CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH.
Những năm 1976-78, TNXP đi lao động, sinh hoạt và thư giản, giải trí bằng nhiều hình thức sáng tạo trong hoàn cảnh thiếu thốn. Chuyện kể về: trên hiện trường đào kinh đại thủ công, nhưng có loa phóng thanh cơ động, nghe nhạc và được tường thuật một trận bóng đá do người có năng khiếu sáng tác ra, từ tên cầu thủ đến thế trận, kỹ thuật đá bóng. Xin mời xem và trân trọng bài viết. NBT.
Hiện trường là một tuyến kinh thẳng tắp và dài mút mắt. Có chỗ mái nghiêng được chà láng bóng, phẳng phiu. Có chỗ những bậc tam cắp đang nằm chênh vênh chờ xắn độ lài. Cũng có những chỗ đoạn đê chưa ra hình thù gì hết. Chính ở những nơi này, anh em thanh niên xung phong tập trung đông nhất. Họ chia làm nhiều tốp. Tốp này tát nước trong lòng kinh. Tốp kia vét đáy. Tốp đào hố lấy đất. Tốp chạy ki. Lại có tốp chuyên sửa chữa dụng cụ. Tiếng cuốc xẻng, tiếng bước chân, tiếng ca hát, tiếng gọi nhau và tiếng loa trên hệ thống trang âm trộn lẫn, hòa vào nhau tạo thành một bản giao hưởng bất tuyệt, lạc quan và mạnh mẽ. Hèn gì mà trong thư viết về, Danh bảo “Cuộc sống ở đây vui không tưởng tựơng”.
Tôi tìm thấy Danh đang xoay qua xoay lại trong một dây chuyền theo tay chỉ của đồng chí đại đội phó thi công.
Thấy tôi, Danh tròn mắt ngạc nhiên:
- Ngọc đấy à? 25 tết rồi còn đi đâu…
- Nghe nói tết này anh không về nên em xuống thăm.
Tôi bước lui ra đằng sau, ngồi trên một bụi cỏ. Đường dây vẫn sôi động. Những cánh tay thò ra rụt vào như gắn lò xo. Đất bay loang loáng. Tất cả vừa làm vừa cười đùa thoải mái. Loáng thoáng những câu trêu trọc:
- Sau bữa nay thằng Danh làm dữ vậy cà?
- Bữa nào anh em được uống rượu đây Danh?
Tôi mỉm cười một mình và khẽ nhắm mắt lại. Những âm thanh bên tai nổi lên lên rõ ràng và sắc cạnh như có thể ôm lấy được. Có lúc nó rì rầm như một lớp học. Có lúc nó xô vào nhau, náo động, rộn rã như tiếng vó ngựa đuổi nhau trên đường trường. Có lúc nó lại vỡ ra, ì ầm như trong một xưởng máy. Nhưng cái âm thanh mà tôi nghe rõ nhất, cái nét nhạc chủ đạo mạnh mẽ trong khúc giao hưởng này, là tiếng cười tươi trẻ, yêu đời và trong sáng của những con người xung kích. Nó bật ra, vút lên một cách giòn giã, tràn trề sinh lực và đầy cảm hứng. Trên loa phóng thanh, tổ tuyên truyền xung kích đang giới thiệu một đồng chí nào đó xung phong lên hát bài “Đất nước trọn niềm vui”. Câu “Đêm hoa đăng những môi cười là đóa hoa đời tươi thắm tuyệt vời” mới kéo được một nửa thì đột ngột chuyển “tông” nghe “xì xì” rồi tắt cùng với tiếng đàn. Bài hát “bể dĩa”. Tràng cười nổ ra ầm ĩ và náo nhiệt cùng với câu xin lỗi của chàng ca sĩ liều mạng. Tôi bật cười, không nén được. Trong lúc đó, rất thình lình, từ dưới những hố đất, trong những lòng kinh, giữa những đường dây, tiếng vỗ tay vang lên rào rào, đầy náo nức. Tôi lắng tai nghe. Tiếng loa phóng thanh ồn lên một giọng nói vui nhộn: “Bây giờ xin mời quý vị theo dõi buổi tường thuật tại chỗ trận bóng đá mừng xuân giữa hai đội C1 và C2. Đây là trận gặp gỡ đầu tiên trong chương trình thi đấu phục vụ chiến dịch…”
Lại có bóng đá nữa. Sôi nổi thật. Loa phóng thanh vẫn ra rả:
“Sau đây chúng tôi xin giới thiệu đội hình hai đội: đội C1 mặc áo trắng, quần trắng, vớ trắng, thủ thành: Tư Câu mang áo số một, hậu vệ: Ba Lém mang áo số 2…”
Màn giới thiệu tiếp tục. Thình lình tôi bật nhổm người dậy, như bị hút theo lời tường thuật:
“Đội C2 mặc áo đỏ, quần trắng, vớ đỏ, thủ thành: Trần Thị Thu tức Thu cao su mang số 0, hậu vệ: Chung khờ mang áo số 3, Cà ry mang áo số 4… tiền đạo: Lê Thị Bông, tức Bông bọc thép, mang áo số 9, ông già Nô-en mang áo số 10, Nguyễn Thị Anh mang áo số 11.”
Trời ơi, con gái cũng chơi bóng đá nữa sao! Tôi ngạc nhiên đến ngây người. Con gái chơi bóng chuyền thì còn có lý, chứ ai đời lại đi đá bóng. Tôi nhìn quanh. Người nào cũng thản nhiên, mặt căng ra chờ đợi một cách thích thú. Tôi khều Danh, hỏi giật giọng:
- Ủa, sao kỳ vậy anh Danh? Ở đây con gái cũng chơi đá bóng nữa, hả?
Danh cười cười chưa trả lời thì một đồng chí đeo kiếng trắng quay sang tôi:
- Chị không biết chứ các cô ở đây ghê lắm. Đào kinh có khi năng năng suất còn vượt tụi tôi nữa nói gì chuỵên đá bóng.
Tôi tròn mắt:
- Còn cô Thu gì đó…
- Ừ, Thu cao su! Thủ môn số dách đó!
Tôi tính hỏi nữa thì tiếng loa cắt ngang:
“Thưa quý vị, tiếng còi của trọng tài Hồng vừa ré lên báo hiệu trận đấu bắt đầu. Bên C2 giao bóng trước. Ông già Nô-en giao bóng cho Lê Thị Bông. Bông trả bóng về cho Sơn hậu cần. Tay nuôi quân cừ khôi này phát bóng sâu về cánh trái. Nguyễn Thị Anh đuổi theo bóng. Kèm sát Nguyễn Thị Anh là Thành sản xuất. Thưa quý vị, chúng tôi thấy Nguyễn Thị Anh lạng người vào bên trong, dẫn bóng vào giữa và lừa qua được Thành sản xuất. Nhưng hậu vệ Ba Lém của CI kịp thời ra truy cản, và với những động tác rất ba lém, anh đã đoạt được bóng. Anh chuyền ngang cho Tạ Thị Tươi. Trước mặt Tạ Thị Tươi lúc này là ông già Nô-en. Bóng vẫn ở trong chân Tạ Thị Tươi, cô đang nhìn đồng đội. Bóng phát vào giữa cho Tùng Lâm lúc này đang lùi về lấy bóng…”.
Những cái tên con gái xuất hiện loang loáng bên tai tôi có một sức hút kỳ lạ. Trái tim tôi đập lúc mau lúc chậm “ăn rơ” với những cú sút của Lê Thị Bông, với những màn lừa đảo của Hoành Anh. Và nhất là, tôi không thể nào không reo lên mừng rỡ và thán phục mỗi khi Trần Thị Thu bắt bóng. Lời tường thuật như một chất keo gắn chặt tôi vào trận đấu:
“Chúng tôi đang ở phút thứ 15 của hiệp nhất. Bây giờ Thao trợ lý đang kiểm soát bóng. Bóng đang chập chờn trước khung thành. Anh khéo léo qua hai chiếc áo đỏ, dẫn vào vùng cấm địa. Chung khờ ra truy cản nhưng vì quá… khờ nên anh đã để cho Thoa trợ lý chuyền bóng cho Thanh căn-tin. Hữu biên Thanh căn-tin nhận được bóng, tạt ngược về cho Tùng Lâm. Tùng Lâm co chân sút. Nguy hiểm! Vào rồi! Vào rồi! Ồ, không, thưa quý vị, trái bóng vừa rồi xé không khí bay rất căng vào góc trên khung thành một cách hiểm hóc, chúng tôi tưởng Thu cao su đã bó tay, nhưng cô đã xuất sắc lao tới bằng một động tác điêu luỵên và ôm gọn quả bóng trong tay. Những tiếng vỗ tay mà quý vị đang nghe thấy là tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả dành cho Thu cao su. Hiện giờ Thu cao su đang nhồi bóng. Cô ném cho Càry, Càry chuỳên cho Hoàng Thị Nga…”.
Thật là tuyệt diệu! Cứ như là cầu thủ quốc tế! Thu cao su! Thu cao su! Tôi liếc nhìn Danh. Anh và đồng đội cũng đang vỗ tay tán thưởng Trần Thị Thu một cách nhiệt tình.
- Thu là ai vậy anh? Chị ấy chơi bóng đá lâu rồi hả?
Danh cười:
- Không! Hồi trước Thu đi học. Từ khi vào thanh niên xung phong, Thu mới nổi tiếng về tài bắt bóng. Cô ta cũng là kiện tướng lao động đó.
Tôi không hỏi nữa. Bóng lại vào vùng cấm địa của C2. Hậu vệ Càry ngã người chuồi bóng. Hụt. Bóng cách khunh thành 7 mét. Thanh căn-tin. Chết rồi!Tôi nín thở. “Thưa quý vị, Thanh căn-tin suýt ghi bàn thắng đầu tiên cho đội nhà. Nhưng chỉ trong tích tắc, Thu cao su đã nhoài người ra, dũng cảm bắt bóng trước mũi giày của Thanh căn-tin. Cô đá mạnh bóng lên…”
Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Hiện trường lại vang lên tiếng vỗ tay. Đoàn người vừa làm vừa bình luận về trận đấu:
- Tao chắc chắn là C2 thắng rồi! Có Thu cao su mà!
- Tao cho là C1. Phóng viên tường thuật ở C1. C1 thắng!
- Thôi cha, ai lại tính kiểu đó.
Trận đấu vẫn tiếp tục. Đến phút thứ 32, C2 thắng một quả do Bông bọc thép đá vào. Theo diễn tiến trận đấu, C1 tấn công nhiều hơn nhưng không vượt qua được chướng ngại cuối cùng là Thu cao su. Những cú sút hiểm nghèo nhất của C1 đều bị phá sản trước khung thành đối phương. Tôi kiều Danh:
- Sân bóng ở gần đây không? Em muốn xem mặt chị Thu quá.
- Đợi anh chút xíu.
Tôi ngồi yên, chờ đợi. Lần đầu tiên thăm Danh, đến tận hiện trường, tôi khám phá ra nhiều điều mới lạ. Từ khi thế lao động đến tình cảm tập thể, tất cả đều mới mẻ đối với tôi. Phong cách làm việc hết mình và sôi nổi, gian khổ mà nhiệt tình, lâu dài mà luôn luôn hào hứng. Còn Thu cao su, còn các nữ cầu thủ: những cách thật lạ lùng! Cứ như là “những trò đảo ngược của mùa xuân”. “Thưa quý vị, lúc này bóng bật đến chân Tùng Lâm. Cây làm bàn số một của C1 dồn tất cả sức mạnh vào cú sút. Bóng đi sệt vào góc dưới một cách bất ngờ. Nhưng chúng tôi thấy Thu cao su đã nằm đè lên quả bóng. Hy vọng gỡ hòa của các thủ C1 một lần nữa lại tiêu tan…”
Tôi đang mê mẫn theo dõi thì Danh bước tới:
- Đi ra sân bóng.
Tôi bật dậy như một cái lò xo. Danh nói tiếp, thật nhanh:
- Chỗ này ‘đánh’ xong rồi. Anh lên gặp đồng chí đại đội phó thi công nhận đất mới. Nhân dịp dẫn Ngọc đi xem đá bóng luôn.
Hai đứa men theo con đê lồi lõm. Tôi bước thật dè dặt, cẩn trọng từng cái đặt chân. Danh cũng đi chậm lại chờ tôi. Bên trái là đồng ruộng. Bên phải là miệng kinh rộng toác, mở căng ra như nôn nóng chờ một cái sẩy chân. Hiện trường vẫn sôi động và hào hứng. Những đường dây chạy vùn vụt, ngon lành như những dây cu-roa trong một cỗ máy. Loa phóng thanh vẫn tiếp tục tường thuật trận đấu. Cuộc so tài đã sang hiệp hai, càng về cuối càng sôi động. Tôi bước nhanh hơn. Sắp gặp Thu rồi. Sắp được tận mắt xem cô trổ tài. Một nhân vật kỳ lạ với những động tác mang màu sắc ảo thuật. Về nhà kể lại chắc bạn bè không ai tin.
Danh ngoặt quanh một lùm tre. Trước mặt hiện ra một căn lều nhỏ căng bằng những tấm bạt xanh. Dây điện giăng ngang dọc chi chít chung quanh lều. Danh đi thẳng vào, vẫy tôi. Tuy thắc mắc vì chẳng thấy sân bóng đâu cả, tôi vẫn bước theo Danh.
Trong lều, một tốp nam nữ ngồi quây thành vòng tròn. Một người đang ôm đàn ghita. Ở giữa đặt hai cái mi-cờ-rô. Danh giới thiệu:
- Đây là tổ văn nghệ thuộc tiểu đội tuyên truyền xung kích, phục vụ anh em trong chiến dịch. Và đây…
Tôi sững người. Ủa, chính anh ta đấy à! Tất cả đều do anh ta, hả, hả? Tôi có cảm giác đang đi vấp phải cục đá. Người thanh niên xung phong cao lớn, da ngăm đen, nét mặt vui vẻ đang ngồi trước máy. Anh nhìn lên gật đầu chào tôi, rồi cúi xuống, miệng sát mi-cờ-rô.
“Thưa quý vị, bây giờ là phút thứ 20 của hiệp nhì. Tỉ số hiện nay vẫn là 1-0 nghiêng về phía C2. Lúc này bóng đang ở trong chân ông già Nô-en. Từ ngoài 30 mét, ông già Nô-en co chân sút. Bóng bay thật căng vào khung thành. Nhưng Tư Câu đã xuất sắc bay người đẩy bóng ra khỏi biên ngang…”
Tốp văn công ngồi chung quanh tức thì nhổm dậy, chồm sát mi-cờ-rô vỗ tay rào rào. “Thưa quý vị những tiếng vỗ tay mà qúy vị nghe thấy…”
Vừa bước ra khỏi lều, tôi đấm thùm thụp vào lưng Danh:
- Anh đánh lừa em.
- Trời ơi! Thì đá bóng tưởng tượng giúp vui anh em mà. Ai bảo em đòi đi xem!
Tôi không trả lời. Anh tường thuật này cũng giỏi thật. Nói cứ y như thật. Còn mình cũng khờ hết chỗ chê. Chuỵên con gái đá bóng mà cứ tin lấy tin để. Chuỵên này mà kể lên báo chắc bà con cười bể bụng.
Nắng lên cao, đoàn người vẫn làm không lơi tay. Đoạn đê cao lên, mập ra trông thấy. Tôi nghe mồ hôi rịn ướt trên vai áo. Đột nhiên Danh quay sang tôi:
- Để anh dẫn em xem cho biết mặt Thu cao su.
- Thôi đừng xạo nữa!
Nói vậy nhưng tôi vẫn đi theo Danh. Anh dừng lại trước một khâu dây chuyền toàn là nữ. Tám cô gái giăng thành hàng dài. Hai người nam đang loay hoay dưới một hồ sâu. Một người xúc đất, một người thảy lên bờ. Đất đi qua những đôi tay linh hoạt, quật vào thân đê. Danh chỉ người con gái đứng đầu dây, kề miệng hố:
- Thu cao su đó!
Người con gái có dáng người khỏe, rắn chắc mà nhẹ nhàng, mái tóc cột lại bằng dây thun, lủng lẳng sau gáy. Nụ cười tươi và đôi mắt sáng khiến khuôn mặt nom thật trẻ. Thu đó hả? Thu kiện tướng lao động đó ư? Tôi dán mắt vào đôi tay Thu, đôi tay đang bắt đất và chuyền đất với những cử điệu thật gọn, thật nhẹ, chính xác, nhịp nhàng và đẹp mắt. Tảng đất dưới hố bắn lên hơi cao, vọt qua đầu. Thu rướn người lên, kéo xuống, chuỳên ngang cho đồng đội. Tảng đất thảy hụt, đáp ngang đầu gối, Thu nhoài người, kéo lên. Những tảng đi không đúhg hướng, lệch trái, lệch phải, Thu xoay người bằng một phản xạ kỳ diệu, hút tất cả vào tay mình. Phải ngưng đường dây lại, phải dành một khoảng thời gian để nhặt những tảng đất rơi vãi, nếu như Thu không kịp bắt lấy, kéo về, chuyền đi bằng những động tác hiệu quả và tài tình. Tôi nhìn, không, tôi đang chiêm ngưỡng cô gái với tư cách một khán giả bóng đang vụt tới, ồ ạt, hiểm hóc, thoạt cao, thoạt thấp, ngổ ngáo và thách thức từ trước mặt, sau lưng, phải, trái, trên, dưới. Người “thủ môn” vẫn vững như đồng chí tường thuật lại đặt cô vào vị trí thủ thành. Tiếng còi giải lao rít lên. Đường dây đang chạy nốt những vòng cuối cùng. Tôi đứng như chôn chân tại chỗ, không tài nào rời khỏi mắt Thu. Lại rướn lên. Lại nhoài xuống. Tảng đất dính chặt vào tay như thỏi sắt bị hút vào khối nam châm. Bất giác tôi buột miệng khen – bằng một cái tên, rất quen thuộc với mọi người mà riêng tôi, từ nãy giờ tôi cố tránh:
- Đúng là Thu cao su!
Nguyễn Nhật Ánh
Bài viết do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm từ kho ảnh TNXP. Xin chân thành cám ơn các tác giả.
|