Trang chủ | Thông tin chung | 4C Thành Đoàn | Liên đội CĐ 6 | Liên đội 303 BG |
       Giới thiệu  
       Thông tin  
       Lịch sử đơn vị  
       Phong Trào Viết Văn  
       Văn hóa - Nghệ thuật  
       Liên lạc - Góp ý  

TRÊN ĐƯỜNG ĐI TỚI - TRẦN NGỌC CHÂU.

Mới ngày thứ ba đã có người bỏ trốn…

Mùa mưa đến sớm khiến con đường độc nhất dẫn vào rừng – Nơi đóng quân – Lầy lội, vương vất những cành cây gãy. Vết bánh xe đọng từng vũng nước màu chì xám, những chú cua đỏ sẫm, bò lổm ngổm, mới trông giống như những cánh hoa dại rụng tan tác trên mặt nước… Cây bằng lăng vỏ lốm đốm, thẳng tắp vươn lên bất chấp những vết thương do đạn pháo, rốc-kết không biết bắn từ bao giờ còn chằng chịt, nhăn nheo, đen xám, lỗ chỗ hoặc phá thành hốc lớn chứa đầy nước mưa hòa với mủ cây, từ đó, mọc ra những bụi lan lá dài, thoang thoảng mùi thơm rất lạ…

Nếu không có chuối và đu đủ mọc lẫn giữa lán tranh, có lẽ không đoán được cánh rừng này, có thời, là chỗ đóng quân của bộ đội… Gần lán tranh – Nơi chúng tôi dựng căn nhà đầu tiên với tâm bạt màu xanh căng làm mái, nghiêng về một phía tưởng như sắp ngã – Là con suối, đá lởm chởm, róc rách một khúc nhạc bất tận, đều đặn, quen tai… Đến nỗi, về sau trở thành một nỗi nhớ…

Trong số những người bỏ trốn đầu tiên, có lẽ, Đông “hăng hái” nhất… Một đơn vị với nhiệm vụ khai hoang và dựng nhà mới thành lập, gồm nhiều thành phần khác nhau, làm sao có thể kiểm soát hết. Những chuyến xe GMC lấm lem bùn đất chở đầy hàng hóa và người, thường lún vào mấy khúc lầy. Chuyến lên, không thể phân biệt ai là dân đi xây dựng kinh tế mới, ai là thanh niên tình nguyện. Và chuyến về cũng không thể nhận ra được người đi công tác và kẻ bỏ trốn… Đông đứng chen giữa đám người đó, cố rùn người xuống, nhưng cái đầu cao lêu nghêu vẫn nổi lên giữa những nón, mũ đủ kiểu, đủ màu… Đông vừa giang chân, giữ thăng bằng giữa lòng xe, vừa hét tướng lên:

- Tới luôn bác tài. Tới luôn…! Rồi cười nắc nẻ như bị ai chọc lét.

Thanh, đứng cạnh Đông, khuôn mặt nhỏ, xanh như người sốt rét kinh niên, đôi mắt nhiều lòng trắng đục lờ lờ đẩy mạnh Đông về phía trước khi chiếc xe lắc lư, leo lên một cái mô để tránh vũng lầy bên trái:

- Mày đứng xê ra chút. Dẫm chân tao rồi.

- Cho chết luôn. Ai bảo theo tao?

- Ma quỷ chớ ai!

Chiếc xe nghiêng đi làm mọi người đổ vào nhau, kêu í ới. “Rắc”… “Rắc” – Một cành cây khô bên đường bất ngờ gãy, đập vào ca-bin xe, làm vỡ kính loảng xoảng. Chiếc xe như con voi điên, loạng quạng, rồi nhào xuống một hố bom lẻ loi giữa rừng. Mọi người trên xe hoảng hốt kêu làm đàn chim trên vòm cây gần đó bay lên như một đám mây đen. Bác tài, khuôn mặt vuông, mồ hôi chảy thành dòng, bước ra khỏi xe một cách khó khăn, cánh tay bị mấy mảnh kính đâm chảy máu ri rĩ. Bác lấy khăn tay chùi máu, bước xuống hố, nước ngập đến gối, sờ sờ bánh xe, lắc đầu… Cả hai bánh trước đều ngập dưới bùn vàng nhờ nhờ… Trong đám hành khách có người nóng ruột hỏi:

- Thế nào bác tài? Liệu có ra khỏi rừng trước khi trời tối không?

Bác tài bước ra khỏi hố, đến bên buồng máy, trả lời:

- Có lẽ phải ngủ lại…

- Trời hại rồi bà con ơi! – Tiếng một người đàn bà đi nhờ xe, nghe the thé như nói qua một cái mi-cờ-rô hỏng.

Đông nhảy xuống xe từ lúc nào đang tiu nghỉu dựa lưng vào một gốc cây, nhìn những người đàn bà nhấp nhỏm lo lắng. Thanh đến bên Đông:

- Tao định trở lại đại đội, mày đi không?

- Điên sao? Rồi bác tài sẽ sửa được xe thôi, - Giọng Đông nghe yếu xìu không như lúc mới lên xe.

- Tao biết chắc là không sửa được. Hoặc là ngủ trong rừng, mai cuốc bộ về. Hoặc là trở lại đại đội mai quá giang xe cày ra… Tao đi đây…

Đông kéo tay Thanh:

- Khoan đã… Bộ mày định bỏ tao hả? Đây này, nếu trở lại đại đội chưa chắc mày được yên. Bà đại đội trưởng “chằng” lắm. Bà Minh ấy!

- Nhưng bà đâu biết tao và mày chuồn? – Thanh có vẻ bực mình cương quyết bỏ đi. Đông không biết tính sao, cũng xách cái xắc chạy theo…

Không phải Đông không biết việc ấy. Nhưng, sáng sớm, lúc tập hợp quân, thấy Đông và Thanh đứng trong hàng, chị vẫn không ngạc nhiên. Người bỏ trốn nửa đường trở lại là chuyện thường. Đối với Minh – Cô học trò mười tám tuổi, vừa rời ghế nhà trường, giữ chức đại đội trưởng đại đội thanh niên lao động tình nguyện nầy – Tất cả sự kiện xảy ra ở đây đều mang những màu sắc vừa mới mẻ vừa quen thuộc. Đối với tập thể còn ô hợp, tuy có thể thuộc tên từng người, nhưng lòng họ thì Minh chưa rõ lắm. Minh nghĩ, mình chưa hiểu họ, nhưng rồi đây, họ sẽ là đồng đội, đồng chí trong cuộc chiến đấu gay go nơi cánh rừng sâu biên giới này…

Từ trong hàng có tiếng xôn xao. Ai đó hút thuốc khiến các cô gái khó chịu. Minh hất ngược cái khăn quàng cổ có những sọc đen chạy giữa những sọc xám và đỏ, nói:

- Các đồng chí giữ im lặng. Hưng tắt thuốc lá đi.

Mắt Minh chạm phải ánh mắt dữ dằn của người thanh niên da ngăm đen, cánh tay trần để lộ những hình xăm chằng chịt… Minh nhắc lại:

- Hưng nghe không? Trong hàng không được hút thuốc.

Im lặng. Minh nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch. Rủi Hưng không nghe lời, biết tính sao… Nhưng Hưng do dự một chút, rồi chậm chạp giơ tay gỡ điếu thuốc tưởng như dính chặt trên cặp môi khô xám. Minh thở ra một hơi dài, nói tiếp:

- Hôm nay chúng ta bắt đầu vào rừng chặt cây chuẩn bị dựng nhà. Tiểu đội một, à quên, chúng ta gọi là “A" cho dễ nhớ. A một cử năm đồng chí ở lại ổn định chỗ ăn ở cho toàn đội. Còn lại vào rừng hết. Một lát nữa các A trưởng sẽ triển khai kích thước cột lớn, cột con, kèo và chỉ tiêu cho từng “tiểu đội” (Minh lại quên dùng chữ A!).

Minh cố gắng nói to để át tiếng xì xào phía dưới. Chị chưa dứt lời, nhiều cánh tay đã giơ lên:

- Xin có ý kiến.

- Tôi xin phát biểu.

- Được, nói đi – Minh hơi bực mình.

Một cô gái tóc tết bím, đôi mắt to, ánh lên vẻ tinh nghịch tranh nói trước:

- Đề nghị cho tôi vào rừng làm việc với anh em. Tôi đã nấu bếp ba ngày rồi. Tôi đến đây không phải để nấu bếp.

Mọi người cười ồ lên. Thúy – Bây giờ Minh mới nhớ ra tên của cô ấy – Đúng rồi Diệu Thúy – cái tên nghe kêu dữ – Đỏ mặt, nhưng vẫn bướng bỉnh nhìn thẳng mọi người, đôi môi mím chặt, khiến má phình ra trông như khuôn mặt búp bê… Bất chợt, một giọng nói ồm ồm thường thấy ở những chàng trai mới lớn, vang lên từ hàng cuối đại đội:

- Tôi bệnh. Xin nghỉ.

Tiếp theo nhiều tiếng khác nhao nhao:

- Tôi nữa. Tôi cũng bệnh. Đau bụng.

- Tôi đau đầu…

- Tôi sưng chân…

Minh ngẩn người trong một lát:

- Im đi!... Từng người nói không được sao? – Diệu Thúy bỗng dưng nói lớn, làm những người đòi nghỉ việc khựng lại, tìm xem ai vừa nói ra cái “mệnh lệnh” đó. Khi biết là Diệu Thúy, họ cùng là lên: - “Ồ, ai khiến!” rồi cười chế diễu. Minh lại hất cái khăn quàng cổ ra phía sau, chị vẫn làm thế mỗi khi cần lấy bình tĩnh, hắng giọng, rồi nói:

- Các đồng chí im lặng. Giờ làm việc trễ rồi. Chúng ta chuẩn bị vào rừng. Đồng chí nào bịnh, bước ra khỏi hàng.

Câu sau Minh có ý gằn giọng. Không có ai, Minh định kết thúc sớm buổi tập họp và triển khai công tác, nhưng có một người vừa bước ra.

- Đông. Căng đấy! – Minh nghĩ thầm. Vài người nữa bước ra theo Đông. Họ đứng thành một nhóm lẻ loi và xa lạ. Minh thoáng thấy môi dưới của Diệu Thúy bĩu ra, hồng hồng như môi một chú mèo con. Minh nói:

- Thôi được. Giải tán. Các A cho anh em lấy dụng cụ nhanh lên…

*    *

Đông, Thanh, Hưng kết thành một “tổ”, làm đủ những trò phá phách, gây rối trong đơn vị… Có điều Minh chưa hiểu sao họ lại không bỏ trốn thêm lần nữa, sau chuyến đi thất bại tháng trước. Có lẽ, bây giờ, đường càng trở nên khó vì những cơn mưa lớn dai dẳng, và những chuyến xe tải không còn lên xuống thường xuyên nữa. Cũng có thể họ biết không ít người trốn về thành phố, rồi lại lên, xin được ở đơn vị…

Nhiều người trong đơn vị rất khó chịu vì nhóm Đông, Thanh, Hưng, đòi gửi trả họ về địa phương. Nhưng Minh không chịu. Cuối cùn, tất cả đều đồng ý cần phải giúp đỡ “các bạn ấy”.

Trước tiên phải tách rời họ. Đông được giao về A một. Tiểu đội trưởng là người lớn tuổi nhất đơn vị, được nhiều người mến. Thanh ở A hai với Diệu Thúy – Bây giờ đã được đề bạt làm tiểu đội trưởng Diệu Thúy hứa sẽ thuyết phục Thanh, nếu không được chị sẽ “từ chức”. Còn Hưng thì vẫn ở tiểu đội cũ.

Minh nghĩ chỉ cần một người “chuyển”, thì có hy vọng lôi kéo được hai người kia. Đông là “căng” nhất. Người ta đã nói nhiều về những nạn nhân của chế độ cũ, về sự phá sản đến tận cùng niềm tin của những con người đó. Đông là một con người như thế. Anh như một chiếc lá xơ xác, héo vàng sau cơn bão lớn, làm cho chiếc lá ấy xanh lại không phải là chuyện dễ. Nhưng, vốn là một cô gái “cứng đầu” – Như bạn bè thường nói – Minh không chịu thua. Chị tin ở mình và tập thể.

Minh lội dọc theo con suối nhỏ, chảy len lỏi giữa những gốc quít rừng. Nước mát lạnh khiến chị cảm thấy tỉnh người. Đêm qua, chị phải thức khuya, bàn với A trưởng việc dựng cái nhà thương cho kịp rước dân xây dựng kinh tế mới lên… Sáng nay, trong khi đại đội tập trung cắt tranh lợp nhà. Minh tranh thủ vào khu rừng phía tây tìm chọn các thân cây thẳng và dài để dựng bệnh viện.

Nắng buổi sáng lọc qua lá cây rơi xuống lấp lánh như những tấm vảy bạc. Những bông bằng lăng tim tím rụng đầy mặt nước. Minh có cảm tưởng những mảnh ánh sáng này chạm vào nhau như thủy tinh, tạo thành tiếng róc rách của con suối nhỏ. Ở chỗ khúc quanh, Minh phát hiện ra một cánh rừng toàn cây căm xe – Loại gỗ quý – Thẳng tắp, vỏ loang lỗ nhiều màu đẹp mắt. Những cây này làm cột thì khá quá – Minh tự nhủ. Chị cảm thấy rộn ràng vui. Như thế là đủ số cột, kèo cho một căn nhà dài, rộng.

… Những cây cột dài, thẳng, đã bóc vỏ, nằm ngay ngắn trên mảnh đất trống vừa được dọn sạch giữa rừng. Con đường mòn chạy dọc theo suối dẫn vào đây, cơn mưa đêm qua đã làm lầy đến tận mắt cá. Chuyển những cây cột lớn và những đòn tay dài mười mét này ra chỗ dựng nhà thương không phải là chuyện bình thường. Minh bàn với các A trưởng:

- Các đồng chí nghĩ sao? Chúng ta không còn cách nào khác à?

Diệu Thúy – như đã nghĩ từ lâu, nhanh nhảu:

- Có chứ. Ta chia ra làm nhiều chặng. Mỗi chặng chỉ cần hai người. Cách này vừa vui, vừa đỡ mệt.

Minh hỏi hai A Trưởng còn lại:

- Thế nào, các bạn có nhất trí với phương pháp của Diệu Thúy không? Một người nói:

- Lẽ ra phải có xe, nhưng bây giờ, chắc chắn là không thể xin xe được. Đành theo cách của Diệu Thúy. Không có cách nào tốt hơn…

Cuộc chuyển cây bắt đầu. Nhiều người vùng vằng tỏ ý phản đối, nhưng, sau cùng, họ không thể cưỡng lại được ý chí của số đông…

Họ chuyền qua vai nhau những cây cột to nửa vòng tay ôm, những cây kèo và đòn tay dài thườn thượt. Nhiều đoạn đường trơn như bôi mỡ. Phải bấm ngón chân xuống, bước từng bước một.

Minh với Đông ở toán thứ nhất. Anh chàng lầm lì, khó chịu khi thấy chị Đại đội trưởng cùng làm việc với mình. Có chị anh không thể – Nói đúng hơn – Không dám lười. Đông không hiểu sao mình lại “ngán” cái cô bé này. Thiệt chẳng ra gì…

Thấy Đông lầm lì, Minh vui vẻ bắt chuyện:

- Anh Đông này, chúng ta phải làm cho toán hai – Diệu Thúy và Thanh – Nể mặt nhé. Cho họ chạy, chết luôn. Anh đi trước, tôi đi sau. À quên, anh cao phải đi sau chứ. Dám anh chạy không lại tôi lắm. Nè, đừng tưởng con trai lúc nào cũng khỏe hơn…

- Tôi có giành chi cái “khỏe” đó – Đông khó chịu trả lời.

- Thế mà coi bộ anh “khỏe” nhất ở đây đấy!

Chữ “khỏe” Minh cố ý nhấn mạnh cho Đông hiểu rằng nó có ý nghĩa khác.

- Thôi, chị đừng nói nữa. Đủ rồi!

Đông vừa nói, vừa cúi người, nhấc một đầu cột. Minh chạy tới, đỡ phụ, xong chị về “vị trí” của mình, dùng hai tay, cả đầu gốc nữa để nâng cây lên vai, khá gọn…

Minh cố bước nhanh để buộc Đông phải “chạy” theo. Hai cái đuôi sam đung đưa, nhảy nhót sau lưng cô như trêu ghẹo Đông. Anh thấy tức tức trong bụng. Nhưng, nhìn lưng áo ướt đẫm mồ hôi, cái gáy trắng xinh và hai cái đuôi sam nhí nhảnh của cô gái mười tám tuổi, anh thấy dâng lên trong lòng một niềm mến phục… Con gái gì kỳ cục. Chẳng biết e lệ, chẳng biết làm dáng. Bây giờ vui vậy, nhưng chút nữa, gặp công việc trục trặc, là lạnh như tiền, trông có “uy” lắm. Con gái mà khỏe như voi, việc gì cũng làm được. Tưởng mảnh khảnh như thế, không khiêng nổi cây kèo, chứ đừng nói cây này. Mà lại đi nhanh mới chết chứ. Mình thở muốn đứt hơi, cứ sợ té nữa, nhưng không lẽ lại chịu thua? Dù gì, cũng con trai, từng đánh gục những thằng du côn to gấp đôi… Nghĩ càng tức. Không, thằng Đông này không phải dễ thua ai đâu. Đông nghĩ lan man theo bước chân và tiếng cười vui của Minh, đến nỗi, đống cây vơi đi lúc nào không biết. Minh reo lên:

- A, hoan hô anh Đông, thế là sắp dứt điểm rồi. Hôm nay vượt chỉ tiêu đấy nhé – Tiếng cười của chị làm nảy nở niềm vui tưởng như đã tê liệt trong Đông. Anh cũng muốn reo lên, hồn nhiên như thế… Nhưng, vì tự ái, anh cố nén, giữ vẻ mặt “bất hợp tác” cho đến khi chỉ còn cây cột cuối cùng, cũng là cây to nhất. Minh thách Đông: 

- Bây giờ ta không chuyền nữa, mà đi thẳng đến “điểm” luôn. Anh dám không?

Đến “điểm” có nghĩa là phải đi một mạch ba cây số đường rừng. Đông định nói “không”, nhưng nhìn nét miệng chế giễu và ánh mắt như một tia lửa của Minh, anh có cảm tưởng cô thấy trước sự “đầu hàng” của anh. Không được, chả lẽ lại “yếu cơ” như thế.

- Được thôi. Tôi chỉ lo cho chị – Đông dứt khoát. Minh cười lớn:

- Rồi coi!...

Đúng là “con đường đau khổ”. Minh suýt ngã nhiều lần, nhưng chị gượng được. Đông cũng thế. Anh nghĩ lại giận Minh. Giận mình nữa. Ai biểu nghe lời. Nhưng cả hai không ai chịu thua ai…

Nhiều lần Đông muốn kêu Minh dừng lại cho anh thở một chút, nhưng nhớ tới nụ cười và ánh mắt giễu cợt của Minh, anh không dám. Thật là tệ. Con người ngang tàng ấy, coi trời đất bằng vung, giờ đây lại ngán nụ cười và ánh mắt của một cô gái. Mà nụ cười, ánh mắt ấy đâu có phải “hấp dẫn” chi. Chỉ vì từ đó, anh cảm thấy, toát ra một niềm tin cậy vào anh, như bàn tay thân ái cầm lấy tay anh dắt đi.

Đông cố nghĩ ra một cớ gì thật hợp lý để kêu Minh dừng lại. Nhưng đồng thời anh lại có ý nghĩ là anh sắp sửa hoàn thành được một việc lớn lao. Nội ý nghĩ đó cũng làm anh vui quá rồi.

… Bỗng có nhiều tiếng reo lên:

- Chị Minh. Chị Minh đến rồi! Chặng cuối đến rồi, các bạn ơi! Hoan hô anh Đông – Tiếng reo của nhiều người, như cơn gió mạnh thổi tung nỗi mệt nhọc đang bám trên người Đông như đám bụi nặng nề….

Phía trước anh, Minh đã dừng lại. Chị đang lựa chọn chỗ trống để thả cây xuống. Minh hô:

- Một, hai…

Bỗng chị nghe nhói ở vai. Hình như có một tiếng sắt nóng đập vào vai chị, luồn sâu xuống ngực… Chị nghe nhiều tiếng lao xao và ngã xuống…

Tôi gặp lại Minh trong chuyến đi phục vụ biên giới tại Tây Ninh. Chị gọn gàng trong bộ quân phục Thanh niên Xung phong… Những ngày chiến đấu gian khổ không cướp đi ánh mắt và nụ cười tỏa ra hơi ấm của chị. Những vầng trán cao thông minh và bướng bỉnh ấy đã có nhiều nếp nhăn.

Chị đưa tôi vào một căn lán xiêu vẹo, che bằng mấy tấm tranh của nhà dân bị giặc đốt còn sót lại, dùng làm chỗ của Ban chỉ huy liên đội.

Chỉ vào cái thùng đạn gỉ sắt. Có lẽ moi đâu đó từ một căn hầm cũ, chị nói:

- Ngồi đi anh. Không ngờ lại gặp nhau ở đây… - Chị định nói nữa, nhưng một anh bộ đội, có lẽ là liên lạc, đến trao cho chị một mảnh giấy. Chị vội vã mở ra đọc, rồi bảo:

- Đồng chí về nói bên tiểu đoàn là đơn vị chúng tôi hết nhẵn thực phẩm rồi, hai ngày nay phải chặt chuối nấu canh với muối đấy… À này, đại đội một gặp mìn nhiều quá, nên việc mở đường chậm lại. Bực quá… Còn thư này, tôi sẽ chấp hành tốt…

Người liên lạc cười – Nụ cười trẻ trung.

- Thôi được, chào đồng chí chính trị viên.

Đợi cho anh đi khỏi, tôi hỏi Minh:

- Liên đội phó chính trị rồi hả? Hồi nào vậy?

- Cũng mới thôi, lúc đơn vị chuyển ra phục vụ chiến đấu. Khó quá. Cứ sợ làm không nổi.

- Khiêm tốn hoài.

Minh cười… Buổi chiều biên giới vàng đi trong ánh nắng kéo dài thành từng vạt ngoài rừng tranh lao xao gió. Minh nheo mắt. Tôi tiếc chị không quàng khăn cổ như ngày nào còn ở trong “Đội thanh niên lao động tình nguyện”, để tôi được thấy chị hất ra sau vai, gọn gàng như một cử chỉ làm duyên…

Sau khi hỏi tôi đủ thứ chuyện… Minh bắt đầu kể cho tôi nghe về những ngày chị rời Đội thanh niên tình nguyện, sau khi xây dựng xong làng kinh tế mới đầu tiên ven biên ấy.

Những đồng đội cũ đã trưởng thành ở đó như thế nào, ai đã về địa phương, ai vào bộ đội, chuyển qua Thanh niên Xung phong và cả những người ở lại làm dân của cái làng mà chính mình đã đổ mồ hôi xây dựng nên. Chị kể hết, nhớ rõ tên từng người.

- Nguyên ạ – Minh nói với tôi – Có lẽ mình không lường hết được sức mạnh của những con người ở đây. Những người tốt, những người xấu lẫn lộn nhau. Nhưng bao giờ cái tốt cũng chiến thắng, cũng được lọc sạch… Hưng, chắc Nguyên nhớ, cái anh chàng lính cũ dữ dằn này, bây giờ là một cán bộ Thanh niên Xung phong tốt đấy. Thanh thì khỏe như voi. Mới gặp tuần trước – Giọng nói của Minh càng sôi nổi – Cũng là Thanh niên Xung phong ở đâu dưới Minh Hải. Diệu Thúy đã về học Bổ túc công nông rồi, có thư cho mình luôn. Nhắc Nguyên mãi…

Minh dừng lại. Đôi mắt chị trở nên xa xăm, rồi chợt nhìn thẳng vào tôi:

- Nguyên còn nhớ Đông không?

- “Đông-hai-ba” chớ gì?

- Cái tên ai đặt nghe cũng “kỷ niệm” quá. Hồi đó mà mình bỏ bớt cái nhịp “một” mà đếm “hai, ba” như Đông, cùng thả cây xuống một lúc thì đâu có cái “kỷ niệm” ấy phải không?

Tôi cười, hỏi lại:

- Đông thế nào rồi?

Minh không trả lời, nhìn ra khoảng nắng cuộn trên những bông cỏ tranh trắng, nheo mắt, rồi nói:

- Hồi đó, Nguyên bịnh, rời Đội trước nên không thấy được cái nhà thương mà chúng ta tốn hết bao nhiêu công sức để dựng nân. Đông là người tích cực nhất trong việc này… Sau khi hoàn tất việc xây dựng làng. Đội chúng ta giải tán. Buổi tối hôm đó, Đông đến gặp Ban chỉ huy xin được ở lại nhà thương làm y tá. Vì hồi trước anh có học sơ về nghề này. Đông nói rất rõ, từng tiếng một, như sợ chúng tôi nghe không hết ý của anh.

Mình chưa tin mấy, dù biết, sau tai nạn của mình, Đông đã thay đổi nhiều lắm. Nhưng vẫn chưa “ăn nhịp” với chúng ta. Mình cảm thấy như thế, Mình bảo:

- Đừng có bốc đồng. Anh mà làm y tá ở đây, chắc dân hổng dám bệnh.

- Chị không tin tôi à? Chị xem thường tôi hay chị vẫn còn giận vì cái tai nạn bữa trước.

Phải nói thật là trong thời gian xây dựng làng kinh tế mới ấy, có lắm lúc giận anh, ghét anh nữa là khác, nhưng lúc này, nhìn khuôn mặt đầy vẻ ân hận, gần như ngây thơ đó, mình quên hết, để chỉ còn lại một niềm vui: Thêm một đồng đội tốt…

Thế rồi… Đông ở lại, làm người dân đầu tiên của cái làng xinh xắn ấy, phục vụ tại trạm y tế…

Còn mình, gần hai năm lăn lộn, trên những dòng kinh, những nông trường cho đến tháng sáu vừa rồi, được chuyển ra đây phục vụ chiến đấu. Điều bất ngờ là mình có dịp về thăm cái “công trình vĩ đại” của bọn mình: Làng T. đó! Nó nằm lọt giữa rừng như một cái nôi xinh tươi – Mình có tật ăn nói văn chương vậy mà. Nhưng, mình không may mắn chút nào. Nguyên biết không, khi đơn vị mình đến đó, thì không còn gì nữa. Bọn giặc đã đốt sạch ngôi làng cách đó một tuần. Mình muốn điên lên. Mình chạy ngay tới chỗ nhà thương… Ôi cái nhà dài và lớn nhất làng, chỉ còn là một đống tro bên những đống tro khác. Mình nghĩ đến Đông. Mình mong là anh còn sống. Dù sao cũng có người sống sót chứ… Quả thật, một trong ba người sống sót đã kể với mình: Lẽ ra Đông cũng thoát bởi vì hai anh đã trốn được vào một bụi cây rậm ven rừng, bọn giặc không phát hiện được. Hôm đó nhà thương không có bệnh nhân nào cả. Ngọn lửa bốc lên ở đó cao nhất, lưỡi lửa như muốn quét rụng hết những ngôi sao nhấp nháy trên trời…

Anh bạn và Đông nấp trong bụi cây nhìn thấy rất rõ tội ác của giặc. Anh bạn bưng mặt khóc như một đứa trẻ khi kể đến đây. Còn Đông, anh không cầm lòng được, khi thấy một thằng lính Pôn Pốt đang nhảy xổ vào một phụ nữ mang thai. Anh nhảy ra, chạy thẳng tới chỗ thằng giặc, đánh ngã nó và giật lấy súng…

Lúc đó Đông dữ tợn vô cùng. Dù rất khiếp hãi anh bạn cũng nhận ra được tiếng súng, tiếng hét của Đông. Ít nhất có mười thằng ngã xuống trước mũi súng của anh. Nhưng, anh không thể chống cự lại hàng trăm tên đang say máu. Chúng bắn anh, cắt đầu anh treo trên ngọn cây. Sau đó là gì? – Anh bạn không biết nữa, vì anh đã xỉu từ lúc nào. Có điều lạ – Anh bạn nói với mình – Trong chiến đấu Đông rất bình tĩnh, vừa chạy vừa bắn, vừa hô: “Một, hai, ba. Xung phong! Một, hai, ba. Xung phong!”… Như có hàng trăm người cùng chiến đấu bên anh vậy…

Minh dừng lại, chớp chớp mắt. Tôi biết chị là người không dễ khóc.

Chợt Minh đứng dậy, tới một góc lán, lấy cây AK bá xếp, khoác lên vai giọng đượm buồn: - Nguyên thấy không, Đông đã đếm “một, hai, ba” giống như mình ngày xưa, đã nhịp nhàng với tất cả chúng ta… Thôi mình phải đi họp đây. Cây đàn kia kìa, chơi đi. Chơi một bản thật nhịp nhàng…

Trần Ngọc Châu - Tháng 08.1978


Tài liệu do Ô. Ông văn Chiến và Nguyễn Giáo Hóa cung cấp. Hình sưu tầm thêm trên Internet và kho ảnh TNXP. Xin chân thành cám ơn các tác giả.



CÁC TIN TỨC KHÁC :
MÙA XUÂN CÔ ĐƠN - PHAN TÙNG CHÂU. (2017-05-25)
CÂU CHUYỆN ĐÊM GIAO THỪA - LÊ VĂN NGHĨA. (2017-05-24)
CON MÈO CỦA CON MÈO - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-23)
CÔ GÁI THỦ THÀNH - NGUYỄN NHẬT ÁNH. (2017-05-22)
MẮT NHÃN - TRẦN NGỌC CHÂU. (2017-05-21)
CHỐT GIAO THỪA - ĐÀO CÔNG ĐIỆN. (2017-05-20)
THÍM HAI THỂ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-19)
CẶP MẮT KÍNH PHÙ THỦY - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-18)
NỖI LO CỦA ÔNG TƯ - PHAN TIẾN TRÌNH. (2017-05-17)
CHIẾC MÁY QUAY PHIM 36 LY TRÊN DỐC ĐỎ - Trương Vĩnh Hòa. (2017-05-16)

web counter
web counter
  Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Cựu TNXP TP.HCM
  Địa chỉ: 760 lầu 2, Trần Hưng Đạo, Phường 7, Quận 5, TP.HCM

Phát triển web:    Đông Nam Á