|
CHÂU ƠI! - Nguyễn Đông Thức. Kỳ cuối
Điều đó đúng là tôi không thể biết. Hay biết quá muộn. Trong câu chuyện giữa tôi và Châu, dường như bao giờ cũng là quá muộn. Người ta đem Châu và các bạn đi đã lâu rồi, tôi vẫn còn thẫn thờ quang trảng, nơi vẫn còn những mảng cỏ dập nát, loang lổ máu, vương vãi mấy mảnh quần áo bị xé vội.
Đây là nơi Châu đã nằm, mắt mở lớn như muốn thu lấy lần cuối cái khoảng trời xanh mà em từng muốn được hóa thân hiến dâng cho những đứa trẻ. Những giọt máu của em nhỏ lên đó càng làm cho màu đỏ xanh hơn. Chắc em đã đau xót lắm, đã khổ sở lắm phải không Châu? Một chút mất cảnh giác mà suốt đời ân hận. Bọn quỷ lẩn đến và lẩn đi quá nhanh. Đủ để giết bảy cô gái. Giết theo cái cách của chúng.
Tôi đã biết, nhưng biết quá muộn. Sợi dây chuyền mắt xích mảnh mai bị giật đứt ném cách đó ba mét mà tôi nhặt được, vẫn còn mang con cá do tôi nắn nót khắc từ một mảnh trái bã đậu khô để tặng Châu ngày nào. Sợi dây chuyền mà trước đó một lần tôi đã tình cờ thấy mang một cây thập tự nhỏ.
- Chỉ là vật kỷ niệm thôi.
- Kỷ niệm gì?
- Kỷ niệm một thời mình chưa biết tin ở chính mình.
- Thế bây giờ Châu đã tin ở chính mình chưa?
- Có Thanh niên Xung phong nào không tự tin đâu anh?
Từ bao giờ Châu đã thay vật kỷ niệm đó bằng con cá mà tôi không hề hay biết? Từ bao giờ Châu đã viết những dòng chữ như thế này trong cuốn nhật ký bìa xanh đề lại tận đáy ba lô mà mỗi trang giờ đây tôi đã thuộc lòng:
“Nhưng anh ấy có yêu mình không? Có biết lúc này mình nghĩ đến anh ấy quá nhiều không? Hôm qua anh có hỏi mình: Khi rời Thanh niên Xung phong, Châu muốn gì?. Không phải mình dối anh khi trả lời: “Châu muốn đi học tiếp”. Đó là một trong những ý muốn cho sau này. Nhưng còn điều khác nữa là rồi anh sẽ ở đâu, Châu ở đâu. Thanh niên Xung phong như một ngôi trường mà bạn bè từ nhiều nơi tụ lại, để rồi cuối cùng mỗi người lại sẽ ra đi giúp ích cho đời. Ngày đó Châu sẽ xa anh trong khi Châu chỉ muốn gần anh. Nhưng làm sao anh yêu Châu được. Anh đi Thanh niên Xung phong như dạo chơi, sao cũng được, mà đâu cũng vậy, làm việc hết sức mà như không hề cố gắng, nổi bật trong mỗi phong trào mà như chẳng có gì sôi nổi, lúc nào cũng trầm tĩnh và thản nhiên, có phải vì biết rằng sau này trở về anh lại có một cuộc sống dễ dàng với những cô bạn xứng đáng. Họ vẫn viết thư cho anh. Châu biết. Như vậy là họ vẫn còn hy vọng. Châu biết. Còn Châu, càng ngày càng xấu xí hơn. Liệu sau này trở về Châu có trắng như xưa không nhỉ? Những vết chai có mềm lại, những vết sướt vì gai mắc cỡ và le rừng có mất đi? Tóc đen và mềm mại như thời đi học? Chắc là không, cũng như chắc là anh đã và sẽ không yêu Châu đâu. Châu biết. Tốt nhất Châu nên quên anh. Nhất là trong lúc này. Nhiệm vụ còn nhiều và ác liệt quá…”
Liên đem cuốn nhật ký bìa xanh lại đưa tôi:
- Anh hãy xem tập nhật ký Châu để lại. Anh giữ luôn cũng được, vì có lẽ Châu biết dành cho anh…
Tôi đã muốn điên, muốn khóc trước những dòng chữ ấy. Tình yêu, lúc ấy tôi đã quá đủ kinh nghiệm để hiểu rằng đâu thể bền chặt và sâu sắc chỉ vì những nhan sắc mỹ miều, những điệu bộ thú vị và những lời nói âu yếm bên ngoài. Chỉ có một mối tình đúng nghĩa khi người ta đã cùng chia sẽ với nhau những ngọt bùi và đau khổ, cùng khắc khoải lo âu và hy vọng đợi chờ… Chúng tôi yêu nhau từ lâu và Châu đã im lặng. Điều đó không thể trách Châu, vì Châu chưa hiểu được cuộc sống bên trong tôi đã thay đổi như thế nào. Nhưng còn tôi, tại sao tôi lại không hiểu tấm lòng đơn giản của Châu? Tại sao tôi không hiểu rằng trái tim hiếm khi nhìn lại dĩ vãng mà chỉ khởi sự rung động từ hiện tại, từ cái giây phút những người yêu nhau được gặp nhau, sống và chia sẻ với nhau những lo âu khát vọng, rồi dần dà tìm thấy trong nhau những gì mà dường như họ đã âm thầm tìm kiếm từ lâu lắm?
Và tại sao tôi lại chưa chịu nói gì hết? Chỉ vẻn vẹn có ba tiếng vậy mà chưa bao giờ tôi nói được với Châu, và sẽ không bao giờ nữa. Tại sao đã có thời tôi dễ dàng nói yêu người khác khi lòng không mảy may rung động, còn bây giờ chẳng những ngậm câm mà còn trá hình như một kẻ vô tâm, dù trái tim cứ quặn đau vì bị kềm nén? Tôi đã mấy lần tự hẹn rồi lại thất hẹn. Đúng là ngoài việc tự nghĩ khó mà được Châu yêu còn có sự hiện diện của một cuộc chiến ác liệt mà chúng tôi đang ngày đêm phục vụ. Mỗi ngày chúng tôi vác bao nhiêu tấn đạn ra phía trước và đưa bao nhiêu thương binh tử sĩ về. Nhiều đồng đội đã ngã xuống. Không nên nói chuyện tình yêu ở nơi mà ranh giới giữa sống và chết chỉ là một bước mỏng manh.
Nhưng chúng tôi đã không biết một điều khác. Là ở giữa bom đạn, tình yêu càng mãnh liệt hơn. Khi biết rất rõ ngày mai mình sẽ thức dậy lúc mấy giờ, ăn sáng – đi làm – vào ca – nghỉ trưa – tan sở… lúc mấy giờ, mấy giờ hẹn nhau đi chơi ở đâu… thì tình yêu sẽ có vẻ bình thường đến mức nhiều người ở thành phố có thể không nhận ra được cái giá của nó. Còn chúng tôi, tại sao chúng tôi vẫn không thể có được điều đó, khi mỗi ngày đối với chúng tôi đều có thể là một ngày chia tay?
Châu ơi.
Giờ thì mình chia tay đã hơn hai năm rồi. Chia tay mà lúc nào như cũng có Châu bên anh. Châu thường ngày với bộ đồng phục bạc trắng trên hiện trường. Châu một chiều bên dòng kinh nước chảy lăn tăn, áo bà ba trắng và tóc mới gội thơm ngát hương chanh, ngồi kể anh nghe chuyện những đêm mới xa nhà nhớ má khóc thầm thế nào. Châu sáng rực bên ánh lửa hồng những tối liên hoan đứng hát “Tuổi em vừa tròn đôi mươi mười tám…” Châu bặm môi với hòm đạn nặng trên vai đi năm cây số đường rừng… Lúc nào cũng vẫn Châu đó. Mưa như nắng, ngày như đêm, bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, trên chốt, dưới hầm hay ở trận địa… Sau ngày chia tay không bao lâu, anh đã lao vào bộ đội, đã đi qua bao nhiêu rừng cùng bao nhiêu núi bao giờ cũng vẫn có Châu bên cạnh, âm thầm mà bền bỉ như chính mối tình đã dành cho nhau.
Một hôm, trong một lần tâm sự, chính trị viên đại đội đã hỏi anh:
- Tại sao ở Thanh niên Xung phong, đồng chí đã không xin chuyển ngành về một cơ quan nào đấy ở thành phố, mà lại xin qua bộ đội?
- Vì tôi có một món nợ lớn với bọn này…
- Tôi hiểu. Nhưng nếu chỉ vì nợ riêng thì chưa đủ. Một người lính cần phải hiểu rất rõ vì sao mình cầm súng. Tốt nhất hãy chiến đấu vì tình thương chứ không chỉ vì căm thù…
- Khi tôi đến Lê Minh Xuân lần đầu vào tháng 9 năm 75, ở đó chỉ là một vùng đồi phèn chua đỏ, lầy lội, đầy những hố bom và năn lác. Ngày nay, một người bình thường đi qua nông trường thơm rộng mênh mông đó có thể chỉ thấy thích mắt trước những con kinh xanh xanh thẳng tắp ngang dọc đan nhau bọc lấy những líp thơm dài mút mắt lô nhô ngọn lá. Còn chúng tôi thì sao? Không chỉ tự hào khi cầm trên tay những trái thơm đầu tiên xanh vàng ngòn ngọt chua chua rát lưỡi đâu. Có một cảm giác gì đó rất kì lạ. Thậm chí có người đã khóc. Bao nhiêu là mồ hôi, trí tuệ, khổ đau, trăn trở, dằn vặt và hy vọng… Có lẽ anh đã hiểu những giọt nước mắt đó. Vậy mà sau đấy lại có nhiều người khóc hơn khi được phân công ở lại tiếp tục những công trình dang dở, trong khi các bạn mình lên đường ra biên giới phục vụ chiến trường. Có lẽ anh cũng hiểu tại sao… Tôi kể tất cả những điều đó để anh khỏi phải lo ngại cho tôi, hoặc bất kỳ một người nào đã từng ở Thanh niên Xung phong, về động cơ cầm súng khi người ấy đã tự nguyện. Thú thực với anh là trước đây tôi không thích chiến tranh, không thích làm lính. Trước đây, có nghĩa là thời cũ. Bây giờ càng không một ai bảo tôi phải thích chiến tranh. Nhưng cũng bây giờ sau những năm ở Thanh niên Xung phong tôi đã hiểu việc mình cầm súng đi ra phía trước sẽ hết sức cần thiết nếu có kẻ muốn vào đây chiếm đoạt, tàn phá, tiêu hủy những gì mà mình hết sức trân trọng.
Châu ơi.
Không phải chỉ từ khi mất Châu, anh mới nhận ra được điều đó. Cái chết của Châu làm bùng thêm trong anh ngọn lửa của lòng căm giận cùng nỗi thôi thúc lên đường, để trả thù và để gìn giữ những ước mơ của mình và đồng đội. Anh ra đi với hành trang đó đủ chưa Châu?
Có một lần, khi Châu cho biết muốn sau này về được đi học lại, anh đã hỏi đùa:
- Vậy là không phải lúc trước Châu đi Thanh niên Xung phong vì chán học à?
- Không đâu anh, phải nhận là Châu có bị cuốn hút. Nhưng Châu không hề tiếc về quyết định đó của mình đâu. Chỉ có điều là càng đi qua nhiều nơi khổ nghèo của đất nước, mình càng thấy cần phải học nữa mới phục vụ được tốt hơn.
- Vậy là cuối cùng cũng một ước mơ thôi.
- Anh muốn nói gì?
- Nghĩa là làm sao cho nước mình được giàu đẹp hơn.
- Chứ sao? Ai trong chúng mình không muốn vậy?
Châu hãy yên tâm. Đúng là ai trong chúng mình cũng muốn vậy, và những ước mơ đó của em, của chúng ta, anh cùng đồng đội vẫn đang tiếp tục thực hiện, dù ngày nay mỗi đứa mỗi nơi, Liên, Minh, Hương, Mai… đều được chuyển về hoặc đi học bổ túc công nông, hoặc công tác ở một cơ quan nào đó. Bọn con trai cũng vậy. Nhưng bạn bè không ai quên Châu và những ước mơ củ Châu đâu. Như sẽ không ai có thể quên được những ngày chặt tre, cắt tranh, lợp nhà, phá rừng, đốn tràm, bắn leng, chạy ki, đẩy mạ, gặt lúa, trồng thơm, làm ngầm, thông đường, dựng cột, tải thương, gánh đạn… Sẽ không ai quên được những tiếng cười hồn nhiên, giọt nước mắt đậm đà, câu hát say sưa, điệu múa rộn ràng đêm đốt lửa ở rừng nghe bạn ngâm thơ, giao thừa đầu tiên xa nhà ngồi quanh nồi bánh tét lần lượt chúc nhau… Những lớp học văn hóa dưới ánh đèn dầu lù mù, những đêm thắp đuốc đào kinh đến sáng. Những ngày triệu trạo nhai bột mỳ luộc chấm nước muối rồi nhìn nhau mà cười. Những trăn trở với khuyết điểm đầu tiên sắp đưa ra tập thể, những rèo hò hể hả mũ nón tung trời khi dứt điểm một tuyến kinh, hợp long xong một con đê ngăn mặn quá đỗi gian nan. Những gặp gỡ và chia tay…
Muôn vàn kỷ niệm ngọt ngào ấy đã thấm đượm thành một phần máu thịt người Thanh niên Xung phong để dù anh ấy, chị ấy một ngày nào đó có thay đi bộ áo thân quen của mình, họ cũng vẫn là một người Thanh niên Xung phong đúng nghĩa. Họ sẽ không thể sống ngược lại với những kỷ niệm đẹp nhất của một thời đẹp nhất.
Châu ơi.
Và riêng anh, anh còn có bao nhiêu kỷ niệm với Châu. Những kỷ niệm riêng thường sống lâu hơn kỷ niệm chung. Và Châu có thể yên tâm, biết rằng anh đã thực sự hòa nhập được với cuộc đời mới từ lâu rồi. Không còn gì để Châu sợ nữa, kể cả bọn ma quỷ và cuộc chiến tranh mà chúng gây ra đã làm chúng ta phải ngần ngại khi muốn tìm đến nhau, để rồi quá muộn. Nhưng muộn gì nữa, tất cả đã qua rồi, đâu còn gì cần thiết nữa, phải không Châu? Châu đã yêu anh đến hết đời, và anh cũng vậy. Như thế đã là quá đủ.
Châu ơi.
Hãy yên nghỉ. Một ngày, anh sẽ trở về, đặt lên mộ Châu một cành huệ trắng và trong bóng chiều đang xuống trên nghĩa trang buồn hiu, anh sẽ thầm thì một lần duy nhất cho Châu nghe cái điều mà đã hàng nghìn lần, anh tự nói với mình.
Anh yêu em.
Nguyễn Đông Thức - Kông-pông-Chàm tháng 10.1980
Hình ảnh sưu tầm từ internet, chỉ có tính minh họa. Xin chân thành cám ơn các tác giả.
|
|