Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA.

Mười giờ đêm 30 tết. Hân ngồi ở bàn giấy đặt trong phòng trực của một cơ quan. Trên bàn có một máy đánh chữ, điện thoại. Cạnh đó là bộ sa lông, bàn tiếp khách có bày một cặp dưa hấu xanh mướt, một khay mứt, một ấm trà. Những cành mai vàng rực, nở kịp vào đêm giao thừa. Không khí có vẻ ấm cúng và rất xuân.

Nhưng, hình như trái ngược lại không khí đó, cơ quan rất vắng vẻ. Những người bạn, người khách quen, nhân viên của cơ quan không lại chơi vào một buổi tối đầy thi vị như thế nầy. Hân nhìn ra ngoài đường. Tiếng xe gắn máy vút nhanh, chiếc nọ nối chiếc kia làm vang một chuỗi dài âm thanh đến khó chịu. Những cặp trai gái, trong những bộ quần áo mới cắt đủ kiểu, đang dập dìu đi qua lại trước cơ quan nơi có con đường dẫn ra Nhà thờ Đức Bà.

Hân cầm đàn lên, hát nghêu ngao vài câu. Xong bỏ xuống, lại chúi mũi vào quyển sách dang dở trước mặt. Ca trực của anh nhận bắt đầu từ 18 giờ chiều 30 tết đến 6 giờ sáng ngày mồng một.

Hân vụt cầm lấy máy điện thoại.

HÂN: A-lô, tổng đài số 10 đó phải không? Dạ, cô ơi, cô làm ơn cho tôi nói chuyện với số 7007, Campuchia…

Tiếng trong Điện Thoại: Số máy anh số mấy?

HÂN: 99999, cơ quan của báo X.

Tiếng trong Điện Thoại: anh cảm phiền nhé, đường dây Campuchia bận rồi.

HÂN: Buồn ghê.

Đ.T: Sao anh buồn?

HÂN: Định nói chuyện với đứa em gái trong đêm giao thừa. Trực cơ quan một mình buồn quá.

Đ.T: À, anh ơi, anh làm ơn cho hỏi chút. Truyện ngắn về cô nữ TNXP trên báo xuân năm nay của ai vậy anh?

HÂN: Chắc chắn là không phải tôi viết rồi. Nói chơi vậy chứ, đó là nhà văn Nguyễn Xuân Miên, người ở cơ quan chúng tôi.

Đ.T: Ông đó viết hay quá… Lời của ông ấy dí dỏm, dễ thương ghê. Mà hay nhất là viết đúng tâm trạng của con gái thanh niên xung phong.

HÂN: Chị đừng có gọi ông ấy là ông. Nó trẻ măng hà. Năm nay được 29 đó. Nó rành về tâm lý mấy cô gái thanh niên xung phong vì nó có vợ là thanh niên xung phong…

Đ.T: Và có nhiều bồ nữa.

HÂN: Cái đó tôi không biết. Ai nhiều bồ chứ tôi thì đang… ế.

Đ.T: Tội nghiệp chưa. Anh qua tổng đài tôi giới thiệu cho mấy đứa bạn. Còn trẻ, yêu nghề nhưng có tật hay nói nhiều vì lý do nghề nghiệp.

HÂN: Dạ thưa chị, “em” không dám.

Đ.T: Nói vậy chứ “chị” sợ mấy ông làm báo lắm “em ơi”…

HÂN: Thôi, chị đừng giỡn. Sao lại sợ.

Đ.T: Mấy ông đó có cái miệng dẻo quẹo, nhiều bồ lắm.

HÂN: Bảo đảm, có giấy giới thiệu của cơ quan, giấy chứng nhận độc thân của công đoàn.

Đ.T: Đúng là cái miệng của nhà báo. Anh viết mục gì vậy?

HÂN: Gỡ rối tơ lòng… thòng. Giỡn chơi vậy chứ, tôi đâu có làm phóng viên.

Đ.T: Chứ anh làm cái gì?

HÂN: Đánh máy kiêm giao liên.

Đ.T: Xin lỗi anh một chút. Anh chờ máy chút nghe.

Hân vẫn cầm ống điện thoại. Anh nở một nụ cười nhẹ nhàng, khẽ nhún vai. Tiếng vang ra từ đầu ống nghe rất rõ… Alô, chị tổng đài ơi, Hà Nội bắt được chưa? Ông chịu khó chờ một lát, đường dây bận rồi! Cô làm ơn cho tôi nói chuyện, nhanh nhanh lên nhé. Cám ơn cô. Không có chi… Hân lại đặt ống nghe lên tai, chăm chú nhìn vào 10 chữ số xếp hình vòng cung trên chiếc máy vô tri, nhưng bây giờ là một nhịp cầu tâm hồn ấm áp trong đêm giao thừa cô đơn của anh.

Đ.T: A-lô, Anh… anh gì đó hả?

HÂN: Anh Hân. Làm nghề báo chắc vui lắm hả anh?

HÂN: Vui lắm.

Đ.T: Anh đánh máy chắc vui lắm hả?

HÂN: Vui cái gì. Buồn gần chết. Tối ngày cứ gõ lọc cọc, lọc cọc như tiếng của một chiếc xe ngựa, mà là một con ngựa già.

Đ.T: Sao anh nói có vẻ chua chát vậy?

HÂN: Con trai mà ngồi đánh máy… chán lắm. Cứ ngồi lì một chỗ không hà. Nhưng có cái vui nhất là mình đi sửa văn của mấy ông nhà báo trong cơ quan mình.

Đ.T: Sửa văn?

HÂN: Chứ sao! Nói cho oai chứ sửa văn cái gì. Nhiều khi mấy ổng viết gấp, không để ý, trật chính tả, mình sửa lại thôi.

Đ.T: Nói vậy chứ, thấy một cái bài mình đánh máy đăng báo thì vui lắm chứ.

HÂN: Mình vui thì ít mà tác giả vui thì nhiều.

Đ.T: Sao vậy?

HÂN: Mấy ổng vui vì mấy ổng lãnh tiền nhuận bút, còn mình thì có lãnh cái gì đâu. Chắc… xin lỗi, nãy giờ nói chuyện với… mà không biết tên… Chắc tên của… đẹp lắm. Nghe giọng nói dễ thương hết sức.

Đ.T: Ghê! Tên xấu lắm, xấu như người vậy đó.

HÂN: Chỉ cần làm quen với một người xấu mà có giọng nói như chim sơn ca như thế nầy là hên cả năm rồi, mong ước gì hơn.

Đ.T: Ghê. Mấy anh chỉ giỏi tán.

HÂN: Thì nghề của nhà báo mà.

Đ.T: Hoàng. Minh Hoàng.

HÂN: Chắc nghề của Hoàng cũng vui lắm. Nghe người ta nói chuyện muôn nơi.

Đ.T: Nghe hoài cũng chán anh ơi. Tối ngày cứ nghe chuyện, nói chuyện, cầm phích không cũng mệt. Hết giờ làm việc không muốn nói chuyện với ai hết.

HÂN: Ngay cả với người yêu.

Đ.T: Ghê. Người ta còn nhỏ chứ bộ.

HÂN: Thì sau nầy. Vậy, ông nào có tán Hoàng chắc chỉ cần im lặng. Đúng im lặng là vàng mà.

Hân ngưng nói một lát. Bên đầu giây cũng im lặng chờ đợi. Hân khẽ lấy tay nhón một miếng mứt, bỏ từ từ vào miệng.

Đ.T: A-lô, tại sao anh ngưng nói vậy?

HÂN: (cười) Thì như tôi vừa mới nói, phải im lặng.

Đ.T: (vang lên tiếng cười) Ghê. Cái anh nầy.

HÂN: Có khi nào Hoàng cắm lộn phích không?

Đ.T: Có chứ. Lúc ấy thấy cười lắm. Hai người nói hai chuyện không ăn nhập gì với nhau hết. Nhưng bây giờ hết rồi, lúc mới vào làm thôi.

HÂN: Hoàng làm được mấy năm rồi?

Đ.T: Mới khoảng chừng năm anh ạ.

HÂN: Trước đó Hoàng làm gì?

Đ.T: Thanh niên xung phong! Thanh niên xung phong chuyển ngành.

HÂN: Thanh niên xung phong chuyển ngành hả. Xin bắt tay một cái. Đều là bồ nhà cả. Mình cũng là thanh niên xung phong chuyển ngành đây.

Đ.T: Anh chờ Hoàng chút nghe! A-lô, dạ tổng đài đây… Dạ, đường dây Đà Nẵng hư rồi. (Tiếng vang trong máy, một giọng đàn ông). Nếu Đà Nẵng hư thì cho nói chuyện với cô tổng đài chút. Dạ tổng đài đây. Năm nay tổng đài bao nhiêu tuổi? Dạ năm nay vừa tròn 50 tuổi. Dạ, tổng đài đang bận, ông cảm phiền nghe…

Đ.T: Làm nghề nầy cũng vui, nhưng hơi bực, Cứ bị mấy ông phá hoài, nửa đêm như vậy, cũng có người gọi điện thoại đến phá.

HÂN: Bây giờ thêm một người khách lạ đêm giao thừa nữa.

Đ.T: Trước kia anh ở Tổng đội nào?

HÂN: Tổng đội 3 biên giới.

Đ.T: Hả, Tổng đội 3 biên giới hả? Trời ơi, lúc trước Hoàng cũng ở Tổng đội đó. Nhưng từ Tổng đội 5 sát nhập vào.

HÂN: Còn tôi thì ở Tổng đội 1. Có lẽ vì thế mà ta không quen nhau.

Đ.T: Nhiều khi, tụi mình gặp nhau rồi cũng không biết chừng nữa. Nhưng, Hoàng công tác ở tuyến sau không, nên… chưa gặp anh.

HÂN: Thì bây giờ gặp cũng được rồi. Đi đâu cũng gặp thanh niên xung phong cả.

Đ.T: Không biết anh có nhớ giao thừa năm 1979 không? Năm đó vui ghê. Anh biết không, Hoàng cũng lên diễn kịch nữa.

HÂN: Hoàng đóng vai gì? Có phải vai “Em, cô gái tổng đài không?”

Đ.T: Không, đóng vai sư nữ trong tuồng cải lương “Cây bắp chuối trổ bông”. Tại vác B.40 hoài với lại nghe B.40 tụi K. giã như pháo tết nên diễn tuồng đó. Anh em cười bò lăn…

HÂN: Còn tụi nầy có màn thi giật cúp. Giải nhất: một gói Hoa Mai, giải nhì một gói cà phê, giải ba bánh in.

Đ.T: Thi nữa hả. Thi cái gì vậy?

HÂN: Thi coi ông nào vá quần áo lẹ nhất và bắt được nhiều rệp nhất. Nói tóm lại, lúc đó phải rình bắt rệp của đứa khác bỏ vào túi áo mình. Rồi sau đó, anh em nảy ra sáng kiến bắt rệp đá với nhau.

Đ.T: Mấy anh có cà phê với bánh in nữa à? Sang ghê ta.

HÂN: Sang nỗi gì. Bánh in làm bằng sữa bột trộn đường, hấp cách thủy… ăn ngán thấy bà cố tổ. Còn cà phê là bo bo rang cho khét, rồi đem xay. Nhưng vẫn ngon như thường.

Đ.T: Lúc đó, anh làm công tác gì vậy?

HÂN: Được xông pha ra miền khói lửa, giết bọn “giặc cá” nên thỉnh thoảng cũng bị đổ máu vì làm ẩu bị đứt tay…

Đ.T: Trời ơi, gian nan ghê há. Đúng là kiểu: “Chồng người đi đánh sông Lô, chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần…”

HÂN: Thôi đừng có nói như vậy, nghe dễ xa nhau lắm, bạn ơi.

Đ.T: Tại vì… Tại vì… anh không chịu nói thiệt làm chi.

HÂN: Thì… thì mình cũng làm những công chuyện như những anh em khác thôi.

Đ.T: À chắc anh còn nhớ Thìn… Thìn C phó C5 đó.

HÂN: (giọng bùi ngùi) Nhớ chứ. Hôm trước tôi có đi ngang nghĩa trang liệt sĩ ở ngã ba Kà-tum, Xa-mát và có rẽ vào thăm mộ anh ấy… (Bên đầu dây kia, Hoàng im lặng một lát).

HÂN: A-lô, a-lô…

Đ.T: Alô, Hoàng đây.

HÂN: Tôi còn nhớ, lần gặp Thìn cuối cùng là lúc ở trạm xá của một đơn vị bộ đội. Khi tôi về được mấy ngày thì trạm xá đó bị pháo kích trúng… Anh Thìn chết ở đó. Nhưng nói cho cùng, nếu trạm xá không bị pháo kích trúng thì anh Thìn cũng khó qua nổi… Anh ấy bị thương ở phổi nặng lắm…

Đ.T: Thôi… gần giao thừa rồi, anh đừng nhắc chuyện buồn ấy nữa…

(Bỗng dưng, tiếng pháo nổ hàng loạt, kéo dài… Tiếng còi tàu hụ vang lên từ bến cảng mà hai người – dù ở hai đầu dây – vẫn nghe rõ mồn một. Đâu đó, tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà vang lên thánh thót…).

Đ.T: Giao thừa rồi đó anh!

HÂN: Ừ, giao thừa rồi. Nhớ những cái tết năm xưa quá. Xin chúc mừng Hoàng một năm mới đầy hạnh phúc.

Đ.T: Anh Hân ơi. Anh hát cho Hoàng nghe một bản đi.

HÂN: Tôi mà hát cái gì, giọng nghe như vịt chui đầu vào ống lon sữa bò mà gào vậy…

Đ.T: Hoàng không cần nghe giọng hát hay đâu… A-lô, xin lỗi, chờ Hoàng một chút. A-lô, Tổng đài đây. (tiếng Hân nghe được trong ống điện thoại) A-lô, tổng đài đó hả. Xin chúc một năm hạnh phúc. Dạ, cám ơn ông. Tổng đài ơi, cô tên gì vậy. Dạ thưa ông, tổng đài đi ngủ rồi. Mai ông gọi lại nghe. Thôi… mà, người đẹp… Dạ thưa ông, tổng đài đi ngủ rồi. Ông cảm phiền nghe. A-lô, anh Hân đó hả, anh hát cho Hoàng nghe một bản nào đó của thanh niên xung phong đi.

HÂN: Thôi kệ, mình hát bài “Những bông hoa trên tuyến lửa” của Đỗ Trung Quân và Nguyễn Cửu Dũng nghe. Hai thằng cha nội đó là xung phong thứ thiệt đó.

(Hân cầm đàn và hát vào máy điện thoại. Giọng của anh hát không hay lắm, mặc dù rất trúng nhịp. Tuy nhiên người ta vẫn nghe được một cái gì đó thật lắng của tâm hồn. Hình như đôi lúc, giọng của Hân có nước mắt).

Đ.T: Anh Hân hát hay ghê. Hay vì tình cảm chứ không phải vì giọng hát.

HÂN: Hoàng ơi, nhà Hoàng ở đâu?

Đ.T: Bí mật. Hoàng sắp đi xa rồi. Không gặp được đâu.

HÂN: Nghĩa là nghỉ làm luôn?

Đ.T: Chưa chắc. Đâu phải đi xa nghĩa là nghỉ làm việc.

HÂN: Sang năm, chắc mình nghỉ việc ở đây quá.

Đ.T: Sao vậy?

HÂN: Buồn, chán!

Đ.T: Ghê. Buồn chán.

HÂN: Khi là thanh niên xung phong mình làm công tác đâu đến nỗi tệ, nhưng bây giờ, chuyển ngành rồi, mà làm cái gì đâu á, không trúng với sở thích của mình.

Đ.T: Ghê, làm ở nhà báo cũng thích lắm chứ bộ. Được đọc bản thảo trước của mấy ông nhà văn, nhà báo, được tiếp xúc với những người làm văn nghệ. Đâu phải như nghề của mình, chung quanh toàn là những ổ cắm phích, dây điện và tiếng nói của những người xa lạ. Mình có chán đâu.

HÂN: Nhưng Hoàng là con gái và sự đóng góp của Hoàng trong thời gian qua làm sao bằng được những người con trai. Họ hy sinh đâu phải là để làm những công việc như… như mình đang làm chẳng hạn.

Đ.T: (im lặng một lát) Anh Hân nầy, Hoàng nghĩ, nếu mà anh có thích một công việc nào đó thì cũng có thể tự phấn đấu học thêm ngoài giờ. À, biết đâu chừng sau này anh sẽ trở thành nhà văn. Cứ ngồi đánh máy bản thảo riết rồi anh sẽ viết văn hay hồi nào mà anh không biết đó. Như một nhà văn nổi tiếng nào đó của nước Anh, ông ta chỉ là thợ sắp chữ thôi, mà sau này, nổi tiếng cả thế giới.

HÂN: Mình đâu dám mơ làm nhà văn. Không có khiếu, không có vốn sống.

Đ.T: Thì anh cứ viết chuyện anh sống ở thanh niên xung phong hoặc là câu chuyện đêm nay chẳng hạn…

HÂN: Con trai gì mà cứ ngồi đánh máy. Chán lắm.

Đ.T: Chứ Hân muốn làm gì nào?

HÂN: Làm gì cũng chưa biết.

Đ.T: Chính ngay anh còn chưa biết chọn cho mình công việc gì nữa thì làm sao người ta phân công cho anh được. Thôi, nếu chưa được làm việc mình thích thì hãy cố gắng thích công việc của mình đang làm vậy.

HÂN: Cha, đầu năm mình lại được một người lên lớp.

Đ.T: Cho nó mau lớn. Thôi, Hoàng buồn ngủ quá rồi. Nãy giờ mình nói chuyện cũng lâu. Thôi, Hoàng đi ngủ đây. Chúc anh một năm đầy hạnh phúc và sớm trở thành nhà văn.

Hoàng cúp máy. Hân ngẩn ngơ, cứ cầm máy chờ đợi. Một lúc sau, Hân lại quay điện thoại. Đầu dây không có tiếng trả lời. Anh gác máy. Cầm lấy đàn, anh dạo vài nốt nhạc đầu của bài “Trên đường đời”. Anh khẽ nhún vai, lẩm bẩm: “Chưa bằng ai mà bày đặt lên lớp…”

Mồng ba tết, Hân là người vào cơ quan sớm nhất. Những cánh mai rơi lả tả trong phòng khách. Những trái dưa hấu không còn ở đó nữa. Vội vã, Hân đi lại chiếc máy điện thoại, quay số 10).

HÂN: A-lô. Tổng đài đó phải không ạ. Hoàng đó hả?

Đ.T: Không phải đâu ông ơi.

HÂN: Xin lỗi, cô làm ơn cho tôi gặp Hoàng một chút.

Đ.T: Ông ơi, ở đây không có cô nào tên Hoàng hết.

HÂN: Có mà, cô dấu tôi hoài, tôi mới nói chuyện với cô ấy hôm giao thừa mà …

Đ.T: Đêm giao thừa? Ông để tôi xem lại lịch trực.

HÂN: Cô Hoàng mới chuyển về làm, trước là thanh niên xung phong đó.

Đ.T: Ở đây không có cô nào là TNXP chuyển ngành hết. A, đêm trực giao thừa là cô Hồng. Hoàng là tên chồng sắp cưới của cô ấy. À, rất xui cho ông là cô ấy nghỉ phép để chuẩn bị lấy chồng.

HÂN: Chắc không phải đâu, cô Hoàng là thanh niên xung phong mà.

Đ.T: Ông biết bằng tôi làm sao được. Có phải cô Hồng là một cô bộ đội mới chuyển ngành không? Trước kia, cô đi bộ đội, làm y tá, và có chiến đấu ở biên giới nữa. Cô ấy, có một người yêu tên Thìn, anh nầy là thanh niên xung phong. Tôi nghe nói hai người trước kia là bạn học cùng trường. Nhưng anh Thìn thì đi thanh niên xung phong, còn cô ấy thì đi bộ đội. Oái ăm một chỗ là hai người gặp nhau tại chiến trường, lúc anh ấy bị thương nặng. Tội nghiệp, khi trạm xá bị pháo kích, cô ấy không nề hà thân mình, dìu anh ấy ra khỏi trận pháo. Nhưng, không may, cô ấy bị miểng pháo cắt đứt một chân, còn anh Thìn thì hy sinh ngay trong vòng tay của…

HÂN: (hỏi dồn dập) Nhưng, nhưng sao bây giờ cô ấy lại đi lấy chồng?

Đ.T: Anh nầy kỳ chưa. Cô ấy đi lấy chồng là chuyện của cô ấy. Không lẽ, anh bắt người ta ở góa. Nhưng, đó là chuyện của quá khứ. Hãy bắt đầu làm lại tương lai anh ạ. Tội nghiệp, Hồng phấn đấu ghê lắm trong công tác nầy, kể từ khi cô ấy được giải ngũ.

HÂN: Dạ, cảm ơn chị. Nếu chị gặp cô Hồng, xin nhắn là Hân gửi lời hỏi thăm và chúc cô ấy hạnh phúc.

Hân gác máy, mặt bần thần. Tiếng cười nói vang rân của bạn đồng nghiệp như báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu. Anh gắn những tờ giấy vào ru-lô máy chữ, đánh vài giòng, nhưng hình như trí óc anh đang cố hình dung ra một người con gái thương tật, đang xoay sở chung quanh hàng dài ổ phích và liếng thoắng alô, alô, đây tổng đài, đây tổng đài…)

*   *    

Không biết Hân có nghe theo lời khuyên của giọng nói giao thừa năm trước phấn đấu để trở thành nhà văn hay không, nhưng trên một tờ báo xuân năm sau, người ta có đọc được một truyện ngắn mang tên: “Câu chuyện đêm giao thừa”, và tên tác giả là…

Lê Văn Nghĩa - Tháng 10.1981


Bài viết do Ô. Ông Văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình ảnh sưu tầm từ internet. Xin cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)
GHI CHÉP VỀ MỘT CHIẾN DỊCH TRÊN BIÊN GIỚI TÂY NAM - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-15)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á