Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

CÁC CÔ GÁI THẬT TUYỆT VỜI - NGUYỄN NHẬT ÁNH. Kỳ cuối.

Chúng tôi gặp lại dài dài. Đúng ra là Tuyết chủ động gặp tôi. Những lúc anh em ở hiện trường ăn cơm xong, Tuyết cùng các anh chị nuôi khác thu dọn thau chén cho vô nồi nhưng không về ngay mà còn ngồi chơi trên bờ kinh. Rồi chờ khi nào các tiểu đội tác chiến giải lao, Tuyết lại ngồi cạnh tôi, nói chuyện huyên thuyên.

Trong thời gian đầu, tôi vô cùng đau khổ về những cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ này. Không có gì cực nhọc, khó chịu cho bằng khi phải nói chuyện về đề tài mà mình hoàn toàn mù tịt. Có những lúc ngồi với Tuyết tôi nói không dám nói, đùa không dám đùa, cứ ừ à cho qua, thỉnh thoảng lại cười ruồi một cái vô duyên hết chỗ nói. Cứ mỗi lần nghĩ đến bài thơ “Quê hương” của thi sĩ Nguyễn Trọng Lư là tôi lại hồi hộp trong lòng, cứ muốn lỉnh đi chỗ khác cho yên thân.

  Nhưng dần dần tôi cũng quen với những cuộc tra tấn của người độc giả trung thành. Vả lại, thời gian cứ trôi qua mà chưa có gì đáng tiếc xảy ra. Đó cũng là nhờ tôi khéo giữ mồm giữ miệng. Cuộc nói chuyện của nhà thơ và người đọc diễn ra một cách ngược đời. Tuyết thì cứ tía lia về nhà thơ này, nhà thơ nọ, bài thơ này, bài thơ kia như thế cô ta là một nhà thơ chính cống, còn tôi thì cứ nghệt mặt ra như cậu học sinh nghe giảng văn.

Thế đấy các bạn! Trái đất cứ quay. Tuyết cứ thao thao. Tôi cứ ừ à. Tuyết vẫn nghĩ tốt đẹp về tôi. Cô ta cho tôi là một nhà thơ cực kỳ khiêm tốn, thích lắng nghe ý kiến của người đọc hơn là tự mình bô bô cái miệng, ba hoa khoác lác như những kẻ rởm đời. Tự nhiên, dưới mắt Tuyết, tôi có dáng dấp của một nhà thông thái nắm vững triết lý sống ở đời. Và nhà thông thái đáng kính đó, vì suốt ngày bận túi bụi việc đào kinh cuốc đất để xây dựng đất nước, nên đành phải tạm thời gác qua một bên ngòi bút tài hoa của mình. Còn tôi thì thú thật, càng ngày càng thấy dễ chịu. Hình ảnh của Tuyết mỗi ngày mỗi ngấm vào người tôi một cách âm thầm, y như muối ngấm vô cá, đến nỗi tôi không thể nào hình dung ra được cuộc sống của tôi lại thiếu bóng dáng Tuyết ngồi bên cạnh bàn chuyện… thơ ca.

Các bậc nam nhi trong đại đội đương nhiên là rất xôn xao về hiện tượng lạ lùng này. Không đứa nào hiểu được nhờ bí quyết nào mà một người không có gì xuất sắc như tôi lại quyến rũ được trái tim người đẹp. Thậm chí tụi nó còn thành lập cả một hội đồng để nghiên cứu xem cái duyên ngầm của tôi nằm chỗ nào trên người y như các nhà khoa học nghiên cứu về sao Hỏa vậy. Sau một tháng nghiên cứu, các nhà bác học si tình kia đi đến kết luận thống nhất là tôi chẳng có được một cái duyên gì ráo ngoài cái tài hì hục trong lao động. Mà nói đến lao động thì trong đại đội thiếu gì người ăn bứt tôi. Vậy thì dứt khoát là có một điều bí ẩn gì đó, đứa nào cũng nghĩ vậy nhưng chẳng đứa nào tìm ra.

Làm sao tụi nó tìm ra được trong khi chính tôi cũng điêu đứng vì cái “duyên” của mình. Quả thực, cuộc sống không phải bao giờ cũng gặp những lúc dễ dàng. Đối với tôi, đó là lúc Tuyết không chịu đựng nổi lâu hơn sự lầm lì của tôi đối với văn học. Đã đến lúc đức tính khiêm tốn trở thành một trở ngại trong việc xã giao. Trong những ngày này, Tuyết giận dỗi ra mặt.

Tôi lâm vào tình trạng không thể nào từ chối được nữa. nhắc lại thì xấu hổ nhưng, như các bạn đã thấy đấy, từ trước đến nay chỉ có Tuyết giảng thơ cho tôi nghe chứ tôi nào có biết gì đâu. Nếu lúc đó tôi thú thật hết đầu đuôi mọi uẩn khúc thì sự tình bây giờ dễ dàng biết chừng nào. Thà xấu hổ một lần mà sau đó tôi sẽ tự do thoải mái biết bao nhiêu. Ít ra như vậy tôi còn chứng tỏ với Tuyết mình là một người trung thực. Chắc cô ta cũng chẳng nỡ trách tôi. Nhưng bây giờ thì mọi sự đã tiến xa quá rồi. Tôi đã quen với việc đóng vai một nhà thơ không hề sáng tác rồi. Tôi đã quen đày đọa mình một cách sung sướng. Tóm lại, các bạn cũng đoán ra rồi đấy, tôi đã yêu. Chính vì vậy mà tôi không thể thố lộ điều bí mật kia được. Trong khi đó, dưới áp lực ngày càng tăng của Tuyết, có lẽ tôi phải nói chuyện văn chương với cô ta mất.

Trong cơn quẫn bách, tôi tìm tới Hùng-thi-sĩ. Thầy thuốc tiếp bệnh nhân một cách vồn vã:

- Mày khỏi lo chuyện đó!

Rồi Hùng-thi-sĩ vạch ra cho tôi một cách giải quyết cực kỳ sáng suốt. Chính nhờ biến cố ngàn năm một thuở này mà vai trò thi sĩ của nó được tôn lên và tài thơ trước nay âm thầm của nó được đem ra giúp đời cho nên nó tỏ ra rất nhiệt tình, hào hiệp.

Theo kế hoạch của nó, khi Tuyết lại đòi tôi chỉ cô ta làm thơ, tôi hiên ngang hứa hẹn:

- Chiều nay, Tuyết ghé qua sam tụi tôi đi, rồi mình sẽ trao đổi.

Y ruộng hạn gặp mưa, Tuyết reo lên mừng rỡ:

- Nhớ đó nghe!

Tôi gật đầu quả quyết:

- Nhớ chớ! Khoảng ba rưỡi nghe!

Sỡ dĩ tôi hẹn ba rưỡi là vì vào giờ đó, cả tiểu đội tôi nhảy ra sân chơi bóng đá, bóng chuyền hết. Chỉ có mình tôi và Hùng-thi-sĩ ở nhà.

Chiều, đúng ba rưỡi, Tuyết xuất hiện trước sân tiểu đội tôi:

- Anh Phà ơi! – Không thấy ai trong sam, Tuyết kêu to lên.

- Ơi! Tuyết hả? Vô chơi đi! – Tôi trả lời.

Nghe tiếng tôi, Tuyết mạnh dạn bước vào. Trong sam trống trơn không có một bóng người. Chính giữa sam là một bộ bàn ghế đóng bằng thân lồ ô dùng để tiếp khách.

Tuyết đứng ở giữa sam, ngó quanh:

- Anh ở đâu?

Tiếng tôi vọng ra từ sau bức vách cót ngăn khu vực tiếp khách và buồng ngủ:

- Tôi ở trong này nè! Tuyết ngồi chơi đi!

- Sao anh không ra ngoài này? – Tuyết thắc mắc hỏi.

- À, tôi hơi mệt! Tiếng tôi vẫn vọng ra từ cứ điểm chiến lược bí mật.

- Anh bịnh hả? Em vô thăm anh nghe! Tuyết vừa nói vừa chuẩn bị bước vô.

Tôi hấp tấp cản lại:

- Không được đâu! Đây là buồng con trai mà! Tuyết cứ ngồi ngoài chơi đi!

Giọng Tuyết có vẻ ngần ngừ:

- Vậy thôi để em về cho anh nghỉ mệt, bữa khác em qua vậy!

- Ồ không sao đâu! Tôi nói chuyện được mà. Tuyết cứ ở lại chơi đi. Bữa khác tôi bận dữ lắm.

Thấy Tuyết tính bỏ về, tôi cuống quýt nói một lèo.

Tuyết ngồi xuống ghế. Tôi biết điều đó nhờ nghe tiếng lồ ô kêu cọt kẹt.

- Nói chuyện gì mà kẻ ở trong người ở ngoài kỳ quá vậy nè!

Tuyết cười khúc khích.

Tôi trấn an:

- Nhằm nhò gì! Tụi tôi nói chuyện như vầy hoài. Thôi bây giờ tôi nói về thơ lục bát nghe!

- Sao bữa nay anh nhiệt tình dữ vậy/ - Tuyết có vẻ ngạc nhiên trước sự hăng tiết của tôi.

- A, không! – Tôi lúng túng – Tại hẹn lâu quá rồi nên bữa nay tôi muốn trả nợ cho rồi.

Không đợi cho Tuyết kịp ý kiến, tôi vào đề ngay y như thầy giáo giảng bài:

- Thơ lục bát là một thể thơ dân tộc. Lục là sáu, bát là tám. Tức là một câu sáu rồi một câu tám, rồi một câu sáu trở lại v.v… Cứ như vậy làm hoài đến khi nào mệt nghỉ thì thôi…

Tuyết cực kỳ ngạc nhiên trước sự diễn thuyết hùng hồn của tôi. Chắc các bạn cũng vậy chớ gì? Có gì đâu! Số là nấp đằng sau bức vách không phải chỉ một mình tôi mà có cả Hùng-thi-sĩ nữa. Tôi chỉ việc lặp lại những lời thì thầm mách nước của nó mà thôi. Tôi tiếp tục chứng minh tài nghệ trong bóng tối:

- Chữ cuối câu sáu bắt buộc phải vần với chứ thứ sáu câu tám và chữ cuối câu tám thì phải vần với chữ cuối câu sáu tiếp theo. Ví dụ như… lớn lên mày!

Tiếng Hùng-thi-sĩ đột ngột hạ xuống nốt trấm quá xá cỡ nên tôi không nghe rõ liền ghé tai nó, giục. Hổng dè tôi hỏi hơi lớn nên Tuyết nghe thấy. Cô ta liền hỏi:

- Lớn lên mày là sao anh?

Thiệt may, cô ta không khám phá ra trò cáo mượn oai hùm của tôi.

- À không! Ví dụ như câu “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Đó, chữ “ta” vần ngay chóc với chữ “là”, Tuyết thấy không?

Cứ thế, cái giáo trình thơ lục bát của tôi kéo dài đến nửa tiếng đồng hồ kể cả phần giải đáp câu hỏi của học sinh. Tiết học trôi qua trót lọt, xuôi chèo mát mái. Độc giả ra về thỏa mãn. Còn nhà thơ thiệt và nhà thơ dỏm đều vui vẻ vì sự thành công vượt mức của kế hoạch.

Tuy nhiên tôi không thể không lo âu khi nghĩ tới những ngày tiếp theo. Bởi vì trong khu rừng thơ ca rậm rạp kia đâu phải chỉ có mỗi một thứ cây lục bát mà hình như còn lắm thực vật cổ quái khác. Nhưng biết làm sao bây giờ. Thôi đành nhắm mắt đưa chân, phó mặc số phận cho Hùng-thi-sĩ.

Cũng như lần đầu, những tiết học văn tiếp theo được chúng tôi khéo léo bố trí đúng vào những lúc trong sam không có ai lai vãng.

Hùng-thi-sĩ tha hồ dẫn dắt Tuyết và tôi đi vào bát quái trận đồ của văn chương chữ nghĩa. Thôi thì từ ngũ ngôn, thất ngôn, song thất lục bát đến yết hậu, triệt hậu… chúng tôi hầu như lặn lội khắp các xó xỉnh ngóc ngách của thế giới thi ca. Không biết sự việc tráo trở này sẽ dẫn đến đâu nếu một hôm Hùng-thi-sĩ không chơi xỏ tôi một vố đau điếng.

Số là bữa đó, tôi đang “giảng” tới thơ tứ tuyệt thì Hùng-thi-sĩ mách tôi bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

Khi tôi nói bài này là thơ bốn câu theo lời Hùng-thi-sĩ thì Tuyết phản đối kịch liệt. Cô ta nói bài đó tám câu chớ không phải bốn. Tôi ngơ ngác ngó Hùng-thi-sĩ cầu cứu thì nó bảo là chỉ có bốn câu thôi. Thế là tôi lên mặt:

- Tôi đã nói bốn là bốn mà, Tuyết sao hay cãi quá!

- Anh nói sai rồi, bài đó tám câu lận.

- Bốn!

- Đây nè, để em đọc tiếp bốn câu sau cho anh nghe!

Tuyết đọc bốn câu cuối: “… một mảnh tình riêng ta với ta”. Tôi không hiểu ất giáp ra làm sao, lại nhìn Hùng-thi-sĩ. Nó vẫn đưa bốn ngón tay. Tôi liền gào lên:

- Tôi nói bốn là bốn mà!

Tuyết vặn lại:

- Vậy chớ bốn câu em vừa đọc thì sao?

Thấy cô ta nghi ngờ mình, tôi nổi nóng nói ngang:

- Dù có bốn câu đó thì bài thơ vẫn cứ bốn câu thôi!

- Anh nói gì kỳ vậy? Em có đọc bài này đàng hoàng mà. Không tin để bữa nào em về lấy sách lên cho anh coi! 

Câu nói của Tuyết chạm vào tự ái của tôi. Tôi giận lẫy:

- Thôi khỏi! Em có sách vậy thì coi sách đi, còn kêu tôi giảng thơ làm chi!

Tiết học chấm dứt trong một bầu không khí nặng nề cho cả hai bên. Thế là hết! Tôi cay đắng nghĩ thầm khi Tuyết lặng lẽ bước ra khỏi sam. Bước ra khỏi sam mà như là bước ra khỏi đời tôi.

Sau này tôi mới biết là hôm đó Hùng-thi-sĩ cố tình chơi xỏ tôi vì nó yêu Tuyết. Qua câu chuyện của tôi và Tuyết, Hùng-thi-sĩ là nhà thơ. Qua câu chuyện của tôi và Tuyết, Hùng-thi-sĩ phát hiện ra sở dĩ Tuyết có cảm tình với tôi vì cô ta tưởng tôi là nhà thơ. Và mọi việc lại xuất phát từ bài thơ “Những bàn chân mọc rễ”. Trong khi trên thực tế, tất cả những thành quả đó đều do bàn tay Hùng-thi-sĩ mà ra. Còn tôi chỉ là kẻ nhờ tài đóng kịch mà hưởng hết công lao của nó. Hùng-thi-sĩ nghĩ như vậy nên bữa đó nó quyết định chặt đứt sợi dây ràng buộc Tuyết và tôi bằng cách chặt đứt bốn câu cuối trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Và sau đó, cũng chính Hùng-thi-sĩ vạch trần sự giả mạo bất đắc dĩ của tôi ra trước vị độc giả duyên dáng kia đồng thời chứng minh cho cô ta biết nó mới chính là nhà thơ thứ thiệt, tác giả chính cống của những thứ cô ta yêu mến xưa nay.

Trong khi đó, giã từ ước mơ ngọt ngào, giã từ người độc giả thân thiết và dễ thương, tôi lao mình xuống lòng kinh hì hục đào đất với cái cuốc yêu quý trên tay, cố quên đi mọi đau khổ trong lòng. Thế đấy, cuộc đời vốn là như thế, đã biết thân biết phận mà vẫn cứ đèo bòng cho khổ.

Một buổi chiều, sau khi xắn độ lài bờ đê xong, tôi đứng chống mốc quan sát mái kinh xem có chỗ nào bị lượn sóng không thì bỗng nghe một tiếng nói dịu dàng bên tai:

- Anh Phà! Anh Hùng đã nói với em tất cả rồi.

Suýt nữa tôi té xuống kinh. Tuyết, phải, chính là Tuyết đứng ở bên cạnh tôi không biết tự hồi nào. Tôi không dám quay lại, sợ bắt gặp ánh mắt trách móc của cô ta. Trời ơi, tôi đã biết thân biết phận, đã tìm mọi cách trốn tránh rồi mà cô ta vẫn không chịu bỏ qua, vẫn quyết bắt tôi phải trả lời về mọi sự hay sao chớ! Mà đâu phải lỗi hoàn toàn ở tôi đâu. Lúc đầu tôi đã chối bay chối biến rồi mà cô ta cứ nhất quyết bắt tôi phải nhận là nhà thơ kia mà. Còn bây giờ thì cô ta cứ trở về với nhà thơ thực sự của cô ta đi, còn kiếm tôi hành tội làm chi nữa. Nghĩ tới đó, tôi giận dỗi thốt lên:

- Tôi đã nói ngay từ đầu tôi chẳng phải là nhà thơ gì ráo, ai biểu Tuyết không tin.

- Bây giờ thì em tin rồi.

- Bộ Tuyết định tìm tôi hỏi tội hả? – Tôi cay đắng.

Tuyết bỗng mỉm cười:

- Đâu có, em thích trò chuyện với anh.

Trời ơi, tôi nghe mát cả ruột như vừa nuốt một miếng dưa hấu. Nhưng tôi vẫn chưa tin vào tai mình. Tôi buồn rầu nói:

- Anh Hùng mới là nhà thơ. Ảnh là Hùng-thi-sĩ!

- Em không ưa anh Hùng. Ảnh lười quá. Lao động gì mà xin nghỉ hoài!

- Nhưng ảnh là nhà thơ. Tôi lặp lại.

- Kệ ảnh! – Tuyết mỉm cười. Em có cảm tình với anh hơn. Em thích tính cần cù tháo vát của anh.

Thế là tai tôi nghe đúng chớ không lầm. Người độc giả duyên dáng đã chọn tôi là “nhà thơ” của nàng chớ không chọn Hùng-thi-sĩ. Còn tôi, xin chia tay với sự nghiệp văn chương đau khổ của mình, chia tay luôn mặc cảm xấu trai. Hình như sự lao động quên mình đã đem lại cho tôi một cái duyên mới thì phải.

Tất nhiên, Tuyết chỉ mới có cảm tình với tôi thôi. Nhưng từ “cảm tình” tới y… thì mấy hồi phải không các bạn, miễn là từ đây tới đó tôi không giả bịnh để khỏi ra hiện trường như Hùng-thi-sĩ là được rồi. Ôi các cô gái thời buổi này thật là tuyệt vời! Tôi hứng chí, liều mạng thốt lên:

- Còn tôi, bây giờ và mãi mãi, dù đi đâu trên khắp các nông trường, hình dáng Tuyết vẫn nằm hoài trong trái tim tôi như nước nằm trong giếng.

Không biết tôi bắt chước ai mà lần đầu tiên trong đời tôi nói một câu nghe như thơ.

Hết

Nguyễn Nhật Ánh - 01.1984


Hình sưu tầm từ kho tư liệu kho hình của LL.TNXP - TP.HCM. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á