Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CÁC CÔ GÁI THẬT TUYỆT VỜI - NGUYỄN NHẬT ÁNH. Kỳ 2.

Quả thật, một lần nữa tôi xin nhắc lại lời thề danh dự khi nãy là tôi không biết làm thơ. Còn cái bài “chân mọc rễ” chết tiệt ở trên kia mặc dù mang tên tôi đàng hoàng y như nhãn rượu xuất khẩu nhưng không phải do tôi sáng tác. Nói cho đúng ra, thì bài thơ đó chỉ có phần xương là của tôi, còn các phần còn lại như gân thịt da… để giúp cho nó trở thành một bài thơ là công lao của Hùng – thi sĩ, bạn tôi.

Hùng-thi-sĩ ở chung một tiểu đội với tôi, có tài văn chương trời phú, xuất khẩu thành thơ. Hùng làm rất nhiều thơ và thuộc rất nhiều thơ cho nên được thiên hạ đặt tên là Hùng – thi sĩ. Thơ của nó, theo như nó nói, thì thuộc loại bậc nhất hiện nay. Vào những buổi tối, khi tiểu đội nằm khểnh chờ đi ngủ thì Hùng-thi-sĩ thường ngồi bình thơ sang sảng cho anh em nghe. Nó bình thơ thiên hạ đã, rồi tới bình thơ mình, dĩ nhiên là bình thơ mình nhiều hơn, Và thơ nó, qua lời bình giải của nó, thì tôi nghe quả là bậc nhất thiệt. Nó cắt nghĩa rành rọt từng câu, từng chữ, phân tích những chỗ nào sâu sắc, mổ xẻ những chỗ “thần” của bài thơ, giới thiệu ý đồ vĩ đại của tác giả và nhờ vậy, tôi thấy nó đích thị là một nhà thơ lớn. Có lần tôi tò mò hỏi nhà thơ lớn “thơ mày thường đăng ở báo nào?” thì Hùng-thi-sĩ trả lời lúng túng và mơ hồ “À, à cũng đăng rải rác chỗ này chỗ nọ”. Thật là một câu trả lời rất thi sĩ, bởi vì rải rác chỗ này chỗ nọ có thể hiểu là đăng ở báo chí Thành phố, Trung ương, thậm chí nước ngoài nữa hoặc chỉ là đăng báo tường trong đơn vị cũng được. Đương nhiên là tôi hiểu theo nghĩa sau, nhưng không vì vậy mà tôi đánh giá thấp bài thơ của nó. Ngoài việc làm thơ, nó còn nổi tiếng về tài làm biếng. Nhưng vì quý trọng một tài năng nghệ thuật, anh em cũng châm chước cho nó ít nhiều.

Có lần đại hội làm báo tường nhân ngày kỷ niệm thành lập Đoàn 26/3. Hùng-thi-sĩ đương nhiên là tổng biên tập. Vị tổng biên tập ngoài việc viết bài còn phải đi thúc người khác viết. Nhưng tiểu đội tôi cứ lì ra, vì chẳng có ai chút năng khiếu nào về văn chương. Thấy tình hình găng quá mà kỳ hạn nộp báo đã tới nơi rồi, Hùng-thi-sĩ thộp cổ tôi:

- Mày làm một bài thơ cho báo đi!

Tôi nhăn nhó:

- Tao mà làm thơ? Hừ, nhè thầy chùa mà mượn lược!

Hùng-thi-sĩ nhăn nhó không kém gì tôi:

- Thì mày cứ làm đại đi! Nghĩ gì viết nấy. Có gì tao sửa cho!

Thấy nó nói sẽ sửa chữa, tôi hơi an tâm. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu muốn làm một bài thơ thì phải bắt đầu bằng cái gì, tôi hỏi nó:

- Viết gì là viết gì, mày?

- Thì viết về những buổi lao động, về đồng chí đồng đội, về tình yêu đất nước, về…

Tôi đó, bên ngọn đèn dầu tù mù, tôi nằm chổng mông trong mùng, thức từ mười giờ tối đến ba giờ sáng, để làm một bài thơ như sau:

Những mùa mưa

Chúng tôi vẫn đào kinh

Gió thổi lạnh ơi là lạnh

Mà chúng tôi vẫn không sợ

Lại còn hát lên cho ấm

Cuối cùng chỉ tiêu đã hoàn tất

Chúng tôi ra về rất là sung sướng

Vì đã đóng góp cho đất nước

Tất nhiên là lúc đó bài thơ không được sạch sẽ như tôi chép lại cho các bạn đọc hiện nay mà nó nhằng nhịt những nét tẩy xóa, lem luốc đến nỗi khi chép lại đưa cho Hùng-thi-sĩ, phải vừa dò vừa đoán từng chữ một cách khổ sở.

Hùng-thi-sĩ vớ được “bài thơ” của tôi như vớ được vàng. Ngay lập tức, nó bắt tay biên tập, sửa chữa trong nháy mắt, y như một thầy phù thủy thực sự, nó biến bài thơ của tôi thành một bài hoàn toàn khác hẳn đến nỗi khi đọc lại tôi không thể nào đọc ra những ý tứ của mình. Những câu “hoàn tất chỉ tiêu” “đóng góp cho đất nước” của tôi tự dưng biến mất đột ngột và thay vào đó là “những bàn chân mọc rễ” “tượng đồng Hy Lạp” gì gì đó. Dĩ nhiên bài thơ đó, sau khi thay da đổi thịt, vẫn đề tên tôi phía dưới. Lúc đầu tôi không chịu vì thấy kỳ quá nhưng Hùng-thi-sĩ trấn an tôi rằng những tác phẩm gửi cho báo chí bị biên tập là chuyện thường, không có gì phải ngại. Với lại, việc để tên tôi là nhằm chứng tỏ cho mọi người biết là tiểu đội của tôi không hề tiêu cực trong việc tham gia báo tường. Nghe nói như vậy, tôi nghĩ thôi kệ vì danh dự tập thể, tôi cho mượn đỡ tên tôi một lần cũng chẳng chết ai. Sau đó tôi quên béng mất “tác phẩm” của mình. Thành thử, khi nãy Tuyết gọi đích danh cái đề “Những bàn chân mọc rễ” mà tôi chẳng nhớ ra.

- Ủa, mà sao Tuyết biết bài thơ đó?

Tôi ngạc nhiên hỏi vì sực nhớ ra bài thơ đó đăng báo tường đơn vị hồi năm ngoái, mà Tuyết thì mới đổi về đại đội tôi gần 1 tháng nay thôi.

- Em nghe người ta đọc trên đài phát thanh.

Chết rồi, cha nội nào đem bài thơ đó lên đài phát thanh mà “giết” tôi như vậy. Tôi nhíu mày nghĩ ngợi một lúc rồi nhớ ra. Số là hồi đó có mấy tay phóng viên xuống đơn vị tôi để viết bài về những sinh hoạt văn hóa của Thanh niên Xung phong. Lúc đó, thấy họ đứng coi mấy tờ báo tường ghi ghi chép chép, tôi tưởng họ chỉ đưa tin đại khái thôi. Ai dè mấy cha lại chép nguyên xi bài thơ mang về đọc trên đài phát thanh. Vì thế mới xảy ra cớ sự bữa nay.

Tuyết làm sao biết được những ngóc ngách bí hiểm đó, cô ta nói với tôi, mặt mày hớn hở y như đứa trẻ:

- Hôm nào anh chỉ em làm thơ với nha!

- Thôi, thôi, tôi bận lắm! – Tôi vội vã từ chối, tóc gáy dựng cả lên.

Tuyết vẫn kỳ kèo:

- Buổi chiều anh bận làm gì mà bận? Rồi cả ngày chủ nhật nữa chi?

- Trời ơi, biết bao chuyện phải làm, chớ đâu có ở không được! Phải sửa chữa dụng cụ lao động nè, phải xóc vốc lại cái lán nè, phải tăng gia sản xuất nè, phải đào mương quanh nhà nè, phải…

Tôi hăng hái kê ra một lô một lốc những công việc mà một người làm cả đời cũng không xong, hy vọng Tuyết thấy vậy mà rút lui chuyện thơ ca đi cho rồi. Nhưng trước những hàng rào công việc của tôi, cô ta vẫn tìm cách chui qua như thường:

- Thì em qua làm phụ với anh. Vừa làm anh vừa giảng thơ cho em.

Tôi không biết phải làm sao. Bởi đường đường một nhà thơ có thơ đọc trên đài phát thanh mà từ chối nói chuyện với đọc giả hoài thì cũng kỳ. Tôi cố tình hóp bụng buông một tiếng thở dài chán ngán nhưng Tuyết làm như không nghe. Cô ta cứ nói chuyện thơ ca đến cùng:

- Anh thích bài thơ “Quê hương” không?

Ối, may quá, bài này thì tôi có biết! Hồi chưa đi Thanh niên Xung phong, tôi nghe chị tôi ngâm nga hoài. Lập tức, tôi sáng mắt lên:

- Bài “Tôi yêu quê hương vì có chim có bướm” chớ gì?

- Ừ, bài đó hay ghê anh há?

Tôi hứng chí và bỗng dưng thấy mình không đến nỗi mù mịt lắm về chuyện văn nghệ. Tôi hùng hồn nhận xét:

- Thơ của Nguyễn Trọng Lư thì hết sẩy rồi.

Nghe tôi nói, Tuyết ôm bụng cười đến chảy cả nước mắt. Thấy vậy, tôi đâm hoảng hốt nhưng không đoán ra tại sao.

- Anh lúc nào cũng giễu được! – Tuyết vừa cười vừa nói.

- Giễu gì đâu mà giễu!

Tôi nói lấp lửng để khỏi bị sơ hở thêm một lần nữa và chờ coi Tuyết trả lời như thế nào. Quả nhiên Tuyết mắc mưu tôi. Cô ta chun mũi:

- Vậy mà không giễu! Lưu Trọng Lư thì anh sửa lại là Nguyễn Trọng Lư. Còn bài thơ “Quê hương” của Giang Nam thì anh lại nói của Lưu Trọng Lưu. Thiệt thua anh luôn!

Mỗi lời Tuyết nói như gáo nước lạnh đổ lên đầu tôi. Hú vía, may mà cô ta tưởng tôi giỡn chơi!

Thế là dọc đường từ đó về doanh trại, tôi không còn dám hé môi nói nửa lời về chuyện văn chương thơ phú mặc cho Tuyết cứ tía lia cái miệng. Tôi cứ ậm ừ trong miệng như ngậm phải nếp dẻo cho tới ngã rẽ vô bếp ăn đại đội. Chúng tôi chia tay nhau. Nhà thơ được ái mộ nhìn theo nữ độc giả của mình, lẩm bẩm: Xin đừng gặp lại! Còn tiếp.

Nguyễn Nhật Ánh


Hình sưu tầm từ kho tư liệu kho hình của LL.TNXP - TP.HCM. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á