Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa.

Nhân một chuyến công tác về thành phố, sau khi thu xếp công việc ổn thỏa, trước ngày trở lên đơn vị, tôi tạt sang nhà một vài bạn cũ, rủ đi ciné. Bạn bè tôi đa số đã lập gia đình, chỉ còn lại một hai đứa độc thân, đứa đi học thêm ngoại ngữ, đứa đi làm thêm ban đêm…

Tôi vốn rất ghiền ciné từ bé. Tôi đi xem ciné như người ta đi uống cà phê, uống nước; thậm chí có lần đi mua sắm đồ cho mẹ tôi đi ngang rạp ciné, thấy phim mới tôi tạt vào. Đôi khi mua vé vào cửa xong, không còn tiền mua thuốc lá lẻ. Đối với tôi, ciné là thứ du lịch không tốn tiền…

Hôm ấy, không rủ được ai, tôi đành về nhà kéo đứa cháu cùng đi.

… Kính thưa đồng bào, đồng chí, đêm nay, rạp chúng tôi hân hạn trình chiếu bộ phim “Với cả tâm tình” của Cộng hoà Nhân dân Ba Lan do xưởng phim… đạo diễn… với diễn viên trong vai… trong vai… trong vai…

Tôi bàng hoàng trên hàng ghế… Chẳng lẽ là cậu ấy sao? Tiếng nói quen thuộc vang lên trong micro vẫn chất giọng mạnh và trầm. Về mặt phát âm, rất chính xác các tên nhân vật nước ngoài… Có thể lắm. Vì năm ngoái, mình ghé ngang Dốc Đỏ, nghe nói cậu ấy đã xuất ngũ về thành phố.

Trên màn ảnh rộng, xuất hiện cảnh mùa thu ở ngoại thành Vácsava. Hai dãy cây sồi lá vàng rơi rụng và xa xa là hàng bạch dương sương trắng, nắng tràn… Đôi tình nhân Henry và Eva đang đi bên nhau trong cuộc đi chơi dã ngoại. Đứa cháu chăm chú xem, còn tôi bàng hoàng trong trạng thái vừa vui vừa bâng khuâng, như tình cờ bắt gặp tấm ảnh cũ của nhiều năm trước trong ngăn tủ. Trên màn ảnh, vẫn còn là cảnh mùa thu ở Ba Lan mà tôi cứ tưởng như đầu mùa mưa ở Dốc Đỏ Daknông. Những ký ức trong tôi chợt sống lại…

    *

Nghề khai thác của tôi vốn thường ngược xuôi và quen biết nhiều.

Đầu mùa mưa năm ấy, tôi tìm đến Trường Giáo Dục Lao Động Công Nông Nghiệp 1.

- Được thôi, thủ phó đơn vị trả lời, khi tôi đưa ra yêu cầu đơn vị mình một cách chặt chẽ, có tình có lý.

Ngoài việc làm ăn, tôi và đồng chí này còn có cái “gu” chung là rất thích các loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, thậm chí nhiều khi quá lãng mạn, chúng tôi nghĩ là mình đang làm công việc trái khoáy với năng khiếu…

Khi chúng tôi chia tay nhau, đồng chí bá vai tôi và nói thêm: với đơn giá mà tôi nhận thi công, là đơn giá hỗ trợ, vì chúng ta là “con một nhà”. Chúng tôi siết chặt tay, cười thông cảm.

Tuần sau, sau khi đã chọn một bãi thuận lợi để vận chuyển ra bãi hai, tôi được báo đến địa điểm nằm ở xa hơn nơi tôi tưởng, tận Dốc Đỏ thuộc khu vực Lâm Trường Quảng Tân do TNXP quản lý. Dốc Đỏ, một cái tên gợi màu sắc và gây ấn tượng mạnh. Nghe, người ta dễ nghĩ tới một cuộc chiến đấu ác liệt, đẫm máu giữa bộ đội ta với quân ngụy Sài Gòn. Thật ra, đó là một đường be rất dốc, chẻ một đường xương cá nằm cạnh quốc lộ 14 A. Từ trước, các đơn vị khai thác đã ủi để lấy gỗ. Xung quanh Dốc Đỏ là nơi trú ẩn của những bầy thú rừng như nai, mễn, nhím, chồn, thỏ… rất quen thuộc với những tay thợ săn.

Tôi gặp đồng chí Đội Trưởng đang nổi nóng tại hiện trường vì việc làm tắc trách của một đội viên nào đó. Một cơn gió nóng từ biên giới thổi về, xoáy thành con trốt, di động cực nhanh trên con đường mòn. Và bất thần, tấp phủ vào mặt đồng chí. Có lẽ, đồng chí trút cơn giận vào con chốt chết tiệt đáng nguyền rủa kia, nên khi gặp tôi đồng chí đã bình tâm lại, nhìn tôi thân thiện. Chúng tôi bắt tay nhau. Tôi chép miệng nói cho có chuyện “Đường đi thật là nhiêu khê, đi từ sáng bằng mọi phương tiện: xe cẩu, lô bồi, xe đạp, xe jeep và cả… xe “dép” nữa… mãi gần hết ngày mới đến nơi”. Tôi vừa dứt lời, đồng chí nói một hơi dài không nghỉ. Chắc là ít có dịp để cởi mở, tâm tình, vì lúc nào cũng chạy đua với công việc tại các hiện trường heo hút. Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa đi men trở lại con đường mòn để xem xét hiện trường: các hộc lồ ô đúng tuổi, đúng quy cách đã được chuyển lên gần quốc lộ như đã hợp đồng, chỉ chờ xe đến chuyển về xưởng. Chúng tôi rất hài lòng về chất lượng và tiến độ công việc…

Nắng chiều loang lổ, nhảy nhót qua các kẽ lá. Phương Tây, những áng mây trắng xốp, đùn đống lại, tạo thành những ngẫu tượng hình thù quái gở; lát sau, những ngẫu tượng chợt tan ra, và bây giờ chỉ còn là những dãy lụa, chân trời chợt loang lên màu tím, đọng lên các đóa hoa sim biêng biếc. Từng đàn chim bay về tíu tít đoàn viên với rừng cây; xa xa, cú rúc từng hồi, vài con quạ đen, chưa vừa ý trú ẩn qua đêm, kêu quang quác; vài loài phong lan nào đó nở sớm, thoang thoảng hương đưa. Và tôi chợt phát hiện ra dòng suối đâu đây róc rách. Có lẽ, từ trưa tôi đã đi gần dòng suối này, nhưng trong không khí lao động tất bật, nên tiếng rì rào của nó đã bị khuất lấp bởi tiếng rựa chạm vào lồ ô từ những bàn tay khỏe, chắc nịch. Tiếng suối nghe rõ mồn một, có lúc nghe như tiếng sóng xa, mưa dài trong buổi chiều tà. Tôi chợt nghĩ đến một bài hát. Vâng! Ai mà không muốn hát trong những buổi chiều êm đềm như thế; gió từ các thung lũng thổi lên mang hơi sương, mát lạnh từng đợt…

Các anh em lũ lượt trở về, nón tai bèo lật ngược phía sau lưng, vai vác rựa, tôi đọc qua ánh mắt họ sự mệt mỏi, những hài lòng, như cảm giác một người nông dân vừa cày xong thửa ruộng. Một vài người tay cầm nhánh phong lan tình cờ bắt gặp trên tàng cây rừng cao nào đó… có chàng trẻ tuổi cài đóa hoa sim trên ve áo.

“…, Màn chiều dần buông xuống, gió ngàn vi vu, lấp ló đầu thôn, ngôi sao ban chiều. Gợi lòng ta xao xuyến, nhớ người yêu, ở phương trời xa… Em thân yêu nơi nao…”.

Một giọng hát chắc khỏe và trữ tình vang lên trong cảnh chiều, quyện xoáy vào lòng tôi rồi loang qua phía bên đồi, ngưng đọng một chút quanh mái tranh nhà ai, như khói lam chiều và tỏa ra tận chân trời xa tít. Tôi chợt thấy hiện lên trước mắt cô gái nhỏ nào đó (người yêu của người hát?) mặc chiếc áo cánh mỏng tì tay lên hàng dậu có giàn hoa thiên lý, có đôi mắt hạt huyền và đôi bím tóc, đang hướng về phía Tây nguyên và đang hát một bài ca nhớ nhung. Vâng, có thể lắm chứ… và biết đâu cô cũng mơ hồ nghe tiếng hát như tôi…

Bên sườn đồi vang lên tiếng leng keng của những chiếc lục lạc. Người dân M’nông thong thả bên đàn bò lục tục về thôn.

Buổi cơm chiều đơn sơ, canh rau nhíp rừng nấu với thịt nhím băm nhỏ, mắm ruốc xào mỡ kèm với măng chua đầu mùa sao mà ấm cúng…

Bây giờ, mặt trời đã khuất sau đồi, chỉ còn ráng chiều rưng rưng đọng lại như tiếc một ngày ngắn ngủi. Đường chân trời lam nhạt nhẹ nhàng khép lại với màu xanh lục của núi rừng, như rèm mi của cô gái dậy thì trước nụ hôn đầu… Tôi và anh Đội Trưởng leo lên chòi cao của những người gác rừng ngắm mông lung, hút thuốc; từng sợi khói thuốc quyện với khói sương tan loãng vào hư không. Xa xa, núi Bà Rá chỉ còn mờ mờ vì sương mù đã giăng mắc, cận ảnh là khu rừng thông non ba tuổi, xanh mượt, lay lắt, phất phơ như điệu múa của bài thể dục nhịp điệu trong tiếng nhạc về rừng chiều hè tháng năm.

Đột nhiên, sương mù từ các khu rừng tỏa ra mù mịt. Tôi chợt thấy lạnh sau gáy, xoay người nhìn lại: trăng thơ ấu từ từ nhô lên khỏi ngọn cây, núi rừng bây giờ chuyển sang màu tím thẫm, nền trời đã chi chít những vì sao…

Một hồi kẻng vang lên ngân qua rừng cây và dội lại từ sườn đồi bên kia, đánh thức những con chim bắt đầu lơ mơ ngủ, kêu xao xác, vài “sam” đã thấy bập bùng ánh lửa. Đã đến giờ họp giao ban và sinh hoạt đêm của TNXP. Tôi đi loanh quanh doanh trại, nhìn các tờ báo tường và nghe kể các sinh hoạt lửa trại, sinh hoạt chuyên đề của anh em. Tôi định thần: giá mà có phim, phải cuốc bộ hàng chục cây số về nông trường xem, rồi sáng vào sớm, tôi cũng sẵn sàng. Tôi nói ý này với anh Đội trưởng, anh mỉm cười bí mật: “Anh không phải vào nông trường, mình sẽ được xem tại đây và là máy 36 ly hẳn hoi…”.

- Chốc nữa, mời anh cùng tôi đến câu lạc bộ xem phim.

Câu lạc bộ là một “sam” dài hình chữ nhật, sàn lót bằng lồ ô chẻ thành từng miếng, kết nên vạt dài, kê cao hơn mặt đất một mét, có thể vừa là giường ngủ cho khoảng 20 người vừa là câu lạc bộ. Khi hai chúng tôi vào thì anh em đã tề tựu đông đủ, những đầu thuốc cháy đỏ trên môi và họ đang uống trà. Tôi kín đáo quan sát, không thấy điện đóm gì cả, máy chiếu không thấy đặt ở đâu.

Một đồng chí được gọi là chuyên viên ánh sáng, chất thêm củi vào đống lửa cho bùng lên soi rõ khuôn mặt xem chừng có vẻ hào hứng. Cậu ta làm công việc này rất thành thạo. Đảo mắt tìm khắp một lần nữa, tôi chợt nhận thấy có một vật trang trí là lạ, tận cùng vách sam là cái mền “con rồng” căng thẳng bốn góc như một tấm màn bạc. Tôi nín thở, hồi hộp chờ đợi…

Hóa ra, máy 36 ly là một anh chàng dáng nhỏ thó, trông có vẻ lắm lời, rất nhanh nhẹn. Anh ta có một cái miệng rộng và có duyên. Mỗi lần anh ta nói, ta liên tưởng anh đang cười, hài hòa khuôn mặt nhờ đôi mắt tinh anh; anh đội một cái mũ quá khổ, phủ cả tai, đứng trước màn ảnh “mền con rồng” vừa là “phòng máy”, miệng oang oang:

- Kính thưa các đồng chí, hôm nay, Câu lạc bộ chúng tôi hân hạnh trình chiếu bộ phim. Mặt trời trắng trên sa mạc, phim truyện Liên Xô, đạo diễn… xưởng phim… diễn viên… trong vai… diễn viên… trong vai…

Sau đây là nội dung phim:

“Chiến sĩ hồng quân Liên Xô, đại úy Cronít, sau khi tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đã được tặng thưởng nhiều huân chương… và bây giờ, trên đường về thăm lại quê nhà có người vợ trẻ đang chờ đón… Độc hành qua biết bao đường đất xa xôi, có lúc phải băng qua một sa mạc nóng bỏng, mênh mông hiu quạnh…”.

Máy chiếu tiếp tục kể giọng khi trầm khi bổng, anh đứng dậy với tay lấy một chiếc khăn rằn được gói thành quả mướp tượng trưng cho chiếc “xà cạp” của lính, quấn chéo người, ánh sáng lửa rừng chập choạng, lung linh, in hình một người đang độc hành trên chiếc mền lờ mờ, làm cho tôi có cảm giác thật rõ ràng: nhân vật Cronít nào đó đang băng qua sa mạc cháy bỏng, đôi chân thì dấn bước, mắt hướng về quê nhà… Trong khi đó, máy 36 vẫn làm việc đều đều… và giọng nói trở nên đầm ấm, tha thiết của máy 36: “Em yêu dấu! Anh lại trở về đây với em sau bao ngày hiểm nguy xa cách…”. Dãy khán giả im lặng, bao trùm lên không khí nhớ nhung tha thiết, tôi nghe dường như có tiếng thở dài…

Thật tài tình, vừa phải tôn trọng sự trung thực những lời đối đáp của các nhân vật trong phim, vừa phải đóng vai tất cả, phải bắt chước điệu bộ, giọng nói của các nhân vật một cách tượng trưng, đồng thời phải xen lẫn cả thiên nhiên không sót một chiếc lá rơi, một gợn mây.

“Dọc đường, khi đến đồn Công an biên phòng của một đơn vị hồng quân. Biết đoạn đường nguy hiểm, vì có bọn phỉ và đồng chí Cronít không có vũ khí, chỉ huy đồn cho một người lính giao liên trẻ đưa đồng chí đi, khi hai người vô tình ngủ đêm trong một căn nhà hoang, cũng là sào huyệt của bọn phỉ, vì bất cẩn nên đồng chí giao liên bị giết”. Đến hồi gay cấn, máy quay phim bèn dừng lại. Anh em nhao nhao lên: - Rồi sao nữa, nói đi!

- Đồng chí ấy chưa hay bạn đồng hành bị giết và bọn cướp đang rình rập giết nốt anh ta (một khán giả ra vẻ hiểu biết nói tiếp thay máy 36 ly).

Máy quay phim đằng hắng lấy hơi và tiếp tục: - Đồng chí Cronít thấy thèm một điếu thuốc.

Một số anh em đã “xem phim” rồi nhao nhao phản đối: - Ai lại đang lúc đề cao cảnh giác chiến đấu, lại thèm thuốc?

- Vậy chớ không có thuốc, máy làm sao quay tiếp được!

Cả hội trường cười ha hả, thông cảm. Tôi biết ý, vội đẩy bao thuốc Đà lạt xuất khẩu về phía “màn ảnh”, sau khi rít một hơi dài, đầu thuốc đỏ lên, hớp một ngụm trà, máy quay 36 ly lại chạy đều đều: “Trong đợt đụng độ đầu tiên đẩy lùi bọn phỉ, trả thù cho đồng chí mình. Cronít đã chiến đấu gan dạ, dũng cảm”. Bằng hai ngón tay trỏ và giữa, ngón áp và ngón út co lại, tượng trưng cho khẩu súng lục; hai con mắt linh lợi, tập trung cho điệu bộ khẩn cấp, chính xác; mồm thì tung ra từng loạt âm thanh của từng loại súng, hàng tràng tạch tạch đùng đùng ầm… là súng tiểu liên và tạc đạn của bọn phỉ, và từng viên ình chéo… là súng lục của đồng chí Cronít. Tôi thấy rõ cảnh cát bay, đá chạy trong căn nhà hoang đầy thuốc súng… Lòng tôi chợt dâng lên hào khí… Tôi chợt nhận ra, tay tôi nắm chặt, môi mím lại lúc nào không biết. Cả hội trường anh em cũng nhấp nhỏm, hồi hộp… Ngưng diễn tả một chút, để kể tiếp nội dung truyện phim. Máy quay sang giọng kể lể: “Đồng chí Cronít, chiến sĩ hồng quân, sau khi đã tham dự cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, ở quê nhà người vợ trẻ đang ngóng trông, đồng chí được quyền về nhà hưởng thanh bình hạnh phúc, nhưng khi gặp bọn cướp của giết người hà hiếp dân lành, tuy không phải là nhiệm vụ của mình, đồng chí đã gan dạ đơn độc chiến đấu, tiêu diệt bọn phỉ. Việc làm này chứng tỏ người cách mạng không bao giờ ngơi nghỉ…”.

Đến đoạn Cronit chiếm sào huyệt gặp bảy cô vợ của tên cướp múa cảm ơn, máy quay phim mô tả chi tiết quần áo, màu sắc sặc sỡ vùng Trung Á, Tiểu Á, vừa nhại giọng các cô gái bằng những tiếng rất buồn cười như Maca, Rin-i, Ê-mê-ơ-ngơ … lên xuống trầm bổng. Không biết chuẩn bị từ lúc nào, máy 36 ly rút chiếc khăn sa đội lên đầu với vũ điệu õng ẹo, một tay chống vào hông, một tay đưa lên như lượn sóng, mông đong đưa, làm chúng tôi cười nôn cả ruột.

Đoạn cuối, khi chúa phỉ qui tụ đàn em trở lại đánh Cronit để trả thù. Đồng chí Cronit chiếm lĩnh điểm cao thuận lợi, đẩy lùi những mũi tiến của phỉ. Vẫn như lần trước, tiếng súng nổ inh tai, đủ các loại. Tiếng súng thưa dần rồi dứt. Anh em nóng lòng: Bộ hết đạn hả, bọn phỉ đông quá mà? – Không, đồng chí Cronit cảm thấy buồn ngủ… Anh em nhao nhao thì Đội trưởng đã chuyển tới máy quay một ly cà phê Daknông đậm đặc, thơm lừng. Tạm giải lao. Tôi thấy trên trán máy quay long lanh mồ hôi dù lúc đó đang lạnh. Phim chiếu thêm mười lăm phút nữa là kết. Hạnh phúc đến cho người chiến sĩ. Ai nấy đều hả hê, lục tục về “sam” mình.

Bên ngoài, trời sương lạnh, ánh trăng non sắp lặn sáng nhờ nhờ, gió rừng rít qua các liếp lồ ô, những ánh chớp vạch những đường nhì nhằng, báo hiệu ngày mai mưa. Tiếng gà rừng gáy te te…

Tôi và Đội trưởng sóng bước về sam, trước vẻ ưu tư của anh, tôi thấy cần phát biểu trước: “Tôi nghĩ rằng, đây chính là một loại hình nghệ thuật độc đáo, gần giống như lối kể trường ca Đam San của các dân tộc Tây Nguyên những đêm trăng, hay là sự kế thừa lối độc tấu thơ”. Anh ngắt lời tôi:

- Anh quá khen, tôi thì tôi nghĩ đơn thuần là hình thức sinh hoạt câu lạc bộ có ích. Anh hạ thấp giọng một chút:

- Anh biết không, tôi phát hiện ra “chiếc máy” này trong một dịp khá lý thú và nhờ đồng chí Đội phó Chính trị “cải tạo” nó và nâng lên thành một hoạt động “chính quy” cho đội. Như anh biết, đội tôi chuyên trách đốn lồ ô nhiều năm, hiện trường luôn luôn nằm xa nông trường. Tối nọ, đến giờ đi ngủ, tôi kiểm tra quanh các sam, gần đến sam Tiểu đội I, tôi chợt nghe một tràng như là tiếng Nhật đại loại như: Suzuki, Yamaha, Mazda, Kawasaki, Honda, Isuzu… tôi chưa hết ngạc nhiên thì tiếp theo đó, một tràng tiếng Tàu cũng có vẻ giận dữ, và những tiếng động trên sạp giường làm như có ai đang múa may quay cuồng, quần thảo dữ dội. Bước vào, thấy một số anh em, kẻ nằm, người ngồi đang chăm chú xem máy 36 ly đang đánh võ Tàu. Qua những thế võ bí hiểm, công phu, mồ hôi anh vã ra … dù lúc đó trời se lạnh. Thì ra, máy 36 ly đang chiếu chui một bộ phim “trùm mền” Hồng Kông. Tôi phì cười. Anh Đội Trưởng kể tiếp:

- Thấy tôi vào, “máy” tỏ vẻ bẽn lẽn, ngưng lại. Tôi bảo cứ tiếp tục. Sau lúc ngần ngừ, máy tiếp tục quay hết phim. Vừa giận vừa thương, tối hôm ấy tôi không ngủ được, đánh thức đồng chí C phó bàn bạc…

  *   *

Vào mùng rồi, tôi vẫn còn thắc mắc:

- Thế những lúc không chạy kịp phim thì sao?

- Chiếu lại phim cũ. À quên, nói anh biết, máy 36 ly này đôi khi kiêm cả soạn giả kịch bản, làm đạo diễn, quay và đóng cả vai các nhân vật của mình. Những lúc bí phim quá, anh chuyển các tiểu thuyết nổi tiếng ra phim và đóng ngay, chiếu ngay!

Đêm tháng năm qua mau, ngày mới ở rừng tinh khôi như lọc, bình minh vươn lên từ những khe đồi, chảy vàng thung lũng sương. Hàng ngàn loài chim hát reo vang lừng, những cánh hoa rừng thơm lựng, đàn bướm muôn màu nhởn nhơ, thong dong, thiên nhiên tặng người ở rừng những khoảnh khắc tuyệt vời hiếm có của nó.

Len lỏi theo từng hộc lồ ô đã chất sẵn. Tiếng ai gọi “máy 36” vang động cả rừng. Tôi tìm gặp “máy 36” ngay tại A của cậu, chỗ vạt lồ ô già ven khe Hợp thủy. Chúng tôi ngồi trên thân cây gỗ lụt nằm chúi ngọn xuống dòng suối. Cậu ta là T. con út của một công chức thời trước, máu mê ciné nên không đỗ vào đại học. Anh ở nhà một năm rồi tình nguyện vào TNXP cách đây hai năm. Về sau, khi chúng tôi đã thành thân tình, anh bày tỏ niềm ước mơ sẽ theo học một trường nào đó về điện ảnh sau khi mãn hạn TNXP.

Hai năm gần đây, bộ mặt Tây Nguyên thay đổi diệu kỳ, các nông lâm trường ngày càng nhiều, đất vỡ hoang ngày càng rộng. Tôi không có dịp về Dốc Đỏ, không gặp lại T. lần nào. Tuần trước, hỏi thăm người bạn T. tình cờ gặp nhau ở Gia Nghĩa, tôi biết cậu ta đã xuất ngũ rồi… Tôi tiếc không nhớ địa chỉ cậu ta để tìm gặp khi về phép…

Bây giờ, mặc dù máy chiếu 36 ly đã được thay thế bằng Vidéo các hệ, đưa đi phục vụ tận những chốt đóng quân xa hàng tuần, nhưng trong lòng tôi, và chắc nhiều anh em, đồng đội của T. nữa, vẫn trân trọng những kỷ niệm về chiếc “máy 36 ly” trên Dốc Đỏ năm nào…

*    *    *

Tan xuất chiếu, mọi người ùa ra vội vã về nhà. Cuộc sống ở thành phố luôn có tốc độ gâm gấp. Tôi tần ngần đứng lại trước cửa rạp, bâng quơ ngắm những áp phích như đợi chờ ai, đến khi đứa cháu kéo tay thúc giục tôi mới nhớ là trời đã khuya.

Tôi chưa dứt khỏi những kỷ niệm về chiếc “máy 36 ly”, về Dốc Đỏ… Còn đứa cháu đang thắc mắc số phận của nhân vật trong phim vừa xem xong:

- Chú ạ, sau khi Eva quyết định chọn Ăng-đrây, thì Henry người tình đầu của Eva vừa đoạt giải nhất piano cảm thấy thế nào?

Tôi trả lời một câu chẳng ăn nhập vào đâu cả:

- Ông ta cảm thấy thèm một điếu thuốc.

Cháu tôi há hốc mồm.

TRƯƠNG VĨNH HÒA


Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên Internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
GHI CHÉP VỀ MỘT CHIẾN DỊCH TRÊN BIÊN GIỚI TÂY NAM - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-15)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á