Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

Y DẮC - Tác giả NGUYỄN QUANG MINH.

Từ trong sâu thẳm rừng già, một con suối lớn đổ xuống, vắt ngang lũng thấp. Dòng nước trong veo cuồn cuộn chảy đêm ngày ầm ầm như thác. Con suối có bề ngang hơn mười thước, sâu đến ngang thắt lưng và chiều dài thì không ai ước lượng được. Đá, đá ở đâu trôi ra mà nhiều quá, có tảng to bằng cả cái bàn, có hòn nhỏ như viên sỏi, lăn lỉnh lỉnh giữa dòng.

Con suối ngàn năm xuyên rừng ấy, mấy tháng trở lại đây vô tình mà trở thành “biên giới”. Bên này suối, người dân tộc Ê-đê phá rừng làm rẫy, trồng cái bắp cái khoai, lập thành sóc Bù Roong. Còn bên kia, Thanh niên Xung phong ở đâu mà về nhiều quá, ước trên trăm người, bạt rừng đốn lồ ô, đêm về đốt lửa hát vang động rừng xanh. Bên kia suối, người Bù Roong đứng ngơ ngác nhìn, lửa bập bùng dội nỗi vui vào mắt.

Hai tháng đổ lại đây, “biên giới” ấy trở thành dòng sông “hữu nghị”. TNXP nhiệt tình khám bịnh, cho thuốc, lại vui vẻ dạy bà con Bù Roong cái cộng, cái trừ, cái chữ, cái nghĩa… Già làng Bù Roong cười hệch hệch mến yêu, giơ tay tuyên bố: “Nói có thần núi, thần rừng Tây Nguyên chứng giám, TNXP tốt lắm, tốt lắm! Ta cho phép trai gái trong làng đến múa vui với chúng nó”.

Từ đó, vào những đêm thứ bảy, chủ nhật, TNXP tổ chức lửa trại vui hơn vì có thêm nhiều bạn mới. Như đêm nay vậy, bên đống lửa ngùn ngụt giữa rừng, anh cán bộ phong trào Văn hóa quần chúng của Đại đội đang tập cho đám đông một bài múa mới. Anh là con trai mà dẻo còn hơn con gái, duyên quá, làm mấy cô gái Ê-đê mê tít. Theo động tác hướng dẫn của anh, từng cặp, từng cặp đứng lên, dập dìu xoay quanh đống lửa…

Rừng bỗng trở lạnh, sương mù bay lãng đãng như những cụm khói lớn. Có lẽ có những tảng hoa rừng hớp cái tinh khôi của đất trời nở xòe, tỏa hương ngây ngất. Thiên nhiên đó nhắc chừng đêm đã về khuya. Anh vỗ tay cho đám đông chú ý:

- Các bạn thân mến, chỉ còn hơn một tuần nữa là chúng ta kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, chúng tôi dự định tổ chức một đêm sinh hoạt với chủ đề: Bác Hồ, mùa Xuân của tuổi trẻ vào chủ nhật tuần tới. Đêm đó, chúng ta sẽ thi hái hoa dân chủ, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của Bác, múa hát vui chơi và sau cùng ăn là ăn chè bồi dưỡng! Các bạn đồng ý không nào?

Cánh TNXP vỗ tay hoan hô, reo hò ầm ĩ, nhưng cánh Bù Roong thì hơi lưỡng lự. Một cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến, ra là Hơ Mây, cô gái xinh nhất sóc.

- Cán bộ tổ chức vui chơi thì chúng tôi thích lắm. Múa thì chúng tôi đã thạo, nhưng thi đố thì chúng tôi mới được nghe cán bộ Yến giải có hai bài về Bác Hồ, sợ không đủ đáp ứng.

Anh phong trào khua tay loang loáng:

- Ô, không sao, không sao! Mấy câu đố chúng tôi chỉ gói gọn trong hai bài ấy thôi. Mà nầy, Hơ Mây và các bạn ơi, xin đừng gọi chúng tôi là cán bộ nữa. Cứ gọi tên như bạn Quang, bạn Yến có phải thân hơn không nào?

Hơ Mây bấm tay mấy cô bạn cười rinh rích:

- Xin nhớ, xin nhớ! Xin chào, xin chào!

Thế là tuổi trẻ hai bên bờ suối ngày càng thân thiết. Một chiếc cầu vô hình đã được bắc ngang. Từ chiếc cầu đó, người hai bên qua lại, chăm nom, giúp đỡ lẫn nhau. Phải nói, người có công nhất trong việc xây dựng tình cảm nầy là Y Dắc, một TNXP gốc người Ê-đê. Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn vượt lên như cây đại thụ giữa rừng. Mười bảy tuổi, mang nỗi buồn cô độc, anh bỏ sóc đi lang bạt, đào củ rừng, săn thú mà ăn, vốc nước suối mà uống, người dân tộc vẫn hay có những trường hợp lặng lẽ bỏ đi như vậy. Những người rừng thời đại xuất hiện âm thầm…

Thiên nhiên do Y Dắc sức khỏe và cũng chính thiên nhiên suýt giết hại anh. Cơn sốt rét vật cây đại thụ ngã ngửa giữa rừng. Và nếu không có những người TNXP đến kịp thì anh đã chết. Họ tặng anh cây rựa và tiếng hát tiếng đàn của cuộc sống sôi nổi, lôi cuốn anh đứng vào đội ngũ ấy. Đi ngang dọc trong rừng đốn lồ ô, hơn một năm thì tình cờ anh cùng đồng đội đến đóng quân bên dòng suối nầy. Gặp lại đồng bào.

*  *

Buổi sáng, mặt trời lên rực rỡ trên ngọn núi cao, tỏa hào quang xuống cánh rừng im ắng. Hoa không rõ hàm tiếu tự bao giờ, mà sáng nay nở nhiều quá sức, và chim ở đâu bay về nhiều quá, lại quá chừng nhí nhảnh líu lo, xui lòng người náo nức.

Dưới bóng cây Kơnia cao vút, đôi trai gái người Ê-đê ngồi gần bên nhau, gần nhưng không kề. Người con trai cao lớn, mày rậm, mắt xếch, đóng khố ở trần đang cau mày bực tức. Người con gái mảnh mai, thả tóc ngang vai, chiếc sơ mi trắng may theo kiểu người kinh, phủ trên cái “eng” bằng vải đen viền răn sặc sỡ bó chiếc eo thon quyến rũ. Hai người đang tranh luận:

- Y Bun, sao anh lại ghét người kinh anh em? Người kinh rất tốt như cha em đã nói. Người kinh đến dạy chúng ta biết đọc cái chữ, biết mặc cái áo, người kinh cho cái thuốc uống trừ ma sốt ác độc. Người kinh…

Người con trai ngắt lời bực bội:

- Hừ, người kinh không thực tốt đâu. Hơ Mây à, rừng của ta, lồ ô của ta, măng của ta họ đến đốn đi lấy hết. Con thú trong rừng của ta họ bắt đi ăn thịt. Ta sống ngàn năm trong rừng, thủy chung với cái nương cái suối. Đứa bé mới sinh họ bảo không nên đem ra cúng suối, nghe làm sao được? Ta trần trụi sống với núi rừng, họ lại khuyên mặc áo. Mặc áo là không sống thật với thần núi, thần rừng. Thần núi, thần rừng quở cho là bịnh chết đấy, Hơ Mây ơi!

Lập luận của Y Bun làm Hơ Mây không vừa ý, bảo thủ quá như thế thì làm sao mà tiến bộ được! Lúc nào mặt anh ấy cũng gườm gườm, có bao giờ chịu đến sinh hoạt với người kinh đâu. Mấy tháng gần gũi anh em TNXP là mấy tháng Hơ Mây đến với ánh sáng. Cô cố gắng đem sự hiểu biết của mình để thuyết phục người yêu:

- Không, Y Bun ơi, anh nghĩ sai rồi. Người kinh bảo em bé mới sinh cần hơi ấm, không được đem tắm suối lạnh, phải nấu nước nóng tắm cho em. Người kinh bảo ở rừng không mặc áo, sương lam chướng khí, muỗi độc bám đốt gây bệnh rét rừng, làm sao sống được?

Y Bun nổi giận vỗ ngực:

- Láo, láo! Như ta đây là Y Bun hai mươi năm ở rừng có sốt bao giờ?

- Nhưng Y Bun đừng quên, hai anh của Y Bun đã chết trong khi còn bé và mẹ của Y Bun mới chết vì ma sốt ấy mà.

Y Bun tím mặt:

- Đó là ý của thần núi, thần rừng, ta không được cưỡng lại.

- Thần núi, thần rừng phò hộ ta sống khỏe, ta rất biết ơn. Nhưng, hại ta mang bệnh thì ta phải lo chạy chữa, sao lại cam tâm chịu chết?

Hơ Mây nói vẫn ngọt ngào, nhưng Y Bun thì không còn chịu được nữa. Anh quát to:

- Im ngay, không được xúc phạm đến thần linh, mấy thằng người kinh đến đây phá hoại cuộc sống yên lành của ta, ve vãn bạn gái của ta, phải tống cổ chúng nó đi lập tức!

Hơ Mây tròn xoe hai mắt:

- Y Bun, ai ve vãn bạn gái chúng ta, ở đâu? Bao giờ?

Y Bun khinh bỉ:

- Ta đứng bên này suối nhìn rõ bọn chúng, bày trò múa vui, cầm tay bạn gái của ta, tươi cười ve vãn. Hừ, ngay như Hơ Mây cũng đã bị thằng cán bộ Quang cầm tay giả lả. Hơ Mây không còn xứng đáng là người yêu của ta!

Sự ghen tức đã đẩy Y Bun tới một sai lầm lớn. Hơ Mây đưa hai tay ôm mặt, nấc lên, quay lưng chạy về sóc. Y Bun chạy theo vài bước rồi đứng lại mắt long lanh căm phẫn…

Đại đội trưởng Hàn Thi Yến và Đại đội phó phụ trách phong trào Thế Quang đang ngồi bàn bạc trong văn phòng Ban chỉ huy đội, chuẩn bị cho đêm sinh hoạt sắp tới thì nghe có tiếng lùm xùm ngoài cửa, cả hai giật mình ngước lên, thấy thấp thoáng bóng mấy người dân tộc, vội bước ra.

Ra Già làng, ông K’ Dó, K’ Van, bà Hơ Lum, cô Hơ Tú năm người, ba nam, hai nữ, mặt đỏ bừng bừng, vẻ giận dữ. Thi Yến chột dạ, mời nhưng không ai vào. Già làng ồm ồm:

- Người kinh xấu lắm! Người kinh xấu lắm! Hừ, thằng Y Bun nói lâu rồi mà nay ta mới rõ cái bụng dạ người kinh!

Thi Yến sửa lại cổ áo, kẹp tóc lên, lễ phép:

- Thưa Già làng, anh em chúng cháu đã làm điều gì sai phạm?

Già làng rít lên, rung rung chòm râu bạc trắng:

- Người dân tộc chúng ta chắt chiu phá rừng làm rẫy, trồng được nương bắp no trái, các người xấu quá, lấy trộm của ta hết cả…

Thi Yến, Thế Quang nhìn nhau kinh ngạc, ông K’ Dó tiếp lời Già làng:

- Sáng nay lên rẫy, trong nương bắp trơ trọi ta bắt gặp cái gấu quần của người ăn trộm rách vướng lại trên một gốc cây ngầm… Hừ, người dân tộc chúng ta vốn thật thà, không bao giờ trộm cắp của nhau, các người đến đây gieo vào điều xấu.

Thi Yến, Thế Quang sững sờ nhìn cái gấu quần bằng vải ka-ki xanh do ông K’ Dó mới vứt xuống đất. Đúng là gấu quần đã toạc ra từ bộ đồng phục màu xanh. Tang vật rành rành làm cả hai chết lặng.

Mãi một lúc, Thế Quang mới lên tiếng:

- Thưa Già làng, thưa bà con, trước hết cho chúng cháu xin lỗi về việc đáng tiếc này…

Già làng hậm hực ngắt lời:

- Hừ, ta không cần cái xin lỗi của các người. Từ nay ta cấm không cho các người được bước sang bên kia dòng suối!

Già làng nói xong, ngoắc tay. Mấy người dân tộc kéo nhau ra về, chân nện bình bịch trên nền đất. Thi Yến, Thế Quang đưa mắt nhìn nhau, tiếc nuối. Thế là tình cảm tốt đẹp của đồng bào dân tộc và anh em TNXP đang tươi thắm như hoa ban mai bỗng héo queo, chết rụi. Dòng suối “hữu nghị” bỗng trở thành biên giới cách ngăn. Một đội viên xấu trong đơn vị đã gây nên thảm họa? Con sâu làm rầu nồi canh đây?

Hai người trở lại bàn. Dự kiến cho đêm sinh hoạt mừng sinh nhật Bác Hồ được xếp lại, họ bàn gấp một số biện pháp để xử lý sự việc vừa rồi.

- Chiều nay, anh em đi làm về – Thi Yến nói, một mặt ta cho các A họp lại kiểm điểm, nghiêm cấm việc vi phạm tài sản đồng bào, một mặt cùng các A trưởng kín đáo điều tra, truy tìm người phạm lỗi xử lý kỷ luật…

Thế Quang góp thêm ý kiến:

- Tôi thấy, để khôi phục lại tình cảm đã mất, ta nên lấy bắp ở hai héc-ta tự túc đem qua hoàn lại cho đồng bào…

Thi Yến gật đầu, gượng gạo:

- Nhất trí… Người dân tộc thật thà tốt bụng, yêu ai thì yêu hết lòng, ghét ai thì ghét hết sức. Ta không hy vọng lắm vào biện pháp này, nhưng quả là không có cách nào khác… Đêm hội vui mừng sinh nhật Bác Hồ sắp tới mà thiếu các bạn trẻ bên ấy thì mất vui… nhiều lắm!

Ven theo dòng suối, đi ngược lên phía dốc cao khoảng 18 thước thì gặp một cái hang, đó là nơi thờ thần rừng của đồng bào sóc Bù Roong. Hang đá bí hiểm, ngoác cái miệng rộng toác như cái miệng con quái vật, càng vào sâu càng nhỏ dần lại. Một loài dây leo quái dị, thân ngoằn ngoèo, sù sì, lá to như cánh quạt bầm đen um tùm phủ lên, tạo cho hang thần một vẻ âm u quái đản. Những con dơi xoải cánh bay ra lượn vào, thường bất chợt gây ra những tiếng động rợn người. Vào những ngày rằm người Bù Roong kéo nhau đến đây lễ bái; ngày thường, ít ai dám bén mảng. Vẻ linh thiêng hẻo lánh, ghê rợn toát ra, có thể làm đứng tim người yếu bóng vía.

Đêm đêm ở rừng thì quá ư rùng rợn. Tiếng cú rúc sần sùi. Tiếng côn trùng rên rĩ. Tiếng thú rừng đuổi nhau sột soạt dẫm lên những cành cây mục gãy khô khan như những bước chân xa vắng, âm thầm. Đêm ở hang thần càng bội phần khủng khiếp. Thế mà vẫn có một bóng đen vác trên vai cái bao khá lớn, chui tọt vào cái miệng rộng toác như miệng con quái vật ấy.

Bóng đen đứng lại, thả cái bao xuống rồi ngồi phệt xuống nền đá ướt lạnh, thở hào hển, mệt và có lẽ cả sợ nữa, đã làm nên nhịp thở ấy.

Chợt bóng đen đứng dậy, sục tay vào bao, lấy ra những vật gì đó liệng vương vãi trong hang, còn cái bao, y đá vào một góc. Xong, y thở ra thật nhẹ, chui ra ngoài…

Cái bóng đen vừa bước được vài bước, chợt có tiếng quát lớn nổi lên nghe như sét nổ:

- Ai? Đứng lại!

Sau tiếng quát là một ánh đèn pin lóa lên thẳng về phía bóng đen. Bóng đen hoảng hốt nhảy tránh qua một bên nhưng không kịp nữa, y đã bị nhận diện.

- Y Bun, mầy làm gì ở đây?

Y Bun nhảy qua nhảy lại tránh ánh đèn, ánh đèn quét loang loáng vào trong hang, và người cầm đèn chợt hiểu, “Bắp!” bắp ở đâu nhiều quá bị lột vỏ bẻ đôi, bẻ ba liệng vương vãi khắp hang thần. Người cầm đèn lại quát lớn:

- A, thì ra chính mầy là thằng ăn trộm. Mày đã lấy bắp rồi đổ tội cho TNXP, còn mò ra đây định dàn cảnh để đổ cho anh em cái tội xúc phạm thần linh. Hừ, mầy chính là người phá hoại thâm độc!

Y Bun tiếp tục lui lại nhưng lưng y đã chạm vào vách đá. Y đưa tay xua qua xua lại đuổi ánh đèn, mắt tóe lửa.

- Y Dắc! Mày hãy vứt ngay cái đèn ấy đi, mầy hãy nghe tao nói đây. Chính bọn người kinh đến đây phá hoại chớ không phải tao. Chúng nó lừa bịp người già, rập rình dụ dỗ phụ nữ, mầy hãy cùng tao đuổi chúng nó đi!

- Hừ, mầy đừng già mồm như thế! Biết điều thì theo tao về nhận tội với dân làng.

Y Bun bất chợt cung tay phóng tới như một con thú điên. Y Dắc bất ngờ hứng trọn một cú húc đầu của Y Bun vào bụng. Anh té nhào ba bốn vòng. Cái đèn pin văng xuống suối tắt ngấm. Anh lộn người đứng dậy, xuống tấn dùng hai cánh chỏ đón cú đá bồi tiếp của Y Bun. Hai cùi chỏ cứng như hai đầu búa xấn xuống đúng vào ống quyển con trâu hung hãn. Y Bun hét lên một tiếng đau đớn, lui lại phía sau loạng choạng.

Ngay lúc đó, những tiếng kèng nổi lên dồn dập. Trong phút chốc từ hai bờ suối, những cây đuốc đốt lên, chạy về phía hang thần.

Thanh niên Xung phong một bên, đồng bào dân tộc một bên như những cơn lốc cuốn lên dốc cao.

Y Bun hoảng hốt cúi lượm một trái bắp ném vào mặt Y Dắc, rồi quay người lao vào màn đêm thăm thẳm…

*    *    *

Đêm hội vui mừng sinh nhật Bác Hồ đã đến. Già làng hiểu ra câu chuyện, càng thêm thương quý TNXP, cho đàn con cháu vượt suối, đến doanh trại anh em tham dự.

Đơn sơ mà ấm cúng, TNXP dựng một lễ đài, phông giữa treo ảnh Bác, cánh phải cánh trái là biểu ngữ, bên trong lễ đài, chếch qua phía trái một chút là bục dành cho người điều động chương trình, làm bằng lồ ô được đóng thẳng xuống đất, phủ mền hoa xinh xắn. Chếch qua bên phải lễ đài là đống lửa rực rỡ, bên trái lễ đài là một cây mai rừng thật lớn, cắm chặt xuống đất, trên cành mang những câu hỏi viết sẵn trên giấy, gói kín, treo tòn teng, đong đưa trong gió. Mọi người hứng khởi nôn nao đêm hội vui.

Y Dắc đang ngồi chống hai tay lên gối, tựa cằm say mê nhìn vợ chồng dân sóc hát, thì có người đến nhẹ nhàng ngồi bên cạnh. Y Dắc quay qua, ra là C trưởng Yến. Đoán Yến có chuyện muốn nói, anh nghếch tai, chăm chú. Đôi mắt Yến hôm nay sao lạ quá, như muốn gởi gấm nơi Y Dắc một điều gì hệ trọng khiến anh bỗng nghe hồi hộp trong lòng.

- Y Dắc ơi, mình có điều này muốn trao đổi với Y Dắc…

Đại đội chúng ta sắp sửa chuyển quân…

Y Dắc lắng nghe Yến nói, lòng thấy bừng bừng, thế là mình lại được dịp cùng đồng đội đi đến những công trình mang tầm cao đất nước… Y Dắc đang náo nức chợt chưng hửng khi nghe tiếp câu nói của Yến:

- Mình và Quang đã bàn bạc kỹ, nhất trí bố trí Y Dắc ở lại với bà con sóc Bù Roong…

Y Dắc sững sờ ngắt lời Yến:

- Không, C Yến ơi, xin cho Y Dắc được lên đường cùng đồng đội, Y Dắc đâu có làm điều gì quấy, Dắc vẫn nhiệt tình gắn bó với anh em mà…

- Y Dắc, Y Dắc hãy bình tĩnh nghe mình nói đây, Y Dắc rất tốt, Y Dắc là đoàn viên tiên tiến của Đại đội, của chi đoàn. Một năm qua, Y Dắc đã đóng góp rất nhiều cho đơn vị, nhất là việc xây dựng nên tình cảm cao quý giữa chúng ta và bà con bên sóc… Ngày ta mới đến đây, bà con còn mù chữ, còn chưa biết mặc áo, còn chưa biết uống thuốc… Và cho đến bây giờ, bà con vẫn còn nhiều cái chưa biết, mà chúng ta lại phải lên đường. Chia tay đi mà chưa thật an tâm. Vì thế, Y Dắc ơi, bọn mình tin tưởng nên mới để Y Dắc ở lại, tiếp tục giúp đỡ đồng bào…

Yến thì thầm phân giải, còn Y Dắc lặng lẽ bùi ngùi.

- Một năm qua, cùng với bọn mình, Y Dắc cũng đã hiểu biết khá về Đảng, về Bác Hồ, về xã hội lý tưởng của chúng ta. Y Dắc hãy đem sự hiểu biết nầy làm hạt nhân nòng cốt, giúp đồng bào từng bước xây dựng cuộc sống văn minh. Người mới xóa mù chữ, không được học tiếp sẽ quay lại mù chữ. Người mới biết đến ánh sáng văn minh, không được tiếp tục quan tâm sẽ quay trở lại những hủ tục. Y Dắc là đoàn viên, Y Dắc phải mạnh dạn ở lại, không thể để đồng bào mình quay về với bóng tối. Hơn nữa, Đại đội vẫn quanh quanh đây mà.

Trong lời nói vừa dịu dàng vừa như có lửa của Yến, dấy niềm tin trong lòng Y Dắc, anh nghe mình như lớn thêm.

- Y Dắc xin hứa sẽ cố gắng…

Yến lộ nét mừng, siết tay Y Dắc:

- Y Dắc nên chú ý đến lực lượng trẻ, bồi dưỡng tiến tới thành lập chi đoàn.

Trọng trách đặt ra quá lớn và bất ngờ, anh lo âu lúng túng:

- Nhưng, dù là đoàn viên, trình độ học vấn và năng lực tổ chức tôi có hạn, tôi làm sao…

- Đừng lo, Y Dắc, mình đã báo với Huyện Đoàn Đắc Nông, họ sẽ hỗ trợ cho Y Dắc.

Y Dắc an tâm, Yến lại tiếp tục dặn dò:

- À, Y Dắc hãy cùng bà con vào rừng tìm Y Bun về, đừng để anh ta chết bịnh trong rừng hay đi theo bọn phỉ. Hãy tìm cho bằng được Y Bun về với sóc, về với Hơ Mây. Hơ Mây hôm nay không đến dự hội vui, chắc cô ta khóc ở nhà đấy. Hôm nào chính thức chuyển quân, Đại đội sẽ chia tay với Y Dắc. Bây giờ, mình đến chung vui với anh em, bà con.

Hai người hòa vào dòng người xoay quanh đống lửa tình thân.

Nguyễn Quang Minh - 19.01.1983


Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên Internet. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á