Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

LÁ THĂM THỨ MƯỜI MỘT - BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN

Chiếc xe buýt dừng lại trạm cuối cùng của tuyến đường Bình Thới – Sài Gòn. Dòng người chen chúc, xô lấn nhau để xuống khỏi chiếc xe chật ních. Gần cả giờ đồng hồ có người phải đứng suốt chặn đường, những người may mắn hơn được ngồi nhưng cũng chẳng lấy thế làm thoải mái. Cái không khí ngột ngạt khó thở của trăm người, trăm thứ mồ hôi, được dồn cục vào nhau không tài nào cử động được, giữa buổi trưa nắng như thiêu đốt của thành phố mùa hè. Một vài tiếng cằn nhằn phản đối tài xế và tiếp viên ham tiền rước khách quá nhiều. Không có tiếng đáp lại. Một cô gái nào đó xuýt xoa vì người đi sau dẫm phải chân. Chẳng có lời xin lỗi. Mọi người đang hối hả để mong thoát cái lò nướng bánh lưu động.

Tuấn và Thu là hai người khách cuối cùng rời khỏi xe. Cái lưng áo Thanh niên xung phong đã bạc màu của Tuấn ướt đẫm, cái trán cao thông minh của Thu cũng lấm tấm những giọt mồ hôi. Tuấn nhìn Thu nhoẻn miệng cười.

- Bộ không nóng sao lại cười?

- Có chứ nhưng… mới sơ sơ.

- Sao lại sơ sơ?

- Quen rồi.

- Gớm! Đúng là Thanh niên xung phong các anh…

Dợm chân bước qua đường, Tuấn giục:

- Nhanh kiếm nước uống, em. Khát quá!

- Ừ, thì uống. Mà anh thích uống nước gì?

- Nước gì cũng được.

- Thì… nước chanh, nước ngọt… cái gì em thích thì anh thích.

- Thế à, vậy thì trà đá nhé?

- Sao lại thích trà đá! Sợ anh không có tiền à? Mới lãnh tiền đó nghe bạn.

- Đâu dám nói anh không có t…i…ề…n. Vả lại… uống trà đá thì đã khát hơn.

Tuấn cười khì:

- Hà hà, đừng có chọc “quê” nghe. Mới lãnh tiền vượt chỉ tiêu hôm qua.

- Nhiêu?

- Gần trăm.

Thu, nhướng mắt, mím môi tinh nghịch:

- Nhiều đấy. Nhưng để dành đi.

- Chi vậy?

- Chi không biết à! Dở khẹt. Để “cưới d…ợ”.

Đôi bạn cười vang, dòn tan giữa trưa hè nắng gắt. Thu níu Tuấn bước đến chỗ bán trà. Bà già hàng nước và hai người đạp xích lô trố mắt nhìn. Mặc kệ, cứ làm mặt tỉnh. Thu uống một hơi cạn ly nước rồi móc vì trả tiền. Tuấn hơi ngượng nhưng cũng làm bộ tỉnh queo, bước the sau như một người máy.

Mỗi lần đi đến đoạn đường này Tuấn lại nhớ…

Cách đây hai năm, Tuấn và Thu quen nhau cũng tại bến xe buýt này.

Nhân dịp phép thường niên, Tuấn ra Sài Gòn mua vài cuốn sách cần thiết. Khi vừa bứơc xuống xe bỗng có tiếng la thất thanh của một cô gái, theo tay cô chỉ Tuấn thấy một gã thanh niên tóc dài đang chạy băng qua đường tay cầm túi xách. Nhanh như chớp Tuấn lao theo. Đôi dép râu sứt quai văng khỏi chân anh nằm giữa lòng đường. Thoáng cái Tuấn đã nắm được cổ áo của tên lưu manh. Mặc dầu cố dốc toàn lực “lưu manh” của mình để hòng chạy thoát nhưng hắn đành phải “dậm chân tại chỗ” bởi đôi tay đen bóng chắc nịch của Tuấn. Đôi tay Thanh niên xung phong thứ thiệt từ hiện trường mới về. Vài phút sau hắn được thoải mái bước đi theo hai đồng chí Công an.

Tuấn trao lại cô gái cái xách tay. Anh run quá chẳng biết nói gì. Và cho đến lúc ấy lỡ có ai hỏi mặt cô ấy tròn hay méo thì Tuấn cũng xin chịu vì chẳng dám nhìn. Cô gái cũng bẽn lẽn lí nhí cảm ơn rồi trao lại anh đôi dép râu.

- Dép đứt rồi… sao anh?

- À… à nó đâu có đứt, mới sút quai thôi.

- À đúng rồi, nó sút. Nhưng làm sao anh đi được?

Tuấn quýnh hơn. Cầm đoi dép lật qua lật lại.

- Đi à? Mà… thôi khỏi đi

Thấy Tuấn có vẻ “yếu”, cô gái mạnh dạn:

- Nhưng anh định đi đâu đó mà?

- Định mua vài cuốn sách. Nhưng thôi để mai mua cũng được. Vả lại… để về nhà “sửa” lại đôi dép…

Nói xong Tuấn dợm chân bứơc đi. Cô gái gọi giật lại:

- Mà… anh ơi. Nhà anh ở đâu… vậy?

Cái bản tính của Thanh niên xung phong không cho phép Tuấn tiếp tục “run rẩy” nữa. Anh đứng lại, quay nhìn cô gái. Trời đất ơi! Bây giờ anh mới thấy kỹ, mặt cô ta tròn mà cũng chẳng méo. Nó hình gì anh không biết được nhưng anh liên tưởng đến khuôn mặt trái soan, bởi vì khuôn mặt trái soan là đẹp nhất. Cái miệng lém lỉnh bỗng dưng im bặt chỉ còn lại đôi môi hình trái tim mộng đỏ. Đôi mắt (chắc nãy giờ tung hoành dữ lắm!) cũng cụp xuống, còn lại đôi mi đen dài cong vút.

- Nhà tui hả? Ở gần cư xá Lữ Gia.

- Ủa?

- Sao lại ủa?

- Tại vì nhà e… à nhà tui cũng ở cư xá Lữ Gia.

Tuấn mạnh dạn hơn. Nhưng câu nói vẫn thiếu chủ từ và túc từ, trống rỗng:

- Thế à, vậy cùng về chứ? Mà… đi công chuỵên gì đó xong chưa?

- Xong rồi anh ạ.

Người thu tiền bước đến chỗ hai người ngồi. Thu mở ví… nhưng Tuấn ngăn lại. Thu vâng lời ngồi im. Theo thói quen Tuấn đưa tay lên túi áo lấy cái ví. Thói quen anh không làm được vừa lòng. Tuấn lại thò vào túi quần. Nhưng rồi… hai tay của anh chia nhau sờ sờ nắn nắn tất cả các túi. Vô ích! Mặc dầu hai bàn tay bây giờ đã ngoan ngoãn luồn vào tận những ngõ ngách, xó xỉnh phía trong theo cái hy vọng cuối cùng của anh. Nhưng rồi… hai bàn tay sần những vết chai lại lắm lét rụt rè bò ra trình diện đôi mặt giận nảy lửa của anh với mười ngón tay run rẩy, ướt đẫm những mồ hôi. Thôi rồi, chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa. Cái ví của anh không biết đã chấp cánh bay từ bao giờ. Lúc nào nhỉ? Trên xe buýt lúc anh đi? Lúc chạy theo tên giật đồ? Hay là ngay trên xe này? Anh chẳng còn đầu óc đâu để mà thắc mắc nữa. Tai anh ù lên, mồ hôi tự tuôn ra, nhịp đập của trái tim hình như lảng vảng ở đâu đây, gần lắm! Và sau đó thì anh không còn nhớ những gì tiếp tục xảy ra…

Phíasau cái kỷ niệm oái oăm ấy là những ngày tháng dài nối tiếp. Từ trong những ngày tháng dài đó những gì đã xảy ra? Chịu thôi! Không tài nào anh nhớ hết. Chỉ nhớ duy nhất có một điều là từ cái buổi chiều ấy, từ “biến cố lịch sử” ở bến xe và trên cái xe buýt hôm ấy đã làm cho anh biết nhà của Thu, Thu cũng biết nhà của anh. Cái lý lịch của hai người không còn bí mật đối với nhau nữa. Thu giúp anh dai sức hơn dưới lòng kinh giữa trưa hè nắng gắt. Anh giúp Thu mạnh dạn hơn, thẳng thắn hơn trong những buổi họp đoàn ở xí nghiệp.

Mãi suy nghĩ Tuấn bước trội hơn Thu một bước, đâm sầm vào đầu một xe honđa, gã lái xe thắng kịp, trừng cặp mắt đỏ ngầu, miệng khà ra hơi rượu:

- Muốn chết hả? Đồ ‘gặm’ đất!

Tuấn hơi khựng lại vừa lúc gã ta vặn ga, lao vút đi. Mớ tóc dài rối bời tung lõa xõa trên vai áo màu đỏ choét, gớm đời!

- Thôi, đi anh.

Thu lại nắm tay Tuấn níu đi. Những tia nắng gắt nhất vẫn cứ rọi xuống. Phũ phàng. Dòng người trôi đi, trôi đi càng lúc càng nhiều trên hè phố. Những chiếc áo đủ màu, những chiếc quần đủ kiểu đua nhau khoe màu, khoe ‘mốt’. Những đôi dép da mới tinh, bóng loáng cũng được phô trương khắp nẻo. Tuấn cúi nhìn. Vẫn đôi dép râu dạo nào, vẫn bộ đồ kaki bạc trắng. Anh liếc nhìn qua Thu rồi sánh với những người con gái khác trên đường. Chiếc áo sơmi đơn giản kín đáo, cái quần saten và đôi dép da sơn cũ. Đồ thì Thu không thiếu nhưng mỗi lần đi với anh chẳng bao giờ  cô ta chịu mặc một thứ  nào khác, như hôm nay. Tuấn lại suy nghĩ… và cố tình bứơc nhanh hơn để Thu chú ý vào cái lưng áo bạc màu và đôi dép râu ‘quái gỡ’ của mình rồi quay lại dò xét thái độ của cô. Thu vẫn thản nhiên, nheo mắt cười tinh nghịch. Tuấn thấy vui lạ và chợt hối hận vì cái ý nghĩ hơi quá đáng của mình.

Hai người vào hiệu sách mua vài cuốn mới xuất bản. Rồi ghé vào mua một món quà cho người bạn sắp lập gia đình.

Khi ngồi trên xe buýt thì những tia nắng cuối cùng dịu lại, bớt gắt hơn. Bỗng Tuấn giật mình khi mở gói quà ra xem:

- Chết rồi!

- Gì vậy anh?

- Hình như lúc nãy mình chưa trả tiền…

- Ủa? Em cứ tưởng là anh trả rồi!

Rồi chẳng ai nói với ai hai người cùng đồng loạt đứng dậy vội vã lách người bước xuống khi chiếc xe sắp chạy. Tuấn và Thu bước vội trên đường như sợ rằng người bán hàng sẽ không còn nhớ hai người khách đã trả tiền hay chưa.

*  * 

Tuấn được chuyển ngành về một xí nghiệp ở tận Gò Vấp sau gần năm năm ở Thanh niên xung phong. Mẹ già và ba đứa em nhỏ cần anh bên cạnh hơn lúc nào hết. Những buổi sáng đi làm thật là vất vả, đi xe buýt thì luôn luôn bị trễ giờ mặc dầu anh thức sớm, còn đi xe lam thì không thể nào chịu xiết với đồng lương của anh. Những hôm trong túi chẳng còn đồng bạc anh phải thức dậy thật sớm để đi bộ. Thu cũng biết được điều ấy nhưng chẳng biết làm sao mà giúp. Mặc dầu có xe đạp nhưng xí nghiệp của Thu thì lại ở tận Chợ Lớn. Tuấn lại phải thường xuyên đi bộ và tiêu xài thật dè xẻn để dành dụm cố mua một chiếc xe đạp.

Một buổi sáng tại xí nghiệp của Thu…

Trong phòng làm việc cũng như mọi hôm, mọi người đang cặm cụi với công việc của mình. Chị tổ trưởng từ ngoài bứơc vào, lên tiếng:

- Dừng tay chút các bạn ơi.

- Chi vậy chị Kim?

- Tổ chúng ta được công đoàn phân phối một chiếc xe đạp. Vậy các bạn có góp ý gì trong việc phân phối không?

Không có tiếng trả lời. Chị tổ trưởng tiếp:

- Nếu không, tôi có ý kiến này nhé. Tổ chúng ta có mười người, tất cả đều có xe, trừ Lệ. Lệ từ xưa tới giờ vẫn phải đi làm bằng xe buýt…

Có tiếng nào đó xì xào. Huệ đứng lên:

- Tôi có ý kiến như thế này. Nếu nhìn hiện tại mà nói thì Lệ là người khó khăn. Nhưng thực tế thì khác, bởi vì chị Dung hay chị Thanh cũng vậy, tuy là đi làm bằng xe đạp thật đấy nhưng xe ấy là mượn của bà con, vài hôm người ta lấy lại thì lấy đâu mà đi.

- Nhiều người khó khăn lắm, chị Kim ơi.

Có tiếng người nào đó chen vào. Lệ đứng dậy, từ tốn:

- Vâng, như thế đúng đấy chị Kim ạ. Tôi đề nghị như thế này nhé: chúng ta bốc thăm đi.

Chị tổ trưởng hỏi ý kiến lần cuối. Ba người đồng ý bốc thăm, những người còn lại không có ý kiến. Chị tổ trưởng xoay sang hỏi Thu:

- Vậy thì chúng ta bốc thăm nhé. Thu làm thăm dùm chị đi.

Thu lấy kéo cắt tờ giấy ra làm nhiều mảnh nhỏ.

Rồi lần lượt viết những số 0 vào từng mảnh. Chợt một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu cô: Tuấn. Hàng ngày anh ấy phải đi bộ cả chục cây số. Mình giúp đỡ gì được cho anh ấy? Chưa. Từ trước đến nay mình đành bất lực với những khó khăn của Tuấn. Mình phải có trách nhiệm chứ! Còn ở trong tổ của mình ai cũng có xe rồi, hồi nãy một vài người có tính ích kỷ nên nói vậy thôi. Còn riêng Lệ thì khó khăn thật đấy. Nhưng lỡ Lệ không bốc thăm trùng thì sao? Bao nhiêu vấn đề được đặt ra. Nhưng  hình ảnh Tuấn phải ra đi từ lúc 5 giờ sáng và trở về khi đường phố  đã lên đèn điện lại làm Thu xúc động hơn. Như một cái máy, Thu đánh số 0 vào cả mười mảnh giấy rồi xếp bỏ vào chiếc nón. Mảnh giấy thứ mười một Thu run run đánh dấu chéo và kẹp vào dưới bàn tay cầm nón. Mọi người chẳng ai hay biết. Thu cầm nón đi quanh phòng cho mọi người bốc. Khi bước đến Lệ, Thu bỗng thấy một cái gì đó nhói nhói khó chịu khi thấy đôi mắt Lệ sáng lên tia hy vọng lúc đưa tay vào nón bốc lá thăm. Lá thăm cuối cùng còn lại trong nón là của Thu, cô khéo léo tráo vào bằng lá thăm có dấu chéo. Không có một tiếng phàn nàn, phản đối nào cả. Mọi người lại tiếp tục công việc đang làm. Thu ngồi vào bàn, nhưng không tài nào làm việc được. Những dòng tư tưởng cứ mãi cắn rứt trong cô. Ngực lại nhói lên khi chợt thấy đôi mắt của Lệ cũng thoáng buồn, cái lém lỉnh, hồn nhiên mọi ngày của Lệ cũng mất đi. Chợt nghĩ đến Tuấn, anh sẽ không còn vất vả như bây giờ nữa. Nhưng… Thu bỗng rùng mình. Nếu anh ấy biết được chuyện của mình làm hôm nay thì sao? Chắc anh ấy sẽ buồn lắm! Thu lại nhớ đến gói quà cưới hôm nọ, và nghĩ đến sự tin tưởng, yêu thương của mọi người trong tổ đối với cô… Không đắn đo suy nghĩ gì lâu, Thu đứng dậy bước đến chỗ Lệ ngồi:

- Lệ ơi, mình nhường chiếc xe đạp lại cho cậu đấy.

- Hả? Thu nói sao?

Nhoẻn miệng cười, Thu nhắc lại:

- Mình nhường cho Lệ mua đó. Mình có xe rồi không cần nữa đâu.

Mọi người trong phòng ngước nhìn hai cô gái. Những cặp mắt trìu mến đang dồn vào người bạn trẻ mà họ vẫn thường cảm phục và yêu thương.

Thu vò tờ thăm có đánh dấu mà nãy giờ cô vẫn nắm chặt trong tay, liệng vào giỏ rác. Thu đứng dậy bước về phía bàn mình. Một ngọn gió lùa qua cửa sổ hất tung mớ tóc dài đen mượt của Thu. Một vết bụi mạng nhện bám trên mái tóc của cô cũng theo chiều gió bay ra, mất hút.

Bùi Nguyễn Trường Kiên -  Tân Phú 20.03.1981


Hình ảnh sưu tầm từ internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á