Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

KHI BÌNH MINH TRỞ LẠI - BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN – Kỳ 1.

Chiếc xe chồm lên lao vun vút trên đường như một “trận cuồng phong”. Cảm giác lâng lâng, thú vị của tiếng máy và tốc độ làm tay ga của tôi cứ mãi xiết vào. Những chiếc xe cùng đi trên đường hoảng hốt tấp sát vào lề lại làm tôi khoái chí hơn.

Kim đồng hồ chỉ tốc độ vượt hẳn con số 50.

- Bộ hết muốn ăn tết rồi hả? Đồ…

- Mẹ! Thứ ăn cướp.

Như bao lần khác hôm nay tôi lại nghe thoáng bên tai những “điệp khúc” vui vui ấy từ những khuôn mặt quạu quọ sau khi vừa giật mình, vừa tức tối. Làm sao lại hết muốn ăn tết được ông bạn. Trong khi hôm nay mới chiều mồng hai! Và thêm một điều quan trọng hơn là túi tôi đang căng phồng với món tiền vừa “trúng mánh” đầu năm. Thế là những tiếng chửi rơi phịch lại đâu đó phía sau và tôi cứ như mũi tên lao về phía trước. Phía trước nào là bia lon, là rượu mạnh, là gái đẹp, là vô vàn những lạc thú khác đang chứa đầy ăm ắp trong mớ tiền béo bở mà tôi vừa vớ được. Tôi nuốt nước miếng đánh ực và cứ thế lao đi.

Đường phố ngập tràn xác pháo và rộn rịp từng dòng người đi lại. Tiếng pháo và tiếng cười cứ vang lên như không bao giờ dứt. Những bộ đồ mới được dịp khoa trương, nhưng chậu hoa mai, anh đào… đua nhau khoe sắc. Tất cả những cái ấy kết lại thành một mùa xuân. Mùa xuân hạnh phúc thật sự giữa một thành phố lớn.

Cảnh nô nức của thành phố không làm cho trí não tôi lui về quá khứ. Ngược lại những thú vui cứ mãi làm tôi nô nức, hồn chồn. Kim đồng hồ chỉ tốc độ lại chỉ một con số khác, lớn hơn. Là một tay đua chuyên cá độ, tôi rất vững tâm.

Chợt trước mặt tôi, khoảng cách độ mươi mét một cô gái băng qua đường, rồi cô thứ hai, cô thứ ba… đến khi tôi kịp thoáng thấy một cô gái mặc áo trắng đi sau cùng thì không còn kịp nữa, khoảng cách và tốc độ nghịch làm tôi mất bình tĩnh do đó thay vì hãm bớt ga và đạp thắng thì tôi lại xiết chặt tay ga. Tôi chỉ kịp nghe tiếng la thất thanh của cô gái khi bị hất tung vào lề đường và chiếc xe mất thăng bằng, lảo đảo đâm sầm vào một vật gì đó, rắn chắc lắm! Tiếng máy hụ lên ghê rợn và ngọn lửa bốc cháy. Một luồng suy nghĩ chạy qua thật nhanh trong trí tôi “phải tẩu thoát ngay thôi”. Nhưng không thể làm gì được khi cả hồn lẫn xác tôi bỗng chốc chìm vào trong màn đêm dày đặc lúc kịp thấy những bóng người thoáng hiện xung quanh và sức nóng của ngọn lửa lám rát bỏng da thịt. Thôi, thế là hết! Xin vĩnh biệt mùa xuân và cuộc sống! Xin vĩnh biệt túi tiền và những thú vui! Tôi lấy hết sức còn lại để nâng cánh tay vạm vỡ của mình lên hầu bíu chặt lấy túi tiền, nhưng cánh tay như bị đeo chì, bất lực!

… Tôi giật thót người và run lên bần bật. Mồ hôi tuôn ra như tắm. Tôi mở to cặp mắt trố nhìn cảnh vật chung quanh rồi lại chớp thêm vài cái để định thần. Màu xanh của vách tường, màu trắng của tấm drap trải giường và dãi băng quấn kín một cánh tay của tôi. Thế là mình vẫn còn sống đây ư? Tôi cố gắng cử động nhưng không tài nào  nhúc nhích được, chỉ nghe tiếng rè rè của máy lạnh và hơi mát lọt vào mũi tôi chạy sâu vào trong buồn phổi. Tôi lại chìm người vào cơn mê, thoang thoảng đâu đó tiếng dao kéo chạm nhau và âm thanh cuối cùng tôi nhận được là tiếng rên khe khẽ của một người con gái.

*  *  *

Tôi tỉnh dậy giữa những lời bàn tán của các cô gái:

- Anh ấy bỏ về hơn hai năm rồi phải không?

- Ừ, đúng rồi. Trong cái đêm C mình bị tụi K tập kích ở suối Dây. Đêm ấy có năm đồng chí bị hy sinh. Cũng trong đêm ấy có anh Tùng C phó, Long A trưởng A 3 và Huấn hậu cần sau khi truy kích bọn K đã bị lạc vào rừng, mãi ba hôm sau mới tìm được lối ra. Lúc ấy C mình ai cũng ngỡ anh ấy hy sinh hay mất tích rồi chứ!

Tôi giật bắn người và cố nhắm nghiền mắt để tiếp tục lắng nghe. Mấy cô gái này là Thanh niên xung phong, họ đang nói về tôi. Nhưng tại sao lại ở đây, ngồi ngay bên giường tôi? Bao nhiêu câu hỏi, nhưng không thể nào tôi trả lời được. Tiếng các cô lại cắt đứt dòng tư tưởng của tôi:

- Bây giờ anh ấy làm gì nhỉ? Sao không thấy người nhà tới thăm?

- Năm 1976 anh  ấy đi Thanh niên xung phong được vài tháng thì cả gia đình vượt biên, nghe đâu chuýên đò bị chìm tàu, chết hết. Còn lúc anh ấy bỏ về thành phố thì đơn vị cứ ngỡ là mất tích nên trong ngày lễ thương binh liệt sĩ năm ấy C mình làm lễ truy điệu các đồng chí hy sinh có cả tên anh ấy nữa. Mãi sau này có người nói là gặp anh ấy đi ngoài Sài Gòn, nhưng trong đơn vị không ai tin.

- Tội nghiệp anh ấy quá, bị như vậy lại chẳng có người thân…

- Nghe bác sĩ nói ảnh còn nhẹ hơn Minh Thanh. Minh Thanh bị gãy ống xương chân và hình như bị chấn thương ở đầu nên mới xỉu lâu như vậy. Xui ơi là xui, nhằm ngày tết ngày nhứt mà đụng, lại là người nhà nữa chớ. Cũng may…

Người con gái tui đụng phải là Minh Thanh? Thôi chết rồi! Trước sau gì tôi cũng ngồi tù đến mọt gong khi ‘bà’ này tỉnh dậy. Ở đơn vị ai mà không biết ‘bà’ C trưởng nổi tiếng khó tính ấy. Hồi mới xuất quân tôi đã thấy khó sống yên khi ‘cốm’ của C tôi là một cô gái. Nói về tuổi tác thì ‘bà ấy’ thua tôi là điều chắc bẫm. Thế nhưng lúc nào tôi cũng thấy rét khi đụng mặt. Thời gian đầu tôi cũng vác rựa, vác búa theo anh em vào rừng trông có vẻ xôm lắm, nhưng chỉ một tuần sau tôi bắt đầu ngán ngẩm… nào vắt, nào muỗi, nào gai tre, nào đường xa, nào búa nặng! Nói chung tất cả những cái ‘nào’ ấy nó buộc tôi phải bắt đầu tính toán. Một diệu kế nảy sinh. Thế là tôi tập run lên bần bật giữa trưa nòng như thiêu đốt khi bóng đồng chí y tá thoáng hiện ở đầu lán. Tập gân cổ lên mà khạc ra những tiếng ho khù khụ quái đản khi đồng chí trực ban đi kiểm tra những “bệnh nhân” nằm tại lán trong giờ lao động. Tập rên, tập giật tay, giật chân, tập cho đôi mắt vốn sáng như sao của tôi phải lờ đờ ra vẻ thất thần thật sự. Cái màn kịch do tôi tự biên tự diễn ấy thế mà cũng thành công ghê gớm, đồng chí y tá phải nhiều phen sốt vó, trong những lần tôi biểu diễn. Những màn nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, khó thở… qua thời gian tôi biểu diễn cũng đã lạc hậu, nhàm chán. Tôi bắt đầu đi sâu hơn trong lĩnh vực y học: Sau một đêm khổ công tập luỵên, sáng sớm hôm sau tôi cho trình làng màn mới: Sốt rét cấp tính!

Sau những tiếng rên dạo đầu những thường lệ. Tôi bắt đầu lắng nghe những “khán giả” bất đắc dĩ bình luận:

- Rồi! Nó lại ăn vạ nữa. Thằng gì quanh năm…!

- Cha nội này coi ốm vậy mà yếu dự ta.

Một tiếng ‘xì’ nào đó kéo rõ dài:

- Bịnh mẹ gì, tao nghi quá…

Thấy có kẻ còn nghi ngờ, tôi bắt đầu biểu diễn thêm màn giựt gân: Những tiếng rên ai oán, não nùng được phun ra từ dưới mền to hơn, thêm vào đó những tiếng khọt khẹt y như hơi thở bị vướng lại nơi cổ họng làm mấy thằng đa nghi cũng nhất cũng phải chọt dạ.

- Mày sao vậy… Quang?

Tôi co rùm trong chiếc mền bông nặng trịch. Run, giật từng hồi như một con tôm càng sa lưới:

- La…a…ạnh quá!

- Trời vậy mà lạnh gì? Bộ mày lạnh giữ lắm hả?

Tôi trả lời câu hỏi thừa thãi đó bằng những tiếng lộc cộc lạch cạch liên hồi của hai hàm răng đánh vào nhau với một tốc độ nhanh chưa từng có.

- Tao nghi nó bịnh sốt rét quá.

Tôi thầm cảm ơn thằng bạn vừa chẩn đoán căn bệnh và chuẩn bị cởi tung những nút áo để chuyển sang màn hai thì một cái giọng đáng ghét nào đó làm tôi khựng lại:

- Sốt rét thì phải nóng nữa chớ. Nãy giờ nó run như cầy sấy vậy mà sốt rét gì.

Những giọt mồ hôi bây giờ đã bắt đầu tuôn, ướt đẫm cả mình mẩy đã mỏi nhừ của tôi vì xuất diễn vừa rồi. Mồ hôi rịu ra nhớp nháp, khó chịu vì cái mền bông dày, nhưng tôi ráng bặm môi chịu đựng. Tôi không thể chuyển từ  lạnh sang nóng khi thằng chết bằm nào đó vừa tuôn ra câu nhận xét chí lí đó được. Tụi nó sẽ nghi liền. Bệnh gì lại như có lỗ tai, nghe người ta nói lạnh thì run, nghe nói nóng thì tốc mền, tốc áo! Đâu được, tiếp tục trạng thái ban đầu.

Thế rồi cũng tới  lúc tôi chuyển sang màn hai. Tụi bạn nhốn nháo cả lên vì thấy người tôi ướt như tắm. Mặt mày phờ phạc, hơi thở gấp rút nhưng yếu xìu. Chúng gọi y tá toáng cả lên, tôi nằm lim dim lấy súc để tái diễn vở kịch trước cô y tá dễ thương và cũng dễ rơi nước mắt.

Nhưng cái tài sáng tác và diễn xuất của tôi chuyển về thể loại “bệnh nhỏm” trong Thanh niên xung phong lại bị gãy gánh ở lần ấy. Một lần khi tôi “lên cơn sốt”, cô y tá đặt ống thủy để biết nhiệt độ. Thừa lúc cô ta bỏ đi xuống bếp nầu cháo tôi vớ ngay  ống thủy, chốc ngược đầu và rãy lia lịa để cho thủy ngân chạy lên một con số cao hơn, vì tôi biết chắc rằng trong người tôi chẳng sốt tí nào cả. Chẳng may khi vừa thực hiện xong hành động “bịp bợm” đó, chưa kịp xem thủy ngân chỉ con số nào thì cô y tá trở lên, tôi tuồn ngay cái ống thủy trở lại chỗ cũ và rên hư hử. Nhưng thật xui cho tôi khi cô y tá lại để xem thì thấy ống thủy ngân bị đặt người, cô nhíu mày ra vẻ khó hiểu nhưng cũng đưa lên xem nhiệt độ. Trời đất ơi! Bệnh nhân sốt đến 45 độ C mà tôi vẫn tỉnh queo. Cô ta đưa tay lên sờ trán tôi. Chợt nhớ lại cử chỉ của tôi lúc nãy và không cần suy nghĩ gì thêm cô ta thu xếp tất cả thuốc men đang bày ra bên giường và trở về phòng riêng. Lúc ấy tôi đang nằm nghiền mắt nên có lẽ không thấy cái bĩu môi dài và xấu tợn trên khuôn mặt vốn rất dễ thương của người con gái. Tôi đực người ra và lúc này cơn sốt thật sự đã đến. Cả ngày hôm đó chẳng ai thèm đá động gì đến tôi. Đoán được lý do và tối hôm ấy tôi không đủ can đảm để “diễn xuất” nữa. Chờ một tai vạ khủng khiếp sắp sửa giáng xuống giữa số phận đen đủi của mình.

Sáng hôm sau thì tôi run thật sự khi đứng trước một trăm cặp mắt đang nhìn chăm chăm về hướng  tôi. Bà C trưởng, Minh Thanh bắt đầu vạch lá tìm sâu. Mụ ta tuyên bố rằng tôi là người đầu tiên sáng tác ra các vở “bi hài kịch” trên trong đơn vị và kể từ hôm nay những màn như vậy sẽ được chấm dứt vĩnh viễn. Làm như vậy là đi ngược lại con đường của tập thể, là bóc lột sức lao động của anh em, là phản bội, là… vân vân và vân vân. Tôi không đủ sức để tiếp thu những lời vàng ngọc của mụ ta nữa. Trong đầu tôi như có tổ ong, vo ve đến chóng mặt.

Kể từ hôm đó tôi bắt đầu tuyên chiến với mụ C trưởng đáng chết kia bằng cả “bầu máu nóng căm thù” đang sôi sục.

Cũng kể từ hôm ấy tôi được mụ ta chiếu cố thường xuyên. Thỉnh thoảng tôi được mụ ta mời lên phòng ban chỉ huy để “chầu phép lành”. Nếu là một đối tượng xấu xí như ma trơi, ăn nói sỗ sàng, thô thiển như hàng tôm cá… thì tôi sẽ chớp lấy thời cơ mà vặn lại không thương tiếc cái mụ vốn dễ ghét ấy, cho hả dạ! Thế nhưng thật là oái oăm. Đôi mắt của mụ ta mới hiện dịu làm sao, nhìn vào đó cơn “thịnh nộ” của tôi tự dưng nó bay vào đâu mất. Mụ không khua tay múa chân và khạc vào tai tôi những cây đinh nhọn hoắt như tôi vẫn thầm mong, ngược lại đôi mắt chúm chím xinh kia lại rót vào tay tôi những lời nhẹ nhàng, êm ái nhất. Thêm vào đó cái huy hiệu đoàn lấp lánh trên ngực áo như là một sức mạnh tuyệt đối nhất bảo kê những lời mụ ta nói. Và lần nào cũng như lần nào tôi chỉ biết nghe, gật, ậm ừ cho đến lúc Minh Thanh dợm đứng dậy và chúc tôi phấn đấu tốt hơn. Mỗi lần như thế tôi lại củng cố  lòng căm thù của mình bằng cử chỉ đứng phắt dậy, xoay người thật nhanh và nện gót chân thình thịch xuống nền đất vô tội vạ, đi ra.

Tôi không thể chịu đựng được nỗi “thống khổ” khi mỗi ngày lội bộ hàng chục cây số vác búa vào rừng và nhất là phải sống dưới sự kềm kẹp của “Bà nữ tướng” đang ra sức giáo dục, cảm hóa những phần tử như tôi. Thế là một tháng sau tôi đã tự giải phóng mình và ngày ngày nhởn nhơ ở thành phố. Thời gian ấy đến với tôi không lâu, chỉ hơn hai tuần lễ sau tôi lại vác ba lô lên trình diện đơn vị: Anh công an khu vực cứ chiếu cố đến nhà tôi mãi, từ khi tôi hiện diện bất hợp pháp! Và thế là lại lội bộ, vác búa, đồng thời phải “chầu phép lành”  hàng giờ trước bà C trưởng. Cuộc nội chiến vẫn diễn ra âm ỉ ngột ngạt giữa tôi và mụ nữ tướng dễ ghét nhưng… cũng có lẽ “hơi dễ thương” đó. Nàng đẹp. Tôi biết – Nhưng không đời nào!

Cuộc đời của tôi như con vụ cứ mãi xoay tròn. Hai tháng sau tôi nhận được những cái lắc đầu nhè nhẹ của “nữ tướng”: Thứ nhất gia đình không ghi rõ nguyên nhân về để làm gì. Thứ hai, tôi mới bỏ ngũ về, khuýêt điểm chưa kịp kéo da non! Thế là tôi lại tự giải quyết. Khi về đến nơi thì gia đình chẳng còn ai, căn nhà đã được niêm phong: Nhà vắng chủ, vượt biên! Xong. Anh công an khu vực gặp tôi thoáng ngạc nhiên rồi lắc đầu ngao ngán. Không biết làm gì hơn, một lần nữa tôi lại vác cái đầu nặng trịch lên đơn vị. Cũng may, ngày hôm sau thì toàn đơn vị được củng cố, mụ nữ tướng được chuyển sang nắm quân một đại đội khác. Thoát nạn.

Sau khi làm tờ tự kiểm đọc trong đại đội xong tôi lại mài mò những công việc thường nhật mà anh em chung đơn vị đã quá quen thuộc. Rồi cũng chịu được cái nắng, cái mưa. Đôi lúc tôi cũng  chợt nhớ đến thành phố nhưng…

Chiến tranh Tây-Nam bùng nổ. Đơn vị tôi được điều lên biên giới phục vụ chiến đấu. Một buổi tối K tấn công vào lúc anh em đang ngủ. Những tiếng nổ chát chúa vang lên giữa đêm đen. Tôi thấy máu rỉ ra ở một người nào đó! Thoáng chốc cánh rừng rền vang những tiếng nổ chết người lùi lại phía sau… và kể từ hôm ấy tôi vĩnh viễn xa rời đội ngũ.

Cái quyền lớn nhất của con người là được sống. Tôi được quyền đòi hỏi và thực hiện cái quyền thiêng liêng ấy. Tiếp tục ở lại để chết ư? Không đời nào khi tuổi tôi chỉ mới là con số chưa phải đáng âu lo của một đời người. Lứa tuổi của những ước mơ nồng cháy nhất, lứa tuổi mang tính chất quyết định cho những năm tháng còn lại của cuộc đời. Ở lại để làm gì?... chờ đủ niên hạn rồi trở về với tờ giấy chuyển ngành? Để trở thành cán bộ rồi vào Đoàn, vào Đảng? Để… Không! Bom đạn sẽ chẳng chừa một ai trong tầm sát thương của nó. Chiến tranh ai mà biết được. Bom đạn như lũ chó điên bất trị, chúng có thể cắn xé bất cứ người nào trên đường chúng gặp.

Trời sinh voi, sinh cỏ. Nhưng tôi thì cần cơm, cần bánh mì… do đó tôi đã thực sự lăn xả vào đời theo một nghĩa đúng nhất của nó để giải quyết những thứ cần thiết đó. Xả láng! Hai mươi mấy năm ở Sài Gòn là một điều kiện quan trọng nhất giúp tôi thỏa mãn yêu cầu ấy! Tôi thuộc làu làu từng ngõ hẻm, từng góc đường. Bạn bè thì đủ loại khác nhau và nhiều vô kể . Muốn kiếm tiền chẳng khó, nhưng móc túi, cướp giựt, ăn cắp vặt… thì tôi xin chào thua. Mẫu người như  tôi không phải để làm những chuỵên hạ cấp ấy, cho nên gần cả tháng trời tôi phải đi quanh ăn chực để kiếm việc làm. Vẫn cứ phải làm mặt chai để lần lượt đến từng nhà của những thằng bạn và sẵn sàng… từ chối qua loa rồi ngay ngắn ngồi vào bàn ăn. Cuối cùng số phận của tôi cũng lăn đến đích theo sự mong muốn. Số những thằng bạn tôi tìm tới để nhờ vã qua ngày cũng sắp hết, tôi sắp sửa đói và vất vưởng như con chó hoang. Giữa cơn hoạn nạn ấy thì một vị thần hạnh phúc. Hùng Rô-be là người trước đây có công dìu dắt tôi vào “lối sống mới” khi tôi còn là cậu học trò lớp 9. Lúc đó nhà giàu nên tôi dư điều kiện để bước vào “lối sống mới”, ấy theo sự hướng dẫn tận tình của nó – Thằng bạn hơn tôi bốn tuổi. Mẫu người nhỏ choắt, đoi mắt ti hí và cái miệng nhọn như mõm chuột thế mà nó lanh chẳng ai bì. Trong bất cứ chuỵên làm ăn nào nó cũng tỏ ra rất tinh ranh và bản lĩnh, bởi vậy chưa ai chơi ‘gác’ nó được. Nên mới gặp, sau khi nghe tôi tường thuật lại cái bi cảnh đáng thương của mình, nó búng tay một cái trốc, buông ra hai tiếng chắc nịch:

- Theo tao!

(Còn Tiếp)

BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN


Hình do tác giả cung cấp và sưu tầm trên internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á