Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

THẰNG TÔI - BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN

Giật mình thức giấc bởi những tiếng ngáy như sấm nổ bên tai, tôi bật dậy như cái lò xo và thật sự không tin ở đôi mắt mình nữa. Ngay bên cạnh tôi là một gã con trai hoàn toàn giống hệt như tôi đang khềnh ra mà ngáy. Chỉ trong vài tích tắc tôi đã nghiệm lại cả lý lịch của mình và biết chắc rằng, tôi không hề có một ông anh hoặc thằng em nào song sinh cả. Đích thật là nằm mơ rồi!

Như một con chồn đèn, tôi lao ngay vào phòng tắm. Dòng nước mát lạnh như thường ngày vẫn chảy. Tôi tỉnh ngủ ngay và khuôn mặt quen thuộc rất dễ nhìn của tôi đã hiện lên trong tấm kính soi. Như vậy là tôi không mơ, chắc chắn là như vậy. Nhưng gã con trai kia lại vẫn đang nằm ngáy ở đó? Không còn nghi ngờ gì nữa, đích thị là quỷ nhập tràng rồi. Tôi định la lên cầu cứu, nhưng nỗi sợ hãi như tảng đá chặn ngang cổ họng khiến tôi không thốt nên lời.

Tôi không thể làm gì khác hơn là đứng như trời trồng để nhìn gã kia ngáy. Và cho đến lúc ấy tôi mới thật sự tỉnh táo để nhận định. Trạng thái sợ hãi vừa qua như một con rệp hôi hám đã nhanh nhẹn lỉnh ngay vào bóng tối khi niềm vui trong tôi bắt đầu cựa quậy. Vâng, có một niềm vui lớn lao lúc ấy bỗng dưng tràn ngập người tôi. Toàn thân tôi run bắn lên vì sung sướng. Bởi vì tôi chợt hiểu ra rằng, đấng tối cao nào đó đã hiểu thấu mơ ước của tôi.

Tôi, vừa tròn hai mươi chín tuổi. Làm việc cho cơ quan Nhà nước được sáu năm và trong sáu năm ấy chẳng một ai phàn nàn tôi được điều gì cả. Trong công việc thì đố ai có thể đánh giá tôi thấp được: Chà, một “công chức” mẫu mực! Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn có quyền tự hào về mình như vậy vì mấy ai có thể thực hiện những chỉ thị của cấp trên được như tôi? Đâu phải chuyện dễ dàng! Phải làm sao chấp hành mệnh lệnh của lãnh đạo như một cái máy ấy. Không thể nhanh hơn, cũng không thể chậm hơn yêu cầu được đề ra và phải lập đi lập lại theo chu trình vận hành của nó đã được định sẵn.

Cũng như những người khác, tôi được cơ quan lo cho bữa ăn trưa không phải đóng tiền và cả bữa ăn tối nếu tôi muốn đỡ tốn công, đỡ hao phí đồng thời mỗi năm tôi lại được cấp một bộ đồ… Nói chung là hằng tháng tôi có thể dư được vài chục bạc, nếu biết tiêu xài có kế hoạch một chút. Thế nhưng kế hoạch là cái quái quỷ gì khi có nó hay không tôi cũng chẳng thể nào thực hiện được ước muốn của mình: Mỗi sáng được điểm tâm bằng một tô phở tái có thật nhiều nước béo, một ly cà phê sữa và trong túi lúc nào cũng cộm lên một gói thuốc thơm. Rồi mỗi tối về nhà chẳng lẽ lăn quay ra ngủ ngay từ năm giờ? Tôi đâm ghen tức với những điệu nhạc xập xình phát ra từ những chiếc máy cát-xét của hàng xóm, hoặc phải bịt tai để không phải nghe những tiếng cười sảng khoái của họ khi ti-vi có chương trình gì đó thật hấp dẫn. Rồi tủ lạnh, xe gắn máy, đồng hồ… Vân vân và vân vân. Làm gì để có tiền mua sắm những thứ ấy? Trả lời câu hỏi đó đối với tôi là cả một vấn đề hóc búa, như một cậu học trò dốt lại chép sai đề của một bài toán khó, loay hoay mãi không biết lần ra cách giải. Đi làm thêm buổi tối ư? Nào, để tính xem, chẳng có một công việc gì có thể thích hợp với tôi cả. Nhưng dẫu có một việc gì đó đi nữa thì cuộc sống của tôi cũng chẳng thể nào đổi khác đi được. Thêm một vài trăm bạc để rồi khi đứng trên bàn cân, cây kim sẽ dừng lại ở dãy số ba mươi ư! Nghĩ đến đó tôi đã thấy lạnh xương sống rồi!

“Trời ơi! Phải chi mình có hai đầu bốn tay nhỉ, lúc ấy thì phải biết, việc Nhà nước cũng xong, việc riêng tư cũng ổn, cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhiều. Nói dễ thở là nói cho dễ nghe một chút, chứ thật sự như vậy thì… chao ơi, tiền bạc sẽ chảy vào nhà mình như nước. Làm sao để có tiền chẳng có gì là khó! Nhưng kẹt một nỗi là bây giờ mình chẳng dại gì tách ra khỏi biên chế Nhà nước. Phải chi có được hai đầu bốn tay…”

Đó là lý do tại sao tôi vui mừng khi thấy gã con trai kia hiện diện trong nhà tôi như vậy. Quả là đấng tối cao nào đó đã để mắt tới tôi rồi.

*

- Này, phải có gì làm vốn chứ?

Đó là câu hỏi đồng thời cũng là mệnh lệnh đầu tiên mà thằng Tôi (tạm thời gọi gã con trai ấy như vậy) bắt tôi thực hiện. Vài bộ đồ, một bàn viết, một kệ sách, soong, nồi… những thứ ấy không thể gọi là vốn được. Còn tiền để dành? Khỉ thật, từ mấy năm nay, có đồng nào tôi đã xào ngay đồng ấy.

Mấy ngày liền tôi mất ăn mất ngủ vì vấn đề nhức óc đó. Đằng khác, mặc dù chưa kiếm ra được lấy một xu nhưng thằng Tôi vẫn cứ đòi tôi cung phụng cho nó nào là sữa bò, cà phê, thuốc thơm và những bữa ăn phải tươm tất một tí, nghĩa là phải có thịt trong mâm cơm. Tôi oằn người ra vay nợ để đáp ứng cái nhu cầu “tối cần thiết” của nó.

Một tuần lễ sau.

- Này, vốn đây.

Tôi đến bên những tiếng ngáy cứ rền vang như nhịp kéo cưa của một lão thợ mộc già. Và chưa bao giờ tôi thấy ai có phản ứng nhanh như thằng Tôi lúc ấy. Nó bật dậy chụp lấy xấp tiền gọn bân như một diễn viên xiếc.

- Ở đâu ra vậy?

- Ăn cắp.

- Ăn cắp à?

- Ừ.

- Nhiêu đây?

- Ba ngàn.

- Hư-ư-ừm! Tạm vậy.

Nó nhét tiền vào túi rồi lại lăn đùng ra và nối lại những tiếng ngáy. Nó chẳng hề quan tâm đến nỗi sợ hãi, lo lắng của tôi. Qua ngày hôm sau để bắt đầu cho một sự đổi đời, tôi và thằng Tôi ngồi lại trao đổi và cuối cùng thống nhất rằng, cả hai đứa phải tuyệt đối chấp hành thật nghiêm túc lịch sinh hoạt hàng ngày. Nghĩa là mỗi ngày tôi phải ra khỏi nhà từ bốn giờ sáng, lúc lối xóm đang ngủ và chỉ được phép trở về nhà lúc mọi nhà đã tắt đèn. Biết làm gì khác hơn một khi muốn giữ bí mật về sự có mặt bất hợp pháp của thằng Tôi! Ngược lại nhằm giữ gìn sức khỏe, để làm sinh sôi nhanh chóng số vốn có được, thằng Tôi được quyền ngủ đến 7 giờ sáng và nó có thể về nhà bất cứ lúc nào nó muốn.

Thời gian cứ nhỏ giọt trôi qua. Số vốn ba ngàn trước đây tôi đã lấy cắp từ một món hàng của xí nghiệp cứ như một mũi kim, thỉnh thoảng lại làm tôi nhói lên mỗi khi tôi chợt nhớ đến. Nhưng mọi người không hề nghi ngờ gì về tôi cả. Sau đó tôi cũng không còn nhớ đến việc ấy nữa. Chẳng hiểu sao tôi lại quên một cách dễ dàng như vậy. Ừ, mà có gì khó hiểu lắm đâu, mấy ai lại đi nhớ mãi cái mụn nhọt mọc lên ở nơi kín của mình, khi mà nó đã lặn đi và chung quanh chẳng một ai hay biết.

*  *

Những buổi sáng, khi cả những ngôi sao cần mẫn nhất cũng ngủ gà ngủ gật thì tôi lại phải lẻn ra khỏi nhà như một tên trộm. Đôi mắt đói ngủ cứ như cái mỏ neo níu tôi xuống chiếc giường đầy hơi ấm hấp dẫn. Nhưng nghị lực trong tôi vẫn luôn chiến thắng cái đòi hỏi “tầm thường” của đôi mắt. Rồi những buổi tối, sau giờ tan việc, chiếc xe đạp phải tăng thêm vòng quay của đôi bánh hơn một ngàn lần so với trước đây, để rồi dừng lại bên chiếc ghế đá của một công viên xa nơi tôi cư ngụ nhất. Tôi cứ lấm lét như một tên tướng cướp vừa trốn khỏi trại giam, nhưng nếu là tên tướng cướp thì hắn chỉ sợ gặp phải công an, còn tôi thì tôi sợ gặp tất cả mọi người. Biết làm sao được, sự cảnh giác không bao giờ thừa cả.

Bốn tháng trôi qua, khoảng thời gian ấy như một con ngựa què cõng tôi đi trên sa mạc đầy nắng gió và đầy âu lo. Tấm thân vốn đã bệ rạc bởi những chén chú chén anh trước đây của tôi, bây giờ lại vơi đi gần chục ký. Đôi mắt sâu hoắm, tròng lộ ra như hai quả trứng ung. Tôi vẫn đến cơ quan đúng giờ và cũng như trước đây, không khi nào rời nơi làm việc trước khi tan tầm một phút. Mọi người khuyên tôi nên nghỉ ở nhà một thời gian để dưỡng sức. Nhưng có là điên mới nghe theo những lời đề nghị ấy. Tôi nghĩ, cơ quan sẽ cho người đến thăm và, như thế thì… (nghĩ đến đây tôi đã thấy rợn óc rồi!)

Thế nhưng cuối cùng thì con ngựa què ấy cũng cõng tôi tới đích. Cũng như thường lệ tôi lê tấm thân tàn lẻn về nhà vào lúc 12 giờ khuya và, lại thêm một lần nữa trong đời, tôi không tin vào đôi mắt của mình nữa: Một chiếc Hon-da cúp, tủ lạnh, ti-vi, một giàn máy cát-xét, tủ rượu và vô số những tiện nghi khác mà trước đây tôi đã từng mơ ước. Tất cả đều mới, đẹp và thuộc loại tối tân nhất. Tôi bỗng run lên, trợn trừng đôi mắt, có một cái gì đó đang dồn ứ lên cổ tôi và tôi cố nén những hơi thở dồn dập liên hồi. Tôi sợ quá, không dám thở mạnh, chỉ sợ tất cả những thứ ấy sẽ tan biến như ảo ảnh.

- Này, làm gì mà thừ ra như ngỗng đực vậy?

Thằng Tôi đang chễm chệ bên chiếc bàn ăn bày la liệt những món cao lương mỹ vị, những vỏ bia nằm lăn lóc dưới chân, nhếch mép hỏi.

Tay chân tôi bỗng chốc giật bắn lên như mắc phải kinh phong, đầu óc đặc quánh lại chẳng khác gì bao xi-măng bị hở gió lâu ngày, cái bụng lép kẹp cứ phình lên xẹp xuống bởi cái miệng đang há hốc ra, còn đôi mắt đỏ kè vì thiếu ngủ của tôi thì cứ chằm chặp nhìn nó. Bốn tháng qua, tôi không có lấy một giây để nhìn kỹ và nhận xét về thằng Tôi. Mỗi tối về đến nhà, tôi chỉ kịp khóa trái cửa và cơn buồn ngủ như một tay võ sĩ quyền anh hạng nặng quật tôi đo ván một cách không thương tiếc. Bốn tháng ấy tôi cần giấc ngủ như tên tù chung thân cần một tí nắng trời. Cho nên bây giờ quan sát thằng Tôi đang ngồi đó tôi không còn nhận ra nó nữa: Khuôn mặt phì nộn dưới làn da đỏ vì men bia, bộ ngực tròn lẳn chảy xễ xuống hai bên sườn và cái quần tây thắt sợi dây nịt có hình sọ người và hai xương chéo nơi cái bản to bè không kéo lên khỏi rốn vì cái bụng phình căng.

- Đói à?

Thằng Tôi hất hàm sau khi tu một hơi cạn hết ly bia.

Tôi lắc đầu. Cái bụng trống rỗng của tôi không hiểu sao lại chẳng bị những thức ăn đầy hấp dẫn trên bàn lôi cuốn. Như một người mất trí, tôi đến bên từng đồ vật, đưa đôi tay khô đét trơ những đốt xương sờ nắn, mân mê.

Tôi mở chiếc tủ lạnh mới toanh, hơi lạnh từ bên trong tỏa ra mát rượi. Từ đây tôi khỏi phải tốn tiền mua nước đá, nhưng… nước đá thì có ai cần trong đêm khuya bao giờ đâu! Tôi lại lê chân đến bên giàn máy cát-xét. Tôi sẽ sử dụng nó vào lúc nào đây? Còn chiếc tủ kính chứa đủ các thứ rượu đắt tiền kia nữa, mỗi ngày tôi sẽ uống từ mười hai giờ đêm đến bốn giờ sáng ư? Mọi thứ tiện nghi quá, đẹp quá! Nhưng để làm gì nhỉ? Để tiếp bạn bè à? Tôi có dám để một ai bước vào nhà đâu! Tất cả đều là của tôi, của tôi chứ không phải của ai khác được. Nhưng… trời ơi! Mỗi ngày tôi chỉ được ở trong nhà có bốn giờ đồng hồ thôi! Cuối cùng thì tôi đến bên chiếc xe.

- Mày tính sẽ đi làm bằng nó à?

Bất chợt thằng Tôi lên tiếng. Tôi xoay người lại đưa mắt dò hỏi.

- Cứ việc, nếu mày muốn cơ quan của mày lột da và tống vào nhà giam.

- Tại sao chứ?

- Khà, khà, khà! Trông cái mặt mày mới ngốc chưa. Chẳng lẽ họ sẽ nghĩ rằng chiếc xe này do mày nắn ra từ ruột bánh mì chắc!

- Vậy thì… vậy thì, cái gì… cái gì là của tao? 

Tôi bỗng bật khóc như một thằng bé bị đứa lớn hơn giành mất phần quà.

- Rõ khổ! Tất cả đều là của chúng ta, là của mày, của mày! Hiểu không?

Thằng Tôi rời tay khỏi ly bia và vỗ nhè nhẹ lên vai tôi.

Đúng lúc đó chiếc đồng hồ treo trên tường gõ đều bốn tiếng, thong thả và lạnh lùng.

Tôi giật mình và nhớ ra đã đến giờ phải đi. Như một người máy không hồn, tôi mở cửa, dắt chiếc xe đạp cọc cạch ra khỏi nhà theo quán tính. Nếm vị mặn của giọt nước mắt lăn dài trên má, tôi còn nghe tiếng cười hăng hắc và đầy chế nhạo của thằng Tôi đuổi theo lạnh buốt sau lưng.

Bùi Nguyễn Trường Kiên - Tháng 03.1986


Hình ảnh sưu tầm từ internet. Bài viết do Ông Văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á