết tên mình đầu tiên vào danh sách những người ở lại trực tết xong, là lúc anh nhận được ánh mắt đồng đội bối rối dấu kín niềm vui. Nhìn đồng đội bận rộn chuẩn bị về với gia đình sao mà thương vậy. Nhưng sau đó là nỗi nhớ ầm ào, dữ dội làm quay quắt lòng anh. Mùa xuân đã đậu ngoài thềm, em nhận ra không? Mùa xuân đỏ thắm đóa thược dược, tím ngắt những chùm lan… Mùa xuân của anh sao cuồng nhiệt lại lắng sâu. Như hàng năm, anh chuẩn bị đón giao thừa bằng hương hoa rừng, bằng chem chép vị trà thơm, bằng ngâm nga bài thơ, bằng những bước dạo ung dung… Có gì khác hơn trong năm nay? Anh đón giao thừa thêm cả nỗi nhớ mênh mông…

Căn phòng trở nên rộng thênh thênh. Chiếc bàn, cái ghế, tấm gương… tất cả đều vô nghĩa và tẻ ngắt. Những tưởng cô sẽ đi bên anh hòa vào dòng người tấp nập. Những tưởng anh sẽ cùng cô về quê thăm má, thăm ba. Mùa này quê cô cơ man nào vú sữa. Những “trái sữa” mọng, mát mát là. Những cây quít lòa xòa trĩu trái, những trái da căng bóng loáng, ngọt ngay ở đầu môi. Cây cam sành, trái no bàn tay, da xù xì xanh đen thẫm… Má đón bằng nước mắt rưng rưng. Ba đón bằng trầm ngâm, khề khà bên tách nước.

Thảo bật dậy, đếm những bước quanh phòng. Cánh cửa sổ được mở tung, giận dỗi. Hơi lạnh và hương hoa ngọc lan tràn vào. Ngoài mảnh vườn con, những con dế con ri ri ri ri điệu nỉ non. Cánh cửa sổ sập ngay lại.

Tích tắc tích tắc…

Cái đồng hồ quái quỉ (!). Lập tức nó chui xuống tận đáy va-li và chiếc va-li được nằm im sau cánh tủ.

Cái công-tắc đèn sao lại nổi lên tường vôi trắng (?). Tách! Bóng đen phủ xuống tối bưng. Tách! Chói lòa ánh sáng. Hai cánh tay được luồn qua nhau trước ngực, bước chân được đếm dạo quanh phòng.

Cô buông người lún xuống tấm nệm sâu, kéo hai đầu gối áp ngực và khóa chúng bằng hai cánh tay, mắt đăm đăm nhìn vào lọ hoa héo úa. Có ý nghĩa lóe trong đầu, cô bật dậy ngay, cắm đầu trong ngăn tủ.

Thảo ngồi thu lu, bên cạnh là chiếc túi căng phồng. Trong óc cô cuộc giằng co dữ dội, ở quê nhà giờ này…

Má cặm cụi sau bếp, Thanh Thảo thủ thỉ một bên:

- Ma… á, mứt dừa ngon hén.

- Tổ cha mày, ăn thì lấy mà ăn.

- Ma… á, cam năm nay sai hôn?

- Ừa, cũng tàm tạm.

- Nè, có thằng nào đó sao hông rủ dìa mình ăn Tết?

- Ư, ảnh ở lại trực…

- Tội dữ!

- Ma… á, con… con lên thăm ảnh được hôn má?

- Nó có thương mày thiệt tình hôn con?

- Thiệt!

- Ừa, lên thăm kẻo tội nó, đồ ăn tao chừa cho hai đứa.

Thanh Thảo chớp chớp mắt, thương má quá (!) vậy mà cô chưa hề sắm cho má được tấm áo nào bằng đồng tiền của cô làm ra. Ba đã nghỉ hưu về quê được năm nay, để căn nhà này cho mấy chị em. Có ba về, má đỡ cực. Thảo đứng dậy mở nhẹ cánh cửa sổ. Vẫn tiếng dế, vẫn hương hoa … Ôi, những chú dế con ri ri ri ri trao nhau lời ái ân, sao chúng lại có thể bền bỉ đến thế được? Cuộc giằng co trong đầu cô đã dịu, mà cô vẫn cứ mãi phân vân.

* * * *

Đống lửa đã tàn, chỉ còn những hòn than đỏ rực. Vòng người thưa dần, anh em tranh thủ đi nghỉ một lát để tảng sáng xe đưa về thành phố ăn tết với gia đình. Số người ở lại trực chia nhau tuần tra suốt đêm.

Ngồi cạnh đống lửa chỉ còn Phan Quang Đức, chiếc điếu cầy, bình trà lớn và những cái ly ngổn ngang.

Đống than khoét giữa màn sương mù trắng xóa dầy đặc một lõm lớn trong. Thỉnh thoảng Đức đưa bàn tay hong hơi lạnh như cắt.

Cô ấy lại hiện ra trong óc anh như hàng ngày đã hiện ra trong lúc rửa mặt, uống cà-phê, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, trong giấc ngủ… hiện ra ngọt ngào, bay bổng, cồn cào, thảng thốt, xốn xang…

- Hà… à! Thảo, Thảo ơi!

Anh thở ra một hơi rõ dài, bất chợt vung cánh tay vào không khí và kêu lên tên nàng như thế. Tiếng kêu của chú bê con. Giá như anh được bây về bên cô chỉ một lát thôi, để nghe giọng nói, nhìn thấy mặt, nắm nhẹ bàn tay áp lên má và nếu có thêm được ít thời gian thì… Có bàn tay nào đặt nhẹ trên vai khiến Đức giật mình, bóng Lâm xà xuống.

- Không ngủ?

- Không!

- Nhớ đến thế cơ à?

- Nhớ gì?

Lâm bật cười dòn tan, tiếng cười nấc trong cổ họng hệt tiếng gà lôi.

- Tớ biết tỏng rồi, còn dấu quanh co làm gì nữa, chính vì vậy mà tớ phải ra đây…

Giọng Lâm bỗng trầm hẳn xuống, là lạ. Lâm với tay lấy cái điếu cày. Khi cái cổ Lâm vươn ra thở một luồng khói đặc chìm nhanh vào bụi sương mù là lúc mí mắt Lâm sụp xuống lim dim. Mãi hồi lâu Lâm mới nói giọng trầm đều.

- Tớ vô tình phát hiện ra cuốn sổ nhỏ của cậu, tớ có lỗi là đã len lén nhìn vào, rồi không sao cưỡng lại được, ngấu nghiến làm một hơi hết sạch.

Lâm cúi đầu, trầm tư.

- Hồi xưa, nàng đến với mình không dữ dội như thế. Nàng đi nhè nhẹ vào lòng mình, thế là mình vội khép ngay cánh cửa lòng lại. Nàng ngoan ngoãn nằm yên, không cựa quậy. Một cô công chúa ra đời, lại thêm một cô nữa, kháu khỉnh, xinh đẹp, dễ thương. Hạnh phúc ấm áp, nhẹ nhàng.

Đức nhìn Lâm chăm chăm. Cái thằng, hôm nay lạ thật. Sống bên nhau đã lâu thế mà bây giờ Đức mới phát hiện ra ở con người ồn ào này sự suy tư, văn vẻ thế. Lâm chẳng màng gì ánh mắt nhìn như trố của Đức. Anh thong thả thố lộ dòng suy nghĩ của mình.

- Mùa xuân của những trái tim biết yêu lần đầu mới nồng nàn làm sao, mới thấy cái tình của tớ đã già. Nó ví như dĩa muối tiêu để chấm thịt gà luộc. Thật như thế, nhưng mà phải có chanh vắt vào đĩa muối ấy. Nếu tớ không về ăn tết năm nay. Nàng nhớ, mình cũng nhớ, ấy là vị chua chua của chanh. Sao cứ phải ưu tiên cho những người có gia đình về nhỉ? Không, chính những người như cậu cần hơn.

- Không, không được đâu!

Đức giật mình giãy nãy. À, hóa ra câu chuyện văn vẻ dài dòng là vậy.

- Không được, anh phải về, ở nhà chị và mấy cháu mong.

- Nói chứ, mình suy nghĩ kỹ lắm rồi, cậu không về thì tùy, mình nhất định ở lại.

Nói xong Lâm dứt khoát đứng dậy. Anh ném lại cho Đức ánh mắt thiết tha:

- Mình muốn cậu về, sang năm mới không còn là Đức cô đơn nữa. Luôn tiện mang dùm mình ít quà cho gia đình.

Tính Lâm là vậy: Vui, thẳng thắn, dứt khoát, bộc trực. Chỉ có điều Đức mới vỡ ra ở con người ấy đêm nay: như một người nghệ sĩ, lãng mạn. Đức muốn chạy theo, ôm chầm lấy cái dáng đi khật khưỡng ấy. Đồng đội là thế. Bao giờ cũng muốn nhường nhịn phần sung sướng cho nhau.

Phan Tùng Châu  (Bút danh: Hồng Phượng) T.P Hồ Chí Minh, 25.12.1986.


Bài viết do Ô. Ông Văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình ảnh sưu tầm từ internet. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)
GHI CHÉP VỀ MỘT CHIẾN DỊCH TRÊN BIÊN GIỚI TÂY NAM - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-15)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á