Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

BÀ MẸ GIA-MA-HA-VU - LÊ VĂN NGHĨA

Nói một cách chắc chắn không sợ người khác bắt bẻ, thì Toản là người già nhất trong C (1). Sự thực thì cái tuổi già ấy mang nặng tính chất tâm lý hơn là thực tế tuổi đời anh đã trải qua. Gương mặt khắc khổ, gò má hơi cao làm cho cặp mắt dường như trũng sâu xuống, đuôi mắt có những vết chân chim như đuôi cá. Mái tóc đã lơ thơ điểm vài sợi trắng như làm tăng thêm cái dáng vẻ già nua khắc khổ của Toản.

Cái đêm đầu tiên đóng quân ở Lê Minh Xuân, chốc chốc, anh lại lẻn bạn bè mở cái bóp được bỏ kỹ càng trong ngăn ngoài của ba lô, lấy ra một tấm ảnh nhìn nó với cặp mắt chứa chan tình thương. Không biết một người nào đó, căn cớ, giựt lấy cái bóp của anh vì tưởng anh đang thầm nghĩ đến một cô gái xinh đẹp nào đó. Trước cặp mắt van lơn của anh, tấm ảnh được đưa lên cao như là một sự khám phá mới lạ. Nhưng ai nấy đều bất ngờ vì một gương mặt bụ bẫm, đang nhe hai hàm răng cửa cười toe toét như trêu ghẹo.

Trông Toản già vậy, nhưng mỗi lần trong A tổ chức văn nghệ anh thường xung phong hát một bài vọng cổ. Rồi khi tổ chức lửa trại, múa tập thể toàn C, thì anh cũng múa dẻo ra phết. Buổi sinh hoạt nào cũng thấy anh tham dự một cách nhiệt tình, thoải mái với đồng đội. Chẳng bao lâu Toản được đặc biệt danh “già mà ham vui”. Có người đã tóm tắt cái tên đó bằng một tràng tiếng mới nghe tưởng như của một hãng xe Nhật: Gia-ma-ha-vu!

Ít khi thấy Gia-ma-ha-vu buồn, cũng như năm thì mười họa mới được trông thấy nguyệt thực. Vậy mà, sáng nay, khi bước chân ra khỏi lán chỉ huy C, người ta không khỏi ngạc nhiên vì gương mặt buồn rười rượi của anh. Hình như chân anh bước không nổi. Một nỗi buồn thấm vào anh như chất men ngọt dịu nhưng sau đó làm người ta bải hoải chán chường. Hơn ba tháng làm nghĩa vụ quốc tế ở đất K (2), Gia-ma-ha-vu cũng như tất cả anh em Thanh niên Xung phong khác, đã làm tròn trách nhiệm của mình trong mọi công tác. Không có gì có thể khiển trách được một con người dễ yêu như thế. Vậy điều gì đã làm anh buồn? Chính tại thằng bé đấy!

Khi Gia-ma-ha-vu bước về gần tới lán của mình, được cất một cách đẹp mắt, cạnh những cây thốt nốt xòe những tán lá cao như tầng dù, thì anh trông thấy thằng bé đang đi từng bước trên bãi cỏ. Trông thấy anh, nó chạy lại, giơ đôi tay bé nhỏ, gầy guộc của mình ôm chầm lấy đôi chân anh. Nó bi bô, lõm bõm giữa cả hai thứ tiếng:

- Púc… Púc tâu na vậy? (3)

- Púc đi lên gặp C trưởng, con.

- Lên C trưởng chi vậy Púc?

- Để xin con được ở với Púc, con-slanh búc-lê? (4)

Thằng bé xoa xoa hai bàn tay vào quần anh:

- Slanh ná! (5)

Anh ngồi xuống bãi cỏ, bế thằng bé vào trong lòng, thằng bé đã lại sức rồi, nhưng trên bàn chân, những mụn ghẻ vẫn chưa lành hẳn. Nó hôn chụt vào cổ anh nói:

- Con chạy lên cỏ nghe.

- Ừ, nhưng coi chừng con kiến nó cắn.

- Nhưng con không đi trên cỏ, con kiến nó có thương con không?

- Thương lắm. Nhưng thằng Pôn Pốt nó không thương con, nó để cho kiến cắn con, con mới gặp bố đó…

Thằng bé con anh cũng vào trạc tuổi Sa-buôn. Một cơn gió đi nhanh qua, khua động tầu thốt nốt, làm anh bắt rùng mình. Đúng là gió của mùa xuân rồi. Không biết Tết vừa rồi có vui vẻ không? Còn thằng Hải – Con anh – Có quần áo mới không. Và không biết nó có nhớ đến ba nó không? Có Sa-buôn bên cạnh anh bớt nhớ Hải. Tất cả tình thương của một người cha anh đã dồn vào Sa-buôn. Anh ẵm nó tắm rửa cho nó như một người mẹ. Tình thương ngày càng lớn lên, đôi bên càng quyến luyến nhau hơn. Anh vừa bước chân ra khỏi nhà mấy phút, Sa-buôn đã hỏi đến anh. Đi công tác xa một ngày anh đã nhớ nó. Nhớ cái miệng nó cười. Nhớ làn da ngăm đen, cặp mắt to, thông minh. Nhưng anh lại sắp sửa… Gia-ma-ha-vu ngồi thừ ra không muốn nghĩ đến chuyện hồi sáng nay giữa anh và C trưởng nữa. Có tiếng thằng Sa-buôn ré lên. Anh quay lại. Thằng bé đang ngồi bệt trên bãi cỏ. Gương mặt méo xệch. Hai hàng nước mắt đang chạy dài xuống gò má. “Púc ơi… con kiến nó cắn Sa-buôn”. Lại con kiến. Nó cũng tàn ác không kém thằng Pôn Pốt. Gia-ma-ha-vu chợt nhớ đến những con kiến vàng đã bu kín mình mẩy thằng Sa-buôn vào ba tháng trước.

Tiếng súng nổ ì ầm suốt đêm không ngớt. Cả C không ai ngủ được. Những điếu thuốc chuyền qua tay, lóe sáng chỉ soi rõ được một vùng khuôn mặt của ai đó, già nua. Vài tiếng chép miệng “cha, không ngủ được điệu này làm sao mà tải đạn được”. “Thôi ngủ làm gì – Tiếng ai đó trả lời bâng quơ – Gần sáng rồi”. Cả C chìm trong im lặng nghe súng nổ, chờ sáng.

Gia-ma-ha-vu lục đục tìm nồi vo gạo làm vang lên những tiếng động khó chịu. Những khi không ngủ được, anh thường tìm một công việc gì đó để làm cho qua thì giờ và để bớt nỗi nhớ con. Bỗng có tiếng chân sột soạt. Anh ngừng tay thật lâu, tim đập như nện trống chầu trong lồng ngực. Có tiếng chân dẫm trên lá khô, và một tiếng gọi nhỏ:

- Kontóp Việt Nam ơi… (6) Kontóp…

Anh chụp vội khẩu súng, giơ thẳng về phía có phát ra tiếng nói:

- Lớt tay lơ! (7)

Một người gầy đến nỗi như là một bộ xương được bọc một lớp da người. Hàm râu đâm tua tủa dưới cái cằm nhọn lễu. Người đó mặc một cái quần cụt. Y giơ hai tay lên trời, nói tiếng Việt rất sõi:

- Tôi là dân mà… Pôn Pốt nó lùa hai trăm dân trong phum đưa vào cánh rừng để giết. Bộ đội Việt Nam ơi, cứu ngay, cứu ngay… Không thì chết hết.

Người đàn ông bật khóc. Hai tay gầy đét ôm lấy khuôn mặt chỉ còn là đôi mắt là còn chút ít hình thù của người. Hoàng lấy vội bộ đồ đưa cho người đàn ông ấy và bảo: 

- Anh dẫn chúng tôi đi đánh bọn Pôn Pốt ngay…

Cả đại đội như tỉnh hẳn. Súng ống sẵn sàng, đi theo sự hướng dẫn của người đàn ông Campuchia bất hạnh…

Khi trời vừa sáng hẳn, tiếng súng bắn trả của bọn tàn quân Pôn Pốt im hẳn, chỉ còn vang vọng lại tiếng kêu la những đứa bị thương. Những chiếc áo Thanh niên Xung phong thận trọng từng bước chân dò dẫm tiến về phía trước trộn lẫn trong sương rừng ban mai là mùi thuốc súng, mùi thây người bốc lên đến tanh cả giọng. Mùi máu nghe ngây ngây như muốn xuyên thủng cả những gốc cây già. Đang đi, Gia-ma-ha-vu bỗng nghe một tiếng quen thuộc mà chỉ có những người làm cha như anh mới nhận thấy. Không lẽ tiếng con nít khóc? Anh tự hỏi thầm.

Anh đi ngoặt ngược về phía trái cánh rừng dây leo chằng chịt như muốn bám, muốn ngăn chặn những bước chân của anh. Chỉ đi một đoạn ngắn, quanh co thì trước mắt anh hiện ra một cảnh tượng hãi hùng!

Những thây người bị giết nằm co quắp đủ thứ tư thế. Những cánh tay lìa khỏi thân mình đang bám víu một cách vô vọng trên mặt cỏ rưới đầy máu của máu. Những cái đầu đã lìa khỏi cổ bằng những đường dao đi ngọt vẫn còn đượm nét kinh hoàng trên cặp mắt chưa kịp nhắm. Anh nhắm mắt lại. Nhưng còn tiếng khóc?

Một bàn chân ngo ngoe thò ra dưới thân một người đàn bà nằm sấp. Hình như trước khi bị giết, người đàn bà đã cố lấy thân mình che chở cho đứa con yêu dấu, bây giờ, cái thân hình bất động kia, đang dần dần xiết chặt từng hơi thở bé con đến nỗi chỉ còn nghe những tiếng khò khè tuyệt vọng. Bàn chân gầy của đứa bé đang bị những con kiến vàng to tướng bám chặt. Từng mần đỏ nổi lên làm cho bàn chân đứa bé bỗng dưng to hẳn ra. Cái chân đó cọ quậy như cố bám víu từng giây của sự sống.

Gia-ma-ha-vu chạy lại, lật thây người đàn bà lên. Đứa bé bỗng bật lên khóc nấc. Anh ôm chặt thằng bé vào lòng, lấy tay giết từng con kiến vẫn còn bám chặt thân hình không còn mảnh vải che thân của thằng bé. Anh bỗng nhớ tới con mình và, thật bất ngờ trên gương mặt dày dạn của anh bỗng có giọt thủy tinh long lanh…

- Bọn dã man!

Ngày đó là ngày 04-1-1979. Tiếng Campuchia buôn có nghĩa là bốn …

Cái tên Sa-buôn ra đời từ cái ngày anh bồng bế nó trên tay, sinh lại nó lần thứ hai!

Thương trẻ nhỏ, anh đề nghị nhận thằng bé về nuôi như nuôi đứa con của mình. C trưởng nhận lời.

Thế là anh lại có thêm hai chữ “bà mẹ” kèm theo cái tên kỳ quái nó đã trở thành một phần trong cuộc đời gian khổ của mình. Gọi anh là bà mẹ thì cũng không có gì là cường điệu cho lắm. Thấy anh bón từng muỗng sữa vào cái miệng chực khóc vì thiếu hơi mẹ không ai lại không cảm động. Hàng ngày anh chịu khó lên y tế để xin thuốc đỏ về bôi vào những vết ghẻ bắt đầu lở loét. Những đêm, khi thằng bé gối đầu trên tay anh bật khóc là anh đã chỗm dậy ngay. Anh nhìn gương mặt dễ yêu của nó thì thầm bằng tiếng Việt. Thằng bé nhìn miệng anh, rồi cười và bập bẹ nói theo:

- Púc!... ăn

- Púc… Việt Nam.

- Púc! Đái!

Anh đã gởi vào đứa bé tất cả tình thương của mình. Đi công tác nơi nào anh đều cõng nó trên vai, hay bế nó vào lòng. Chẳng bao lâu phần tiêu chuẩn của anh hết nhẵn – phần quà anh định gởi về cho thằng con của anh. Đồng đội trong C tiếp tục nhường phần tiêu chuẩn đường sữa của mình cho thằng bé. Và chẳng bao lâu, Sa-buôn trở thành đứa con chung của những “bà mẹ” Thanh niên Xung phong Việt Nam.

Sa-buôn học tiếng Việt nhanh cũng như nó mau lại sức. Chỉ hơn nửa tháng nó đã đi lại những bước chập chững. Thỉnh thoảng như nhớ một cái gì nó chợt kêu lên “me… me” (8) anh chạy lại bế nó vào lòng. Hôn lên đôi má nó anh cảm thấy ấm áp cõi lòng khi đang ở trên đất lạ quê người. Lúc ấy, Sa-buôn thường nói:

- Con slanh Púc ná… (9)

- Ba cũng thương Sa-buôn lắm lắm…

Nó lại được dịp phụng phịu:

- Púc, Si bay.. Púc. (10)

Thế rồi cả hai cha con ôm lấy nhau đùa giỡn trong những ánh mắt thương yêu, cảm động của đồng đội.

Thế mà giờ này “bà mẹ” Gia-ma-ha-vu lại sắp sửa xa đứa con Sa-buôn thân yêu của mình. Anh không buồn sao được.

Sáng nay, Hoàng gọi anh lên lán của Ban Chỉ huy để bàn một chuyện. Anh đã cảm thấy lo lo. Dường như linh tính đã báo cho anh biết một cái gì đó liên quan đến cuộc sống của hai cha con. Và mối lo đã trở nên sự thật khi Hoàng nói:

- Chẳng bao lâu nữa, sau khi giúp bạn xây dựng chính quyền xong mình sẽ về nước. Còn Sa-buôn anh nghĩ sao?

Anh trả lời tỉnh khô:

- Tôi sẽ mang nó về nước nuôi.

Hoàng trở nên đăm chiêu vì tình thương của Gia-ma-ha-vu làm anh xúc động:

- Không được đâu. Vì, dẫu ta có cứu sinh mạng đứa bé nhưng nó vẫn là công dân của nước Campuchia. Mang về nước đâu được.

Đuối lý, Gia-ma-ha-vu ngồi lặng thinh.

Một lát, anh cất giọng buồn buồn:

- Vậy anh tính sao?

- Gởi Sa-buôn cho Phum trưởng.

- Chừng nào…

- Trong vài ngày tới nữa. Vì chúng ta sắp đổi địa bàn, rồi Phum Xoai…

Anh đứng bật dậy, nén chặt nỗi buồn đang trào lên cổ họng đến nghẹn:

- Được vài hôm nữa thôi, chừng nào chuyển cứ tôi sẽ gởi Sa-buôn ở lại.

Hoàng đặt tay lên vai anh:

- Đâu phải có mình anh buồn. Sa-buôn đã là đứa con chung của C. Quyết định như thế này tôi cũng đau lòng. Nhưng có cách nào khác hơn đâu…

Ôm chặt Sa-buôn vào lòng, gương mặt ngơ ngác của nó bỗng dưng phải hứng hai giọt nước mắt nóng hổi của anh: Ba con mình sắp phải xa nhau rồi đó Sa-buôn ạ! Chừng nào gặp nhau chính ba đây cũng không biết nữa. Sa-buôn ở lại đây, sau này có nhớ đến người cha Việt Nam này không? Chắc không quá hử Sa-buôn? Ba không trách Sa-buôn của ba đâu, vì con còn nhỏ quá làm sao nhớ và hiểu được tất cả. Thôi nhé, Sa-buôn! Cầu cho con chóng lớn, mạnh khỏe, được nên người trong vòng tay của đồng bào, dân tộc của con. Sau này nếu ai đó, có kể lại cho Sa-buôn cái tuổi ấu thơ chỉ cần con nhớ rằng con có một người cha nuôi là Thanh niên Xung phong. Thế là đủ rồi Sa-buôn nhé!

Sa-buôn lấy hai tay xoa hàm râu lởm chởm của anh:

- Con slanh púc ná (9).

Những giọt nước mắt của anh lại tuôn ra nhiều hơn:

- Púc slanh con ná. (11)

Lê Văn Nghĩa - Tháng 10.1979.

Chú thích:

(1)        Đại đội

(2)        Campuchia

(3)        Bố đi đâu vậy?

(4)        Con có thương bố không?

(5)        Thương lắm!

(6)        Bộ đội Việt Nam ơi!

(7)        Đưa tay lên!

(8)        “Me … me”

(9)        Con thương bố  lắm!

(10)      Bố dùng cơm… Bố.

(11)      Bố thương con lắm!


Hình ảnh sưu tầm từ internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á