|
CON ĐƯỜNG VĂN TỰ - Nguyễn Nhật Ánh.
- Bắn chết, tao cũng không đi học! Tôi tuyên bố thẳng thừng như thế mỗi khi có một người nào đó lại gần tôi, ngồi xuống bên cạnh và choàng vai thân thiết, rào trước đón sau, hỏi đủ chuyện trên đời để rồi… cuối cùng rót vào tai tôi những lời đường mật: “Tôi thấy đồng chí nên đi học. Bây giờ mà không có văn hóa thì không làm được gì…”.
Thường thường những bài diễn văn chí tình đó chưa kịp đọc hết đoạn mở đầu thì đã bị câu nói dứt khoát, chắc như đinh đóng cột của tôi chém ngang một cách thô bạo khiến những anh bạn nhiệt tình dội ngược. Những người trầm tĩnh nhất cũng biến thành phẫn nộ. Giọng êm ái lập tức biến thành giọng sửng sồ: “Mặc xác mày, đồ lười!”. Thường là sau đó, những nạn nhân xấu số của tôi đi than thở trong đại hội: “Ôi, cái thằng Tư thế là hết nước!”.
Dĩ nhiên là không ai dám bắn chết tôi, nhưng mọi người tìm đủ mọi cách để đưa tôi đến lớp. Nhưng tự hào thay, tôi vẫn trơ trơ như đá, vững như đồng.
Tôi vốn là một tay lao động xuất sắc, một loại kiện tướng thâm niên luôn luôn vựơt chỉ tiêu khối lượng đào đắp trong tất cả mọi công trình thủy lợi tôi đã từng tham gia, là một tay cuốc chủ công của đơn vị trong những đợt thi đua thao tác, đã góp phần lớn lao trong những chiến công của tập thể, nói ngắn gọn nhất và đầy đủ ý nghĩa nhất: tôi là đứa con cưng của toàn liên đội. Bởi tôi là một đứa rất to con, rất khỏe. Khỏe để lao động, cũng như khỏe để chiến đấu… chống lại những mánh lới của đồng chí cán sự văn hóa đại hội và sức ép của tập thể trong ý đồ bắt tôi đi học. Và báo tin mừng với các bạn là tôi đã thành công rực rỡ.
*
Ngày tháng sẽ trôi, qua tôi hai mươi tuổi, hăm lăm tuổi rồi ba mươi, bốn mươi rồi sáu mươi, bảy mươi rồi… chết. Và tôi sẽ là một người suốt đời dốt nát nếu như không có người đó trên trái đất này. Người đó là Mai, Mai mắt nhân. Ôi đôi mắt dịu kỳ, đen nháy, long lanh như không bao giờ khô. Nó nhìn ai là in như có dòng suối chảy vào tim người đó. Mỗi khi Mai nhìn tôi thì dù tôi có là kiện tướng gì gì đi nữa, tứ chi vẫn mềm nhũn ra và bải hoải suốt mấy ngày liền. Nhưng sau những ngày tê liệt đột xuất ấy, tôi bừng tỉnh dậy và lập tức gồng người lên chống lại sự chi phối của đôi mắt ấy một cách quyết liệt cũng vất vả như khi tôi lên gân đánh bật những tảng đá ong nằm chắn giữa tim kinh. Không phải là tôi thù hằn gì đôi mắt ấy – tôi yêu nó quá đi chứ – cũng không phải tôi có một trái tim cứng rắn như lưỡi cuốc “chiến” của tôi, cũng không phải tôi tập tành đi vào con đường khổ hạnh chân tu gì cho cam, mà chỉ vì Mai là… giáo viên Bổ túc văn hóa Liên đội. Định mệnh khắc nghiệt đã sắp Mai và tôi vào cái thế không đội trời chung. Nghĩa là chỗ nào có Mai là dứt khoát không có tôi. Cũng đã mấy lần Mai tìm gặp tôi động viên tôi đi học. Dĩ nhiên là bài diễn văn êm ái – êm ái thực sự – của Mai không bị tôi phản ứng hùng hồ “Bắn chết tao cũng…” như những người khác. Nhưng tôi nghe nó một cách rất thờ ơ và cố tình không hiểu nó nói gì. Đợi Mai nói xong là tôi cúi đầu ra vẻ thê lương: “Đồng chí thông cảm cho, tôi hăm lăm tuổi rồi mà học hành chi nữa. Già rồi!”. Tôi lắc đầu chép miệng hệt như một cụ già thực sự. Mai phản đối ngay: “Tư mà già!” Trời đất ơi, phải chi câu nói đó thốt ra trong lúc nào không phải là lúc này thì có lẽ tôi xỉu tại chỗ rồi. Nhưng ở đây Mai bắt buộc tôi phải “trẻ” không có nghĩa là “Tư còn coi được” mà là “Tư phải đi học”. Chính vì lẽ đó, mà dù Mai có đôi mắt nhãn xinh nhất trên đời lúc này tôi vẫn thấy Mai vô duyên tệ. Và tôi phủi quần đứng dậy, báo hiệu cuộc nói chuyện chấm dứt sau khi buông thỏng một câu: “Tôi dứt khoát không đi rồi, đồng chí nói nữa mất công”.
Sau vài lần như vậy, Mai không còn “quấy rầy” tôi nữa. Tôi được tự do nhởn nhơ bay lượn trong sự tăm tối của mình.
* *
Nhưng khổ một nỗi là, về “nghiệp dư” Mai là giáo viên Bổ túc văn hóa nhưng về công tác chuyên môn thì Mai là y tá đại đội. Trong khi đó, tôi vốn khỏe mạnh vóc… trâu, rất ít khi ốm, nhưng khi đã ốm là ốm ra trò. Và trong một trận ốm ra trò như vậy, tôi đã nằm liệt giường cả một tuần lễ. Trong những ngày này, trớ trêu thay, Mai lại là người gẫn gũi, chăm sóc tôi nhiều nhất. Lúc nào tỉnh dậy tôi cũng thấy Mai loay hoay bên cạnh, khi thì bưng cháo cho tôi ăn, khi thì rót nước cho tôi uống. Mai bắt tôi uống thuốc ngày ba lần. Mai buộc tôi đắp khăn lên trán. “Nàng” hỏi han tôi đủ thứ chuyển biến trong người. Có những lúc chẳng có một triệu chứng gì ráo, tôi cũng nhăn mặt thở dốc “khai” lung tung để được thấy Mai nhíu mày lo lắng “vì tôi”. Tôi có cảm giác rằng trong cái “vương quốc” trạm xá đại đội này, chỉ cần một thần dân như Mai, tôi đã là một ông vua sung sướng nhất trên đời. Và cái sung sướng nhất trong những cái sung sướng nhất ấy là trong thời gian “thánh thể bắt an” này, Mai không hề đá động gì đến chuyện bắt tôi đi học. Và lần đầu tiên trong đời, tôi đã ốm một cách rất thoải mái.
Nhưng cái thân xác phản chủ của tôi nó cứ bắt tôi mỗi ngày một bình phục. Tôi đã nghĩ đủ mọi cách để kéo dài cơn bệnh nhưng vô hiệu. Thôi, thế là sắp phải chia tay những ngày hạnh phúc, những ngày mà tôi phát hiện ra rằng dù sao đi nữa Mai và tôi vẫn có thể đội chung một trời, nếu như Mai tiếp tục “tế nhị” lờ đi cái chuỵên học hành của tôi. Bây giờ không những khi tỉnh dậy tôi mời thấy Mai mà trong lúc ngủ tôi vẫn thấy Mai chập chờn bay lượn bên tôi. Tôi đã không còn thì hục đắp đê ngăn giòng suối êm mái từ đôi mắt nhãn của của Mai chảy vào tim tôi nữa, mà ngược lại tôi mở rộng lòng cho nó xối xả ngày đêm.
Ngày cuối cùng ở trạm xá, trời tự dưng mưa lâm râm như làm tăng thêm nỗi buồn thầm lặng trong tôi. Tôi không thiết đi đi lại lại như những anh em khác mà ngồi quấn chăn trên giường nhìn ra ngoài sân, vẻ mặt như đưa ma. Mai nhẹ nhàng ngồi xuống mép giường, hỏi: “Ngày mai ra hiện trường, Tư không vui sao mà buồn vậy?” Tôi muốn quay lại mà không dám, sợ Mai thấy vẻ mặt tái mét như gà bị cắt tiết của tôi. Người tôi trơ ra, bất động trong khi Mai vẫn ngồi bên cạnh, loay hoay với chiếc khăn trên tay. Mưa vẫn rắc đều hột bên ngoài. Một vài người bạn đi ngang qua trước trạm xá ngó vào, hỏi: “Hết bệnh rồi hả Tư?” Tôi gật đầu: “Ừ, mai về”. Những câu hỏi như vậy đã nhắc tôi nhớ ra rằng tôi chỉ còn được ngự trị ở cái vương quốc ê-te này không quá mười hai tiếng đồng hồ nữa. Trong một thoáng, tôi bất chợt hiểu một cách sâu sắc rằng trong khoảnh khoắc trời cho này mà không thổ lộ tình yêu của mình thì sẽ không còn một dịp may nào khác: lịch sử ít khi lặp lại hai lần! Dù tôi đã cố hết sức trấn tĩnh, cái thân thể vạm vỡ của tôi vẫn run bần bật. Và dù tôi cố lấy giọng thật êm ái, trữ tình, âm thanh tôi phát ra vẫn nghe nghèn nghẹt như một người cảm cúm kinh niên: “Tư muốn nói với Mai một điều…”. Ôi, phải chăng tình yêu chỉ khó khăn lúc mở đầu! Còn khi ta đã nói được một tiếng rồi thì tự dưng ta dạn dĩ hẳn lên và sẵn sàng lao đầu tới trước bất chấp mọi trở ngại. Tôi đã mở miệng bắt tình yêu xuất đầu lộ diện và sắp sửa đâm sầm vào đôi mắt nhãn của Mai. Nhưng lưỡi tôi bỗng nhiên cứng đờ ra. Giọng nói vội vàng và hốt hoảng của Mai cất lên từ sau lưng cắt đứt lời tôi: “Đừng, đừng, Tư đừng nói với Mai điều đó”. Tôi có cảm giác có một ngọn roi quất vào tim tôi. Tâm hồn bay bổng của tôi đột ngột xếp đôi cánh ước mơ lại và rơi thảm hại từ trời cao xuống thẳng mặt đất một lèo như tảng đá vô tri. Đất trời chung quanh dường như đảo lộn. Tôi cảm thấy như mưa không phải từ trên trời rơi xuống mà từ dưới đất rơi lên. Một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng. Người tôi muốn ngả bệnh trở lại. Nhưng lúc này, một cơn bệnh – một cơn bệnh thực sự trăm phần trăm – cũng trở thành vô nghĩa và đầy nhạo báng đối với tôi, một khi mụ phù thủy mắt nhãn kia đã giấu trong tay viên thuốc độc “đừng, đừng…”. Khi tôi trở lại trạng thái bình thường. Mai đã bỏ đi từ lúc nào. Trạm xá đại đội bây giờ không còn là một vương quốc hạnh phúc nữa mà là một căn lán tồi tàn nồng nặc mùi ăng-côn và đầy rẫy những hình nhân bại liệt. “Người thần dân” tuyệt vời đã hiện nguyên hình là cô y tá tầm thường, tàn nhẫn, là một giáo viên Bổ túc văn hóa xa lạ, khó đội trời chung. Còn tôi – kiêu hãnh thay – tôi vẫn là vua, nhưng là một ông vua rời bỏ ngai vàng, bị đời bạc đãi, đi lang thang trong gió lạnh mưa rơi, một ông vua Lia chính cống, mặc áo thanh niên xung phong đầy đau khổ.
* * *
Những ngày sau đó sắc diện của tôi có phần thay đổi. Mắt lõm vào, xương má nhô cao, râu đâm tua tủa. Mọi người đều cho rằng mới ốm dậy cho nên tôi còn hốc hác là thường. Duy có thằng Tùng thì không cho là như vậy. Nó là thằng bạn thân nhất với tôi trong tiểu đội. Hai đứa thân đến nỗi hễ đứa nào mở miệng nói một hai tiếng là đứa kia đã hiểu tuốt tuột bạn mình sẽ nói cái gì. Lần này, thì một hai tiếng hiếm hoi kia tôi cũng cảnh giác không hề nhả ra, nhưng chỉ cần thấy mặt mày vốn dĩ trơn tru của tôi tự dưng biến dạng thành núi, sông, thung lũng, rừng rậm… thì thằng Tùng biết ngay là tôi đang có chuyện gì lo nghĩ rồi. Thế là, từ doanh trại ra hiện trường, từ hiện trường về doanh trại, lúc nào nó cũng bám riết lấy tôi, dò hỏi. Lúc đầu thì mặc cho nó nói xa nói gần, dở đủ mánh khóe xảo quyệt ra, tôi vẫn không hề hở môi. Nhưng sau đó, tôi nghĩ lại nếu nỗi niềm ấm ức này mà không chia xẻ cùng ai, để trong bụng rất dễ sinh bệnh – mà tôi thì không bao giờ muốn trở lại cái trạm xá đầy kỷ niệm đắng cay ấy nữa – thì tôi đâm hoảng, bèn vội vàng kêu nó lại mà phơi bày gan ruột. Dĩ nhiên khi tường thuật lại những ngày sôi bỏng đó, tôi tự động thêm thắt vào câu chuyện một vài tình tiết lâm ly, có lợi cho tôi, cốt để chứng minh cho người nghe cái thất bại của tôi là một thất bại trong vinh quang. Nhưng thằng Tùng không hề đếm xỉa gì đến cái phần “gia công” của tôi, nó cũng bất chấp sự đau khổ thiêng liêng của một chàng trai đang yêu. Nghe tôi kể xong, nó cười khành khạch, và vỗ đùi bốp bốp rất là mất lịch sự, chẳng văn hóa một tí nào hết. Nhưng tôi lập tức tha thứ cho nó ngay khi nó “điểm hóa” cho cái đầu óc ngu tối tội nghiệp của tôi: “Mày thật là cù lần hết chỗ chê!” Thoạt đầu tôi không hiểu ý nó như thế nào, bèn buồn bã: “Ừ, thì tao cù lần, Mai mới… không yêu tao”. Thằng Tùng lại phát ra một chuỗi cười lục cục trong cuống họng và lắc đầu nguầy nguậy: “Không phải! Tao nói mày cù lần là mày không biết cách tỏ tình!” Tôi trố mắt nghe nó phân tích: “Tao hỏi mày. Có phải mày nói với Mai là Tư muốn nói với Mai một điều không?” Tôi gật đầu, Tùng đắc ý: “Đó! Mày nói vậy thì ai hiểu là mày muốn nói gì. Mai tưởng là mày định trách Mai chuỵên ép buộc mày đi học. Và Mai ngại nói đến chuỵên đó, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của mày. Có vậy thôi. Thấy chưa!” Thấy điệu bộ nó vừa nói, vừa hoa tay chém chém vào không khí cộng thêm với cái giọng phân tích lưu loát trơn tru của nó, tự nhiên tôi thấy tất cả chân lý trên đời này hình như đều do nó nắm hết. Tôi “thần phục” nó một cách tự nguỵên và nhớ ra: “Hèn gì mà những ngày tao nằm bệnh, Mai không hề nhắc một tiếng nào đến chuyện học hành của tao hết”. Thằng Tùng nhìn tôi mỉm cưới độ lượng, tỏ vẻ thông cảm với cái đầu óc chậm chạp của tôi: “Chứ còn gì nữa”. Thế là không gian bỗng chốc tràn ngập một ánh sáng diệu kỳ mặc dù trời đang mưa như thác. Tôi thấy người tư dưng khỏe mạnh như vừa uống một liều thuốc bổ. Đôi cánh ước mơ, hôm trước cụp lại, bây giờ lại bắt đầu xòe ra, vỗ phành phạch. Đồng thời, tôi phát giác ra thằng Tùng là một nhà thông thái vĩ đại, có khả năng chuyển nguy thành an và biết cách đem lại hạnh phúc và ước mơ cho loài người – mà trước nay tôi vô tình không biết dù sống bên cạnh nó. Có điều là nhà thông thái của tôi lao động năng suất rất kém và ăn ở rất dơ, nhưng “khuyết điểm nhỏ” này không làm suy suyển nổi lòng tin của tôi đối với nó trong giờ phút trọng đại này. Và tôi nhìn nó bằng cặp mắt kính nể như đối với một đấng bề trên. Còn Mai, ôi Mai mắt nhãn xinh xắn kia ơi, anh lại yêu em rồi, yêu ngàn lần hơn trước, anh có lỡ rủa thầm em là mụ phù thủy, em cũng đừng chấp nhất chi cái ngôn ngữ thô thiển khô cằn sỏi đá của anh.
Một thứ tình cảm ngọt ngào đầy ắp trong tôi. Tôi hình dung thấy Mai cầm lấy tay tôi thủ thỉ: “Đừng giận em nghe anh. Hôm đó em tưởng anh nói chuỵên học hành…”. Và tôi khẽ vuốt tóc Mai, tình từ: “Không, lỗi tại anh…”. Sau đó là chúng tôi hôn nhau. Dĩ nhiên là Mai hôn tôi nhiều hơn bởi vì mặc dù tôi nhận lỗi về phần mình nhưng Mai sẽ thấy trong giọng nói của tôi vẫn còn ít nhiều trách móc. Nhưng tất cả những tình tiết hồi hộp này chỉ mới xảy ra trong đầu óc mơ mộng của tôi thôi. Nhưng chắc chắn cái ngày ấy sẽ đến không lâu. Cái khó nhất hiện giờ là làm thế nào cho Mai biết được tình cảm của tôi. Gặp mặt để nói thì lạy trời, cho kẹo tôi cũng không dám. Tôi không thể nào quên được tình cảnh thảm hại của tôi hôm ở trạm xá, mắt hoa, ngạt thở, cổ họng khô đắng, và khi nói thì âm thanh phát ra đằng mũi thay vì đằng miệng… Nhờ thằng Tùng làm phát ngôn viên thì lại càng không nên. Tình yêu mà qua hai, ba chặng như kiểu chạy tiếp sức thì mất hết khí thế. Và có khi Mai lại cười vào mũi tôi nữa không chừng. Chỉ có cách là thông qua con đường mẫu mực mà nhân loại thường dùng là con đường… văn tự. Mà, cha mẹ ơi, viết thư đối với tôi là chuỵên oái ăm nhầt trần đời. Cuối cùng, tôi bèn cầu cứu thằng Tùng. “Quân sư” ngồi xếp bằng trên sạp, nghiêm trang lắng nghe lời thỉnh cầu của kẻ si tình, tay nhịp nhịp trên đùi, đầu gục gà gục gặc. Trình bày xong tơ lòng của mình, tôi lắng tai nghe nó gỡ rối: “Có gì đâu!” Phải là nhà thông thái chính cống thì mới có được giọng lưỡi như thế, tôi vừa nghĩ ngợi, vừa hăm hở nuốt từng lời của nó. “Tao sẽ viết một bức thư mẫu, Mày nương theo đó, ráng vẽ lại đúng hết từng nét chữ là được. Khoảng một tuần là xong. Đại khái là như thế này: Mai ơi, tôi yêu em lắm. Tình yêu tôi đối với em thật là nồng nàn vô kể. Ngày từ lúc em mới đổi về đơn vị tôi đã thấy gắn bó với em rồi. Hình như trời sinh tôi rồi lại sinh Mai cho có đôi có cặp…” Nó còn nói nhiều nữa, nghe thì rất hay, nhưng tôi thấy sao mà rối rắm quá. Rối nhất là tôi không đủ khả năng để “viết” một bức thư như thế. Lập tức tôi nêu khó khăn nhờ “quân sư” giải quyết. Thoạt đầu thằng Tùng mắng mỏ tôi thậm tệ và chêm vào lời giáo huấn của nó một lô những phương châm mà nó mới học được nào là khó khăn này thì khó mà vượt qua được, nó bèn xuống giọng xụi lơ, phá ngang: “Vậy thì mày dẹp mẹ cái tình yêu gà chết của mày lại cho rồi!”. Tôi nhất quyết không chịu “dẹp mẹ”. Hai đứa cãi qua, cãi lại một hồi, và kết cuộc đi đến giải pháp là tôi vẫn sẽ “viết” thư nhưng bức thư chỉ vọn vẹn có năm chữ: “Mai ơi! Tôi yêu em”. Đối với thằng Tùng thì đây là bức thư tình quái gỡ nhất thế giới, nhưng tình thế bắt buộc phải chấp nhận, Nhưng tôi thì cho rằng trên đời này không có một bức thư nào súc tích hơn, đằm thắm hơn, chân thật hơn và tốn nhiều thì giờ hơn để viết ra như vậy. Thế rồi, nhà thông thái vĩ đại bèn thảo ra năm chữ kỳ diệu đó trên một mẩu giấy nhỏ đưa cho tôi. Trong suốt một tuần, hễ vừa từ hiện trường về, là tôi len lén chui vào một chỗ kín đáo nhất trong doanh trại, lấm lét nhìn quanh, rồi thận trọng rút cây bút chì trong túi ra, cặm cụi tập “viết” thư. Sau một thời gian “lao động” cần cù, vất vẻ, xé gần hết một quyển vở năm mươi trang của “quân sư” ban cho, cuối cùng tôi cũng hoàn thành được bức thư tình đầu tiên trong đời. Thật là sung sướng không có bút mực nào tả xiết. Nhét cây bùt chì cùn hơn phân nửa vào ba-lô để làm kỷ niệm, tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau khi gấp bức thư một cách trang trọng, vuông vức như tờ đơn xin vào Đoàn, tôi tuồn vào túi áo trái (ngay trái tim) và bước ra khỏi sam. Lần đầu tiên tôi ý thức được tầm quan trọng của việc biết chữ. Và cũng lần đầu tiên, tôi phát hiện ra rằng đôi khi con người ta chỉ cần biết chừng năm chữ thôi cũng đủ hạnh phúc rồi. Trong niềm vui đó, tôi đi. Phải chính tôi trao tận tay Mai “tác phẩm” mang nặng đẻ đau của mình. Khỏi cần nhờ thằng Tùng nữa. Vai trò “quân sư” đến đây coi như chấm dứt.
Tôi gặp Mai ở giếng nước đằng sau nhà bếp. May quá, chỉ có một mình Mai. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu lúc đó có một sức mạnh kỳ diệu nào đã tận tình giúp đỡ tôi như thế. Tôi bước thẳng đến trước mặt Mai, rút bức thư trong túi, chìa ra, không nói không rằng. Tất cả là một phản xạ có tính cach1 bản năng mà tôi không giải thích nổi. Mai ngơ ngác nhìn tôi một thoáng, rồi cầm bức thư lật qua lật lại, như muốn xét thử nó là thứ quái vật gì. Và thế là không chờ không đợi và không đủ can đảm để chờ đợi một điều gì, tôi quay mình đi thẳng một mạch, chân tay thẳng đuột, cứng đơ, vướng víu, miệng á khẩu.
* * * *
Tôi đã mắc phải một sai lầm mà có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên được. Đó là việc tôi cố ý không đưa cho thằng Tùng xem lại bức thư trước lúc gởi đi. Bởi vì tôi nghĩ rằng đây là một bức thư thiêng liêng chỉ dành cho “hai đứa” đọc mà thôi, vả lại không cần thiết để cho “quân sư” duyệt lại một khi tôi đã chép đi chép lại năm chữ ấy hơn một trăm lần đến nỗi thuộc lòng. Có ai ngờ tới tai họa đến với tôi từ chỗ ấy.
Nếu về sau này, khi tôi bắt đầu đi học, có lỡ viết chữ sức khỏe thành sức khẻo, giáo viên đứng lớp sẽ giúp tôi chữa lại như một chuỵên bình thường, thì lúc ấy thau vì em tôi lại viết me trong bức thư gởi cho Mai thì quả là một tai họa tài trời. Không biết tại thằng Tùng viết tháu trong bản mẫu hay là vì tôi trông gà hóa cuốc mà trong hơn trăm tờ “bản thảo” của tôi, đều rặn một câu “Mai ơi, tôi yêu me!” để rồi cuối cùng tôi gởi cái “tác phẩm phản động” đó đến tay Mai.
Khốn nỗi là ngay lúc đó tôi vẫn chưa phát hiện ra cái sai lầm nghiêm trọng ấy. Tôi vẫn dương dương tự đắc và chìm ngập trong niềm hạnh phúc vô biên khi chỉ mới ba ngày sau là tôi nhận được thư trả lời. Tôi tìm một chỗ vắng vẻ, nôn nóng giở bức thư ra xem, chủ yếu là xem thư dài hay ngắn chứ tôi đâu có đọc được chữ nào. Bức thư chỉ vỏn vẹn có mười dòng. Nhưng tôi đếm được mười bốn chữ em cả thảy. Và lập tức tôi lên cơn sốt, miệng lắp bắp: “Trời ơi, “em”! Sao mà nhiều “em” quá vậy! A ha, Mai xưng “em” với mình. Trời ơi, có bao giờ vậy đâu! Và sau khi dòm quanh chắc chắn không có ai, tôi bắt đầu nhảy cởn lên, múa may quay cuồng như một thằng điên thực sự.
Tôi tận hưởng niềm vui một mình như thế trong vòng ba ngày. Đến ngày thứ tư, tôi buộc phải tìm đến “quân sư” nhờ “dịch” giùm bức thư đồng thời chia xẻ hạnh phúc của mình. Tôi đưa bức thư cho thằng Tùng với vẻ mặt đầy sùng kính của một tín đồ ngoan đạo trước bàn thành, đang chờ một sự nhiệm màu sắp sửa xảy ra. Và sự nhiệm mầu xảy ra một cách lạ lùng. Đó là những tiếng cười hả hê, cười chảy nước mắt nước mũi, trong khi tôi bành hoàng, mặt tái xanh, tim thóp lại, mơ hồ cảm thấy bầu trời đang sắp sửa sập xuống đầu mình. Cuối cùng, không chịu đựng nổi không khí u ám đang đè nặng, tôi cắt đứt chuỗi cười của nó, giọng gây sự: “Vừa phải thôi chứ! Có gì mày nói tao nghe chứ làm gì như thằng điên vậy!” – “Không điên sao được! Mày biết thư viết gì không?”. Thằng Tùng nheo mắt nhìn tôi, tiếng cười cuộn lên cuộn xuống trong cổ họng. Tôi nhướng mắt dòm vào tờ giấy nó đang cầm: “Ai biết được, Mai từ chối hả? Sao tao thấy Mai xưng em với tao mà!” – Đâu? Mai xưng em đâu, mày chỉ xem!” Quân sư chìa tờ giấy ra. Tôi hơi chột dạ, nhưng vẫn mạnh dạn chỉ vào những chữ em mà tôi đã thuộc lòng. Thằng Tùng bật cười sặc sụa: “Trời ơi trời! Chữ me đó cha nội!”. Hình như mây đen đang kéo đến quanh tôi. Cả doanh trại tự dưng biến mất. Chỉ còn mình tôi giữa đất trời với một tâm hồn đầy tang tóc. Thế là hết! Xấu hổ quá! Thằng Tùng đọc bức thư, mỗi tiếng như một mũi kim tẩm thuốc độc chích vào tim tôi: “Thư gởi Tư, me đã nhận được thư của Tư. Me có ý kiến như thế này: trước hết Tư phải đi học đã, rồi hãy nói chuỵên tình yêu. Me rất vui lòng nếu Tư chịu cắp sách đến lớp…”. Những câu sau tôi không nghe thấy nữa. Tôi cũng không nghe cả những tiếng cười hích hích của thằng Tùng. Tôi chộp lấy bức thư, xé vụn ra rồi bỏ đi nằm, đầu choáng voáng. Trong cơn mê, tôi gặp lại Mai bên giếng nước và lập tức tôi chộp lấy mụ phù thủy đó, xé ra từng mảnh như tôi đã xé bức thư tình đầu đời của tôi một cách không thương tiếc.
Những ngày sau đó, tôi ôm tập đi học. Cả đại đội đều ngạc nhiên tột độ. Anh em xúm lại gặng hỏi, nhưng tôi chỉ cười cười không nói. Chỉ có tôi, Tùng và mụ phù thủy mắt nhãn kia là hiểu nguyên do. Thoạt tiên, tôi định không đi. Nhưng rồi không chịu nỗi với ý nghĩ mình sẽ bị loài người quỷ quyệt “chơi xỏ” dài dài, tôi lại bấm gan trình bày nguỵên vọng học tập với đồng chí cán sự văn hóa. Thế là, giã từ những ngày tự do, tôi vào lớp. Rất may là không phải lớp do Mai phụ trách.
* * * * *
Trong quá trình học tập của tôi, có không ít những chuyện đau khổ, ngang trái và buồn cười. Nhưng tôi sẽ kể cho các bạn nghe trong một dịp khác. Ở đây tôi chỉ muốn nhanh chóng nói về thành quả của tôi sau một thời gian vật lộn trầy da tróc vảy với hăm bốn con chữ cái và mấy cái vần ngược chết đâm kia. Tôi tiến rất nhanh trên con đường học vấn. Bạn phải biết rằng một khi tôi đã nhất quyết biến đau thương thành sức mạnh thì tôi tiếp thu ánh sáng văn hóa một cách rất tự nguỵên tự giác và đầy hiệu quả. Tôi đã phân biệt được giấy Chứng nhận kiện tướng và giấy Lao động tiên tiến không phải bằng khuôn khổ và màu sắc mà đọc lên một cách đàng hoàng. Tôi đã đọc được truỵên “Thép đã tôi thế đấy” và hiểu ra chi tiết Pa – ven có hai con do thằng Tùng kể là chuyện phịa hoàn toàn. Tóm lại, tôi đã đọc được và đã viết được nhiều thứ. Và tôi cũng vỡ lẽ ra rằng chỉ với năm chữ thôi, không ai có thể tìm hạnh phúc cũng như chỉ với nửa lon gạo, con người ta không thể sống được trong một năm.
Khi đã xóa xong nạn mù chữ và bắt đầu lên lớp hai, tôi đi đứng có phần mạnh bạo hơn, dám nhìn thẳng vào các khẩu hiệu treo trên vách hơn và thấy đầu óc thông minh hơn. Và trong sự thông minh sáng láng đó, tôi viết cho Mai một bức thư. Không phải là một bức thư trách mắng nặng nề như trước đây tôi vẫn nghĩ – Bây giờ, quả thật tôi thầm cảm ơn Mai, cảm ơn cái trò đàu tàn nhẫn mà hữu ích ấy. Tôi viết một lá thư tình, bởi tôi vẫn còn yêu Mai, yêu ghê lắm. Một lá thư tình thực sự, có đầu có đuôi, đủ nhập đề, thân bài, kết luận. Và chỉ cần một tờ giấy đôi thay vì hao phí một quyển vở năm mươi trang. Sau khi suy nghĩ thận trọng, tôi bắt bầu vạch ra những đường chỉ định mệnh: “Mai thân mến. Thế là tôi đã làm đúng theo lời khuyên của Mai. Hãy học đã, rồi nói chuyện tình yêu sau. Tôi không chút mặc cảm hay xấu hổ khi nói rằng chính tình yêu của tôi đối với Mai đã là động lực thúc đẩy tôi đến với ánh sáng văn hóa, điều trước đây tôi đã vô tình coi thường. Tôi đã học. Và hôm nay, tôi lại muốn nói đến điều trước đây tôi đã nói trong bức thư ngớ ngẩn của mình…” Thư còn dài, khoảng ba trang giấy học trò. Từ đầu đến cuối, trái tim tôi đã phủ lên trang giấy một giọng nói nghiêm trang, thành khẩn và nóng bỏng nhất mà tôi có thể có được. Bức thư được gởi đi không qua sự kiểm duyệt của “quân sư”.
Mười ngày trôi qua trong sự chờ đợi. Không thấy Mai trả lời. Tôi bắt đầu hoang mang, mặc dù khối lượng thi công vẫn không hề sút giảm. Tôi đang tự nỗ lực tăng năng suất lập thành tích chào mừng… ngày sinh nhật tình yêu của hai đứa tôi. Đến ngày thứ mười một, tôi lại gặp Mai bên giếng nước. Ôi cái giếng nước duyên nợ kia tự dưng trở thành một nhân chứng lịch sử trong thiên tình ca bi tráng của tôi. Tôi nhận thư từ tay Mai và thấy đôi mắt nhãn long lanh ánh lên một vẻ gì như xúc động. Bàn tay Mai run run, bức thư rơi xuống đất mấy lần. Khi bỏ bức thư vào trong túi, tôi không nén được một cảm giác xao xuyến. Ngọn lửa hy vọng đang leo lét chợt bùng lên.
* * * * * * *
“… Mai rất xúc động trước tình cảm chân thành của anh đối với Mai. Nhưng biết làm sao. Mai đã có người yêu rồi… Dù sao, Mai cũng rất mừng khi thấy anh đã chiến thắng bóng tối…”. Đây là câu phù chú định đoạt vận mệnh đời tôi trong bức “văn kiện lịch sử” của Mai. “Quân sư” Tùng dù có là Khổng Minh tái thế cũng đành bó tay. Và tôi, kẻ si tình đáng thương, tôi chỉ còn biết chép miệng và rên “ba đồng một mớ trầu cay, sao anh không hỏi những ngày còn không!”. Thế là bao nhiêu hy vọng lại tan thành mây khói. Những giấc mơ đêm đông ngày hè của tôi vẫn suốt đời không thoát khỏi chiếc áo ước mơ. Một lần nữa, trời lại sập. Nhưng lần này, trời chỉ sập có một bên, chôn vùi tình cảm của tôi. Nửa bên kia trời vẫn cao, vẫn sáng, những trang sách bay lượn như cánh bướm. Tôi đã bị “nốc ao” trên mặt trận tình yêu, nhưng ngược lại, lần đầu tiên tôi đã hiên ngang bước lên vũ đài văn hóa. Nhìn lại, bóng đêm dày đặc trong quá khứ, tôi chợt hiểu cái thắng lợi rực rỡ nhất của mình không phải là chinh phục được trái tim của mụ phù thủy dễ thương kia mà là từ nay, nếu lại tiếp tục yêu một đôi mắt nhãn nào khác, tôi sẽ không để cho “tình mẫu tử” thấm được vào trang thư của mình như tôi đã từng trân trọng: Tôi yêu me!
Nguyễn Nhật Ánh
Bài viết do Ông Văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.
|
|